Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các nhóm thuốc tiểu đường và ưu nhược điểm của thuốc điều trị tiểu đường

Ngày 15/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là căn bệnh mạn tính mà nhiều người mắc phải, mỗi loại bệnh có những đặc điểm lâm sàng và thuốc điều trị khác nhau. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tiểu đường, các nhóm thuốc tiểu đường và phương pháp phòng bệnh nhé!

Các nhóm thuốc tiểu đường giúp bệnh nhân ổn định lượng đường huyết trong cơ thể, tuy nhiên không nhiều người biết về chúng. Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp thắc mắc về tiểu đường cũng như các nhóm thuốc điều trị tiểu đường ở bài viết này nhé!

Đặc điểm của bệnh tiểu đường

Tiểu đường (đái tháo đường) là tình trạng cơ thể bị rối loạn chuyển hóa carbohydrat, thông thường carbohydrat sẽ được chuyển hóa thành glucose, đồng thời tuyến tụy sản sinh ra insulin chuyển glucose từ máu vào tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, insulin còn chuyển hóa glucose thành glycogen dự trữ trong gan va cơ bắp.

Khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết do một nguyên nhân nào đó, glucose không thể chuyển hóa hoặc không thể chuyển hóa hoàn toàn thành năng lượng, chúng sẽ tích tụ lại trong máu và gây bệnh tiểu đường.

Các nhóm thuốc tiểu đường và ưu nhược điểm của thuốc điều trị tiểu đường 1
Đái tháo đường hay tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrat của cơ thể

Tiểu đường chia làm rất nhiều type với đặc điểm khác nhau, hay gặp nhất là type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường type 1

Trong type bệnh này, tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin, các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 là: Ăn nhiều uống nhiều hơn bình thường, tiểu tiện nhiều lần, cơ thể gầy nhiều… Bên cạnh đó, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn, có thể thở gấp, mạch đập nhanh và rất dễ bị tụt huyết áp. Ngoài ra có một số người sẽ có thêm những triệu chứng khác như là cảm thấy tê bì bàn chân, thị lực giảm, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng và khó tiêu...

Tiểu đường type 2

Tình trạng tiểu đường type 2 xảy ra phổ biến hơn, đặc biệt là ở lứa tuổi trung niên. Bệnh do cơ thể không thể sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả nên tuyến tụy sẽ sản xuất nhiều insulin hơn, đến một thời điểm nào đó số lượng insulin không được sản xuất đều đặn nữa khiến glucose tồn đọng lại trong máu và gây tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ

Là tình trạng bị tiểu đường khi mang thai, đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến cả thai phụ và em bé. Hậu quả đối với mẹ có thể là: Tăng huyết áp thai kỳ, sinh non, sảy thai, thai lưu, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận... Còn đối với thai nhi, trong 3 tháng đầu thai có thể không phát triển, dị tật bẩm sinh, sảy thai tự nhiên... Còn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thì có thể gặp tình trạng thai to.

Các nhóm thuốc tiểu đường và ưu nhược điểm của thuốc điều trị tiểu đường 2
Tiểu đường thai kỳ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với mẹ và bé

Khi mắc bệnh tiểu đường bất kỳ type nào đều có thể để lại những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nếu bạn không điều trị kịp thời. Vậy các nhóm thuốc tiểu đường phổ biến hiện nay là gì?

Các nhóm thuốc tiểu đường được dùng hiện nay

Để điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả cần kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, khám sức khỏe định kỳ và sử dụng thuốc thường xuyên.

Hiện nay, các nhóm thuốc tiểu đường được chia thành 2 nhóm chính đó là: Nhóm insulin và nhóm hạ đường huyết dạng uống.

Nhóm insulin

Nhóm thuốc này được sử dụng chủ yếu cho bệnh nhân bị tiểu đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin và dùng trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, insulin cũng được chỉ định trong việc điều trị đái tháo đường type 2 khi cần thiết.

Mục tiêu điều trị chính là đưa insulin từ bên ngoài vào, giúp cơ thể “giải phóng” lượng glucose ứ đọng từ đó hạ đường huyết trong máu.

Nhóm thuốc insulin có nhiều loại khác nhau với tác dụng ngắn, trung bình và dài. Việc sử dụng loại thuốc nào sẽ được bác sĩ chỉ định sao cho phù hợp với từng người bệnh sau khi thăm khám.

Nhóm hạ đường huyết dạng uống

Nhóm thuốc hạ đường huyết dạng uống thường được chỉ định cho bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 và một số trường hợp có thể kết hợp uống nhiều loại để kiểm soát tình trạng tiểu đường tốt hơn. 

Các nhóm thuốc hạ đường huyết dạng uống được sử dụng phổ biến hiện nay là:

  • Thuốc tăng tiết insulin gồm 4 loại chính, đó là nhóm Meglitinides, nhóm Sulfonylureas, nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 và nhóm thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4. Thuốc thường được chỉ định dùng trước bữa ăn để tăng hiệu quả sử dụng.
  • Thuốc tăng độ nhạy cảm với insulin bao gồm 2 nhóm chính, Metformin và nhóm Thiazolidinediones.
  • Thuốc làm chậm quá trình hấp thu chất béo, glucose từ ruột: Ức chế quá trình phân hủy carbonhydrat và giảm hấp thu glucose tại ruột non. Ngoài ra thuốc còn ngăn enzyme và làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột.
  • Nhóm thuốc ức chế SGLT2 làm giảm khả năng ống thận tái hấp thu glucose, từ đó hạ đường huyết và kiểm soát bệnh.
Các nhóm thuốc tiểu đường và ưu nhược điểm của thuốc điều trị tiểu đường 3
Các nhóm thuốc tiểu đường giúp ổn định đường huyết của cơ thể

Ưu điểm, nhược điểm của các nhóm thuốc tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bạn không điều trị kịp thời. Biến chứng của tiểu đường phải kể đến như suy thận; bệnh võng mạc; các bệnh lý mạch máu nguy hiểm (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch, hoại tử chi...); bệnh lý thần kinh...

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2, mỗi loại thuốc điều trị sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

Thuốc tăng tiết insulin

Như đã đề cập ở phần trên thì thuốc tăng tiết insulin có 4 loại, ưu nhược điểm của từng loại trên như sau:

  • Nhóm Sulfonylureas: Là loại thuốc hạ đường huyết nhanh nên khi bạn sử dụng thuốc thì tránh bỏ bữa. Một số thuốc thuộc nhóm này như Glimepiride, Glyburide và Glipizide.
  • Meglitinides: Meglitinides có công dụng giống như Sulfonylureas nhưng hoạt động nhanh hơn, vì thế nên thuốc được khuyến cáo sử dụng ngay trước bữa ăn. Ngoài ra, thuốc có thể được dùng cho bệnh nhân suy thận tuy nhiên nhược điểm chính là giá thành cao và nguy cơ hạ đường huyết nếu bạn không dùng thuốc đúng thời điểm.
  • Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Thuốc này giống như một hormone tự nhiên đó chính là incretin có tác dụng làm tăng sự phát triển của tế bào B và insulin mà cơ thể cần. Nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường ở trong máu.
  • Thuốc tiểu đường ức chế men DPP-4: Bao gồm Sitagliptin, Saxagliptin, Vildagliptin và Linagliptin, nhóm thuốc này làm GLP-1 không bị phá hủy, từ đó kéo dài hoạt động của incretin và giảm lượng đường trong máu.

Thuốc làm tăng độ nhạy cảm insulin

Bao gồm 2 loại là Metformin và Thiazolidinediones:

  • Metformin: Ưu điểm của thuốc là không gây hạ đường huyết nếu dùng đơn lẻ và không gây tăng cân. Ngoài ra, thuốc cũng làm giảm hấp thu cholesterol xấu, triglycerid và phòng ngừa các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nhóm Metformin không được dùng cho bệnh nhân suy thận.
  • Thiazolidinedione: Thuốc Thiazolidinedione có thể phối hợp chung với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, khi dùng Rosiglitazone - một loại thuốc thuộc nhóm Thiazolidinedione, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch nên đã ngưng sản xuất. Ngoài ra còn một số trường hợp có thể xảy ra như tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, phù, ung thư bàng quang…

Thuốc làm chậm quá trình hấp thu chất béo, glucose từ ruột

Là các loại thuốc ức chế men alpha - glucosidase, trì hoãn sự phân hủy carbohydrat và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non từ đó làm giảm lượng glucose trong máu.

Ngoài ra, thuốc làm chậm quá trình tiêu hóa đặc biệt là một số loại tinh bột bằng cách ngăn chặn một số enzyme. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên dùng loại thuốc này trước khi ăn.

Thuốc ức chế SGLT2

Thuốc ức chế SGLT2 phải kể đến như Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin…, thuốc giảm nguy cơ suy thận và tử vong đặc biệt ở những người tiểu đường có biến chứng thận.

Thuốc làm giảm tái hấp thu glucose tại ống thận, từ đó làm giảm đường huyết, bên cạnh đó thì huyết áp và cân nặng cũng được kiểm soát tốt hơn.

Các nhóm thuốc tiểu đường và ưu nhược điểm của thuốc điều trị tiểu đường 4
Mỗi loại thuốc tiểu đường có ưu điểm và nhược điểm khác nhau

Người bệnh bị tiểu đường có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay các nhóm thuốc tiểu đường rất phổ biến, tùy từng trường hợp mà thuốc điều trị bệnh cũng khác nhau. Thăm khám thường xuyên, duy trì điều trị là cách kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm