Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất

Ngày 31/03/2022
Kích thước chữ

Cách sơ cứu bỏng nước sôi nhanh chóng và hiệu quả nhất hiện đang là thắc mắc của rất nhiều người. Để giúp bạn tìm lời giải cho vấn đề trên hãy cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!

Bỏng nước sôi là một trong những tai nạn bỏng phổ biến thế nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý hiệu quả nhất. Việc sơ cứu bỏng nước sôi chậm trễ hay xử lý sai cách làm kéo dài thời gian điều trị cho bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng sống của họ. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay cách sơ cứu bỏng nước sôi qua bài viết này nhé!

Bỏng nước sôi là gì?

Cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất 1

Bỏng nước sôi xảy ra khi da của chúng ta tiếp xúc với nước nóng đạt trên 49ºC

Bỏng nước sôi là loại bỏng nhiệt xảy ra khi da của chúng ta tiếp xúc với nước nóng đạt trên 49ºC. Bỏng nước sôi có thể xảy ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày như đổ canh nóng, khi rót nước sôi,… Tuy nhiên các trường hợp bỏng da nặng đa số do tai nạn lao động nhất là trong các ngành chế biến. Sự tiếp xúc với nước sôi có thể gây bỏng da nghiêm trọng chỉ trong vài giây. 

Các mức độ khi bị bỏng nước sôi

Cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất 2

Có ba mức độ khi bị bỏng nước sôi

Bỏng nước sôi được phân làm ba cấp độ: Bỏng nhẹ, trung bình và bỏng nặng.

Mức độ nhẹ

Bỏng mức độ nhẹ có triệu chứng giống viêm da, chỉ gây đau nhẹ, da sưng đỏ. Bệnh nhân có thể tự lành vết thương sau từ 2-3 ngày. Khi vết bỏng lành lại, da bị khô và bong tróc để thực hiện quá trình lên da non.

Mức độ trung bình

Bỏng nước sôi mức độ trung bình xuất hiện nốt phỏng nước chứa dịch trong hoặc vàng nhạt trên nền da đỏ. Vết bỏng này cần phải mất 10 - 14 ngày để lành vết thương. Ở mức độ này bệnh nhân sẽ có cảm giác đau rát và khó chịu kéo dài.

Mức độ nặng

Bỏng mức độ nặng gây phồng rộp, vết phỏng có dịch màu hồng, đục; đáy nốt phỏng có thể tím sậm hoặc trắng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy vết bỏng đau nhức, rát và vô cùng khó chịu. Vết thương có thể tự khỏi sau 15 - 30 ngày hoặc dùng thuốc giúp nhanh lành vết thương. Thế nhưng nếu không vệ sinh vết bỏng đúng cách có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh và gây ra các biến chứng nặng nề thậm chí gây ung thư da.

Cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất

Cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất 3

Sơ cứu bỏng nước sôi giúp hạn chế biến chứng vết bỏng cho bệnh nhân

Việc sơ cứu bỏng nước sôi cũng giống các loại bỏng nhiệt khác với mục tiêu sơ cứu ban đầu là để giảm đau và ngăn ngừa nhiễm trùng. Chính vì vậy việc sơ cứu cần phải được thực hiện nhanh chóng. Quy trình sơ cứu chuẩn khi bị bỏng nước sôi bao gồm:

Làm mát vết bỏng

Bạn có thể làm mát vết bỏng bằng cách xả nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng. Điều này giúp tránh cho da khỏi bị rộp và làm giảm cảm giác đau đớn cho bệnh nhân. Việc xả nước nên được tiến hành sớm trong 30 phút đầu và làm trong khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch sẽ giúp vết bỏng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm. Quá trình này tuyệt đối không nên sử dụng nước đá hoặc các chất khác có chứa dầu mỡ.

Nếu vết bỏng nước sôi bao phủ một phần lớn cơ thể bạn không nên ngâm toàn bộ vết phỏng trong nước. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị mất nhiệt từ đó làm trầm trọng thêm vết thương. Khi bị bỏng bạn hãy cố gắng giữ ấm cơ thể và làm mát từng phần của vết bỏng.

Loại bỏ vật cứng

Nếu trong vết bỏng có vật cứng, bạn cần nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề. Bạn cũng cần cởi bỏ đồ trang sức hoặc quần áo gần vết bỏng để giảm nhiệt độ trên da. 

Nếu có các vật dụng bị dính vào vết bỏng, bạn không nên cố lấy ra mà giữ nguyên. Tự ý lấy các vật cứng ra rất dễ khiến vùng da xung quanh bị lột ra theo. Điều này không những gây đau đớn mà còn khiến cho vùng da đang nhạy cảm dễ bị nhiễm trùng và đẩy nhanh tốc độ lão hóa da hơn.

Che vết bỏng

Để tránh nhiễm trùng vết thương, bạn hãy che miệng vết bỏng bằng băng gạc vô trùng. Thêm vào đó, bạn có thể bôi thêm lên vết bỏng một lớp dày kem Silvrin hoặc Biafine, để giữ độ ẩm cho da. Da người bị bỏng háo nước chính vì vậy việc giữ ẩm giúp hạn chế bị bóng nước, giảm đau, tránh sẹo là điều rất cần thiết.

Lưu ý, bạn cần thay băng mỗi ngày và rửa vết bỏng qua bằng nước muối sinh lý và tiếp tục bôi kem. Sau khi thay băng và rửa vết thương bạn vẫn phải băng lại tránh để vết bỏng bị khô cho đến khi vết bỏng lành, không đỏ da.

Đến bệnh viện

Nếu vết phỏng sâu hoặc vết thương nặng hơn bạn cần đến bệnh viện để được điều trị đúng cách. Dấu hiệu vết bỏng trở nặng là sưng, đỏ, đau nhiều hơn quanh vết thương và có mô hoại tử,…

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách sơ cứu bỏng nước sôi hiệu quả nhất. Có thể thấy việc biết cách sơ cứu bỏng nước sôi rất cần thiết trong cuộc sống, giúp hạn chế nguy hiểm cũng như biến chứng cho bệnh nhân. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có được những thông tin cần thiết để sơ cứu bệnh nhân khi gặp tình huống thực tiễn.

Minh Thúy

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sơ cứubỏng