Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Béo phì độ 2 là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Béo phì độ 2 được phân loại theo y tế là một dạng béo phì có mức độ nghiêm trọng vừa phải nhưng cũng rất cần được quan tâm. Chỉ số BMI của béo phì độ 2 là từ 35 đến 40. Béo phì độ 2 có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu không được cải thiện hay điều trị.

Có thể bạn không biết vấn đề béo phì đã đạt đến mức được coi là đại dịch ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở Việt Nam, béo phì cũng ngày càng được quan tâm hơn. Vậy béo phì độ 2 là gì và ảnh hưởng của tình trạng này với sức khỏe ra sao?

Nguyên nhân gây béo phì độ 2

Béo phì độ 2 có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

  • Yếu tố dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không cân đối, sử dụng thực phẩm giàu calo, chất béo, đường và ít chất xơ. Thường xuyên tiêu thụ lượng thức ăn lớn hơn nhu cầu thực tế của cơ thể.
  • Thiếu hoạt động thể chất: Lối sống ít hoạt động, ngồi nhiều, không tập thể dục đều đặn.
  • Yếu tố di truyền và gia đình: Đột biến gen liên quan đến béo phì, khả năng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Môi trường sống trong gia đình có thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
  • Yếu tố tâm lý: Stress và căng thẳng khiến chúng ta ăn uống theo cảm xúc khi gặp căng thẳng, áp lực công việc. Tình trạng trầm cảm cũng có thể dẫn đến rối loạn ăn uống và béo phì.
  • Yếu tố nội tiết: Các bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), cường tuyến giáp gây rối loạn chuyển hóa có thể gây béo phì. Sự thay đổi hormone trong cơ thể do tuổi tác, mang thai hoặc mãn kinh cũng vậy.
  • Thuốc và bệnh lý: Một số loại thuốc như Corticosteroid, thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân. Các bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm khớp và bệnh tim mạch có thể góp phần vào béo phì.

Những yếu tố này thường không tồn tại độc lập mà có thể tương tác lẫn nhau, làm tăng nguy cơ béo phì độ 2. Việc nhận biết và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ này sẽ giúp kiểm soát và ngăn chặn tình trạng béo phì hiệu quả hơn.

Béo phì độ 2 là gì? Có nguy hiểm không 1
Béo phì độ 2 có thể do một hay nhiều nguyên nhân gây ra

Béo phì loại 2 ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Béo phì loại 2 còn được gọi là béo phì ở mức độ trung bình và đứng thứ hai trên thang đo BMI. Những người có chỉ số khối cơ thể từ 35 đến 39,9 được coi là béo phì độ 2. Những người thuộc nhóm này có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Béo phì độ 2, hay còn gọi là béo phì vừa phải, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dưới đây là một số ảnh hưởng chính:

  • Rối loạn chuyển hóa: Béo phì dẫn đến kháng insulin, tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2. Ngoài ra người bệnh có thể gặp các vấn đề như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tăng đường huyết.
  • Bệnh lý tim mạch: Béo phì góp phần làm tăng áp lực lên thành mạch, gây tăng huyết áp. Nguy cơ bị bệnh lý mạch vành, đau ngực và nhồi máu cơ tim tăng lên.
  • Rối loạn hô hấp: Mỡ tích tụ quanh cổ làm hẹp đường thở, dẫn đến ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hít thở khác.
  • Bệnh lý cơ xương khớp: Tăng trọng lượng cơ thể làm gia tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối và hông. Ngoài ra áp lực trọng lượng gây tăng cường sự phá hủy sụn khớp và phát triển của bệnh thoái hóa khớp.
  • Ung thư: Béo phì liên quan đến tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt,…
  • Rối loạn chức năng gan: Tích tụ mỡ trong gan, dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ và xơ gan, mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu,…
  • Sức khỏe tâm lý: Tự ti về hình thể, kỳ thị xã hội, nguy cơ cao bị trầm cảm và rối loạn lo âu ở người béo phì độ 2
  • Rối loạn ăn uống: Có thể dẫn đến ăn quá độ hoặc rối loạn ăn uống khác.
  • Rối loạn chức năng sinh sản: Ở phụ nữ béo phì thường bị kinh nguyệt không đều, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và gặp khó khăn trong việc thụ thai. Ở nam giới béo phì khiến testosterone giảm, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
  • Hệ tiêu hóa: Béo phì độ 2 gây tăng áp lực trong bụng gây trào ngược axit lên thực quản.

Béo phì độ 2, hay còn gọi là béo phì vừa phải, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để giảm bớt những tác động tiêu cực này, việc thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn và quản lý căng thẳng là rất quan trọng. Điều này có thể giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Béo phì độ 2 là gì? Có nguy hiểm không 2
Người béo phì độ 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch

Điều trị béo phì độ 2

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh béo phì độ 2 là giảm cân và giảm chỉ số BMI của bạn xuống mức khỏe mạnh từ 18,5 đến 24,9. Để đáp ứng giảm cân trong điều trị béo phì, người bệnh cần kiên trì và đòi hỏi phải thay đổi lối sống vĩnh viễn. Những thay đổi này có thể bao gồm:

Ăn uống lành mạnh

Việc sửa đổi thói quen ăn uống sẽ là một trong những yếu tố góp phần lớn nhất giúp bạn giảm cân. Hầu hết những người đã rơi vào tình trạng béo phì đều có thói quen ăn quá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Tránh đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống nhiều đường và đồ ăn nhẹ có hàm lượng calo cao, thay vào đó là trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm chỉ số BMI của bạn.

Béo phì độ 2 là gì? Có nguy hiểm không 3
Thay đổi chế độ ăn uống giúp bạn giảm cân hiệu quả 

Hoạt động thể chất thường xuyên

Sống một cuộc sống ít vận động là một nguyên nhân khác gây ra béo phì. Giảm cân để khỏe mạnh hơn sẽ đòi hỏi bạn phải đứng dậy và vận động. Bạn sẽ cần tập thể dục mỗi ngày như đi bộ, bơi lội, chạy bộ, tập gym, yoga,...

Nếu bạn chưa có thói quen tập thể dục hằng ngày, bạn có thể bắt đầu chậm rãi bằng cách đi bộ trong khoảng 10 hoặc 15 phút vài lần một ngày, sau đó tăng thêm thời gian cho việc đi bộ và tăng tốc độ khi bạn có thể. Cơ thể cần làm quen với các hoạt động thể chất, chỉ cần bạn kiên trì tập luyện và ăn uống khoa học, béo phì sẽ không còn là vấn đề bạn lo lắng.

Béo phì độ 2 là gì? Có nguy hiểm không 4
Tập thể dục hằng ngày giúp bạn nâng cao sức khỏe, tránh xa béo phì 

Nhận sự giúp đỡ

Bởi vì béo phì là một căn bệnh rất phức tạp và ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau, nên nếu bạn nhận thấy việc thay đổi lối sống, ăn uống chưa đủ để giúp bạn giảm cân xuống mức khỏe mạnh thì bạn có thể nhận sự giúp đỡ từ y tế và chuyên gia dinh dưỡng. Nhận trợ giúp từ bác sĩ được đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng có thể giúp bạn xác định những trở ngại cản trở việc giảm cân của bạn và giúp bạn vượt qua chúng để có thể đạt được mục tiêu của mình.

Béo phì độ 2 là tiếng chuông cảnh báo cho chúng ta về tình trạng sức khỏe có thể đang gặp nhiều vấn đề. Béo phì độ 2 có thể là sản phẩm của một lối sống không lành mạnh, thiếu khoa học hoặc cơ thể đang mắc bệnh hoặc một rối loạn nào đó. Tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết vấn đề béo phì càng sớm càng tốt nếu bạn muốn khỏe mạnh và hạnh phúc.

Xem thêm: Phân độ béo phì là gì? Có những những cách chia nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin