Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Biết cách sơ cứu nhồi máu cơ tim cho bạn cơ hội thoát tử thần

Ngày 10/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thống kê của Hội Tim mạch Mỹ - AHA, có đến 50% các trường hợp nhồi máu cơ tim tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Cách duy nhất để giảm thiểu tỷ lệ này chính là sơ cứu nhồi máu cơ tim đúng cách trước khi đưa vào bệnh viện. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn cách sơ cứu nhồi máu cơ tim chuẩn nhất.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao. Không những thế, tình trạng này còn diễn biến rất nhanh, khiến cho bạn và người thân rơi vào thế bị động. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo bạn cần tìm hiểu thật kỹ cách sơ cứu nhồi máu cơ tim đơn giản để bảo vệ chính mình và người thân trong tình huống khẩn cấp.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Người bệnh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim nếu một trong hai động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn Người bệnh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim nếu một trong hai động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn

Tim là cơ quan rất quan trọng đối với cơ thể. Nó giữ vai trò bơm máu đi nuôi các cơ quan khác. Tim được nuôi dưỡng bằng 2 nhánh mạch máu gồm động mạch vành phải và động mạch vành trái. Người bệnh sẽ dễ bị rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim nếu một trong hai động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Nguyên nhân chính gây tắc động mạch vành là do các mảng xơ vữa được cấu thành tử cholesterol và các chất thải trong máu được tích tụ lại tại thành động mạch. Đến một lúc nào đó, các mảng xơ vữa sẽ bị bong tróc và nứt vỡ. Từ đó hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng mạch máu, khiến cho máu không thể lưu thông đến tim. Điều này sẽ dẫn đến hoại tử và chết vùng cơ tim, gây nên tình trạng nhồi máu cơ tim.

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim

Qua số liệu nghiên cứu do Đại học Arkansas (Hoa Kỳ) cho thấy 95% số người sống sót sau nhồi máu cơ tim đã có dấu hiệu trước đó một vài tuần thậm chí là vài tháng. Tuy nhiên, đa số người bệnh đều chủ quan và bỏ mặc. Hoặc chính bản thân người bệnh cũng không biết đấy chính là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim sắp xảy ra.

Đau thắt ngực là một dấu hiệu nguy hiểm của nhồi máu cơ tim Đau thắt ngực là một dấu hiệu nguy hiểm của nhồi máu cơ tim

Việc phát hiện sớm cơn nhồi máu cơ tim có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và tính mạng của bạn. Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim mà bạn cần chú ý:

  • Đau thắt ngực: Đây là một dấu hiệu nguy hiểm. Một số người bệnh sẽ có cảm giác như có bàn tay ai đó bóp thắt lấy tim hoặc có vật nặng đè lên ngực. Trong khi đó, một số khác lại có cảm giác bỏng rát, đau nhói như kim châm. Đa số các cơn đau sẽ xuất hiện ở bên ngực trái hoặc giữa ngực. Cơn đau cũng có thể lan lên cổ, vai, hàm, cánh tay trái hoặc cả hai tay rồi biến mấy sau vài phút và quay trở lại.
  • Mệt mỏi: Tất cả người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi lặp đi lặp lại nhiều lần dù trước đây chưa từng bị trong khoảng vài ngày trước khi bị nhồi máu cơ tim.
  • Khó thở: Dấu hiệu này có thể xảy ra trước hoặc xảy ra đồng thời với cơn đau thắt ngực.
  • Buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu: Các dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới.

Bên cạnh các triệu chứng điển hình trên thì người bệnh nhồi máu cơ tim còn có thể có các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, toát mồ hôi lạnh, lo lắng quá mức,...

Cách sơ cứu nhồi máu cơ tim

Theo các chuyên gia y tế, đối với chứng nhồi máu cơ tim, thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh. Chính vì vậy, trong tình huống khẩn cấp bạn cần phải bình tĩnh và gọi cấp cứu nay. Trong thời gian chờ cấp cứu, bạn cần thực hiện một số thao tác sơ cứu nhồi máu cơ tim cơ bản để giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Thời điểm để xử lý cơn nhồi máu cơ tim hiệu quả nhất là hai tiếng từ khi xảy ra cơn đau thắt ngực. Dưới đây là cách sơ cứu nhồi máu cơ tim mà bạn cần biết:

Đối với chứng nhồi máu cơ tim, thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh Đối với chứng nhồi máu cơ tim, thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sinh mạng của người bệnh

Nếu bạn là người bệnh

  • Ngay lập tức dừng mọi công việc đang làm. Ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế co đầu gối, nằm nghiêng 75 độ so với mặt đất.
  • Cởi bớt áo ngoài và nới rộng cà vặt, khăn quàng cổ (nếu có).
  • Hít sâu và thở ra từ từ để nhịp tim ổn định luôn.
  • Nếu có hãy uống một liều thuốc trị đau thắt ngực theo đơn của bác sĩ. Nếu sau 5 phút mà tình trạng đau thắt vẫn chưa đỡ thì có thể dùng thêm một liều nữa.
  • Nếu bạn đang được kê đơn cho uống aspirin thì hãy uống một viên để ngăn ngừa cục máu đông phát triển.

Nếu bạn là người nhận thấy ai đó bị nhồi máu cơ tim

Đối với người bệnh còn tỉnh táo, bạn hãy để người bệnh nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở nơi thoáng đãng. Bạn cần trấn an người bệnh, tránh hỏi quá nhiều hay nói to vì có thể khiến cho người bệnh căng thẳng. Nếu người bệnh được chỉ định uống aspirin hoặc nitroglycerin thì hãy cho họ uống ngay.

Đối với người bệnh đã bất tỉnh, bạn có thể thực hiện 2 cách sơ cứu nhồi máu cơ tim sau. Tuy nhiên, bạn chỉ thực hiện các kỹ thuật sơ cứu nhồi máu cơ tim này khi đã được huấn luyện thực hành.

  • Ép tim ngoài lồng ngực: Bạn hãy để người bệnh nằm trên một mặt phẳng cứng, còn bạn thì quỳ gối phía bên trái. Sau đó, chồng hai bàn tay lên và đặt trước tim, vị trí giữa ngực. Tiếp theo, bạn hãy dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống lồng ngực rồi nới lỏng tay. Liên tục lặp lại động tác này khoảng 60 lần một phút để tăng co bóp tim.
  • Hô hấp nhân tạo: Hãy đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng rồi nói rộng quần áo của bệnh nhân. Kiểm tra xem trong miệng bệnh nhân có dị vật hay không, rồi kê cao cổ và để đầu hơi ngửa ra sau. Sau đó, bịt mũi bệnh nhân rồi dùng miệng mình thổi hơi vào miệng bệnh nhân nhiều lần.

>>> Có thể bạn chưa biết: Tunadimet 75mg - Được sử dụng trong dự phòng bậc hai làm giảm nguy cơ tai biến tim mạch sau nhồi máu cơ tim, đột quỵ!

Sơ cứu nhồi máu cơ tim đúng cách và kịp thời không chỉ giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm mà còn giảm được tối đa các biến chứng nhồi máu cơ tim sau đó. Dù được sơ cứu nhưng vẫn phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị. Hy vọng qua bài viết này bạn có thể nắm được cách sơ cứu nhồi máu cơ tim chuẩn nhất và ứng phó được với những tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ngọc Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm