Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim

Ngày 12/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi người thực hiện đo điện tâm đồ gắn điện cực cho máy điện tim sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả điện tâm đồ bị nhiễu hoặc không chính xác. Việc hiểu rõ nguyên lý và cách mắc điện tâm đồ giúp người bệnh nắm được tác dụng của việc đo điện tâm đồ và thực hiện đúng.

Để kiểm tra hoạt động của tim và chẩn đoán nhiều bệnh lý về tim mạch, bác sĩ thường chỉ định đo điện tâm đồ (ECG). Nếu xảy ra một sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện cũng có thể làm nhiễu tín hiệu điện và ảnh hưởng đến kết quả đo. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách mắc điện tim đúng để đảm bảo kết quả điện tâm đồ đượ chính xác.

Máy điện tim là gì?

Máy điện tim được dùng để đo tín hiệu điện tim hay còn gọi là điện tâm đồ để phát hiện những bất thường của tim, nhờ đó bác sĩ dự báo, chẩn đoán một số nguy cơ, bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp,… Ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài khiến tín hiệu điện tim rất dễ bị nhiễu gồm nối đất thiết bị, các thiết bị điện quang, các thiết bị xung quanh có từ tính cao, các vật bằng kim loại trên người của bệnh nhân.

Điện tâm đồ là gì?

Trước khi hiểu rõ về cách mắc điện tim, bạn cần tìm hiểu thông tin cơ bản về điện tâm đồ.

Quả tim co bóp do các dẫn truyền điện trong hệ thống bó thần kinh tim giúp đưa máu đi nuôi cơ thể. Điện tâm đồ là một cách để ghi lại những biến thiên đó, giúp bác sĩ có thể nhận biết tim hoạt động như thế nào thông qua các chỉ số về phức bộ QRS, ST-T, tần số tim,...

Cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim 1
Thông qua điện tâm đồ, bác sĩ có thể chẩn đoán được một số bệnh lý về tim mạch

Nhờ vào kết quả điện tâm đồ, bác sĩ có thể chẩn đoán được một số bệnh lý về tim mạch như:

  • Nhồi máu cơ tim: Khi mắc tình trạng nhồi máu cơ tim, cơ tim sẽ thiếu dưỡng khí, thiếu máu gây ra những tổn thương nhất định, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ truyền điện của cơ tim. Tình trạng này sẽ thể hiện rõ trên kết quả của điện tâm đồ.
  • Thiếu máu cơ tim: Kết quả điện tâm đồ cũng có những thay đổi rõ ràng khi người bệnh bị thiếu máu cơ tim, hình ảnh sóng T bị dẹt, âm.
  • Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân là do những bất thường tại cơ tim, nút nhĩ thất, nút xoang hay một số vấn đề về dẫn truyền một chiều của tim,... Kết quả điện tâm đồ sẽ hiện rõ những bất thường này và từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh.
  • Rối loạn dẫn truyền nhịp tim: Nhịp tim của người bệnh rối loạn do một số vấn đề về hệ thống dẫn truyền như mạch lạc dẫn truyền bị tổn thương. Nhờ vào kết quả điện tâm đồ, bác sĩ có thể chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh một cách chính xác.
  • Chẩn đoán các chứng tim to: Kết quả điện tâm đồ chỉ là một gợi ý và không có ưu thế trong chẩn đoán bệnh tim to do nhiều yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, bác sĩ sẽ áp dụng thêm một số công cụ chẩn đoán khác để khẳng định bệnh tim to.
  • Chẩn đoán một số thay đổi sinh hóa máu: Sự thay đổi nồng độ các chất như kali, natri, canxi,... có thể tác động và làm thay đổi kết quả điện tâm đồ.
  • Chẩn đoán tình trạng ngộ độc thuốc như thuốc chống trầm cảm 3 vòng, Digoxin,...
Cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim 2
Điện tâm đồ có thể được dùng để chẩn đoán tình trạng rối loạn nhịp tim

Khi nào chỉ định đo điện tâm đồ?

Người khỏe mạnh lẫn người đang có vấn đề về sức khỏe đều có thể được chỉ định đo điện tâm đồ. Đây là chỉ định thường quy mà ai cũng cần phải thực hiện khi thăm khám sức khỏe tổng quát. Ngoài ra những bệnh lý sau đây cũng cần đo điện tâm như:

  • Chẩn đoán tình trạng rối loạn nhịp tim.
  • Người mắc các triệu chứng đau tim do bệnh lý mạch vành gây ra.
  • Người trên 55 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tiểu đường, huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, nghiện thuốc lá, sử dụng nhiều bia rượu, gia đình có người thân mắc bệnh lý về tim mạch,…
  • Kiểm tra một số bất thường ở tim như giãn cơ tim, viêm cơ tim, hẹp van tim, rối loạn lipid máu,… kèm theo các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tim như khó thở, hồi hộp, đau thắt ngực, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn,…
  • Thực hiện trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp tim.
  • Thực hiện sau khi phẫu thuật van tim, viêm nội tâm mạc hay nhồi máu cơ tim.
  • Cần theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị bệnh tim mạch.

Cách mắc điện tim và gắn điện cực cho máy đo điện tim

Sau đây là các bước trong cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim vẫn thường được áp dụng để kiểm tra nhịp tim và hoạt động của tim:

Bước 1: Chuẩn bị

  • Chuẩn bị dụng cụ gồm máy đo điện tim, các điện cực và dây, dây nguồn của máy, gel bôi điện cực và khăn giấy, gòn tẩm cồn, máy đo huyết áp.
  • Bệnh nhân cần lấy trong người những vật có thể gây nhiễu sóng như kim loại, điện thoại,…
  • Bệnh nhân nằm thẳng, ngữa hai bàn tay, hai chân không chạm nhau, tư thế thoải mái, mắt nhắm.
  • Khi đo điện tim, cần kiểm tra lại các thông số cần thiết như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao.
  • Kiểm tra nguồn điện vì nguồn điện không ổn định sẽ làm máy mau hỏng và làm nhiễu điện khi đo. Nếu xảy ra trường hợp đó, hãy đo bằng nguồn điện dự trữ từ pin có sẵn trong máy.
  • Mở máy đo điện tim xem có hoạt động bình thường không.
  • Lau trên bề mặt da sẽ tiếp xúc với các mặt điện cực bằng bông đã tẩm cồn để tăng cường diện tiếp xúc. Hiệu quả hơn khi bôi gel lên cả bề mặt tiếp xúc của các điện cực.

Bước 2: Gắn các điện cực

Cách đặt các chuyển đạo

  • Dùng cồn lau sạch bề mặt da tiếp xúc với điện cực.
  • Thoa một lớp gel lên da trước khi gắn các điện cực lên da. Lưu ý không thoa gel quá rộng vì làm nhiễu điện từ điện cực này sang điện cực khác.
  • Gắn điện cực lên chỗ thịt mềm, không nên đặt lên xương.
Cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim 3
Cách mắc điện tim không đúng sẽ dẫn đến kết quả đo điện tim không chính xác

Trong 12 chuyển đạo thông dụng có 6 chuyển đạo ngoại biên và 6 chuyển đạo trước tim.

Chuyển đạo ngoại biên (các chi)

Quy ước về các điện cực đo chuyển đạo ngoại biên và màu như sau:

  • Màu đỏ R (RA): Tay phải/Cơ delta phải;
  • Màu vàng L (LA): Tay trái/Cơ delta trái;
  • Màu đen RF (RL): Chân phải;
  • Màu xanh lá cây F (LL): Chân trái.

Chú ý: Nếu cần cải thiện sự tiếp xúc của da với các điện cực, có thể dùng dao cạo bỏ lông ở vị trí đặt điện cực.

Chuyển đạo trước tim

Dùng cồn lau sạch tại các vị trí sẽ đặt điện cực. Vị trí đặt điện cực áp dụng cho sáu điện cực trong các điểm sau:

  • V1: Khoang liên sườn thứ 4 nằm cạnh xương ức bên phải;
  • V2: Khoang liên sườn thứ 4 nằm ở bờ trái xương ức;
  • V3: Khoảng giữa điện cực V2 và V4;
  • V4: Khoang liên sườn thứ 5 nằm ở giữa xương đòn;
  • V5: Đường nách trước bên trái ngang với V4;
  • V6: Đường giữa nách trái ngang với V4 và V5.

Một số chuyển đạo trước tim khác

  • V7: Nằm ở liên sườn V trên đường nách sau;
  • V8: Nằm giữa đường xương vai;
  • V9: Nằm cạnh đường liên gai sống trái;
  • V3R, V4R, V5R, V6R: Đây là các điện cực đối xứng từng cặp với V3, V4, V5, V6 qua xương ức;
  • E: Mũi ức.

Sau khi áp dụng tất cả các điện cực, gắn các dây dẫn ngực liên kết với cáp. Để giảm lực căng trên dây, đặt mỗi dây dẫn nằm thấp hơn điện cực.

Cách mắc điện tim, gắn điện cực cho máy đo điện tim 4
Để giảm lực căng trên dây, đặt mỗi dây dẫn nằm thấp hơn điện cực

Bước 3: Đo điện tim và hoàn tất thủ tục

  • Nhấn nút điều khiển để hoạt động máy. Trong khi máy chạy phải liên tục quan sát. Máy sẽ tự động đo theo chương trình cài đặt trước. Sau khi đo điện tim xong, máy sẽ tự động dừng.
  • Ngắt nguồn điện.
  • Dùng bông tẩm cồn lau sạch mặt các điện cực.
  • Tháo rời dây nguồn, dây điện cực.
  • Cuốn gọn các dây đo để dây không bị gấp hoặc xoắn, rối. Nên treo dây điện cực lên giá nếu máy để nơi cố định để đo, giúp bảo quản máy tốt hơn.
  • Cất dụng cụ đúng nơi quy định.
  • Ghi hồ sơ: Ngày giờ đo điện tim, tình hình chung của bệnh nhân, dán kết quả vào giấy trả kết quả.

Nhìn chung, thông qua việc đo điện tâm đồ, bác sĩ có thể chẩn đoán được các bệnh lý về tim mạch. Việc hiểu rõ các vị trí gắn điện cực sẽ giúp bạn có cách mắc điện tim cho máy đo điện tim đúng chuẩn, giúp kết quả đo được chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin