Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính và cách điều trị

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ

Có 5 phân độ suy thận mạn tính mà người bệnh sẽ phải trải qua. Nhận biết sớm các dấu hiệu của suy thận để có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng và tốn kém chi phí nhé.

Suy thận là căn bệnh nguy hiểm làm suy giảm dần khả năng lọc máu của thận. Bệnh được chia thành nhiều phân độ suy thận mạn tùy theo mức độ nghiêm trọng. Các dấu hiệu suy thận ở giai đoạn đầu vẫn chưa biểu hiện rõ ràng nên rất khó nhận biết. Nếu các triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng.

Việc hiểu biết về các phân độ suy thận mạn và triệu chứng giúp người bệnh chủ động kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng. Cùng theo dõi bài viết sau đây để nhận biết chính xác các phân độ suy thận mạn nhé.

Suy thận mạn tính là gì?

Thận là cơ quan có chức năng lọc máu để bài tiết nước tiểu và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Thận còn tham gia hỗ trợ điều hòa các chất điện giải ổn định huyết áp, tái tạo máu và chuyển hóa xương. 

Suy giảm chức năng thận kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thông tin sức khỏe Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính 1
Có 5 phân độ suy thận mạn tính

Suy thận mạn tính tiến triển từ từ, nặng dần và cuối cùng tiến tới suy thận mạn phân độ cuối. Sau đó, chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng và bệnh nhân phải tiến hành thay lọc máu (chạy thận) hoặc ghép thận.

Có bao nhiêu phân độ suy thận mạn tính?

Các bác sĩ thường sử dụng GFR ước đoán để chia suy thận mạn thành 5 phân độ sau:

  • Phân độ 1: GFR ước tính bình thường hoặc cao, GFR > 90 mL/phút;
  • Phân độ 2: GFR ước tính giảm nhẹ còn khoảng 60 – 89 mL/phút;
  • Phân độ 3: GFR ước tính khoảng 30 – 59 mL/phút (phân độ 3B: 30 – 44 mL/phút, phân độ 3A: 45 – 59 mL/phút);
  • Phân độ 4: GFR ước tính giảm nặng còn khoảng 15 – 29 mL/phút;
  • Phân độ 5: GFR ước tính < 15 mL/phút.

Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính

Suy thận mạn tính được chia thành 5 phân độ tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong đó, phân độ 5 là nặng nhất và thường bệnh nhân suy thận phải lọc máu hoặc thay thận để duy trì sự sống.

Suy thận mạn tính phân độ 1 và 2

Các tổn thương ở phân độ 1 và 2 vẫn chưa quá nghiêm trọng và các triệu chứng còn rất mơ hồ nên rất khó phát hiện. Hầu hết bệnh nhân tình cờ phát hiện bệnh trong một lần kiểm tra sức khỏe. Các biểu hiện thường gặp là chán ăn, tiểu đêm nhiều lần, mệt mỏi, đau thắt lưng, thiếu máu.

Suy thận mạn tính phân độ 3

Trong phân độ này, chức năng thận bị suy giảm đáng kể. Các triệu chứng có thể vẫn chưa rõ ràng như đau lưng, sưng mí mắt, sưng chân, tay, đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường. Điều này làm nhiều bệnh nhân cho rằng họ đang mắc bệnh "nhẹ" như mệt mỏi, chán ăn.

Thông tin sức khỏe Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính 3
Đau lưng là một trong những biểu hiện mà người bệnh suy thận phân độ 3 gặp phải

Trong phân độ suy thận độ 3, các bác sĩ chia thành 2 loại là 3A và 3B. Ở giai đoạn 3A, mức lọc cầu thận giảm rõ rệt và bệnh nhân dễ bị thiếu máu, gặp các vấn đề về xương khớp. Sang 3B, thận lúc này đã bị tổn thương nghiêm trọng khiến khả năng lọc bị suy giảm mạnh và người bệnh dễ gặp nguy hiểm.

Suy thận mạn tính phân độ 4

Các triệu chứng lâm sàng trong phân độ 4 bắt đầu rõ ràng hơn. Lúc này chức năng lọc máu của thận bị suy giảm nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các biểu hiện như da xanh xao, nhợt nhạt, tăng huyết áp, phù nề, xuất huyết tiêu hóa,...

Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chất độc tích tụ trong máu và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như suy tim, phù não, phù phổi, đái tháo đường. Suy thận phân độ 4 rất nguy hiểm, người bệnh có thể phải lọc máu sớm nhằm loại bỏ độc tố và hạn chế các biến chứng.

Suy thận mạn tính phân độ 5

Đây là phân độ nặng nhất của suy thận. Nhiều cơ quan tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp và da bị nhiễm độc nặng. Phương pháp điều trị hiệu quả và mang lại hy vọng sống lâu cho bệnh nhân tại phân độ 5 là chạy thận nhân tạo thường xuyên hoặc ghép thận.

Thông tin sức khỏe Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính 4
Phương pháp chạy thận nhân tạo - hy vọng sống của bệnh nhân

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị

Có nhiều giải pháp hỗ trợ điều trị suy thận, phổ biến nhất là điều trị bằng thuốc, lọc màng bụng, lọc máu và ghép thận có thể được sử dụng.

  • Điều trị bằng thuốc: Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định huyết áp và duy trì chức năng thận.
  • Chạy thận nhân tạo: Là phương pháp điều trị sử dụng máy lọc máu tại cơ sở y tế để loại bỏ các chất độc thông qua một màng lọc nhân tạo và đưa máu trở lại cơ thể.
  • Lọc màng bụng (PD): Là phương pháp sử dụng một màng bán thấm cho nước và các chất hòa tan đi qua để loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
  • Cấy ghép thận: Sử dụng thận từ những người hiến tặng khỏe mạnh hoặc chết não. Tuy nhiên rất khó để tìm được thận phù hợp và chi phí ghép thận cũng rất đắt. Ngoài ra, bệnh nhân phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.
  • Thảo dược: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một vài loại thảo dược có thể giúp hỗ trợ cường thận, lợi tiểu ở người bị suy thận hoặc suy giảm chức năng thận.

Lời khuyên cho các bệnh nhân suy thận mạn

Sau khi nhận biết được 5 phân độ suy thận mạn và hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Điều này sẽ cải thiện phần nào sức khỏe và hạn chế diễn biến xấu của bệnh.

Đặc biệt, bệnh nhân nên theo dõi các chỉ số huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu nhằm duy trì mức độ ổn định của các chỉ số trên. Đồng thời nên bỏ thuốc lá và tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể chất.

Thông tin sức khỏe Nhận biết 5 phân độ suy thận mạn tính 5
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Dù ở phân độ nào thì người suy thận không nên ăn hoặc hạn chế ăn thực phẩm giàu muối, protein, kali và phốt pho. Thay vào đó, người bệnh nên duy trì chế độ ăn giàu năng lượng, kiểm soát lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Mong rằng những thông tin về 5 phân độ suy thận mạn tính trên sẽ giúp bạn đọc nâng cao kiến ​​thức về sức khỏe, phòng ngừa và cải thiện bệnh hiệu quả. Đặc biệt, người bệnh cần được theo dõi và điều trị sớm tại cơ sở y tế uy tín để bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin