Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các giai đoạn suy thận diễn ra như thế nào?

Ngày 30/08/2023
Kích thước chữ

Thận đảm nhận một loạt chức năng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, khi các yếu tố gây hại tác động lên, chức năng của thận có thể dần suy giảm và dẫn đến tình trạng suy thận. Để hiểu rõ hơn về quá trình này, hãy cùng tham khảo nội dung về các giai đoạn suy thận diễn ra như thế nào trong bài viết dưới đây.

Thận không chỉ làm nhiệm vụ lọc dưỡng chất của cơ thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nước, điều chỉnh chất điện giải và tham gia vào quá trình tạo máu. Tuy nhiên, thận cũng là một trong những cơ quan dễ bị tác động bởi những yếu tố gây hại từ môi trường và lối sống. Sự tác động này có thể dẫn đến suy thận. Vậy các giai đoạn suy thận diễn ra như thế nào?

Tìm hiểu về bệnh suy thận mạn

Thận là cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu, nằm ở hai bên cột sống trong vùng thắt lưng, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng cho cơ thể. Chúng có nhiệm vụ lọc máu để loại bỏ chất thải và tạo nước tiểu, duy trì cân bằng điện giải, kiểm soát huyết áp, tham gia quá trình tạo máu và cân bằng chất khoáng trong cơ thể. Tuy nhiên, khi một số nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, các chức năng này bị rối loạn, gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng.

Suy thận mạn là biến chứng bắt nguồn từ bệnh nhân tiết niệu mạn tính. Đây là tình trạng suy giảm dần chức năng thận, tương ứng với việc tổn thương và mất chức năng của các đơn vị cơ bản gọi là nephron. Hiện tượng suy thận mạn xuất hiện thông qua việc giảm khả năng lọc máu của thận, rối loạn cân bằng điện giải, tăng huyết áp và cả các vấn đề về máu và xương.

cac-giai-doan-suy-than-dien-ra-nhu-the-nao.jpg
Suy thận mạn gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Quá trình bệnh tiến triển từ từ, trở nặng qua từng giai đoạn, cuối cùng dẫn tới giai đoạn suy thận mạn cuối cùng. Tại thời điểm này, cả hai thận đã mất chức năng hoàn toàn, bắt buộc người bệnh phải thực hiện các biện pháp thay thế chức năng thận như chạy thận hoặc ghép thận. Quá trình điều trị không chỉ đòi hỏi tiềm lực tài chính mà còn tạo ra sự mệt mỏi và cảm giác chán nản cho người bệnh.

Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị suy thận kịp thời để cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian trước khi bệnh tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn tăng cường tuổi thọ cho người bệnh.

Các giai đoạn suy thận

Hội Thận học quốc tế (ISN - International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã phân loại bệnh suy thận thành 5 phân độ suy thận khác nhau dựa trên mức độ lọc cầu thận (GFR - glomerular filtration rate) như sau:

  • Giai đoạn 1: GFR bình thường hoặc cao, với GFR > 90 ml/phút.
  • Giai đoạn 2: GFR trong khoảng 60 - 89 ml/phút.
  • Giai đoạn 3: Chia thành hai phân giai đoạn con:
    • Giai đoạn 3A: GFR trong khoảng 45 - 59 ml/phút.
    • Giai đoạn 3B: GFR trong khoảng 30 - 44 ml/phút.
  • Giai đoạn 4: GFR trong khoảng 15 - 29 ml/phút.
  • Giai đoạn 5: GFR dưới 15 ml/phút, được xem là suy thận giai đoạn cuối.
cac-giai-doan-suy-than-dien-ra-nhu-the-nao-1.jpg
5 giai đoạn khác nhau dựa trên mức độ lọc cầu thận

Sự phân loại này dựa trên mức độ lọc cầu thận, một chỉ số quan trọng cho việc đánh giá chức năng thận. Việc chia thành các giai đoạn giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và định hướng cho quá trình điều trị và quản lý bệnh suy thận.

Các giai đoạn suy thận diễn ra như thế nào?

Giai đoạn 1 và 2 suy thận mạn tính:

Trong giai đoạn 1 và 2 của suy thận mạn tính, tình trạng tổn thương thận chưa có mức nghiêm trọng. Đặc điểm chung của hai giai đoạn này là sự xuất hiện của các triệu chứng không rõ ràng, thường xuất phát một cách đột ngột. Vì vậy, việc nhận biết bệnh rất khó khăn. Trong những đợt cấp tính của suy thận mạn, những triệu chứng như thiếu máu nhẹ, chán ăn, đau lưng, mệt mỏi, tiểu đêm tăng, đau ở hai bên thắt lưng có thể xuất hiện.

Rất nhiều người bệnh không thể tự nhận ra mình mắc suy thận mạn ở giai đoạn 1 và 2. Bệnh nhân thường được phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc trong các lần kiểm tra về bệnh lý khác. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn này, việc áp dụng chế độ ăn uống thích hợp và quản lý theo đúng phương pháp có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự tiến triển của triệu chứng.

Giai đoạn 3 suy thận mạn tính:

Trong giai đoạn này, tình trạng tổn thương thận rõ hơn giai đoạn 1 và 2. Mặc dù các triệu chứng vẫn có thể không rõ ràng, nhiều người vẫn không thể nhận biết hoặc triệu chứng có thể khá mơ hồ, khiến họ cho rằng mình chỉ bị mệt mỏi, ăn kém... Một số người bệnh trong những đợt cấp tính có thể gặp các triệu chứng như đau lưng, phù mí mắt, sưng chân và tay, tiểu đêm nhiều lần.

Bác sĩ thường chia suy thận mạn giai đoạn 3 thành hai giai đoạn con 3A và 3B:

  • Trong giai đoạn 3A, khả năng lọc cầu thận cao hơn so với giai đoạn 2. Người bệnh có thể trải qua thiếu máu và các vấn đề về xương khớp.
  • Trong giai đoạn 3B, tình trạng tổn thương thận nghiêm trọng hơn. Mức lọc cầu thận giảm mạnh. Người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng và tiên lượng sẽ khác nhau nếu có tiểu đạm, tiểu đạm vi thể hoặc đại thể với mức độ nặng tăng theo.

Giai đoạn 4 suy thận mạn tính:

Trong giai đoạn 4, triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể trải qua các triệu chứng do chức năng lọc máu bị suy giảm như da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm tăng, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, đau đầu thường xuyên, đau nhức xương khớp...

Sự tích tụ chất độc trong máu càng nhiều do chức năng lọc máu của thận suy giảm, khiến triệu chứng bệnh rõ ràng hơn, đặc biệt là tình trạng nhiễm độc. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy tim, tăng huyết áp, phù não, phù phổi, đái tháo đường, đau quặn hai bên hông...

Các phương pháp điều trị như chạy thận sớm có thể cần thiết để cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương nội tạng, đặc biệt trong trường hợp suy thận do nguyên nhân từ đái tháo đường.

cac-giai-doan-suy-than-dien-ra-nhu-the-nao-2.jpg
Chạy thận giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương nội tạng

Giai đoạn 5 suy thận mạn tính:

Giai đoạn này đại diện cho suy thận mạn tính nghiêm trọng nhất. Thận đã bị tổn thương một cách nghiêm trọng với mức lọc cầu thận giảm xuống dưới mức 15 ml/phút. Người bệnh trải qua nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan bị nhiễm độc, đặc biệt là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp, da và máu.

Ở giai đoạn 5, người bệnh cần phải tiến hành chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng định kỳ để duy trì sự sống và cải thiện tình trạng sức khỏe. Ghép thận là một phương pháp điều trị hiệu quả, mang lại hy vọng sống lâu hơn cho người bệnh.

Từ khi những dấu hiệu suy thận chỉ mơ hồ cho đến giai đoạn suy thận cuối cùng khi thận mất khả năng hoạt động, quá trình suy thận diễn ra qua 5 giai đoạn thể hiện sự thay đổi và tác động trầm trọng lên cơ thể. Hiểu rõ về các giai đoạn này giúp chúng ta nhận biết và xử lý tình trạng suy thận một cách kịp thời, mang lại hy vọng cho một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.