Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Bựa răng: Nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những nguyên nhân khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp chính là một hàm răng ngả màu với nhiều mảng bám bựa răng. Chưa kể nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Bài viết dưới đây hãy cùng Long Châu khám phá nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Mảng bám bựa răng là một hiện tượng mà chắc hẳn bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải. Tuy nhiên hầu như mọi người đều không quan tâm quá nhiều đến tình trạng này do chưa hiểu rõ nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Bựa răng là gì?

Bựa răng hay còn được gọi là mảng bám trên răng, đây là một lớp màng sinh học hoặc màng vi khuẩn dính, không màu hoặc hơi ngà, bám trên bề mặt của răng. Chúng được tạo ra bởi vi khuẩn, nước bọt và thức ăn thừa. Vi khuẩn sử dụng nước bọt và thức ăn thừa để phát triển, tích tụ lại thành các mảng bám trên bề mặt răng.

Khi bạn ăn xong nhưng chưa kịp đánh răng, bề mặt răng có thể thấy một lớp màu trắng đục, đó chính là mảng bám răng ở giai đoạn ban đầu. Nếu không được loại bỏ kịp thời, bựa răng này sẽ bám chặt vào chân răng, tạo ra kẽ răng và thậm chí có thể thay đổi màu sắc trở thành đen.

Bựa răng: Nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng 1
Bựa răng khiến bạn mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày

Nguyên nhân gây bựa răng

Trong khoang miệng, tồn tại rất nhiều loại vi khuẩn sống bám trên bề mặt răng, tạo thành lớp màng có độ dính cao gọi là mảng bám (bựa răng). Đặc biệt, khi vi khuẩn trong mảng bám hấp thụ đường từ thức ăn hàng ngày của bạn, chúng sẽ sản sinh ra axit có hại cho răng. Các nguyên nhân chủ yếu gây ra mảng bám răng trên răng có thể do:

Ăn nhiều đồ ngọt

Hầu hết bựa răng hình thành do các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, như sữa, nước ngọt, nho khô, bánh kẹo... dính vào răng và dần tích tụ thành một bề mặt cho vi khuẩn bám vào. Do đó, những người thích ăn đồ ngọt, ăn vặt thường xuyên sẽ có khả năng phát triển mảng bám trên răng thậm chí có thể dẫn đến sâu răng.

Bựa răng: Nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng 2
Ăn nhiều đồ ngọt dính trên răng và dần tích tụ khiến cho vi khuẩn bám vào gây nên bựa răng

Lười đánh răng

Đánh răng đúng cách có thể loại bỏ tới 60% mảng bám thức ăn, khi kết hợp với việc sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa, bạn có thể giữ cho răng sạch và ngăn ngừa mảng bám. Đối với những người ít vệ sinh răng miệng, đây là một môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển trên các mảng thức ăn.

Hút thuốc lá

Việc hút thuốc không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, ung thư vòm miệng, các bệnh về nướu, hôi miệng, răng bị xỉn màu và xuất hiện mảng bám bựa răng.

Tác hại của bựa răng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Khi mảng bám bựa răng chuyển thành vôi răng, có thể gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng như:

  • Hình thành bệnh sâu răng, có thể dẫn đến viêm tủy răng hoặc áp xe chân răng.
  • Gây ra tình trạng viêm nướu và viêm nha chu, nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mất răng.
  • Mảng bám trên răng tạo tương phản màu với răng, làm mất đi tính thẩm mỹ của hàm răng.
  • Vì trong mảng bám vôi răng tồn tại nhiều vi khuẩn gây hại, có thể phân hủy thức ăn còn sót lại trên răng, gây ra hiện tượng hôi miệng.
  • Gây ra một số bệnh lý khác ngoài răng miệng như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, vấn đề về hệ hô hấp, ảnh hưởng đến thai nghén, có thể dẫn đến sinh non.

Phương pháp chăm sóc răng miệng

Ngoài việc hiểu về bựa răng, một phần quan trọng mà người bệnh quan tâm là làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Dưới đây là một số phương pháp chăm sóc răng miệng bạn có thể tham khảo

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Trong các trường hợp nhẹ, khi mảng bám chưa hình thành vôi răng, bạn chỉ cần chăm sóc răng miệng đúng cách cũng có thể cải thiện tình trạng bệnh một cách hiệu quả. Một số lưu ý khi chăm sóc răng như:

  • Rửa răng hàng ngày sau khi ăn trong vòng 30 phút, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
  • Chọn mua bàn chải có kích thước phù hợp và lông mềm để tránh gây tổn thương cho răng và nướu.
  • Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride giúp loại bỏ mảng bám và bảo vệ men răng.
  • Kết hợp việc chải răng với sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch răng hiệu quả.
Bựa răng: Nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng 3
Đánh răng đúng cách giúp bạn loại bỏ các mảng bám trên răng

Chế độ ăn uống hàng ngày

Ngoài việc vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng cần nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng mỗi ngày như:

  • Tăng cường tiêu thụ trái cây và rau củ, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi để bảo vệ sức khỏe răng.
  • Hạn chế ăn vặt và tránh uống các loại đồ uống có thể gây mảng bám trên răng như nước có ga, cà phê, và các thức uống ngọt.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm dễ rơi vào kẽ răng, như các món ăn dễ vỡ vụn.

Khám răng định kỳ

Trong trường hợp bựa răng đã vôi hóa thành cao răng, bạn không nên để tình trạng này kéo dài mà nên đi khám nha khoa để lấy cao răng và tiến hành điều trị nếu cần. Bạn cần nên thăm khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để duy trì tốt sức khỏe răng miệng.

Một số cách tẩy mảng bám trên răng

Để có một nụ cười rạng rỡ và sức khỏe răng miệng tốt, việc loại bỏ mảng bám đen trên răng là vô cùng quan trọng. Bạn có thể áp dụng những phương pháp đơn giản sau đây để bảo vệ và loại bỏ bựa răng.

Tẩy cao răng bằng muối

Muối được biết đến không chỉ có thể phá vỡ liên kết những mảng bám mà còn giúp tăng độ pH trong khoang miệng. Nhờ vào đó có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Để thực hiện, bạn có thể làm như sau:

  • Bước 1: Cho 1 thìa cà phê muối trắng vào 500ml nước sạch.
  • Bước 2: Khuấy đều cho đến khi muối tan.
  • Bước 3: Ngậm và súc miệng với hỗn hợp trên trong khoảng 5 phút.
  • Bước 5: Sau đó, vệ sinh lại bằng nước sạch và kem đánh răng.

Tẩy cao răng bằng chanh

Chanh được biết đến là một thành phần tẩy rửa tốt nhờ chứa nhiều acid citric và vitamin C. Acid citric giúp mài mòn và loại bỏ các mảng bám cứng đầu, trong khi vitamin C có công dụng loại bỏ vết ố vàng trên răng. Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Vắt nửa quả chanh vào cốc.
  • Bước 2: Hoà tan thêm 50ml nước ấm vào cốc.
  • Bước 3: Súc miệng bằng hỗn hợp trên.
  • Bước 4: Tiếp tục đánh răng để làm sạch.
Bựa răng: Nguyên nhân và tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng 4
Tẩy cao răng bằng chanh giúp loại bỏ các vết ố vàng trên răng

Tẩy cao răng bằng bột nở (baking Soda)

Baking soda, còn được gọi là bột nở, có tính kiềm yếu và có khả năng phản ứng trực tiếp với các chất trên mảng bám trên răng, làm chúng mềm và dễ tẩy đi. Bạn có thể kết hợp nó với một số thành phần khác như muối, giấm, chanh để đạt hiệu quả tối đa. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện theo cách đơn giản sau:

  • Bước 1: Làm ướt bàn chải.
  • Bước 2: Sử dụng một lượng nhỏ baking soda để đánh răng.
  • Bước 3: Tráng miệng và sử dụng kem đánh răng.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về nội dung bựa răng hay còn được gọi là mảng bám răng. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết về cách chăm sóc răng và tẩy trắng mảng bám trên răng hiệu quả nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin