Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế cụ thể như thế nào?

Ngày 11/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm kết mạc là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt có thể do vi khuẩn, virus hoặc tác nhân dị ứng gây ra. Do đó, dựa vào nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế, các bác sĩ sẽ đưa biện pháp điều trị phù hợp.

Viêm kết mạc là bệnh lý nhiễm trùng ở mắt, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vậy làm thế nào để điều trị? Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế bao gồm những gì? Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!

Viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt. Nguyên nhân gây viêm kết mạc có thể do vi khuẩn, virus hoặc do các tác nhân dị ứng gây ra.

  • Vi khuẩn: Bao gồm một số loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu (Streptococcus Pyogene), lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), bạch hầu (C. Diphtheria), Haemophilus influenzae,... Bệnh có thể lây qua tiếp xúc dịch tiết hoặc có dính dịch tiết chạm vào mắt.
  • Virus: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, thường do Adenovirus, Enterovirus gây ra.
  • Dị ứng: Thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng với một số tác nhân như bụi, lông động vật, phấn hoa, hóa chất hoặc dị ứng do thay đổi thời tiết,...
Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế 1
Viêm kết mạc có thể do vi khuẩn, virus hoặc do các tác nhân dị ứng gây ra

Các triệu chứng của viêm kết mạc

Triệu chứng của viêm kết mạc mắt thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Viêm kết mạc do vi khuẩn

Các triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn bao gồm:

  • Ngứa, chảy nước mắt;
  • Kết mạc mắt đỏ;
  • Sốt;
  • Xuất hiện dịch, mủ hoặc gỉ mắt màu vàng hoặc xanh ở mí mắt;
  • Bệnh có thể xuất hiện ở một mắt sau đó lan sang mắt còn lại.

Viêm kết mạc do virus

Các triệu chứng viêm kết mạc do virus bao gồm:

  • Ngứa, cảm giác cộm ở mắt, chảy nước mắt;
  • Kết mạc mắt đỏ;
  • Phù mi, xuất hiện giả mạc;
  • Một số triệu chứng khác kèm theo như ho, sốt, viêm họng, nổi hạch.

Viêm kết mạc do dị ứng

Các triệu chứng điển hình của viêm kết mạc do dị ứng bao gồm:

  • Chảy nước mắt, ngứa mắt;
  • Bệnh thường kèm theo viêm mũi dị ứng;
  • Bệnh xuất hiện theo mùa, hay tái phát và thường bị viêm ở cả hai mắt.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm kết mạc có thể biến chứng, gây ra tình trạng viêm loét giác mạc, áp xe giác mạc, thậm chí là suy giảm thị lực. Do đó, khi thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, bạn nên đi khám bác sĩ hoặc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị.

Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế 2
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm kết mạc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm

Vậy phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu câu trả lời trong phần tiếp theo của bài viết.

Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, nguyên tắc điều trị và phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Thông tin về phác đồ điều trị viêm kết mạc dưới đây tham khảo từ "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt" Ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Phác đồ điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn, virus

Nguyên tắc điều trị bao gồm:

  • Điều trị tích cực và khẩn trương.
  • Điều trị tại chỗ và toàn thân.
  • Điều trị theo nguyên nhân.
  • Phát hiện nguồn lây để điều trị và phòng lây lan.

Phác đồ điều trị bao gồm:

  • Vệ sinh mắt, bóc màng hàng ngày, rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% để sát khuẩn và loại bỏ dịch, mủ.
  • Trong những ngày đầu của bệnh, sử dụng các thuốc kháng sinh tra mắt nhiều lần như Aminoglycosid (Tobramycin,...), Fluoroquinolon (Ofloxacin, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin, Gatifloxacin,…). Thận trọng khi dùng Corticoid (Prednisolon acetat, Fluorometholon,...). Khi bệnh đã thuyên giảm có thể giảm số lần sử dụng.
  • Ngoài kháng sinh tra mắt, có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo, dinh dưỡng giác mạc để tăng khả năng phục hồi tổn thương của mắt.
  • Các loại thuốc kháng sinh đường dùng toàn thân chỉ sử dụng trong viêm giác mạc do lậu cầu, bạch hầu. Có thể sử dụng một số loại thuốc kháng sinh sau khi bệnh tiến triển nặng, kèm theo các triệu chứng toàn thân: Cephalosprin thế hệ 3 (Với người lớn, nếu giác mạc chưa loét, dùng liều duy nhất 1g tiêm bắp. Nếu giác mạc bị loét, dùng liều 1g x 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch. Với trẻ em, dùng liều duy nhất 125mg tiêm bắp hoặc 25mg/kg cân nặng 2 - 3 lần/ngày x 7 ngày tiêm bắp).
  • Chống chỉ định Fluoroquinolone cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế 3
Cần tuân thủ phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế

Phác đồ điều trị viêm kết mạc do dị ứng

Nguyên tắc điều trị bao gồm:

  • Ngừng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (nếu xác định được).
  • Chống dị ứng tại chỗ và toàn thân.

Phác đồ điều trị bao gồm:

  • Loại trừ tác nhân gây dị ứng bằng rửa mắt bằng dung dịch như nước muối sinh lý 0.9%.
  • Sử dụng các loại thuốc tra mắt như Corticosteroid (Prednisolon acetate 1%, Fluorometholone 0,1% 6 - 8 lần/ngày, trong vài ngày đầu, sau đó bệnh giảm có thể tra rút xuống 3 - 4 lần/ngày và dừng khi các triệu chứng khỏi hẳn).
  • Nếu da mi phù, đỏ ngứa, có thể dùng thuốc mỡ có corticoid như mỡ hydrocortison 1%, bôi da mi 3 lần/ngày.
  • Sử dụng các loại thuốc uống chống dị ứng đường dùng toàn thân như Loratadine, Fexofenadine hydrochloride. Với Loratadine 10mg, ở người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi uống 1 viên/ngày, trẻ em từ 6 - 12 tuổi trên 30kg uống 1 viên/ngày, trẻ từ 6 - 12 tuổi dưới 30kg uống ½ viên/ngày. Với Fexofenadine hydrochloride, người lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi uống 60mg/viên x 2 lần/ngày hoặc 120 -1 80mg/1 lần/ngày.
  • Trong những trường hợp viêm giác mạc do dị ứng có kèm theo triệu chứng toàn thân nặng, cần phối hợp hoặc chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa dị ứng.

Các biện pháp phòng tránh viêm kết mạc

Để bảo vệ mắt và phòng tránh viêm kết mạc, bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây:

  • Sử dụng khăn mặt, đồ dùng cá nhân riêng biệt cho từng người trong nhà, nơi làm việc và học tập.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn hàng ngày, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với mắt hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Không dụi mắt, che miệng mũi khi hắt hơi.
  • Cẩn trọng khi sử dụng kính áp tròng, len.
  • Sử dụng kính để bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường có các tác nhân gây dị ứng như khói, bụi, phấn hoa, hóa chất,...
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin tốt cho mắt như vitamin A, E, C,...
Phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế 4
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin tốt cho mắt như vitamin A, E, C,...

Tóm lại, dựa vào nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị viêm kết mạc Bộ Y tế, các bác sĩ sẽ đưa biện pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị nên tiến hành càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm loét giác mạc, suy giảm thị lực,... Do đó, khi thấy các triệu chứng bất thường ở mắt bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. 

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn. Lưu ý rằng mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chỉ định điều trị từ bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm