Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày 27/04/2021
Kích thước chữ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là bệnh truyền nhiễm thường gặp, có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Số ca mắc bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng đã và đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Trẻ sốt cao không hạ, hay giật mình và quấy khóc là những triệu chứng sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tay chân miệng có thể dẫn đến biến chứng như:  Viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não,… thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường do nhóm virus đường ruột gây ra. Điển hình là 2 loại virus Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackievirus A16 (nhóm A16). Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng nhẹ, ít biến chứng và có thể tự khỏi trong vài ngày. Enterovirus 71 gây các biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong. Các virus đường ruột gây bệnh nhẹ khác thường sống trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt của người bệnh.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus tay chân miệng thường trú ngụ chủ yếu tại niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột, sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết xung quanh, rồi xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Điểm dừng cuối cùng của chúng là niêm mạc miệng và da.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Trẻ em trên 5 tuổi hoặc người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn. Thời gian cao điểm của bệnh diễn ra vào mùa hè và đầu mùa thu ở vùng ôn đới. Riêng những quốc gia thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Với trẻ nhỏ thường xuyên đến những nơi công cộng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trịBệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ thường do virus đường ruột gây ra

Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng

Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ giúp cho việc điều trị được thuận lợi, hạn chế những tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ. Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em cần được chú ý:

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh miệng là xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.

Tình trạng loét miệng là một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh tay chân miệng. Các vị trí thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Những vết loét có thể thay đổi từ một đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 mm – 3 mm. Loét miệng sẽ khiến trẻ nhỏ có cảm giác đau rát khi ăn, uống. Đây chính là lý do trẻ không chịu ăn, không chịu bú, và thường chảy nước miếng liên tục.

Nếu trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 1Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ giúp hạn chế các tác hại xấu đến sức khoẻ

Các biến chứng nguy hiểm

Nếu phát hiện sớm, bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như:

  • Trẻ có thể bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bố mẹ cần cho trẻ nhập viện để được điều trị.
  • Một số biến chứng hiếm gặp khác bao gồm: Bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng viêm não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân  run, co giật, sốt cao, méo miệng. Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
  • Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì trẻ cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 2Bệnh tay chân miệng ở trẻ nếu phát hiện trễ sẽ dẫn đến tử vong rất nguy hiểm.

Cách điều trị tay chân miệng hiệu quả

Khi phát hiện trẻ nhỏ có một số dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần sớm đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm để chẩn đoán đúng bệnh.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 3Nên đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt khi phát hiện các dấu hiệu bất thường

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân tại nhà và điều trị các triệu chứng bằng cách sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Bạn có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau trong trường hợp bé bị sốt cao. Bố mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ.

Trong thời gian này, cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.

Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, gây tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các loại hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị 4Bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn dạng lỏng, nguội và dễ tiêu hóa.

Bố mẹ cũng cần chú ý vệ sinh da cho bé nhằm tránh bội nhiễm vi khuẩn bằng cách: Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh, lá chân vịt…Sau khi tắm, sử dụng dung dịch Betadine để bôi lên các nốt bỏng nước trên da . Lưu ý cần theo dõi bé thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị biến chứng nguy hiểm nếu có.

Phương Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin