Bệnh tâm thần: Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và hướng điều trị
Ngày 17/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh tâm thần tuy không nguy hiểm đến tính mạng song lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần là gì? Đâu là các triệu chứng rối loạn tâm thần thường gặp? Hướng chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần như thế nào?
Tâm thần là một dạng bệnh tâm lý đặc trưng bởi các hành vi cá biệt khiến cho người bệnh mất đi khả năng ứng phó với các tình huống hàng ngày. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, hướng chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ lược về căn bệnh này trước nhé.
Tổng quan về bệnh tâm thần
Bệnh tâm thần còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như rối loạn tâm thần hay rối loạn tinh thần. Đây là một dạng bệnh lý có liên quan đến sức khỏe tâm thần, xảy ra khi hoạt động của não bộ bị rối loạn. Bệnh lý này đặc trưng bởi những biến đổi thất thường về lời nói, tác phong và hành vi…
Khi các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như các mối quan hệ trong xã hội của người bệnh.
Một số bệnh tâm thần thường gặp bao gồm bệnh Hysteria, tâm thần phân liệt, rối loạn khí sắc, động kinh rối loạn tâm thần do rượu, rối loạn lo âu, trầm cảm, hành vi gây nghiện và rối loạn ăn uống…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần thường không rõ ràng. Bệnh tâm thần có thể xuất phát từ:
Nguyên nhân thực thể: Tổn thương trực tiếp tại tổ chức não, chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm độc thần kinh, các bệnh mạch máu não, bệnh tổn thương thực thể tại não, các bệnh nội tiết, chuyển hóa và thiếu vitamin…
Nguyên nhân tâm lý: Loạn thần phản ứng trước các stress về tâm lý, xã hội hay bệnh tâm căn như Hysteria, tâm căn suy nhược, suy nhược tâm thần, ám ảnh.
Do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý như các loại thiểu năng trí tuệ bẩm sinh hay các trạng thái nhân cách bệnh.
Ngoài ra, bệnh tâm thần còn có thể xuất phát từ sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố khác nhau như di truyền, rối loạn chuyển hóa, tự miễn hoặc cấu tạo thể chất…
Bên cạnh đó, một số yếu tố được đánh giá là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần không thể không kể đến như:
Di truyền: Trong tâm thần học thì di truyền có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh tâm thần nhưng đây cũng có khi chỉ là nhân tố thuận lợi. Bệnh tâm thần có thể xuất hiện trong một gia đình có nhiều người mắc nhưng cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên trong một gia đình không có thành viên mắc bệnh. Song các nghiên cứu cho thấy bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần khi trong gia đình có người mắc bệnh.
Giới tính: Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới bị mắc trầm cảm cao hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Áp lực cuộc sống: Áp lực cuộc sống cũng là một trong những yếu tố được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Theo đó, áp lực cuộc sống khiến con người ta luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức hay thậm chí là ám ảnh, lâu dần dẫn đến stress và tâm thần.
Những biến động trong cuộc sống: Những biến động trong cuộc sống dù nhỏ hay lớn đều sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người trong cuộc. Nếu bạn không có đủ bản lĩnh để vượt quá, tình trạng stress kéo dài sẽ có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần.
Một số triệu chứng rối loạn tâm thần
Một số triệu chứng rối loạn tâm thần thường gặp có thể kể đến như:
Rối loạn cảm giác: Tăng cảm giác, giảm cảm giác và rối loạn cảm giác bản thể.
Ảo tưởng: Người bệnh cảm nhận sai lệch toàn bộ về một sự vật, hiện tượng có thật trong hiện tại khách quan, bao gồm ảo tưởng cảm xúc, ảo tưởng lời nói và ảo ảnh kỳ lạ…
Ảo giác: Người bệnh cảm giác tri giác như có thật về một sự vật, hiện tượng không hề tồn tại trong thực tại khách quan. Ảo giác có thể kèm theo hoặc không kèm theo rối loạn về ý thức hoặc rối loạn về tư duy. Ảo giác có thể xuất hiện lẫn lộn với sự vật thực hoặc xuất hiện riêng lẻ.
Rối loạn ngôn ngữ: Đây là rối loạn tâm thần rất đa dạng với nhiều biểu hiện như người bệnh nói nhanh, nói chậm, không nói, nói ngắt quãng, nói lải nhải, nói một mình, nói giả giọng địa phương, nói đảo lộn ngữ pháp hoặc tự đặt ra tiếng nói riêng mà người bình thường không thể hiểu được.
Ám ảnh: Người bệnh có những ý tưởng không thực tế, biết nó là sai, người bệnh tự đấu tranh để xua đuổi nó nhưng không thành. Ý tưởng ám ảnh vẫn luôn xuất hiện trong ý thức của người bệnh với tính chất cưỡng bách.
Hoang tưởng: Đây là những ý nghĩ và phát đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế sinh ra bởi bệnh tâm thần song người bệnh cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích và không thể đả thông giúp người bệnh hiểu được. Hoang tưởng chỉ biến mất khi bệnh tâm thần thuyên giảm hoặc khỏi.
Rối loạn cảm xúc: Tăng cảm xúc, giảm cảm xúc hay thậm chí là mất cảm xúc.
Rối loạn ý chí và hành động: Người bệnh ở trạng thái tăng ý chí thì ngôn ngữ và hành vi được tăng cường, người bệnh luôn đi lại, nói nhiều, vui vẻ còn người bệnh ở trạng thái giảm ý chí thì ngồi lì, không tiếp xúc, thờ ơ với mọi việc xung quanh, không tham gia các hoạt động tập thể…
Rối loạn bản năng: Đây là dạng rối loạn khá phức tạp, đôi khi khó lường trước được hậu quả, người bệnh có thể có những cơn xung động đập phá la hét, đánh người, cơn trộm cắp, nghiện ngập, cơn loạn dâm…
Rối loạn trí nhớ: Người bệnh có thể tăng trí nhớ, giảm trí nhớ hoặc loạn nhớ.
Hướng điều trị bệnh tâm thần
Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh tâm thần là phối hợp điều trị thuốc và liệu pháp tâm lý. Một số phương pháp thường được áp dụng trong điều trị bệnh tâm thần như:
Liệu pháp hoá dược
Liệu pháp hoá dược được sử dụng khá phổ biến trong tâm thần học, đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Liệu pháp này có tác dụng cải thiện các triệu chứng loạn thần và hành vi nguy hiểm nhanh chóng. Trong giai đoạn ổn định, tùy theo tiến triển của bệnh mà các bác sĩ sẽ cân nhắc có áp dụng liệu pháp hoá dược hay không.
Sốc điện
Sốc điện là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tâm thần. Phương pháp này hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần thông qua việc sử dụng một dòng điện chạy qua não trong một thời gian ngắn gây cơn co giật. Sau sốc điện, tình trạng tâm thần của người bệnh sẽ được cải thiện tốt hơn.
Sốc điện chỉ định trong các trường hợp: Trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát, trạng thái căng trương lực cơ ở bệnh tâm thần phân liệt…
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là liệu pháp tác động vào tâm lý người bệnh, tạo niềm tin cho người bệnh đồng thời tạo ra không khí thoải mái, từ đó giảm căng thẳng thần kinh.
Liệu pháp tâm lý bao gồm:
Liệu pháp tâm lý gián tiếp: Tác động vào tâm lý của người bệnh thông qua môi trường xung quanh.
Liệu pháp tâm lý trực tiếp: Tác động đến tâm lý người bệnh thông qua lời nói.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị bệnh tâm thần. Hy vọng, với những chia sẻ trên, bạn đọc sẽ hiểu hơn về bệnh lý này. Hãy tiếp tục theo dõi và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Đã kiểm duyệt nội dung
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.