Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Bớt cà phê sữa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bớt cà phê sữa

Ngày 26/05/2024
Kích thước chữ

Bớt cà phê sữa là một tình trạng da liễu thường gặp ở nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về cách điều trị hiệu quả loại bớt này. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về những thông tin xoay quanh chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng bớt cà phê sữa khiến nhiều người cảm thấy vô cùng tự ti. Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc liệu cách nào để điều trị vết bớt này không. Trong bài viết dưới đây, hãy để Nhà thuốc Long Châu giúp bạn giải đáp về dấu hiệu, cách chẩn đoán và phương pháp trị liệu bớt cà phê sữa nhé!

Bớt cà phê sữa là gì?

Bớt màu cà phê sữa hay còn được biết đến là một vết bớt nâu xuất hiện trên da. Đây là một rối loạn sắc tố da có sẵn từ khi bẩm sinh. Nó rất dễ quan sát và có thể thay đổi được màu sắc từ nâu nhạt sang nâu đậm khi trưởng thành.

Bớt cà phê sữa có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi, giới tính nào. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có sự khác biệt giữa các chủng tộc. Theo đó, người da trắng ít có khả năng xuất hiện bớt cà phê sữa trên da nhất, chỉ khoảng 0.3%. Đứng thứ hai là người Trung Quốc, chiếm 0.4%, người gốc Tây Ban Nha, chiếm 3% và cao nhất là người Mỹ gốc Phi, lên đến 18%.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bớt cafe sữa được hình thành do sự gia tăng bất thường về số lượng melanin dưới da. Lúc này, nó thường đi kèm với sự hiện diện của các melanosome khổng lồ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng các vùng da có màu nâu đậm hơn.

Bớt cà phê sữa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bớt cà phê sữa 1
Bớt cà phê sữa là hiện tượng da liễu bình thường 

Dấu hiệu nhận biết bớt cà phê sữa

Bớt cà phê sữa thường khá lớn nên bạn có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Chúng tạo thành từng đốm lớn trên da với màu nâu đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với vùng da bình thường. Thông thường, kích thước của vết bớt sẽ khoảng 5 - 20cm. Nó có thể xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là khu vực 2 bên má, thân và tứ chi. Bớt cà phê sữa bình thường có bờ đều hoặc không đều, hình tròn hoặc bầu dục và có thể lan rộng theo thời gian.

Các bệnh lý liên quan đến bớt cà phê sữa

Theo các chuyên gia y tế, bạn cần chắc chắn rằng mỗi nơi chỉ xuất hiện duy nhất một vết bớt cà phê sữa. Nếu xuất hiện nhiều hơn 6 vết bớt, rất có thể bạn đã mắc phải hội chứng rối loạn di truyền và cần được thăm khám, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, một số hội chứng di truyền liên quan trực tiếp đến bớt cà phê sữa có thể kể đến là:

  • Bệnh u sợi thần kinh loại 1;
  • Bệnh u sợi thần kinh loại 2;
  • Hội chứng McCune Albright;
  • Hội chứng Legius;
  • Xơ cứng củ;
  • Thiếu máu Fanconi;
  • Hội chứng Coffin-Siris;
  • Hội chứng Watson;
  • Hội chứng Noonan;
  • Hội chứng Bloom;
  • Hội chứng Silver-Russell,...
Bớt cà phê sữa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bớt cà phê sữa 2
Bớt cà phê sữa có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm

Bớt cà phê sữa có nguy hiểm không?

Bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng bớt màu cà phê sữa không có hại cho sức khỏe. Chúng không gây ra bất cứ biểu hiện lâm sàng nào như: Đau, sưng tấy,... Tuy nhiên, do vùng da này tập trung nhiều hắc sắc tố da melanin hơn bình thường nên nó làm giảm tính thẩm mỹ. Từ đó, khiến nhiều người cảm thấy tự ti khi giao tiếp.

Cách chẩn đoán bớt cà phê sữa lành tính

Để xác định được chính xác bớt cà phê sữa là lành tính hay ác tính, bạn cần thăm khám kỹ càng. Lúc này, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chẩn đoán như:

Đối với trẻ sơ sinh

Việc chẩn đoán bớt cà phê sữa thường được tiến hành ngay sau khi trẻ được sinh ra. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ ghi lại tất cả các vết bớt trên cơ thể trẻ. Điều này giúp cha mẹ dễ dàng để ý xem trẻ có bao nhiêu vết bớt ở trẻ sơ sinh khi lớn lên. Thông thường, các đốm này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi trẻ đạt 2 tuổi, đặc biệt là ở những vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Bớt cà phê sữa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bớt cà phê sữa 3
Bớt cà phê sữa có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra và trở nên rõ hơn khi lớn lên

Đối với người trưởng thành

Quá trình thăm khám vết bớt ở người trưởng thành sẽ được diễn ra như sau:

  • Bước 1: Bác sĩ xem xét vùng da có vết bớt để đánh giá kích thước, màu sắc và hình dạng của chúng.
  • Bước 2: Bệnh nhân kiểm tra lịch sử bệnh án, bao gồm thời điểm xuất hiện vết bớt, số lượng và các triệu chứng bất thường đi kèm.
  • Bước 3: Đối với những trường hợp cơ thể người bệnh xuất hiện quá nhiều vết bớt hoặc có các dấu hiệu liên quan đến hội chứng di truyền, người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm di truyền để xác định nguyên nhân.
  • Bước 4: Nếu cảm thấy cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm hình ảnh như: Siêu âm, MRI, xét nghiệm máu,...

Cách điều trị bớt cà phê sữa

Thông thường, bớt cà phê sữa được điều trị bằng tia laser. Khi chiếu xuyên qua da với thời gian và năng lượng phù hợp, tia laser không chỉ an toàn với làn da, mà còn phá vỡ các hạt sắc tố melanin thành từng mảnh nhỏ. Tiếp đó, nó sẽ được đưa ra ngoài qua cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể. Sau một khoảng thời gian, da đều màu trở lại và mịn màng hơn.

Theo các bác sĩ da liễu, phương pháp này khá an toàn, hiệu quả và thời gian điều trị nhanh chóng. Nó có khả năng loại bỏ hoàn toàn các vết bớt mà không để lại sẹo.

Bớt cà phê sữa là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bớt cà phê sữa 4
Bớt cà phê có thể được điều trị bằng cách chiếu tia laser 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết được nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bớt cà phê sữa. Nếu có nhu cầu loại bỏ vết bớt, bạn hãy thăm khám kỹ càng để đảm bảo an toàn cho bản thân nhé! 

Xem thêm: Bớt sắc tố ở da: Phân loại, nguyên nhân và cách điều trị

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin