Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích

Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ

Hội chứng ruột kích thích đã trở thành một tình trạng mãn tính phổ biến ảnh hưởng cục bộ đến đường ruột. Bệnh này cần có biện pháp quản lý lâu dài. Đừng bỏ qua bài viết này nếu bạn quan tâm đến phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích là một nhóm các bệnh về chức năng đường ruột, đặc trưng chủ yếu là đau bụng hoặc khó chịu kèm theo những thay đổi trong thói quen đại tiện. Việc điều trị hội chứng ruột kích thích dứt điểm trở nên khó khăn khi không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý chức năng đường ruột phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh thường tấn công không đều đặn, thỉnh thoảng xuất hiện và biến mất, kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Các triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích là:

  • Đau bụng/co thắt ruột: Đặc biệt xuất hiện sau khi ăn, nhưng giảm bớt khi đi tiêu.
  • Đầy hơi/chướng bụng: Cảm giác khó chịu ở bụng như đầy hoặc chướng bụng.
  • Tiêu chảy: Phân lỏng hoặc buồn đại tiện đột ngột.
  • Táo bón: Khó đại tiện hoặc cảm giác đi không hết.

Hội chứng ruột kích thích tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng đặc điểm khó chữa, dễ tái phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt là chức năng ngủ, trạng thái tinh thần và hoạt động xã hội, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, khả năng học tập, làm việc của người bệnh.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích 2
Hội chứng ruột kích thích không phải là bệnh nguy hiểm nhưng khó chữa

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Trước khi tìm ra cách điều trị hội chứng ruột kích thích thì chúng ta cần biết nguyên nhân bắt nguồn của bệnh.

Nguyên nhân của IBS vẫn chưa được biết và liên quan đến nhiều khía cạnh như:

  • Rối loạn nhu động ruột.
  • Các dây thần kinh ở thành ruột quá nhạy cảm với các kích thích hoặc tác nhân.
  • Ăn uống các thực phẩm sống, lạnh, nhiều dầu mỡ, cay nóng gây kích ứng và các sản phẩm từ sữa có thể trở thành nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích hoặc làm nặng thêm hội chứng ruột kích thích.
  • Rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm có thể tác động đáng kể đến chức năng tiêu hóa, gây ra hội chứng ruột kích thích.
  • Nhiễm trùng đường ruột.
  • Rối loạn điều hòa trục não-ruột.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích 3
Yếu tố tâm lý là một trong những khía cạnh liên quan đến hội chứng ruột kích thích

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Nhiều bệnh về đường tiêu hóa khác như không dung nạp thức ăn, nhiễm trùng, bệnh viêm ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng) và thậm chí cả ung thư đại trực tràng cũng có thể có các triệu chứng tương tự như triệu chứng IBS. Hội chứng ruột kích thích là một bệnh về đường ruột do bất thường về chức năng và không có tổn thương nào. Do đó, IBS được chẩn đoán khi bác sĩ loại trừ các bệnh khác hoặc không thể tìm ra nguyên nhân khác để giải thích tình trạng này. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận và thực hiện kiểm tra thể chất, thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, kiểm tra X-RAY đại tràng hoặc nội soi, và kết quả của các xét nghiệm này cũng như các yêu cầu khác sẽ nằm trong giới hạn bình thường.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích 4
IBS được chẩn đoán khi bác sĩ loại trừ các bệnh khác và thực hiện các xét nghiệm

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân và cơ chế của hội chứng ruột kích thích rất phức tạp và thường kết hợp với các yếu tố tinh thần, tâm lý. Do đó, cần phải điều trị theo từng cá nhân bao gồm chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống, dùng thuốc, tâm lý tâm thần, hướng dẫn nhận thức và hành vi. Những điều này phải dựa trên sự giao tiếp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng thuốc

Các loại thuốc chính bác sĩ có thể khuyên dùng để cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bao gồm:

Đối với hội chứng ruột kích thích chủ yếu là tiêu chảy:

  • Thuốc kháng sinh (Rifaximin): Có thể làm giảm sự tích tụ vi khuẩn trong ruột non do nhiễm trùng đường ruột. Nó có thể có tác dụng lâu dài đối với một số bệnh nhân mắc hội chứng kích thích, và một đợt điều trị có thể duy trì tác dụng trong 1 - 2 năm.
  • Thuốc chống tiêu chảy: Có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng tiêu chảy.
  • Probiotic: Có thể cải thiện môi trường vi sinh trong đường ruột.

Đối với hội chứng ruột kích thích táo bón:

  • Thuốc Linaclotide: Có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng táo bón và giảm các triệu chứng đau bụng.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Có thể làm tăng tần suất đi tiêu, làm mềm phân và giảm các triệu chứng táo bón, nhưng chúng không cải thiện tình trạng đau bụng, đầy hơi và các triệu chứng tổng thể.

Đối với các triệu chứng tổng thể của hội chứng ruột kích thích:

  • Thuốc chống co thắt: Có tác dụng rõ rệt đối với triệu chứng đau bụng.
  • Probiotic: Có tác dụng nhất định trong việc cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích 5
Cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bằng thuốc

Chế độ ăn uống của bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích

Quản lý chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị hội chứng kích thích.

  • Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa ở dạng mềm, lỏng hoặc dạng bột, cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể bệnh nhân cần, chẳng hạn như protein và axit amin.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích dạng tiêu chảy thì nên giảm lượng chất xơ, dạng táo báo thì tăng lượng chất xơ. Loại trừ các thực phẩm gây dị ứng (fructose, lactose,...), điều này hạn chế lượng carbohydrate lên men cần thiết cho sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tiêu thụ protein từ thịt, cá và các nguồn khác cũng như các loại carbohydrate dễ tiêu hóa như gạo, khoai tây và khoai lang.
  • Chế độ ăn ít FODMAP: Bệnh nhân có thể áp dụng chế độ ăn ít FODMAP, nghĩa là ăn ít những thực phẩm chứa đường oligosacarit, disacarit, monosacarit và polyol vì chúng có thể lên men. Bốn loại đường này tồn tại tự nhiên trong hàng trăm loại thực phẩm và khó được ruột non hấp thụ. Chúng dễ dàng lên men trong ruột già để tạo ra khí, do đó dễ gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng quản lý chế độ ăn uống không phải là một cách ăn uống lâu dài. Bạn có thể thử áp dụng các chế độ ăn trên trong khoảng 3 tháng xem các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thuyên giảm không. Nếu bạn tuân thủ chế độ ăn kiêng quá 3 tháng, có thể xảy ra một số thiếu hụt dinh dưỡng, đồng thời có thể thay đổi sự đa dạng và cân bằng của hệ thực vật đường ruột khỏe mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe.

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ruột kích thích 6
Quản lý chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị hội chứng kích thích

Tóm lại, việc điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào việc dùng thuốc để giảm đau, cải thiện nhu động ruột, điều chỉnh độ nhạy cảm của nội tạng và điều chỉnh tâm lý. Hầu hết các triệu chứng IBS có thể được giảm bớt thông qua giáo dục sức khỏe và hướng dẫn chế độ ăn uống hiệu quả. Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng có thể giúp giảm căng thẳng và giảm các triệu chứng của bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm