Bị Adeno rồi có bị lại không? Triệu chứng và cách phòng ngừa Adenovirus
Ngày 30/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
"Bị Adeno rồi có bị lại không?" là thắc mắc của nhiều người, đặc biệt khi loại virus này thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ lây lan. Sau khi mắc bệnh, liệu cơ thể có miễn dịch hoàn toàn hay vẫn có nguy cơ tái nhiễm là điều cần được làm rõ. Hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng điển hình của Adenovirus và cách phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Những năm gần đây, số lượng ca nhiễm bệnh do Adenovirus gây ra tăng mạnh, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, “bị Adeno rồi có bị lại không?” là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân sau khi bản thân hay có người nhà vừa khỏi bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các thông tin về loại virus này cũng như cách phòng ngừa chúng bạn nhé!
Bị Adeno rồi có bị lại không?
Adenovirus là loại virus có kích thước nhỏ, chứa ADN. Có 7 loài gây bệnh ở người được đánh dấu từ A - G với hơn 50 type huyết thanh khác nhau. Giữa những type gây bệnh của Adenovirus không có miễn dịch chéo, nghĩa là người bệnh sau khi mắc type này vẫn có thể bị nhiễm bệnh lần sau do type khác. Do đó, để giải đáp cho thắc mắc bị Adeno rồi có bị lại không thì câu trả lời là bệnh có khả năng quay trở lại.
Adenovirus chủ yếu gây ra các bệnh cảm lạnh thông thường và một vài các bệnh khác nhau tùy thuộc vào type huyết thanh khác nhau. Loại virus này gây bệnh ở tất cả đối tượng ở mọi độ tuổi, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, người có bệnh tim hoặc đang mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Khả năng tồn tại ngoài môi trường của Adenovirus
Virus này có thể tồn tại lâu trong không khí, do đó bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm bệnh (qua da, qua nói chuyện,...) hoặc gián tiếp trên các bề mặt cứng như bàn, ghế, quần áo, khăn, ly,... từ vài ngày đến vài tuần. Ngoài ra, do các triệu chứng bệnh tương tự như cảm cúm thông thường, người bệnh thường chủ quan dẫn tới việc virus càng dễ lây lan ra môi trường xung quanh.
Khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài là một trong những yếu tố chính cho việc dễ dàng lây lan của loại virus này. Với nhiệt độ phòng, virus có thể tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí lên đến cả tháng, môi trường bẩn và không vệ sinh thường xuyên có thể kéo dài thời gian sống của chúng, virus này còn có khả năng kháng lại một số chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, nhiệt độ từ 56 độ C trở lên trong vòng 3 - 5 phút có thể giúp giảm độc lực và tiêu diệt chúng, cũng có thể dùng nhiệt độ 100 độ C, dung dịch cloramin B và tia cực tím để diệt trùng các bề mặt có Adenovirus.
Triệu chứng nhiễm Adenovirus
Adenovirus có nhiều type khác nhau và gây bệnh trên nhiều cơ quan khác nhau. Do đó, các triệu chứng khi nhiễm Adenovirus rất đa dạng về bộ phận bị ảnh hưởng cũng như mức độ trầm trọng của bệnh. Thường thấy là các triệu chứng trên đường hô hấp, mắt, tiêu hóa,... Ở người khỏe mạnh, các triệu chứng có thể nhẹ và khó nhận biết và phân biệt so với cảm cúm thông thường.
Triệu chứng được ghi nhận phổ biến như: hắt hơi, sổ mũi, ho, đau họng, đau đầu, có thể sốt ở vài người. Đối với người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em hay người có bệnh nền, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng. Sau đây là một số bệnh có thể gây ra bởi Adenovirus:
Viêm dạ dày ruột cấp tính (tiêu chảy, nôn ói, đau dạ dày);
Viêm màng não;
Viêm bàng quang xuất huyết.
Các triệu chứng hô hấp nhẹ thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, các bệnh nghiêm trọng hơn có thể kéo dài trong nhiều tuần. Hiện tại chưa có thuốc đặc trị virus này. Do đó, phác đồ điều trị hiện tại là điều trị các triệu chứng bằng các thuốc không kê đơn nếu điều trị tại nhà, bổ sung nước, bổ sung các loại vitamin. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, cần đi khám và gặp bác sĩ để được điều trị phù hợp, tránh tình trạng xuất hiện biến chứng và lây lan cho người xung quanh.
Phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa
Thông thường bệnh được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm Adenovirus để giúp xác định và phân biệt với các bệnh khác. Từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Mặc dù các triệu chứng là nhẹ và hầu hết các bệnh nhân đều có thể phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn có ghi nhận những ca tử vong do virus này gây ra, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và người suy giảm miễn dịch.
Bị Adeno rồi có bị lại không? Câu trả lời là có. Do đó, việc phòng ngừa là rất quan trọng đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam chúng ta chưa có vắc xin cho virus adenovirus. Bên cạnh đó, sự đa dạng các chủng gây bệnh cũng là thách thức cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần tạo các thói quen tốt để giúp ngăn ngừa nhiễm virus. Các thói quen đó có thể là rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, vệ sinh nhà cửa, dụng cụ sạch sẽ, ăn chín uống sôi,...
Ngoài ra, việc tập luyện sức khỏe đều đặn, ăn uống đủ chất giúp tăng cường đề kháng cũng là một biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi loại virus này nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung. Nhà thuốc Long Châu hi vọng rằng bài viết này đã giải đáp thắc mắc bị Adeno rồi có bị lại không cho các bạn, đồng thời cũng giúp các bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích cho mình và gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.