Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách điều trị chảy máu chân răng tại nhà đơn giản và hiệu quả

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chảy máu chân răng là hiện tượng không quá hiếm gặp. Nó thường không gây đau nhức quá nhiều nên một số người thường lựa chọn giải pháp trị chảy máu chân răng tại nhà. Dưới đây là những phương pháp phổ biến mà bạn có thể tham khảo.

Trị chảy máu chân răng tại nhà bằng cách nào mang lại hiệu quả tốt nhất là băn khoăn của không ít người. Bởi nếu không điều trị đúng cách và triệt để, tình trạng này sẽ còn tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây nên tình trạng này, từ đó có giải pháp hữu hiệu để chữa trị, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Chảy máu chân răng là hiện tượng gì?

Theo y khoa, hiện tượng chảy máu chân răng xảy ra do các mô mềm như lợi (nướu), dây chằng, xương ổ răng bị viêm xung huyết, gây nên tình trạng xuất huyết tại các vùng ở chân răng.

Thông thường, chảy máu chân răng không gây đau, lượng máu chảy ra không nhiều và có thể tự cầm sau 1 - 2 phút. Trường hợp chảy máu chân răng bất thường kèm theo cơn đau, tại vùng lợi có hiện tượng sưng đỏ thì đây là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm nhiễm vùng mô mềm, áp xe,…

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

Viêm nướu, viêm nha chu

Viêm nướu, viêm nha chu là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu chân răng. Một số triệu chứng kèm theo có thể gặp phải như sưng viêm, tấy đỏ ở nướu, răng ê buốt, đau nhức, nhạy cảm khi ăn uống, có tình trạng tụ mủ ở chân răng,… Trường hợp này, người bệnh cần sớm có giải pháp điều trị để tránh làm cho răng suy yếu, dễ bị lung lay và gãy rụng.

Các bệnh lý khác ở răng

Một số bệnh lý như sâu răng, viêm tủy răng, viêm quanh răng, áp xe răng,… cũng là điều kiện để vi khuẩn phát triển, làm cho nướu răng bị kích ứng, sưng viêm và gây chảy máu.

Chấn thương ở răng

Việc tác động bằng lực quá mạnh, dùng bàn chải quá cứng, dùng chỉ nha khoa sai cách, xỉa răng bằng tăm hay gặp các chấn thương, va đập mạnh, thậm chí là do ăn nhai đồ quá cứng cũng đều là những nguyên nhân có thể dẫn đến việc nướu răng bị tổn thương.

Chế độ ăn không đầy đủ

Khi bị chảy máu chân răng thiếu chất gì? Theo các bác sĩ, nếu cơ thể ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt hàm lượng vitamin C, D, K, canxi, photpho, kẽm,… thì rất dễ gặp tình trạng chảy máu chân răng.

tri-chay-mau-chan-rang-tai-nha-1.jpg
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng

Căng thẳng kéo dài

Stress, căng thẳng cũng là yếu tố tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể, làm cho các bệnh ở nướu răng có nguy cơ xuất hiện.

Thay đổi nội tiết tố

Những thay đổi trong giai đoạn dậy thì hoặc mãn kinh làm tăng nguy cơ vùng nướu răng chảy máu. Nhiều phụ nữ còn gặp tình trạng chảy máu chân răng khi mang thai cũng do thay đổi nội tiết tố.

Mắc một số bệnh lý khác

Thực tế, ở những người thường xuyên hút thuốc lá, người mắc các bệnh lý ở gan thận, tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh bạch cầu, sốt xuất huyết,… có nguy cơ cao mắc các bệnh lý ở răng miệng, dễ bị chảy máu chân răng hơn người bình thường.

Trị chảy máu chân răng tại nhà bằng cách nào?

Vậy có giải pháp nào trị chảy máu chân răng tại nhà hiệu quả hay không? Theo các nha sĩ, trường hợp bị nhẹ, việc chân răng chảy máu không thường xuyên, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản.

Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều, kèm theo đau và các hiện tượng bất thường khác trên cơ thể, người bệnh cần sớm được thăm khám, chẩn đoán để bác sĩ tư vấnvà chỉ định khi bị chảy máu chân răng uống thuốc gì nhé!

Dưới đây là một số giải pháp chữa chảy máu nướu răng tại nhà bạn có thể tham khảo áp dụng:

Chườm lạnh: Việc chườm lạnh sẽ giúp xoa dịu cảm giác đau nhức, hơi lạnh sẽ thúc đẩy quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn, có tác dụng gây tê tạm thời tại khu vực được chườm. Do đó, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần gói vài viên đá lạnh vào tấm gạc sạch rồi chườm ngoài vùng da có răng đang bị chảy máu trong vòng 10 - 15 phút.

Dùng nước súc miệng: Một số loại nước súc miệng có chứa thành phần kháng khuẩn, loại bỏ được các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, giảm sưng viêm, giảm tình trạng chảy máu nướu răng. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để sử dụng loại nước súc miệng phù hợp và đúng cách.

Súc miệng bằng nước muối: Nước muối giúp kháng khuẩn, loại bỏ mảng bám trong khoang miệng, đồng thời hỗ trợ làm lành các tổn thương ở niêm mạc miệng nhanh chóng.

tri-chay-mau-chan-rang-tai-nha-2.jpg
Sử dụng nước súc miệng là giải pháp trị chảy máu chân răng tại nhà hiệu quả

Trà xanh: Hợp chất tanin trong trà xanh có khả năng kháng khuẩn, chống viêm rất tốt. Do đó, sau khi uống trà xong, bạn có thể giữ lại phần túi lọc và đắp trực tiếp lên vùng răng đang bị chảy máu. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha trà xanh với nước ấm để súc miệng mỗi ngày để giảm chảy máu chân răng.

Dùng cây nha đam: Khi bị chảy máu chân răng, bạn có thể dùng một ít gel nha đam bôi trực tiếp lên vị trí bị tổn thương, sau đó để nguyên trong khoảng 15 - 20 phút và súc miệng lại bằng nước ấm.

Dùng lá ổi: Trong thành phần của lá ổi cũng chứa nhiều tanin với đặc tính chống oxy hóa cao. Bạn chỉ cần dùng một vài lá ổi rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng chân răng bị chảy máu.

Bổ sung vitamin C và K qua thực phẩm: Với băn khoăn chảy máu chân răng nên ăn gì, bạn có thể cung cấp vitamin C thông qua cam, chanh, quýt, ổi, bưởi, xoài, bông cải xanh, bắp cải,… Còn vitamin K có nhiều trong cà rốt, cần tây, cải bó xôi, măng tây, dưa chuột,…

Phòng ngừa chảy máu chân răng như thế nào?

Chảy máu chân răng tuy là hiện tượng xuất hiện khá phổ biến và thường không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu để lâu và không có giải pháp điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe răng miệng. Do đó, phòng ngừa tình trạng này là giải pháp cần thiết giúp chúng ta tránh khỏi các nguy cơ về bệnh. Một số giải pháp được các nha sĩ khuyến cáo nên thực hiện như sau:

  • Bạn nên sử dụng bàn chải có lông mềm, chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối, sử dụng chỉ nha khoa loại bỏ mảng bám và các loại nước súc miệng sát khuẩn hàng ngày.
  • Hạn chế cắn, nhai quá mạnh và nhanh các thức ăn cứng, góc cạnh.
  • Duy trì uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, trái cây để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể, hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.
  • Hạn chế tối đa việc uống rượu bia và ăn các thức ăn cay nóng.
  • Bạn cần thực hiện lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để loại bỏ môi trường sinh sôi của bệnh nha chu.
tri-chay-mau-chan-rang-tai-nha-3.jpg
Bạn nên chọn bàn chải có lông mềm để tránh làm tổn thương nướu

Với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các giải pháp trị chảy máu chân răng tại nhà cũng như cách phòng ngừa tình trạng này hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng lưu ý nếu tình trạng chảy máu răng nhiều, xảy ra thường xuyên, hãy gặp nha sĩ để được thăm khám nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin