Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần nắm

Ngày 17/07/2020
Kích thước chữ

Nếu thuốc kháng sinh không được sử dụng đúng liều hoặc lạm dụng có thể gây kháng kháng sinh. Điều này có thể làm cho vi khuẩn chống lại hiệu quả điều trị bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Vì thế, nguyên tắc sử dụng kháng sinh là kiến thức quan trọng để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Kháng sinh là loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn cần có những lưu ý đặc biệt khi sử dụng để tránh mắc phải các tác dụng không mong muốn. Vậy nguyên tắc sử dụng kháng sinh là gì? Sử dụng kháng sinh thường gặp những tác dụng phụ nào?

Kháng sinh có tác dụng gì?

Kháng sinh được chiết xuất từ vi sinh vật hay nấm, được bán dưới dạng tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Vì thế, kháng sinh sẽ kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn hoặc có thể tiêu diệt chúng một cách hoàn toàn.

Thuốc kháng sinh dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn với cơ chế làm ảnh hưởng đến một trong các phản ứng của quá trình phát triển vi khuẩn hoặc tác động vào vị trí quan trọng của chúng. Thuốc kháng sinh được phân loại theo tác dụng điều trị như sau:

  • Kháng sinh kháng khuẩn: Đây là loại kháng sinh có khả năng ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn, gây rối loạn chức năng của màng bào tương, ức chế quá trình tổng hợp các protein hoặc quá trình tổng hợp axit nucleotit của vi khuẩn.
  • Kháng sinh chống ung thư.
  • Kháng sinh trị nấm.

Nếu xét theo cơ chế tác dụng, kháng sinh sẽ được chia thành các nhóm sau:

  • Nhóm ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn;
  • Ức chế quá trình tổng hợp của acid nucleic;
  • Ức chế quá trình tổng hợp của protein;
  • Gây rối loạn chức năng của màng bào tương.
Các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần nắm 1
Kháng sinh sẽ được chia thành 4 nhóm

Sử dụng kháng sinh thường gặp tác dụng phụ nào?

Bên cạnh tác dụng chống lại tình trạng nhiễm khuẩn cho cơ thể, thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác dụng không mong muốn thường gặp như:

  • Dị ứng kháng sinh (phát ban, mề đay, ngứa,...);
  • Có thể gây độc cho các tế bào trong cơ thể;
  • Có thể gây suy giảm chức năng của gan, thận.

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần biết

Bên cạnh các tác dụng phụ vừa kể ở trên, nếu kháng sinh không được dùng đúng liều hoặc lạm dụng, có thể xảy ra trường hợp kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm. Tình trạng này có thể khiến cho các vi khuẩn kháng lại tác dụng điều trị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Qua một đợt điều trị kháng sinh, những vi khuẩn còn sống có thể sẽ nhân lên và truyền lại cho thế hệ sau các đặc tính giúp các chủng này kháng lại được kháng sinh. Hậu quả của tình trạng này là bệnh diễn tiến nặng hơn, thường xuyên tái phát, cần thời gian lâu để phục hồi. Đồng thời, chi phí điều trị cũng sẽ tăng cao. Nguy hiểm hơn nếu tình trạng kháng kháng sinh không có bất kỳ kháng sinh nào có thể thay thế được sẽ đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nhằm hạn chế những rủi ro này xảy ra, các nguyên tắc sử dụng kháng sinh sau đây cần phải được tuân thủ:

Chỉ dùng kháng sinh khi nhiễm khuẩn

Một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh là do bệnh nhân tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn. Vì thế, chỉ nên dùng kháng sinh khi đã được bác sĩ thăm khám hoặc có kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh do vi khuẩn gây ra. Trong trường hợp bệnh nhân bị cúm, sởi,... do virus gây ra, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để điều trị.

Các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần nắm 2
Một trong những nguyên tắc sử dụng kháng sinh đó là chỉ dùng khi nhiễm khuẩn

Dùng đúng kháng sinh và đúng liều lượng

Cần quan tâm đến tác nhân gây bệnh và yếu tố người bệnh khi sử dụng kháng sinh. Cụ thể như sau:

  • Tác nhân gây bệnh: Cần xác định tác nhân gây ra tình trạng bệnh là loại vi khuẩn nào, xác định được vị trí nhiễm khuẩn và độ nhạy của vi khuẩn đối với kháng sinh.
  • Yếu tố người bệnh: Cần xem xét độ tuổi khi lựa chọn thuốc kháng sinh bởi liều lượng kháng sinh dùng cho người lớn sẽ khác so với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, cần xem xét tình trạng suy thận, suy gan, tiền sử dị ứng thuốc hay suy giảm miễn dịch của bệnh nhân. Đặc biệt, cần cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh cho đối tượng phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

Chọn đường dùng kháng sinh phù hợp

Các bác sĩ dựa vào mức độ nhiễm khuẩn và vị trí nhiễm khuẩn của bệnh nhân để đưa ra đường dùng kháng sinh phù hợp. Kháng sinh được sử dụng theo ba đường là đường uống, đường tiêm và bôi kháng sinh tại chỗ.

Kháng sinh tại chỗ thường được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn mắt, nhiễm khuẩn tai,... Khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nhẹ, các bác sĩ thường cho bệnh nhân sử dụng đường uống. Ngoài ra, kháng sinh đường uống cũng có giá tiền phù hợp nên thường được sử dụng cho một số trường hợp nặng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân nhập viện, thường sẽ ưu tiên kháng sinh đường tiêm trước, sau đó các bác sĩ có thể cho chuyển qua đường uống.

Liều dùng kháng sinh phù hợp

Liều dùng kháng sinh tùy thuộc vào dược lực học và dược động học của thuốc. Ngoài ra còn tùy thuộc vào thời gian dùng thuốc, tác dụng của những kháng sinh phụ thuộc nồng độ (daptomycine, amyloglycoside) và những thuốc có tác dụng PAE (hậu kháng sinh) như fluoquinolone, aminoglycoside.

Các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần nắm 3
Liều dùng kháng sinh tùy thuộc vào dược lực học và dược động học của thuốc

Dùng kháng sinh với thời gian phù hợp

Thời gian dùng kháng sinh là một trong những nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần được tuân thủ. Thông thường, khi bệnh nhân nhiễm khuẩn, thời gian sử dụng kháng sinh sẽ từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, thời gian này còn tùy thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn, sức đề kháng của người bệnh và tình trạng nhiễm khuẩn. Khi bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn nặng như viêm màng trong tim, bệnh lao, viêm màng não,... thời gian sử dụng kháng sinh có thể kéo dài đến nhiều tháng.

Dùng kháng sinh dự phòng phù hợp

Chỉ nên dùng kháng sinh dự phòng khi có bội nhiễm do sự can thiệp sau phẫu thuật ở vùng có xuất hiện dịch bệnh. Việc dùng kháng sinh dự phòng không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh, từ đó gây kháng thuốc và bội nhiễm.

Phối hợp kháng sinh trong trường hợp thật sự cần thiết

Việc phối hợp các thuốc kháng sinh với nhau khi chưa cần thiết sẽ dẫn đến lạm dụng kháng sinh. Đối với các trường hợp nhiễm khuẩn thông thường chỉ cần sử dụng kháng sinh đặc hiệu là có thể điều trị được bệnh. Chỉ nên kết hợp kháng sinh khi điều trị bệnh lao, brucellosis, viêm màng trong tim. Ngoài ra, sự phối hợp kháng sinh này còn được sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, không thể chẩn đoán xác định được nguyên nhân do loại vi khuẩn nào trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.

Các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cần nắm 4
Việc phối hợp các thuốc kháng sinh với nhau khi chưa cần thiết sẽ dẫn đến lạm dụng kháng sinh

Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt vời của kháng sinh trong việc điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, kháng sinh cần phải sử dụng một cách hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng và kháng thuốc. Bản thân mỗi người nên chủ động tuân thủ các nguyên tắc sử dụng kháng sinh để bảo vệ bản thân và cả cộng đồng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin