Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cắn móng tay bị hoại tử: Thói quen nhỏ, hậu quả lớn

Ngày 02/12/2024
Kích thước chữ

Cắn móng tay có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử, thói quen này xuất hiện nhiều nhất ở trẻ nhỏ. Đây lại là đối tượng chưa nhận thức rõ về các nguy cơ cũng như phòng tránh, do đó cần được quan tâm từ bố mẹ. Cùng tìm hiểu sâu hơn về tình trạng cắn móng tay bị hoại tử​ qua bài viết bên dưới nhé.

Thói quen cắn móng tay là một hành động tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Một trong những rủi ro lớn nhất, nhưng ít được mọi người biết đến, là nguy cơ hoại tử – một tình trạng nhiễm trùng nặng, có thể dẫn đến mất mô hoặc tệ hơn, là đe dọa tính mạng. Vậy tại sao cắn móng tay lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu về tình trạng cắn móng tay bị hoại tử ​trong bài viết dưới đây.

Cắn móng tay và những rủi ro liên quan

Cắn móng tay là một trong những thói quen hình thành từ nhỏ, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Đó có thể là việc thường làm mỗi khi chúng ta căng thẳng hay lo lắng hoặc chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm cảm giác thoải mái hoặc tập trung.

Tuy nhiên, việc cắn móng tay không được khuyến khích, bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy hại. Những người thường xuyên cắn móng tay thường gây mất thẩm mỹ, khiến móng tay không đều, yếu và rất dễ gãy. Không thể tránh khỏi việc xuất hiện nhiều vết thương nhỏ xung quanh móng tay, nếu không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách có thể khiến chúng dễ bị nhiễm trùng.

Cắn móng tay bị hoại tử: Thói quen nhỏ, hậu quả lớn 1
Tìm hiểu tình trạng cắn móng tay bị hoại tử

Vì sao cắn móng tay bị hoại tử?

Nguyên nhân gây ra hoại tử khi cắn móng tay đến từ việc vết thương bị nhiễm trùng, làm mủ gây đau nhức tại khu vực các ngón tay.

Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến hoại tử

Nếu vết thương quanh móng tay bị nhiễm trùng mà không được xử lý kịp thời, vi khuẩn có thể lan sâu vào lớp mô bên dưới da, gây ra tình trạng viêm mô tế bào (cellulitis). Nặng hơn, vi khuẩn có thể tấn công vào mạch máu, dẫn đến viêm mạch hoặc hoại tử mô mềm.

Hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes là những thủ phạm phổ biến gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng, đặc biệt khi chúng xâm nhập qua các vết thương hở nhỏ do cắn móng tay. Hoại tử xảy ra khi máu không lưu thông đủ đến mô bị tổn thương, khiến mô chết dần.

Nếu không được xử lý kịp thời, các nhiễm trùng do Staphylococcus hoặc Streptococcus có thể tiến triển rất nhanh, gây tổn thương mô sâu hoặc lan rộng ra toàn cơ thể. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, như hoại tử mô mềm hoặc nhiễm trùng huyết, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ mất ngón tay hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

Cắn móng tay tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập

Bàn tay là bộ phận tiếp xúc với nhiều bề mặt và môi trường khác nhau, chứa hàng nghìn loại vi khuẩn và vi sinh vật, trong đó có cả những loại gây hại như Staphylococcus aureus, Streptococcus hay thậm chí là nấm. Khi bạn cắn móng tay, các vết nứt nhỏ hoặc vết xước xung quanh móng sẽ là cánh cửa mở, cho phép vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài ra, trong khoang miệng của con người cũng chứa hàng triệu vi khuẩn. Hành động cắn móng tay có thể vô tình truyền vi khuẩn từ miệng vào vùng da bị tổn thương, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Cắn móng tay bị hoại tử: Thói quen nhỏ, hậu quả lớn 3
Khoang miệng có thể chứa hàng triệu vi khuẩn gây nhiễm trùng ngón tay

Yếu tố làm tăng nguy cơ

Một số người có nguy cơ cao hơn mắc hoại tử khi cắn móng tay, bao gồm:

  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý hoặc dùng thuốc.
  • Người bị tiểu đường, khiến vết thương khó lành hơn.
  • Vệ sinh cá nhân kém, đặc biệt là không rửa tay thường xuyên.

Con đường lây nhiễm qua thói quen cắn móng tay

  • Khi cắn móng tay, lớp biểu bì bảo vệ quanh móng bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Tay thường tiếp xúc với nhiều bề mặt, từ tay nắm cửa, điện thoại đến bàn làm việc, nơi chứa đầy vi khuẩn. Việc không rửa tay trước khi cắn móng sẽ đưa vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào cơ thể.
  • Ngoài ra, vi khuẩn trong khoang miệng (thường vô hại) có thể trở nên nguy hiểm khi tiếp xúc với vết thương hở.

Dấu hiệu và triệu chứng cần chú ý

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm trùng là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những triệu chứng cần chú ý.

Dấu hiệu nhiễm trùng ban đầu

Ban đầu, một vài dấu hiệu nhiễm trùng dễ nhận biết như vùng da bị đỏ và sưng tại khu vực xung quanh móng tay, thường đi kèm cảm giác đau nhói hoặc rát khi chạm vào. Ngoài ra còn xuất hiện chất lỏng màu vằng hoặc trắng, đây chính là dấu hiệu dễ nhận biết của tình trạng nhiễm trùng.

Cắn móng tay bị hoại tử: Thói quen nhỏ, hậu quả lớn 4
Dấu hiệu nhiễm trùng ban đầu như đau, sưng, rát và có dấu hiệu làm mủ tại vị trí móng tay

Dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng

Bước sang giai đoạn nhiễm trùng nghiêm trọng, một vài dấu hiệu như da đổi màu từ đỏ sang tím hoặc đen – đây chính là dấu hiệu mô đã bị hoại tử. Nhiễm trùng nặng thường đi kèm với sự tích tụ mủ và mùi khó chịu.

Nếu ngón tay bị sưng to bất thường, đây có thể là dấu hiệu vi khuẩn đã lan vào lớp sâu hơn của da. Ngoài ra người bệnh còn bị sốt, mệt mỏi hoặc ớn lạnh do tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Khi có những dấu hiệu trên, đặc biệt là tình trạng da đổi màu hoặc sốt, bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức để được xử lý.

Làm thế nào để phòng ngừa cắn móng tay và biến chứng hoại tử?

Để ngăn ngừa các biến chứng do hoại tử, việc đơn giản nhất là từ bỏ thói quen cắn móng tay. Ngoài ra, một vài cách xử lý đúng cách khi tay bị thương dưới đây sẽ giúp bạn phòng tránh nguy cơ bị hoại tử.

Từ bỏ thói quen cắn móng tay

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn hình thành nên thói quen cắn móng tay. Bạn có thể tham khảo một vài phương pháp dưới đây để hạn chế thói quen này:

  • Sử dụng sản phẩm chống cắn móng: Các loại sơn móng tay có vị đắng là một giải pháp hiệu quả để hạn chế thói quen này.
  • Thay đổi thói quen: Thay vì cắn móng tay, bạn có thể cầm một quả bóng stress hoặc đồ chơi nhỏ để giữ tay bận rộn.
  • Nhận diện nguyên nhân: Nếu bạn cắn móng tay do căng thẳng, hãy thử các kỹ thuật thư giãn như thiền, tập thở sâu hoặc vận động thể thao.

Chăm sóc móng tay đúng cách

Một vài thói quen chăm sóng móng tay dưới đây mặc dù nhỏ nhưng rất hiệu quả để ngăn ngừa khả năng nhiễm trùng và hoại tử:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
  • Cắt móng tay gọn gàng: Sử dụng bấm móng để giữ móng luôn sạch và không có phần móng thừa gây khó chịu.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm vùng da quanh móng để giảm nguy cơ nứt nẻ.
Cắn móng tay bị hoại tử: Thói quen nhỏ, hậu quả lớn 2
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng

Xử lý ngay khi có vết thương

Khi phát hiện thấy khu vực vết thương bị nhiễm trùng, có dấu hiệu không cải thiện, nặng hơn hoặc xuất hiện dấu hiệu hoại tử thì phải ngay lập tức đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Trước đó, ta có thể xử lý theo cách sau tại nhà.

  • Rửa sạch vết thương bằng cách sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn ngay khi phát hiện vết thương.
  • Băng lại vết thương để giữ vùng bị tổn thương sạch và tránh tiếp xúc với bụi bẩn.
  • Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng thường xuyên, nếu thấy tình trạng không cải thiện hoặc nặng hơn, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra.

Hãy từ bỏ thói quen cắn móng tay ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe và tránh những hậu quả đáng tiếc. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu nhiễm trùng sau khi cắn móng tay, đừng chủ quan mà hãy đến kiểm tra để bác sĩ có kết luận chính xác và đưa ra cách điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin