Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách xử trí và phòng ngừa trong trường hợp bị dị ứng cá biển

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ

Dị ứng cá biển không chỉ mang đến nhiều sự kích ứng khó chịu, mà còn có khả năng đe dọa sức khỏe của người bệnh. Vậy cách xử trí và phòng ngừa bị dị ứng cá như thế nào?

Dị ứng cá được xếp vào nhóm dị ứng thực phẩm. Điều đáng chú ý là, khác với nhiều loại thực phẩm khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không giới hạn trong độ tuổi trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng, có khoảng 40% người tham gia nghiên cứu cho biết họ chỉ bị dị ứng cá biển khi đã trưởng thành, mặc dù trước đó nhóm người này chưa từng gặp vấn đề gì khi ăn cá.

Tìm hiểu về tình trạng dị ứng cá biển

Như chúng ta đã biết, hải sản là một nhóm thực phẩm bao gồm cá và động vật có vỏ như nghêu, sò, tôm, cua và nhiều loại khác. Tuy nằm trong cùng một nhóm thực phẩm, nhưng cá và động vật có vỏ vẫn có sự khác biệt sinh học riêng. Nghĩa là bị dị ứng với cá không hoàn toàn tương tự với dị ứng với hải sản. Hiểu một cách đơn giản hơn, việc bạn có dị ứng với cá biển hay không sẽ không đồng nghĩa rằng, bạn cũng sẽ dị ứng với tất cả các loại động vật có vỏ khác.

Cách xử trí và phòng ngừa trong trường hợp bị dị ứng cá biển 1
Các loại cá gây dị ứng phổ biến gồm cá ngừ, cá hồi, cá cờ, cá đuối, cá da trơn, cá tuyết,...

Dựa trên một nghiên cứu, các loại cá được báo cáo gây ra dị ứng phổ biến nhất bao gồm cá ngừ, cá hồi, cá cờ, cá đuối, cá da trơn, cá tuyết và nhiều loại khác. Thế nhưng, việc bạn dị ứng với một loại cá cụ thể cũng sẽ không có nghĩa là bạn sẽ dị ứng với tất cả các loại cá khác.

Trong trường hợp này, quá trình quản lý tình trạng dị ứng sẽ cần sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa. Các chuyên gia sẽ giúp bạn lựa chọn thực phẩm phù hợp để kiểm soát dị ứng một cách hiệu quả, đồng thời vẫn cho phép bạn thưởng thức các món cá và hải sản khác mà không gây ra phản ứng dị ứng.

Một số triệu chứng khi bị dị ứng cá

Khi bạn bị phản ứng dị ứng với cá, điển hình như ăn cá đuối, đây là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các protein có trong cá. Trong trường hợp bạn ăn cá hoặc hít hơi nước từ cá khi nấu chín, cơ thể xem xét những protein trong cá như một mối đe dọa. Do đó, hệ thống miễn dịch sẽ phát triển kháng thể Immunoglobulin E (IgE), giải phóng Histamine - Một chất trung gian hóa học. Điều này dẫn đến phản ứng dị ứng với một loạt triệu chứng, từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Nổi mề đay hoặc phát ban trên da. Đây thường là triệu chứng phổ biến khi bạn dị ứng cá biển;
  • Khó tiêu, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
  • Nhức đầu;
  • Ngứa ran trong miệng;
  • Sưng mặt, mắt, môi;
  • Khó thở, thở khò khè, ho khan hoặc cảm giác lên cơn hen suyễn;
  • Giảm huyết áp, choáng váng hoặc ngất xỉu.
Cách xử trí và phòng ngừa trong trường hợp bị dị ứng cá biển 2
Phản ứng dị ứng với cá có thể biến đổi ở từng người

Trong một số trường hợp hiếm, dị ứng cá có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Khi bị sốc phản vệ, người bệnh có thể sưng cổ họng, gặp khó thở, và có nguy cơ suy hô hấp nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, thì sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Cách xử trí và phòng ngừa khi bị dị ứng cá biển

Nếu bạn có dị ứng với cá, các bác sĩ thường khuyên bạn nên tuân thủ các biện pháp sau để đảm bảo an toàn:

  • Tránh tiếp xúc với cá: Đây là một quyết định quan trọng giúp ngăn ngừa phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
  • Mang theo bút tiêm Epinephrine: Bạn nên mang theo bút tiêm tự động Epinephrine. Đây là một phần quan trọng của quá trình xử lý dị ứng nghiêm trọng. Bút tiêm Epinephrine được dùng để cung cấp một liều Epinephrine ngay lập tức khi bạn có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng.
  • Thuốc kháng Histamine không kê đơn (OTC): Ngoài bút tiêm Epinephrine, bạn cũng nên mang theo thuốc kháng Histamine không kê đơn (OTC) để điều trị các triệu chứng dị ứng nhẹ, giảm một phần triệu chứng như ngứa da hay sưng mặt.
  • Kiểm tra nhãn thực phẩm: Khi mua thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm chế biến sẵn, luôn đọc nhãn để xem liệu chúng có chứa cá biển hay không.
  • Thận trọng với món ẩm thực châu Á: Nếu bạn ưa thích ẩm thực châu Á, thì hãy nhớ rằng nước mắm và nhiều loại mắm, nước sốt kho cá được sử dụng làm nước chấm sẽ có thành phần chứa cá. Bởi vậy, bạn nên cẩn thận khi ăn những món ẩm thực này.
  • Thông báo về dị ứng: Hãy thông báo cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp biết về tình trạng dị ứng của bạn để họ có thể giúp đỡ khi cần. Khi ăn ngoài, nên báo cho nhân viên nhà hàng hoặc người bán đồ ăn về tình trạng dị ứng để đảm bảo rằng bữa ăn được chuẩn bị một cách an toàn.
Cách xử trí và phòng ngừa trong trường hợp bị dị ứng cá biển 3
Hạn chế ăn cá trong trường hợp thường bị dị ứng cá biển

Tóm lại, nếu bạn bị dị ứng cá biển hoặc bất kỳ thực phẩm nào, thì cách tốt nhất là hạn chế ăn ở ngoài và ưu tiên việc tự nấu nướng. Điều này giúp bạn kiểm soát được thành phần của bữa ăn, và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình. Đồng thời, đừng quên luôn mang theo thuốc cần thiết để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Xem thêm: Nguyên nhân và cách cải thiện khi bị dị ứng máy lạnh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngngứa