Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong phác đồ điều trị bệnh lý tim mạch nói chung và trường hợp suy tim nói riêng không thể thiếu các nhóm thuốc tăng co bóp cơ tim. Hiện nay, có nhiều loại thuốc được chỉ định với công dụng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu một số loại thuốc trợ tim nhé!
Thuốc tăng co bóp cơ tim là một phần quan trọng tác động lớn tới hiệu quả điều trị cũng như tiên lượng bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc tăng co bóp cơ tim được cải tiến và phát triển, từ đó mở ra nhiều cơ hội điều trị hiệu quả, tối ưu cho bệnh nhân.
Các nhóm thuốc trợ tim này giúp tăng co bóp tim, tuy nhiên thường kèm theo một số tác dụng không mong muốn. Thuốc tăng co bóp cơ tim kinh điển bao gồm:
Digoxin là một loại thuốc trợ tim thuộc nhóm Digitalis, thuốc làm tăng co bóp cơ tim bằng cách ức chế enzyme Na+-K+-ATPase, giúp tăng nồng độ ion canxi trong tế bào cơ tim, từ đó tạo ra hiệu ứng co bóp tích cực.
Hoạt chất này cũng có tác dụng giảm nhịp tim trực tiếp, làm chậm tần số tim bằng cách kích thích thần kinh phó giao cảm và làm chậm sự dẫn truyền trong nút nhĩ thất.
Digoxin thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng cơ năng của suy tim với phân số tống máu thất trái dưới 40% và có thể kèm loạn nhịp nhĩ. Thuốc có khả năng giảm triệu chứng của suy tim, cải thiện huyết động và tăng cường khả năng co bóp của tim.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Digoxin được đào thải bởi thận, vì vậy cần điều chỉnh liều hoặc tránh sử dụng thuốc nếu bệnh nhân có bệnh lý gây suy thận. Bởi vì, Digoxin có thể tích tụ trong cơ thể và gây độc tính. Để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng, nồng độ hoạt chất trong máu cần được kiểm tra định kỳ để điều chỉnh liều phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thì người bệnh cần chú ý đến tương tác thuốc. Digoxin có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau như Diltiazem, Quinidin, Verapamil… gây nguy cơ tăng nồng độ hoạt chất trong máu, dẫn đến ngộ độc.
Mặc dù vai trò của Digoxin trong điều trị bệnh tim mạch được nhận định là giảm đáng kể sau khi nhiều nghiên cứu công bố về khả năng tăng co bóp cơ tim nhưng thuốc vẫn được xem xét và sử dụng trong một số tình huống cụ thể. Tuy nhiên, việc chỉ định cũng như điều chỉnh liều Digoxin cần được thực hiện dưới sự giám sát, hướng dẫn của bác sĩ.
Dobutamin là một loại thuốc trợ tim thuộc nhóm Catecholamin tổng hợp, thuốc có khả năng làm cơ tim co bóp mạnh hơn. Hoạt chất sẽ tác động trực tiếp trên thụ thể β1 nằm trên mô cơ tim, do đó tăng cường khả năng co bóp cơ tim một cách hiệu quả hơn.
Với sự tác động chủ yếu vào thụ thể β1, đồng thời ít tác động vào thụ thể α1 và β2, Dobutamin ít gây hiện tượng tăng nhịp tim không mong muốn hay rối loạn nhịp so với một số hoạt chất Catecholamin khác.
Dobutamin thường được sử dụng trong điều trị suy tim cấp, đặc biệt là trong những tình huống như sốc tim hoặc nhồi máu cơ tim. Lưu ý rằng trước khi sử dụng Dobutamin, bệnh nhân cần được bù đủ thể tích tuần hoàn để đảm bảo hiệu suất tối ưu của thuốc.
Bên cạnh đó, thuốc có thể gây ra hoại tử da hoặc viêm nhiễm tại chỗ tiêm. Bởi vậy việc tiêm thuốc phải được thực hiện cẩn thận bởi chuyên viên y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình sử dụng Dobutamin, người bệnh cần được giám sát chặt chẽ các tham số lâm sàng như điện tâm đồ, huyết áp, chỉ số cung lượng tim để đảm bảo sự an toàn của người bệnh.
Đặc biệt đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, việc sử dụng Dobutamin cần thực hiện thận trọng, được điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dobutamin là loại thuốc quan trọng trong điều trị các tình trạng bệnh lý tim mạch khẩn cấp như sốc, việc sử dụng thuốc cần được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế để đảm bảo tối ưu lợi ích cho bệnh nhân.
Dopamin là hoạt chất kích thích trực tiếp một loạt các thụ thể adrenergic, bao gồm α1, α2 và β1-adrenergic. Điều này gây ra nhiều tác dụng khác nhau trên hệ thống tim mạch. Ngoài ra, Dopamin còn giúp giải phóng noradrenalin từ đầu mút tận cùng của thần kinh giao cảm và hậu hạch giao cảm.
Trên tim, Dopamin có tác dụng tăng sức co bóp của cơ tim, làm tăng lưu lượng cùng thể tích máu bơm ra từ tim. Tuy nhiên, ở liều thấp hoặc trung bình, Dopamin thường không gây ra tăng nhịp tim.
Dopamin thường được chỉ định làm thuốc chống sốc trong nhiều tình huống, bao gồm nhồi máu cơ tim, chấn thương, nhiễm khuẩn huyết hoặc phẫu thuật tim khi cần thuốc tăng co cơ tim để hồi sức tim phổi.
Trước khi sử dụng Dopamin, bệnh nhân cần được bù đủ thể tích máu để đảm bảo hiệu suất tối ưu của thuốc. Quá trình điều trị bằng Dopamin cần được giám sát chặt chẽ để theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm, huyết áp và lượng nước tiểu.
Đối với bệnh nhân mắc các bệnh về động mạch ngoại vi như hội chứng Raynaud, viêm nội mạc động mạch do biến chứng đái tháo đường, bệnh Buerger hoặc các bệnh về mạch máu khác, cần bắt đầu điều trị bằng liều thấp và tăng dần theo thời gian. Dopamin có thể gây co mạch nhanh, đặc biệt ở liều cao.
Ngoài ra, thuốc có thể sử dụng trong điều trị suy tim cấp do giảm co bóp cơ tim. Tuy nhiên, khi dòng chảy ra bị nghẽn trong trường hợp hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp động mạch phổi, lưu lượng tim giảm khi cho Dopamin do tăng hậu tải.
Dopamin là một trong những thuốc quan trọng trong điều trị các tình trạng sốc và suy tim. Trong quá trình dùng thuốc, yêu cầu sự giám sát, quản lý cẩn thận từ phía chuyên gia y tế cũng như cẩn trọng đặc biệt đối với bệnh nhân mắc suy gan.
Noradrenalin có tính chất hoàn toàn giống với Catecholamin tự nhiên nội sinh, do tủy thượng thận cùng mô thần kinh giao cảm tổng hợp. Điều này làm cho hoạt chất tương tác tốt với các thụ thể adrenergic trong cơ tim và mạch máu.
Noradrenalin có tác dụng làm tăng nhịp tim, tăng cường cơ tim co bóp và co thắt mạch ngoại vi. Điều này có thể làm tăng áp lực tim mạch cùng tăng huyết áp. Thuốc Noradrenalin thường được chỉ định trong các trường hợp sốc nhiễm khuẩn, sốc tim khi cần tăng co bóp cơ tim kết hợp với tăng áp lực huyết áp để cải thiện tuần hoàn máu.
Ngoài nhóm thuốc trợ tim kinh điển, hiện nay ngày càng phổ biến có nhóm thuốc tăng co bóp cơ tim không adrenergic, bao gồm:
Milrinone thuộc nhóm thuốc bipyridine với tác dụng tăng cường co bóp cơ tim. Loại thuốc này đã được sử dụng trong điều trị suy tim nặng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Milrinone có khả năng tăng cường sức co bóp của cơ tim, giúp tăng cường lưu lượng máu, đồng thời cải thiện chức năng cơ tim.
Milrinone thường được sử dụng để điều trị suy tim mức độ nặng, đặc biệt là trong trường hợp có suy chức năng thất trái nặng. Thuốc cũng có ưu điểm cho các bệnh nhân có tăng áp lực động mạch phổi. Bằng cách giảm áp lực động mạch phổi và làm giãn cơ trơn trên thành động mạch phổi, hoạt chất giúp cải thiện chức năng của tâm thất phải.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng Milrinone ở bệnh nhân có áp lực đổ đầy thất thấp vì thuốc có thể gây hạ huyết áp, đặc biệt là sau khi tiêm mũi liều cao.
Levosimendan làm tăng sự nhạy cảm của troponin C đối với canxi nội bào. Troponin C là một protein quan trọng trong cơ tim có vai trò trong quá trình co bóp cơ tim. Khi hoạt chất trong thuốc kết hợp với troponin C và canxi, nó giúp tăng khả năng co bóp của cơ tim.
Đồng thời, Levosimendan cũng gây giãn mạch ngoại vi bằng cách mở ra các kênh kali phụ thuộc adenosine triphosphate (ATP) trên bề mặt tế bào cơ trơn. Việc này giúp giãn các mạch máu ngoại vi, cải thiện lưu lượng máu và giảm tải áp lực trên cơ tim.
Levosimendan có tác dụng nhanh chóng, các triệu chứng thường được cải thiện ngay sau khi thuốc được sử dụng nên thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng cấp cứu và cải thiện tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng.
Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả một số loại thuốc tăng co bóp cơ tim phổ biến. Đây là nhóm thuốc cơ bản trong phác đồ điều trị suy tim hoặc sốc tim. Các nhóm thuốc cũ dần thay bằng những loại thuốc mới được phát triển, đem đến nhiều hy vọng cho người bệnh.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.