Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các bài tập vật lý trị liệu tại nhà an toàn, hiệu quả

Ngày 11/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn, áp dụng được cho tất cả bệnh lý ở các giai đoạn bệnh khác nhau. Phương pháp này góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh. Vật lý trị liệu cũng có thể thực hiện tại nhà để nâng cao hiệu quả và sự tiện lợi. Dưới đây là những bài tập vật lý trị liệu tại nhà an toàn, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

Vật lý trị liệu tại nhà là một chuỗi những bài tập vận động trị liệu, hỗ trợ quá trình hồi phục của người bệnh. Những bài tập này đặc biệt hữu hiệu trọng việc cải thiện chức năng xương, khớp, giúp làm thuyên giảm những cơn đau sau chấn thương hoặc phẫu thuật, đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện sai cách hoặc không phù hợp với tình trạng sức khoẻ thì có nguy cơ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Bài viết sau sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những bài tập vật lý trị liệu tại nhà an toàn, hiệu quả.

Vật lý trị liệu tại nhà là gì?

Vật lý trị liệu là một biện pháp điều trị nội khoa hoàn toàn không xâm lấn nhưng đem lại hiệu quả điều trị cao. Đặc biệt, chuyên khoa cơ xương khớp sử dụng biện pháp này trong rất nhiều trường hợp như vật lý trị liệu trước phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc áp dụng trong những bệnh lý khi chưa cần can thiệp phẫu thuật. Thông thường, để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, các bác sĩ sẽ ưu tiên kết hợp tập vật lý trị liệu cùng với các biện pháp điều trị ngoại khoa hoặc nội khoa khác.

tap-vat-ly-tri-lieu-tai-nha-an-toan-hieu-qua 1.jpg
Tập vật lý trị liệu tại nhà giúp người bệnh tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí điều trị

Vật lý trị liệu được chia thành hai hình thức điều trị đó là phương pháp sử dụng tác nhân vật lý và phương pháp sử dụng sự hỗ trợ, luyện tập của kỹ thuật viên hoặc chính bản thân người bệnh (hay còn gọi là vận động trị liệu). Đôi khi cũng có thể kết hợp cả hai hình thức vật lý trị liệu này để rút ngắn thời gian hồi phục, giảm thiểu những cơn đau cho người bệnh và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Vật lý trị liệu tại nhà thuộc hình thức vận động trị liệu hướng tới mục tiêu phục hồi cơ lực và sự vận động của khớp, giúp cải thiện khả năng vận động, giữa thăng bằng và đi lại cho người bệnh. Ưu điểm của lớn nhất của phương pháp này là người bệnh có thể tiến hành vật lý trị liệu tại nhà mà không cần đến bệnh viện hoặc các trung tâm phục hồi chức năng. Từ đó, giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí, thời gian cũng như thoải mái hơn trong quá trình luyện tập, nâng cao hiệu quả trị liệu. Tuy nhiên, điều này cũng bất tiện bởi người bệnh sẽ không có sự hỗ trợ từ kỹ thuật viên có chuyên môn nên có thể sẽ tập sai cách hoặc xảy ra chấn thương.

Chính vì thế, để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng lộ trình cũng như kế hoạch tập vật lý trị liệu mà bác sĩ đã đưa ra. Chỉ nên tập vật lý trị liệu tại nhà khi có chỉ định của bác sĩ và đã được hướng dẫn bởi những chuyên gia. Bởi kế hoạch điều trị cũng như các bài tập được đưa đều dựa trên tình trạng sức khoẻ, mức độ chấn thương và mục tiêu điều trị trên từng bệnh nhân.

Ai cần tập vật lý trị liệu tại nhà?

Các bài tập vật lý trị liệu tại nhà thường được chỉ định cho những đối tượng gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển do mắc các bệnh lý, cụ thể như người lớn tuổi, người có sức khỏe yếu, khó di chuyển… Dưới đây là một số trường hợp cụ thể có thể áp dụng vật lý trị liệu tại nhà:

  • Đau nhức xương khớp nhẹ do thói quen sinh hoạt hoặc tư thế sai;
  • Bệnh xương khớp mạn tính như bệnh viêm quanh khớp vai, thoát vị địa đệm, thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp;
  • Bệnh nhân Parkinson, Gout;
  • Sau phẫu thuật khớp háng, khớp gối;
  • Chấn thương khi chơi thể thao hoặc lao động nặng;
  • Người bị đột quỵ.
tap-vat-ly-tri-lieu-tai-nha-an-toan-hieu-qua 2.jpg
Những người mắc bệnh về cơ - xương - khớp nên tập vật lý trị liệu tại nhà

Đây được xem là một trong những biện pháp điều trị bảo tồn hiệu quả, giúp người bệnh hạn chế sự lệ thuộc vào thuốc nhưng vẫn đảm bảo việc cải thiện tốt các chức năng của cơ xương khớp.

