Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Bị bỏng lưỡi cần làm gì tránh nhiễm trùng?

Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bỏng lưỡi khi ăn đồ ăn hoặc chất lỏng nóng là một tai nạn phổ biến, tuy không nghiêm trọng nhưng cần được sơ cứu thích hợp để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn như nhiễm trùng. Ngoài ra, cảm giác bỏng rát dai dẳng ở lưỡi có thể là dấu hiệu của một tình trạng gọi là hội chứng bỏng miệng.

Bị bỏng lưỡi chắc chắn khiến bạn khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Việc tìm ra cách cải thiện triệu chứng, điều trị phù hợp là rất quan trọng để giúp nhanh lành, đồng thời tránh biến chứng nhiễm trùng. Đặc biệt, khi bị bỏng lưỡi cấp độ hai và ba, bạn càng cần đặc biệt quan tâm và thăm khám. Trường hợp mất vị giác có thể xảy ra, tuy nhiên biến chứng này chỉ là tạm thời vì nụ vị giác thường tự tái tạo sau mỗi hai tuần nếu vết bỏng lưỡi không quá nặng.

Bỏng lưỡi hay phỏng lưỡi là gì?

Bỏng lưỡi là tình trạng rất phổ biến xảy ra sau khi bạn vô tình ăn hoặc uống phải thực phẩm/thức uống quá nóng. Ai cũng có thể bị bỏng lưỡi nếu không cẩn thận kiểm tra thực phẩm trước khi tiêu thụ. Điều quan trọng là sau khi bạn bị bỏng lưỡi phải biết cách xử lý để giảm đau cũng như ngăn ngừa bị nhiễm trùng.

Bị bỏng lưỡi cần làm gì tránh nhiễm trùng? 1
Bỏng lưỡi gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu, nặng hơn có thể bị mất vị giác

Bỏng lưỡi chắc chắn sẽ gây ra đau đớn, khó chịu cho người mắc phải, thậm chí một số trường hợp còn có thể bị bỏng lưỡi mất vị giác. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng vì vết bỏng này cũng sẽ lành theo thời gian. Những biện pháp sơ cứu ban đầu thường hiệu quả đối với các vết bỏng lưỡi thông thường, tuy nhiên nếu bị nặng, bạn cần đi khám bác sĩ để được xử lý ngay.

Bên cạnh nguyên nhân gây bỏng lưỡi do ăn phải thức ăn/ thức uống qua nóng thì cũng có một số trường hợp lưỡi bị bỏng rát hoặc bị rát lưỡi như bỏng nước sôi gọi là hội chứng miệng bỏng rát. Với bệnh lý này, miệng liên tục bị rát mà không rõ nguyên nhân, hoàn toàn không phải do ăn uống đồ nóng.

Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra các triệu chứng giống hội chứng miệng bỏng rát, bao gồm:

  • Miệng bị khô;
  • Thường xuyên nghiến răng;
  • Tình trạng lưỡi bản đồ;
  • Do đeo răng giả;
  • Do cơ thể thiếu vitamin;
  • Do bệnh tưa miệng;
  • Tình trạng liken phẳng ở miệng;
  • Bị chấn thương miệng;
  • Bị tình trạng phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm;
  • Do sử dụng thuốc, chẳng hạn thuốc huyết áp cao;
  • Do rối loạn nội tiết (tiểu đường, suy giáp);
  • Rối loạn nội tiết tố;
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) khiến axit dạ dày trào ngược lên miệng;
  • Đánh răng mạnh gây tổn thương lưỡi;
  • Thường xuyên sử dụng nước súc miệng hay các thói quen chăm sóc răng miệng không lành mạnh khác.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Như đã đề cập bên trên, bỏng lưỡi xảy ra khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, nếu bạn thấy tình trạng nóng rát trên lưỡi của bạn kéo dài dai dẳng trong vài ngày mà không thuyên giảm, hay khi bị những vết bỏng phồng rộp hoặc ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn trong miệng thì nên đi khám bác sĩ ngay để kịp thời có hướng xử lý.

Bị bỏng lưỡi cần làm gì tránh nhiễm trùng? 2
Ăn đồ cay nóng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều người bị bỏng lưỡi

Ngoài ra, nếu bạn gặp phải cảm giác nóng rát mà không rõ nguyên nhân, đồng thời còn kèm theo các triệu chứng khác như khô miệng, thay đổi khẩu vị hoặc đau răng thì cũng nên đi bệnh viện/phòng khám chuyên khoa để được kiểm tra kịp thời. Bạn cần biết là những vết bỏng lưỡi do thức ăn hoặc đồ uống nóng nếu được chăm sóc thích hợp thường sẽ tự lành trong thời gian ngắn, trong khi đó cảm giác bỏng rát liên tục hoặc không có nguyên nhân rõ ràng thì cần được chăm sóc y tế mới có thể giải quyết các tình trạng tiềm ẩn.

Các cấp độ bỏng lưỡi

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng lưỡi mà triệu chứng của mỗi người gặp phải sẽ khác nhau. Vết bỏng lưỡi thông thường sẽ được chia làm 3 cấp độ:

Bỏng lưỡi độ một

Ở cấp độ này, vết bỏng chỉ ảnh hưởng lớp ngoài cùng của lưỡi. Bệnh nhân cảm giác đau, bên cạnh biểu hiện lưỡi bị đỏ và sưng.

Bỏng lưỡi độ hai

So với bỏng độ một, bị bỏng lưỡi độ hai sẽ đau hơn do cả lớp ngoài cùng lẫn lớp dưới của lưỡi đều bị tổn thương. Bạn sẽ thấy lưỡi có biểu hiện phồng rộp, đỏ và sưng.

Bỏng lưỡi độ ba

Đây là cấp độ bỏng lưỡi nặng nhất vì vết bỏng ảnh hưởng đến các mô sâu nhất của lưỡi. Trường hợp này, lưỡi đổi sang màu trắng hoặc đen, có thể mất cảm giác hoặc bị đau.

Dựa trên tình trạng cụ thể lưỡi đỏ, sưng và phồng rộp mà bác sĩ sẽ xác định được độ nghiêm trọng của vết bỏng và có cách điều trị phù hợp. Riêng với hội chứng miệng bỏng rát, ngoài cảm giác bỏng rát ở lưỡi thì bệnh nhân có thể sẽ gặp thêm thêm các triệu chứng bao gồm:

  • Miệng cảm giác có vị kim loại hoặc bị đắng miệng.
  • Bị cảm giác nóng rát, tê và ngứa ran mỗi ngày.
  • Bị khô miệng thường xuyên dù lượng nước bọt trong miệng vẫn bình thường.
  • Lưỡi có cảm giác khó chịu nhẹ vào buổi sáng, sau tăng dần lên trong ngày.
Bị bỏng lưỡi cần làm gì tránh nhiễm trùng? 3
Nếu không cải thiện được bỏng lưỡi, nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Khi gặp những triệu chứng kể trên, bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn cách xử lý. Qua thăm khám, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân cơ bản, loại trừ những bệnh có triệu chứng tương tự để chẩn đoán hội chứng miệng bỏng rát, đồng thời hướng dẫn bạn thiết lập thói quen chăm sóc răng miệng khoa học, đúng cách.

Bị bỏng lưỡi nên làm gì?

Bị bỏng lưỡi nên làm gì để lưỡi nhanh lành, tránh nguy cơ bị nhiễm trùng là điều mà hầu hết mọi người sẽ quan tâm khi bị bỏng lưỡi. Theo bác sĩ chuyên khoa, việc đầu tiên bạn cần làm khi bị bỏng lưỡi là sơ cứu vết bỏng nhằm làm giảm nhẹ sự đau đớn, ngăn ngừa biến chứng.

Dưới đây là các cách sơ cứu tránh nhiễm trùng và giảm đau khi bị bỏng lưỡi cấp độ một bạn cần tham khảo để áp dụng:

  • Ngậm ngay đá bào hoặc kem que để giúp làm dịu cơn đau tại vị trí bỏng lưỡi.
  • Uống nước ngay, đồng thời súc miệng với nước mát trong vài phút để làm dịu cảm giác bỏng.
  • Ngậm chút đường hoặc mật ong lên vị trí bỏng lưỡi để giảm đau tạm thời.
  • Kiêng uống các chất lỏng ấm nóng để tránh kích ứng vết bỏng lưỡi.
  • Kết hợp dùng thuốc uống acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) giúp làm giảm đau và viêm.

Nếu gặp hội chứng miệng bỏng rát, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp nêu trên để giảm đau. Trường hợp bị bỏng lưỡi cấp độ hai hay độ ba, tốt nhất là đi khám bác sĩ ngay.

Thời gian để vết bỏng lưỡi hồi phục là trong khoảng 2 tuần hoặc có thể ngắn hơn. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nghiêm trọng lẫn nguyên nhân gây ra vết bỏng lưỡi mà thời gian lành có thể kéo dài đến 6 tuần.

Khi thấy triệu chứng vết bỏng lưỡi không cải thiện hoặc xuất hiện dấu hiệu bị nhiễm trùng (sốt, lưỡi có mủ/sưng/đỏ, mức độ đau không giảm mà còn tăng, vết bỏng lâu lành,...) thì bệnh nhân cần đi khám bác sĩ càng nhanh càng tốt.

Bị bỏng lưỡi cần làm gì tránh nhiễm trùng? 4
Ngậm mật ong nguyên chất có thể cải thiện triệu chứng bỏng lưỡi

Bạn hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa bị phỏng lưỡi bằng cách kiểm tra nhiệt độ đồ ăn, thức uống trước khi dùng, đặc biệt là khi bạn hâm đồ ăn/uống trong lò vi sóng vì những món này có thể không nóng đều.

Tóm lại, bỏng lưỡi là tình trạng khá phổ biến, có thể do hội chứng bỏng rát miệng hoặc do bạn vô tình ăn thức ăn, uống nước quá nóng. Khi bị bỏng lưỡi, bạn có thể thực hiện vết bỏng thông thường nếu vết bỏng nhẹ. Tuy nhiên, khi bị bỏng quá nặng hay vết bỏng không lành, bạn không nên tự xử lý tại nhà mà hãy đi khám để được bác sĩ chữa trị đúng cách nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:bỏngTrị bỏng