Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách điều trị đau xương khớp hậu Covid-19

Ngày 01/04/2022
Kích thước chữ

Di chứng do hậu Covid-19 là vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới luôn nhắc nhở mọi người dân lưu ý. Bởi đây là tình trạng có thể kéo dài, gây ảnh hưởng nhất định đến thể chất lẫn tinh thần. Trong số đó, đau nhức xương khớp là vấn đề thường gặp phải ở bệnh nhân.

Các chuyên gia cho biết, số bệnh nhân gặp tình trạng đau nhức xương khớp sau khi khỏi Covid-19 đến viện khám ngày càng tăng cao. Trong đó, khoảng 15 – 30% bệnh nhân được phát hiện dương tính sau 2 – 14 ngày khởi phát bệnh. Sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân vẫn gặp các triệu chứng sưng đau nhức khớp, đau mỏi và yếu cơ được xem là mắc hội chứng Covid kéo dài – 4 tuần sau khi khỏi bệnh và hậu Covid – 12 tuần sau khi khỏi bệnh.

Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân khám hậu Covid tại các bệnh viện có triệu chứng đau nhức xương khớp, bệnh thường gặp ở các bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh nền về cơ xương khớp.

Ai dễ mắc đau xương khớp hậu Covid-19?

Các triệu chứng đau nhức xương khớp được ghi nhận ở cả người có tiền sử mắc các bệnh về cơ xương khớp như: Viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp và thoái hóa khớp... Tuy những bệnh nền này đã được kiểm soát ổn định, song sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân rơi vào đợt bùng phát bệnh mới và rầm rộ hơn.

Xương khớp bệnh nhân dễ bị tổn thương hơn và tăng mức độ nặng của bệnh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thuốc cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là ở những bệnh nhân viêm khớp tự miễn đang sử dụng thuốc sinh học. Những bệnh nhân chưa từng bệnh cơ xương khớp, sau khỏi Covid-19 cũng xuất hiện tình trạng đau nhức, mỏi cơ xương khớp nhiều hơn.

Cách điều trị đau xương khớp hậu Covid-191

Người có tiền sử mắc các bệnh về cơ xương khớp sẽ có nguy cơ đau nhức xương khớp hậu Covid-19 cao hơn

Nguyên nhân đau xương khớp hậu Covid-19

Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm nguyên nhân gây đau nhức xương khớp do hậu Covid. Trong đó, một số giả thuyết được đưa ra như sau: Có khả năng là bộ gene của nCoV được hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận dạng, làm kích hoạt phản ứng viêm toàn thân nhằm tấn công các hệ cơ quan khác cũng như ở các khớp. Nguyên nhân khác được cho rằng, có thể do mạch máu, các tế bào ở các vùng cơ xương khớp bị tổn thương, để lại di chứng nặng nề là đau nhức, yếu cơ, viêm khớp.

Ngoài ra, cũng có thể khi bệnh nhân mắc Covid thể nặng, người bệnh phải nằm một chỗ quá lâu, hoặc dùng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương khớp. Tình trạng này dễ gặp với những bệnh nhân phải thở máy khi điều trị Covid, hệ thống cơ xương khớp dễ yếu đi sau khi khỏi bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, ở những bệnh nhân mắc Covid-19 càng nặng thì di chứng để lại càng nhiều và càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa số các di chứng cải thiện sau 6 – 12 tháng. Việc phát hiện và điều trị phục hồi sớm sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho bệnh nhân.

Cách điều trị đau nhức xương khớp hậu Covid-19

Ngoài ra, tùy vào thể trạng mỗi cá nhân mà di chứng có thể kéo dài từ 12 tuần đến 6 tháng với mức độ nặng hay nhẹ khác nhau. Có những người chỉ bị khó chịu và suy nhược trong thời gian ngắn rồi hồi phục trở lại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị di chứng trong suốt thời gian dài, chưa thể quay trở lại sinh hoạt và làm việc như trước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp các bệnh nhân stress do quá trình nhiễm bệnh, cũng như đọc nhiều thông tin về hậu Covid rồi trở nên lo lắng, hồi hộp, ăn ngủ không ngon dẫn đến tinh thần xuống cấp rõ rệt.

Di chứng hậu Covid là phản ứng miễn dịch sau nhiễm trùng do từng cơ địa khác nhau của người bệnh. Trong quá trình nhiễm bệnh, virus nCoV tấn công vào nhiều tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào màng trong của hệ thống mạch máu và các cơ quan hô hấp, gây nhiễm trùng cho hệ miễn dịch. Điều đáng nói ở đây là hệ thống mạch máu tồn tại ở mọi nơi trên cơ thể, do đó, một khi mạch máu bị tàn phá sẽ dẫn đến tổn tương tất cả các cơ quan.

Cách điều trị đau xương khớp hậu Covid-192

Cách điều trị đau xương khớp hậu Covid-19

Các bác sĩ khuyên rằng, để giảm tình trạng đau nhức xương khớp, bệnh nhân cần phải có sự kiên trì và phối hợp nhiều phương pháp. Đầu tiên là các biện pháp điều trị đau xương khớp cho bệnh nhân hậu Covid-19 đơn giản có thể áp dụng tại nhà như dùng thuốc giảm đau thông thường. Liều dùng paracetamol là 10 – 15 mg/kg, mỗi liều uống cách nhau 4 – 6 tiếng. Một số loại thuốc kháng viêm cơ bản như Ibuprofen có thể được sử dụng nhằm điều trị đau nhức xương khớp tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử đau dạ dày, bệnh tim mạch, suy gan thận, đang dùng các thuốc đông máu, thuốc kháng kết tập tiểu cầu... phải đặc biệt thận trọng với Ibuprofen.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp các phương pháp giảm đau nhức dân gian như: Xông hơi, chườm nóng, chườm lạnh, chườm ngải cứu và massage... cũng đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đang sốt cao, tiêu chảy, mất nước, ăn uống kém,... nên hạn chế liệu pháp xông toàn thân vì có thể làm nặng thêm tình trạng mất nước cũng như rối loạn điện giải. Nhóm người bệnh cao tuổi hoặc trẻ nhỏ cần đề phòng nguy cơ bị bỏng do nhiệt trong quá tình xông hay chườm nóng, lạnh.

Cách điều trị đau xương khớp hậu Covid-193

Vật lý trị liệu cũng mang hiệu quả cao cho việc giảm đau nhức xương khớp

Trường hợp các cơn đau dai dẳng kéo dài trên 2 tuần, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị. Bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp chiếu hình ảnh và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu bệnh nhân không có tiền căn của các bệnh về cơ xương khớp, bác sĩ có khả năng chỉ định dùng nhiều biện pháp kết hợp để giúp giảm đau như thuốc kháng viêm và các phương pháp tập vật lý trị liệu.

Các F0 sau khi khỏi bệnh nên thực hiện các bài tập vận động tùy theo khả năng của mỗi người. Các bài tập hoạt động co duỗi khớp đơn giản như đạp xe đạp, đi bộ, đến các bài tập với cường độ cao đều có thể giúp tinh thần sảng khoái, rút ngắn thời gian hồi phục bệnh. Bệnh nhân nên vận động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp tăng cường sức mạnh, tăng sự dẻo dai của cơ bắp mà còn kích thích sụn khớp tốt hơn, tái tạo sụn khớp đã tổn thương cũng như giảm các phản ứng viêm có hại trong khớp. Các bệnh nhân có biểu hiện yếu và teo cơ, cần được bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng tư vấn các bài tập phù hợp để sức mạnh và các khối lượng cơ sớm phục hồi.

Xem thêm: Tác dụng của lá tía tô với xương khớp bạn đã biết chưa?

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.