Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chảy máu chân răng nên ăn gì?

Ngày 30/06/2022
Kích thước chữ

Chảy máu chân răng là hiện tượng thường gặp, gây ra nhiều phiền toái trong việc ăn uống và vệ sinh hằng ngày. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi “người bị chảy máu chân răng nên ăn gì?” là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Chảy máu chân răng hay chảy máu lợi không phải bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng của bạn. Trong bài viết này, hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân gây chảy máu chân răng và trả lời cho câu hỏi “chảy máu chân răng nên ăn gì?”.

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng

Nguyên nhân tại chỗ

Vệ sinh răng miệng kém gây chảy máu chân răng Viêm lợi là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng
  • Viêm lợi: Hầu như tất cả viêm lợi do mảng bám. Vệ sinh răng miệng kém tạo mảng bám tích tụ giữa lợi về răng. Viêm lợi gây chảy máu, lợi sưng đỏ, thay đổi đường viền lợi, gây khó chịu cho người bệnh.
  • Các bệnh lý về răng: Sâu răng là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Sâu răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi: Trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn tuổi. Do các tác nhân tấn công, men răng bị bào mòn và hình thành lỗ nhỏ trên răng. Bệnh nhân sâu răng sẽ có các triệu chứng đau buốt răng khi ăn uống hoặc bị kích thích, nướu sưng và chảy máu, kèm theo hơi thở có mùi.
  • Các bệnh lý vùng quanh răng: Bệnh viêm quanh răng, hay còn gọi là viêm nha chu, là bệnh lý liên quan đến sự phá hủy các bộ phận nâng đỡ răng. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ dẫn tới hiện tượng mất răng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày và thẩm mỹ của người bệnh. Vùng lợi của bệnh nhân nha chu có triệu chứng sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào, có thể có mủ.
  • Răng mọc lệch, khấp khểnh: Tình trạng răng mọc không đều, mọc chen chúc sẽ làm cho việc vệ sinh răng miệng gặp khó khăn. Thức ăn thừa giắt lại ở kẽ răng không được làm sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm lợi, chảy máu chân răng.
  • Chấn thương lợi: Các tác nhân cơ học như lực va đập vào lợi, sử dụng bàn chải quá cứng, dùng chỉ nha khoa quá mạnh… đều có thể làm lợi chảy máu.

Nguyên nhân toàn thân

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều đồ cứng gây tổn thương lợi, chế độ ăn uống thiếu chất, đặc biệt là thiếu vitamin C, vitamin K trong khẩu phần ăn.
  • Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Là hiện tượng thay đổi về hormone thường xuất hiện trong các giai đoạn cuộc đời của người phụ nữ như dậy thì, mang thai hoặc giai đoạn mãn kinh. Việc thay đổi nội tiết tố làm tăng nguy cơ chảy máu chân răng.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Chảy máu chân răng là hiện tượng xảy ra phổ biến với những người mắc bệnh mãn tính, thường xuyên phải sử dụng thuốc. Một số loại thuốc dùng cho bệnh nhân đau tim, thuốc chống động kinh có thể gây chảy máu lợi.
  • Bệnh lý về gan: Gan là nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng, trong đó có chức năng làm đông máu. Bởi vậy, bất kỳ loại bệnh nào về gan cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa của gan và cuối cùng dẫn đến nhiều bệnh lý, trong đó có chảy máu lợi.
  • Giảm tiểu cầu: Chảy máu lợi là triệu chứng báo hiệu bệnh nhân đang bị giảm tiểu cầu ở mức độ nhẹ. Bệnh thường đi kèm với tình trạng xuất hiện các nốt xuất huyết giảm tiểu cầu dưới da.

Người bị chảy máu chân răng nên ăn gì?

Thực phẩm giàu vitamin C

  • Vai trò: Ngoài tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen, vitamin C còn hỗ trợ tăng sức đề kháng, giúp các vết thương mau lành. Nhờ đó, vitamin C giúp tăng cường sức mạnh của nướu và chống lại sự tấn công của vi khuẩn. Sự thiếu hụt vitamin C có thể dẫn tới tình trạng viêm lợi, chảy máu chân răng. 
  • Một số nguồn bổ sung vitamin C: Bạn có thể bổ sung vitamin C từ nhiều loại hoa quả như: Ổi, cam, quýt, bưởi… hoặc một số loại viên uống bổ sung vitamin C.
Chảy máu chân răng nên ăn gì? Chảy máu chân răng nên ăn gì? Nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin C

Thực phẩm giàu vitamin K

  • Vai trò: Vitamin K là loại vitamin tan trong chất béo, là thành phần quan trọng của hệ enzyme gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu.
  • Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin K sẽ dẫn tới hiện tượng xuất huyết, điển hình là chảy máu chân răng.
  • Một số thực phẩm bổ sung vitamin K: Đậu nành, đậu bắp, rau cải xoăn, cải bó xôi, măng tây, cần tây…

Rau xanh và hoa quả tươi

Không chỉ chứa hàm lượng lớn vitamin, rau xanh và hoa quả còn bổ sung nước và các dưỡng chất cần thiết khác. Các dưỡng chất này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cải thiện tuần hoàn máu, do đó rất tốt trong việc hạn chế chảy máu chân răng.

Với vai trò tuyệt vời như vậy, không chỉ khi bị ốm mà ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cũng cần bổ sung lượng lớn rau xanh và hoa quả tươi trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Chảy máu chân răng nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả Rau, củ, quả là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày

Trà xanh mật ong

  • Công dụng: Catechin trong trà xanh kết hợp với mật ong làm giảm tác dụng của vi khuẩn Streptococcus mutans gây sâu răng, giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn. Trà xanh mật ong còn có tác dụng chống viêm, sát khuẩn, từ đó loại bỏ các mùi hôi trong khoang miệng cực hiệu quả.
  • Cách dùng: Nấu lá trà tươi rồi thêm 1 - 2 thìa mật ong. Ngậm trà mật ong trong miệng 2 - 3 phút rồi mới nuốt để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Lưu ý: Không uống trà khi vừa ăn no xong và lúc đói.
Uống trà mật ong giúp cải thiện sức khoẻ răng miệng Trà xanh mật ong có tác dụng sát khuẩn hiệu quả

Chảy máu chân răng không nên ăn gì?

  • Thực phẩm nhiều tinh bột và đường: Vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh trong môi trường nhiều đường, do đó để tránh các bệnh về răng miệng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tránh xa thực phẩm chứa nhiều tinh bột và đường.
  • Thực phẩm làm khô miệng: Nước bọt chứa enzyme lysozyme giúp diệt khuẩn và bảo vệ khoang miệng. Khi sử dụng các loại thực phẩm làm khô miệng như cà phê, nước ngọt, đồ ăn khô… sẽ làm giảm lượng nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng miệng.
  • Thực phẩm cay, quá nóng hoặc quá lạnh: Các thực phẩm này sẽ làm cho vùng nước bị viêm nghiêm trọng hơn, vì vậy người bệnh nên loại bỏ chúng khỏi khẩu phần ăn hằng ngày.
  • Thực phẩm cứng: Khi mắc các bệnh lý về răng miệng, vùng nướu của người bệnh rất dễ bị tổn thương trong quá trình ăn uống. Vì vậy, người bệnh nên ăn những món ăn mềm, dễ tiêu hóa.
  • Thực phẩm dai, có sợi dài: Các loại thực phẩm dai như thịt trâu, thịt bò… dễ bị giắt trong kẽ răng. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, chúng sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và tấn công gây viêm lợi, chảy máu.

Cần làm gì để bảo vệ nướu?

Vệ sinh răng miệng sạch giúp bảo vệ nướu Vệ sinh đúng cách giúp ngăn chặn các bệnh lý về răng miệng
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách: Bạn nên chọn bàn chải lông mềm, kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng. Theo các chuyên gia về nha khoa, bàn chải nên được thay 3 tháng 1 lần.
  • Không nên sử dụng thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cùng lối sống lành mạnh, khoa học.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích để giải đáp vấn đề “chảy máu chân răng nên ăn gì”. Qua đây, nhà thuốc Long Châu mong rằng bạn đọc sẽ tự xây dựng được chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để bảo vệ cơ thể cũng như sức khỏe răng miệng của bản thân mình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin