Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh nấm da có lây không? Cách giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da

Ngày 13/06/2024
Kích thước chữ

Bệnh nấm da không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, làm mất thẩm mỹ mà còn có nguy cơ lây nhiễm khá cao. Với thắc mắc nấm da có lây không, câu trả lời là có. Vậy nấm da lây lan bằng cách nào và làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da.

Nấm da là tình trạng nhiễm trùng da, móng và tóc do một số loại vi nấm khác nhau gây ra. Bệnh ngoài da này gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, tuy không gây nguy hiểm nhưng mang đến triệu chứng khó chịu, gây mất thẩm mỹ, khó điều trị dứt điểm, dễ tái đi tái lại. Điều mà không ít người bệnh quan tâm là nấm da có lây không? Nếu cũng có chung thắc mắc này, cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về con đường lây nhiễm nấm da trong bài viết này bạn nhé!

Nấm da - Bệnh da liễu phổ biến tại Việt Nam

Bệnh nấm da là một bệnh ngoài da, do một số loại vi nấm gây ra. Tỷ lệ người bị nấm da trong cộng đồng khoảng 27.3%. Việt Nam là một nước có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều. Đây là điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp để nhiều loại vi nấm phát triển và gây bệnh.

Bệnh nấm da có lây không? Cách giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da 1
Có nhiều loại vi nấm gây bệnh nấm da khác nhau

Nấm tồn tại khắp nơi trong môi trường sống của chúng ta, từ đất, thực vật, không khí, động vật và con người. Độ pH 6.9 - 7.2 hơi kiềm, vùng da kín, nhiều nếp gấp, mồ hôi, ẩm ướt, miễn dịch suy giảm, dùng kháng sinh dài ngày, mặc đồ chật, bí, nhiệt độ nóng ẩm từ 27 - 35 độ C… tạo điều kiện lý tưởng cho vi nấm gây bệnh trên da. Một số loại vi nấm thường gây bệnh nấm da như: Candida, Malassezia, Dermatophytes…

Các bệnh nấm da phổ biến nhất

Trước khi giải đáp thắc mắc nấm da có lây không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số bệnh nấm da phổ biến. Nấm da có thể được phân loại theo vị trí bị nhiễm nấm hoặc theo loại vi nấm gây bệnh. Có nhiều cách phân loại bệnh nấm da, như một số bệnh nấm da thường gặp nhất là:

Bệnh lang ben

Bệnh lang ben do nấm Pityrosporum gây ra. Lang ben có thể có màu trắng hoặc đen. Bệnh gây ngứa nhiều, châm chích nhẹ, nhất là khi da đổ nhiều mồ hôi. Nấm da mặt cũng là dạng lang ben trên mặt, gặp nhiều ở trẻ em, thanh thiếu niên - độ tuổi có tuyến dầu nhờn trên da hoạt động mạnh.

Bệnh hắc lào

Bệnh hắc lào có triệu chứng là ngứa da xuất hiện cùng vệt màu hơi đỏ với bờ viền rõ rệt, trên viền có những mụn nước lấm tấm. Viền nấm lan ngày càng rộng và khi kích cỡ lớn tạo thành các hình đa cung. Khi người bệnh gãi, bệnh càng dễ lây lan khắp cơ thể.

Bệnh nấm kẽ

Nấm kẽ là bệnh nấm da do vi nấm Epidermophyton, Trichophyton hay Candida albicans gây ra. Bệnh này thường gặp ở người hay phải ngâm chân trong nước nhiều. Bệnh nấm kẽ thường có thể tróc vảy, thể mụn nước, thể viêm kẽ.

Bệnh nấm da có lây không? Cách giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da 2
Vi nấm có thể phát triển và gây bệnh ở nhiều vị trí khác nhau

Bệnh nấm móng

Nấm móng là bệnh do vi nấm Trichophyton gây ra. Nấm xuất hiện ở cạnh móng hoặc bờ tự do của móng. Khi mắc bệnh nấm móng, móng tay của người bệnh sẽ mất màu bóng, khuyết vào hoặc bị đẩy nhô lên. Bề mặt móng hình thành rãnh hoặc lỗ chỗ. Dưới rãnh có thể có chất bột vụn. Một số người gặp tình trạng móng tay sần sùi, vàng đục. 

Nấm móng do nấm Candida albicans gây ra khiến móng bị lồi lõm, da dưới móng bị sưng đỏ hoặc mưng mủ. Bệnh nấm móng có thể lây từ móng này sang móng khác.

Nấm da đầu

Nấm da đầu do vi nấm Trichophyton gây ra. Trên da người bị nấm da đầu xuất hiện các nốt sần nhỏ, phân tán rải rác, có thể xuất hiện các mảng vảy rất mỏng có kích cỡ khác nhau. Tại vị trí xuất hiện các mảng bong tróc, tóc sẽ bị rụng dẫn đến hình thành các mảng hói. 

Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, khiến người bệnh gãi nhiều làm tăng nguy cơ lây lan nấm trên diện rộng. Nấm da đầu có lây không? Giống như các bệnh nấm khác, nấm da đầu hoàn toàn có thể lây từ người bệnh sang người lành.

Bệnh nấm da có lây không?

Nấm da có lây không? Câu trả lời của các chuyên gia da liễu chắc chắn là có. Nấm - loại sinh vật không thể tự tổng hợp chất hữu cơ mà cần sống ký sinh vào vật chủ như thực vật, động vật và con người. Bào tử nấm có nhiều trong không khí và môi trường sống xung quanh chúng ta. Chúng cũng có trên cơ thể động vật và người bị nhiễm nấm. 

Nếu trong gia đình có ai đó bị nhiễm nấm thì nguy cơ những người khác bị lây nhiễm cũng khá cao. Nấm da cũng có thể lây từ vị trí này sang vị trí khác của cơ thể.

Bệnh nấm da có lây không? Cách giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da 3
Nấm da có lây không? Câu trả lời là có

Một số trường hợp lây bệnh phổ biến nhất thường là:

  • Người lành vô tình tiếp xúc với các bào tử nấm có trong môi trường tự nhiên như không khí, đất, nước, động thực vật… Khi các bào tử nấm bám vào quần áo, khăn mặt, làn da của người bệnh, chúng sẽ sinh sôi khi gặp điều kiện thuận lợi.
  • Bệnh nấm ở chó có lây sang người không? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng là có. Bệnh nấm da có thể lây nhiễm khi bạn tiếp xúc với động vật như chó, mèo, gà, vịt, thỏ… bị nhiễm nấm.
  • Dùng chung khăn tắm, khăn mặt, chăn ga, giường nệm với người bị nấm da cũng khiến bạn bị lây nhiễm nấm.
  • Những bề mặt ẩm ướt, lâu ngày không được lâu rửa khử trùng, không gian phòng kín, độ ẩm cao, ít ánh sáng là nơi lý tưởng để vi nấm phát triển. Nếu tiếp xúc với những môi trường này, khả năng nhiễm nấm cũng khá cao.
  • Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm nấm như: Da đổ nhiều mồ hôi nhưng không được làm sạch, đi giày dép chật khiến chân ra nhiều mồ hôi, mặc quần áo chật, chất liệu gây bí, không thấm hút mồ hôi…

Làm thế nào để giảm nguy cơ lây bệnh nấm da?

Nấm da có lây không đến đây bạn đã rõ. Vậy làm thế nào để giảm nguy cơ lây bệnh nấm da? Một số việc bạn nên làm để bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công của vi nấm như:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm gội thường xuyên tránh để da bị bẩn, ứ đọng mồ hôi.
  • Không nên đi chân trần tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đất bẩn, phòng tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng.
  • Mặc quần áo, đi giày dép vừa vặn. Chọn các chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
  • Không lạm dụng thuốc kháng sinh vì dùng kháng sinh dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển.
  • Không dùng chung quần áo, đồ vệ sinh cá nhân, dụng cụ tập luyện… với người khác, nhất là người bị bệnh nấm da.
  • Dùng găng tay, ủng, quần áo bảo hộ khi phải làm việc trong môi trường nước và đất bẩn.
  • Không nên tiếp xúc gần những vật nuôi bị nấm da.
Bệnh nấm da có lây không? Cách giảm nguy cơ lây nhiễm nấm da 4
Đi khám da liễu để biết chính xác mình nhiễm vi nấm gì nhằm điều trị hiệu quả

Tóm lại, với thắc mắc nấm da có lây không, câu trả lời là có. Nấm da có thể lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, từ người này sang người khác theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều cần nâng cao ý thức phòng bệnh và điều trị bệnh sớm nhất có thể. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bệnh da liễu