Một số bài tập vật lý trị liệu tại nhà

Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu thực hiện tại nhà đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.

Kéo căng cánh tay

Với tác dụng kéo căng khớp vai, lưng trên và cánh tay, bài tập này sẽ thích hợp để phục hồi chức năng cho những người bị đau khớp vai, viêm khớp vai, mắc các hội chứng cổ - vai - gáy. 

Bài tập kéo căng tay được thực hiện như sau: Đầu tiên nâng cánh tay bị đau ngang trước ngực, tay còn lại sẽ nắm vào khuỷu tay của tay đau. Kéo dần cánh tay vào trong ngực cho tới khi xuất hiện cảm giác đau nhức thì dừng lại. Cố gắng giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây rồi thả lỏng, sau đó lại lại từ đầu.

Kéo căng khớp vai

Bài tập này sẽ tác động chủ yếu lên phần khớp vai, khớp bả vai và lưng trên. Để thực hiện bài tập này, bạn bắt đầu bằng việc đan xen kẽ hai bàn tay lại với nhau, sau đó dần dần đưa tay nâng cao lên đầu và kéo căng, hai lòng bàn tay hướng lên trên. Nên giữ tư thế này trong khoảng 10 giây và thả lỏng, sau đó lặp lại.

Kéo căng gối ngực

Bài tập này sẽ tác động tới phần khớp háng, khớp gối và giúp kéo căng cơ đùi. Để tiến hành, đầu tiên bạn cần nằm ngửa, hai chân song song đặt thẳng theo thân người. Sau đó, từ từ kéo gập hai gối về phía ngực và dùng hai tay nắm vào phần đầu gối để hỗ trợ kéo căng chân, cổ không ngước lên trên. Kéo đầu gối sát nhất có thể, giữ vững trong vòng 30 giây rồi thả lỏng, lặp lại sau đó.

tap-vat-ly-tri-lieu-tai-nha-an-toan-hieu-qua 3.jpg
Kéo căng gối ngực tác động nhiều đến khớp háng, khớp gối

Kéo gân cơ cổ chân, cẳng chân

Bài tập kéo gân cơ cổ chân và cẳng chân giúp hỗ trợ tăng cường sức mạnh của phần bắp chân. Để thực hiện bài tập này, hai tay của người bệnh sẽ nắm vào một chiếc ghế cao ngang mông đặt ở phía trước hoặc chống hai tay vuông góc với tường, chân đau sẽ duỗi thẳng ra và chân còn lại sẽ co một góc 135 độ, cách chân đau khoảng 1 bước chân. Dồn trọng lực về phía trước và cong chân lành lại trong khi chân đau vẫn tiếp tục được duỗi thẳng về sau, đảm bảo hai bàn chân được áp sát vào mặt đất và lưng giữ thẳng. Giữ tư thế trong khoảng 15 giây và thả lỏng, rồi lặp lại từ đầu. Khuyến khích nên tập đều hai chân để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Kéo căng cơ đùi trước

Bài tập này giúp cơ thể thăng bằng và tăng cường sự dẻo da cho các khớp chân. Bạn nên bắt đầu bằng việc hai tay dựa sát vào tường, giữ người thẳng đứng cách tường khoảng 30 cm. Dồn trọng lực vào chân ở phía trong và chân bên ngoài sẽ gập dần về sau sao cho gót chân chạm sát vào mông. Sau đó, lấy tay bên ngoài nắm và kéo phần cổ chân gập. Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây và thả lỏng, lặp lại liên tục với hai bên chân.

tap-vat-ly-tri-lieu-tai-nha-an-toan-hieu-qua 4.jpg
Tập vật lý trị liệu tại nhà nên có sự hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên gia để giảm thiểu chấn thương không mong muốn

Kéo căng cơ đùi sau

Kéo căng cơ đùi sau giúp kéo giãn các cơ bắp và cơ đùi hiệu quả. Người bệnh sẽ tiến hành theo các bước sau: Đầu tiên hãy ngồi vuông góc và duỗi chân thẳng thoải mái. Sau đó, nâng dần một bên chân lên cao, có thể dùng tay hoặc dây để hỗ trợ kéo lòng bàn chân về phía cơ thể, cố gắng giữ cho chân thẳng. Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây rồi thả lỏng và thực hiện lặp lại với chân kia.

Vừa rồi là những bài tập vật lý trị liệu tại nhà an toàn, hiệu quả mà bạn có thể áp dụng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc phục hồi chức năng của cơ thể sau khi bị ảnh hưởng bởi những bệnh lý hoặc chấn thương. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về những bài tập vật lý trị liệu tại nhà để được hướng dẫn cụ thể và lựa chọn những động tác phù hợp, tránh được những chấn thương không mong muốn. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm