Cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu hiệu quả, an toàn
Ngày 18/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu là bài thuốc dân gian đã được nhiều người sử dụng vì lành tính và ít gây tác dụng phụ. Ngoài ra, người bệnh còn giảm được chi phí điều trị, có thể thực hiện ngay tại nhà chỉ với vài bước đơn giản.
Hiện nay có rất nhiều cách chữa đau vai gáy tại nhà. Cùng với việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, hạn chế căng thẳng và tập thể dục thường xuyên. Việc sử dụng lá ngải cứu để cải thiện tình trạng này khá hiệu quả. Khám phá ngay cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu đơn giản tại nhà trong bài viết dưới đây.
Nhận biết các triệu chứng đau vai gáy
Đau vai gáy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những cơn đau từ nhẹ đến dữ dội ở vai, cổ, cánh tay và cả cơ thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Kết quả là người bệnh không thể tập trung làm việc, học tập, sinh hoạt. Những dấu hiệu dễ nhận biết căn bệnh này là:
Cảm giác đau khi cử động vùng cổ, vai, gáy sau khi ngồi quá lâu.
Cơn đau bắt đầu lan ra các vùng khác như bả vai, cánh tay.
Đau vùng đỉnh đầu nếu không điều trị kịp thời.
Cử động khó khăn kèm theo tê cứng vùng vai gáy.
Sờ vào vùng đau thấy căng cứng.
Có nhiều trường hợp vai và cổ có thêm các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng gây cản trở đến các hoạt động thông thường.
Lợi ích của ngải cứu chữa đau vai gáy
Đau vai gáy là triệu chứng liên quan đến bệnh cột sống cổ. Người mắc bệnh này gặp phải các triệu chứng đau nhức ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng đau vai gáy thường xuyên dẫn đến mệt mỏi. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về xương khớp như thoát vị đĩa đệm ở cổ. Để điều trị tình trạng này, nhiều người đã sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ, dẫn đến viêm loét dạ dày, phù nề,…
Sử dụng ngải cứu chữa đau vai gáy là biện pháp thiên nhiên đã được thực hiện trong dân gian từ lâu và có hiệu quả. Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, tác dụng của loại cây là giải cảm, thanh nhiệt, giảm đau, sát trùng,… Do có nhiều tác dụng như trên nên ngải cứu được sử dụng để chữa bệnh hoặc châm cứu.
Cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu giúp người bệnh giảm đau, giảm tê, mỏi cổ và cứng khớp hiệu quả. Đặc tính chữa bệnh của cây ngải khi đi vào cơ thể là đả thông kinh mạch bị tắc nghẽn.
Do có nguồn gốc từ thiên nhiên, nên bài thuốc này chỉ phù hợp với trường hợp đau mỏi vai gáy mức độ nhẹ. Nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh cần đi khám bác sĩ. Ngoài ra, việc sử dụng loại cây này cũng không được khuyến khích trong các trường hợp sau:
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Người có sức khỏe yếu không nên dùng nước hoặc trà ngải cứu.
Người bị bệnh gan, thận, đường ruột không nên ăn ngải cứu.
Để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ điều trị phù hợp, kết hợp thêm dùng ngải cứu tại nhà sẽ giúp tình trạng đau mỏi vai gáy thuyên giảm nhanh chóng.
Cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu
Cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu giúp người bệnh cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh. Ngoài ra, do là nguyên liệu tự nhiên nên hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là các cách chữa đau mỏi vai gáy bằng ngải cứu để bạn tham khảo.
Chườm nóng ngải cứu và muối biển
Muối biển có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh, thanh nhiệt, giải độc, phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng thông kinh lạc. Dùng ngải cứu kết hợp với muối biển đắp lên vai, cổ để giảm đau nhức. Phương thuốc này cũng có thể được sử dụng trên các vùng đau khác của cơ thể như hông, đầu gối, cột sống và lưng. Cách thực hiện như sau:
Lấy một nắm ngải cứu tươi, rửa sạch nhiều lần với nước.
Sao vàng ngải cứu với muối biển đến khi nghe mùi thơm thì dừng. Cho hỗn hợp này vào túi vải hoặc khăn mềm.
Đắp trực tiếp lên vùng vai gáy bị đau khoảng 10 - 15 phút.
Thực hiện hàng ngày để giảm đau, cứng và tê.
Để đạt hiệu quả cao, sau khi chườm nóng bằng ngải cứu và muối nên massage vùng đau 5 - 10 phút. Điều này kích thích lưu thông máu, thư giãn cơ bắp và phục hồi khả năng vận động ở khu vực này.
Ngải cứu, lá lốt kết hợp cùng rượu trắng
Trong dân gian, người ta còn dùng ngải cứu, lá lốt và rượu trắng để giảm đau vai gáy. Phương pháp này mang lại ứng dụng hiệu quả trong việc giảm đau, tê nhức, tê cứng, mỏi tay chân,…
Lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, được dùng để giảm đầy bụng và ra mồ hôi kéo dài. Dân gian thường dùng lá lốt để chữa đau mỏi xương khớp, đau vai gáy, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp khi thời tiết chuyển mùa.
Do đó người bệnh có thể dùng ngải cứu, lá ổi và rượu trắng chữa đau vai gáy, cải thiện vận động, kích thích khí huyết lưu thông. Cách thực hiện như sau:
Dùng khoảng 1 nắm ngải cứu, 1 nắm lá lốt và rượu trắng.
Sau khi rửa sạch, để ráo nước thì giã nhuyễn lá lốt và ngải cứu.
Trộn 2 loại lá trên với rượu trắng, nấu đến khi hỗn hợp ấm lên.
Cho tất cả vào túi vải, đắp lên vùng vai, cổ bị đau.
Kiên trì thực hiện để cảm nhận được hiệu quả tích cực.
Ngải cứu và giấm
Bạn cũng có thể dùng ngải cứu kết hợp với giấm để chữa đau vai gáy. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên tắm nước ấm trước khi áp dụng phương pháp này để cơ thể hấp thụ dược tính tốt hơn. Cách thực hiện như sau:
Dùng 50g ngải cứu rửa sạch, cắt nhỏ.
Sau đó giã nát và trộn với giấm, nấu đến khi ấm.
Cho hỗn hợp vào túi vải chườm lên vùng bị đau khoảng 15 phút.
Khi hỗn hợp đã nguội, có thể được làm nóng lại và tiếp tục sử dụng.
Để cải thiện đau nhức cổ, vai, bạn nên áp dụng phương pháp này trong khoảng 1 tháng.
Uống ngải cứu
Ngoài phương pháp chườm nóng, người bệnh có thể sắc nước ngải cứu để uống. Phương pháp này thích hợp với người bị đau vai gáy do khí huyết ứ trệ. Nước thuốc đi vào cơ thể giúp lưu thông khí huyết, an thần, bồi bổ sức khỏe. Nếu bị đau bụng do cảm lạnh, kinh nguyệt không đều cũng có thể áp dụng bài thuốc này. Cách thực hiện như sau:
Dùng khoảng 50 - 100g ngải cứu tươi. Rửa sạch, để ráo nước.
Cho vào nồi với 1.5 - 2 lít nước.
Uống hàng ngày liên tục 7 - 10 ngày rồi ngưng.
Ngải cứu kết hợp cùng gừng
Gừng là nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Với vị cay, nóng có tác dụng giảm nôn, thanh nhiệt, giảm đau, sát trùng,… Nên thường được dùng để điều trị các bệnh cảm lạnh, đau rát cổ họng,... Kết hợp ngải cứu và gừng sẽ chữa đau vai gáy hiệu quả. Đặc biệt thích hợp do nhiễm lạnh, thời tiết thay đổi khiến các gân cơ co cứng, khí huyết ngưng trệ gây tê nhức, cứng khớp ở nhiều người. Cách thực hiện như sau:
Dùng 1 nắm lá ngải cứu tươi và 1 củ gừng.
Rửa sạch 2 nguyên liệu, để ráo nước rồi xay nhuyễn.
Cho nguyên liệu vào chảo rang nóng.
Cho hỗn hợp vào túi vải và chườm trực tiếp lên vùng đau vai gáy cho đến khi thuốc nguội.
Chế biến ngải cứu thành món ăn
Ngải cứu cũng có thể dùng chế biến thức ăn, vừa dễ ăn vừa giảm đau mỏi vai gáy, tăng cường sức khỏe, điều hòa kinh nguyệt,… Một số cách món ăn từ ngải cứu chẳng hạn như:
Trứng chiên ngải cứu
Để có món trứng chiên ngải cứu thơm ngon bạn cần 1 nắm lá ngải cứu non mang đi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ. Sau đó cho ngải cứu vào tô và đập hai quả trứng gà, nêm ít gia vị rồi chiên trên chảo nóng. Bạn có thể ăn món này 2 - 3 lần/tuần, rất thích hợp cho những bị đau nửa đầu, đau vai gáy,… do thiếu máu.
Nấu canh ngải cứu
Lá ngải cứu còn có thể dùng để nấu canh và cách nấu vô cùng đơn giản, bạn có thể kết hợp với thịt bỏ để món canh thêm phần bổ dưỡng.
Bạn cần chuẩn bị 100g thịt bò xay và ngải cứu non. Thịt bò sau khi ướp gia vị rồi xào sơ, thêm nước vào đun sôi rồi cho ngải cứu vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Canh ngải cứu thích hợp cho người đau mỏi vai gáy, giúp bồi bổ sức khỏe, thích hợp cho phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.
Trên đây là một số cách chữa đau vai gáy bằng ngải cứu mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng với các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.