Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Nguyên nhân ruột echo dày và những điều cần lưu ý

Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những vấn đề thường rất được các mẹ bầu quan tâm đó là nguyên nhân ruột echo dày là gì? Liệu đây có phải dấu hiệu bất thường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai nhi?

Ruột echo dày là hiện tượng được phát hiện trên siêu âm thai nhi, thể hiện qua hình ảnh thành ruột sáng hơn so với bình thường. Đây có thể là dấu hiệu bình thường, nhưng cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho thai nhi. Cùng Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân ruột echo dày và những điều cần lưu ý trong bài viết dưới đây.

Ruột echo dày là gì?

Ruột echo dày (ruột tăng âm) là dấu hiệu siêu âm cho thấy hình ảnh phản âm của ruột dưới sóng siêu âm sáng hơn bình thường. Trường hợp trẻ mắc ruột tăng âm khá hiếm, chiếm khoảng 0.2 - 1.4% trong tất cả các trường hợp mang thai. Tình trạng này thường được phát hiện ở thai nhi khoảng 20 tuần tuổi. Trước khi đến với nguyên nhân ruột echo dày, hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm của tình trạng này.

Nguyên nhân ruột echo dày và những điều cần lưu ý 1
Ruột echo dày chiếm khoảng 0.2 - 1.4% trong các trường hợp mang thai

Thông thường, ruột sẽ có màu xám tương tự như gan, nhưng đôi khi kết quả siêu âm sẽ cho thấy ruột có màu trắng như xương. Hiện tượng này còn gọi là “tăng âm” và có thể là dấu hiệu bình thường, em bé vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng bào thai do CMV, tắc ruột sơ sinh, chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc các bất thường nhiễm sắc thể như bệnh Down.

Để làm rõ hơn về kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm, siêu âm khác để xác định nguyên nhân gây ra ruột tăng âm. Ngoài ra, mẹ bầu nên cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh tật và các bệnh lý di truyền của gia đình trong quá trình thăm khám để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn về sức khỏe của thai nhi.

Nguyên nhân gây ra ruột echo dày

Nguyên nhân ruột echo dày là gì? Ruột echo dày có thể là một dấu hiệu bình thường trên siêu âm và thường gặp ở những thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân do vấn đề sức khỏe khiến ruột thai nhi xuất hiện hình ảnh sáng trên siêu âm như:

Nhu động ruột bất thường

Trước khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối, nước ối này di chuyển qua đường ruột của thai nhi nhờ vào hoạt động của các cơ ruột. Đôi khi, dịch này di chuyển chậm hơn bình thường hoặc hoàn toàn không di chuyển do tắc nghẽn đường ruột. Khi điều này xảy ra, chất chứa trong ruột trở nên đặc hơn, dẫn đến hình ảnh sáng trên siêu âm.

Trong trường hợp tắc ruột, biểu hiện ban đầu có thể là ruột tăng âm và sau một thời gian, tình trạng tắc ruột thai mới trở nên rõ ràng, khi siêu âm sẽ thấy nhu động ruột suy yếu và các quai ruột giãn rộng. Tình trạng này cần được theo dõi qua các lần siêu âm tiếp theo. Chẩn đoán tắc ruột thường chỉ được xác định chắc chắn vào tam cá nguyệt thứ ba.

Chảy máu vào buồn ối

Đôi khi chảy máu xảy ra trong thai kỳ, dẫn đến tình trạng có máu trong dịch nước ối xung quanh thai nhi. Mặc dù việc nuốt máu trong nước ối không gây hại cho em bé, tuy nhiên các tế bào máu có thể làm xuất hiện tăng sáng trên hình ảnh siêu âm dạ dày và ruột.

Bệnh xơ nang

Bệnh xơ nang là một bệnh di truyền có thể ảnh hưởng đến phổi và ruột, gây ra tình trạng dịch nhầy đặc quánh tích tụ trong các cơ quan này. Trẻ mắc bệnh xơ nang có thể gặp khó khăn trong việc đi ngoài lần đầu tiên sau khi sinh, còn được gọi là tắc ruột phân su. Một đứa trẻ mắc bệnh xơ nang sẽ mang hai bản sao của gen xơ nang bất thường. Cha và mẹ sẽ di truyền một bản sao gen bất thường (nghĩa là họ khỏe mạnh nhưng có một gen bình thường và một gen bất thường).

Nguyên nhân ruột echo dày và những điều cần lưu ý 2
Bệnh xơ nang là một bệnh di truyền từ cha mẹ sang con

Bất thường nhiễm sắc thể

Bất thường về số lượng nhiễm sắc thể sẽ làm thay đổi cấu trúc di truyền của em bé và ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan, bao gồm cả ruột.

Nhiễm trùng bào thai

Các bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến ruột của thai nhi bao gồm cytomegalovirus (CMV), toxoplasmosis và parvovirus B19. Mặc dù những nhiễm trùng này thường không gây ảnh hưởng đáng kể đến người lớn nhưng chúng có thể dẫn đến viêm và sưng tấy ruột của thai nhi. Trên siêu âm, tình trạng này có thể biểu hiện dưới dạng các vùng tăng âm sáng hơn bình thường. Các điểm sáng này cũng có thể được quan sát thấy ở các khu vực khác trong ổ bụng của thai nhi.

Thai chậm tăng trưởng

Trong một số trường hợp, các số đo của thai nhi nhỏ hơn so với dự kiến. Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng thai nhỏ là do dòng máu trong bánh nhau bất thường thì lưu lượng máu đến ruột thai nhi có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến hình ảnh tăng sáng trên siêu âm.

Kết quả dương tính giả

Hình ảnh ruột thai nhi đôi khi có thể xuất hiện sáng hơn thực tế, tùy thuộc vào cài đặt của máy siêu âm và kỹ thuật của bác sĩ siêu âm.

Những xét nghiệm bổ sung mà bạn cần biết

Bạn sẽ được bác sĩ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân ruột echo dày. Các xét nghiệm có thể được đề nghị bao gồm:

  • Siêu âm hình thái chi tiết: Đây là một bước quan trọng để đánh giá kỹ lưỡng cấu trúc và sự phát triển của thai nhi, nhằm tìm kiếm các dấu hiệu bất thường khác có thể không rõ ràng trong các lần siêu âm trước đó.
  • Chọc ối: Xét nghiệm này lấy một ít nước ối xung quanh em bé bằng kim nhỏ. Nước ối chứa các tế bào da bong tróc của thai nhi cho phép phân tích nhiễm sắc thể để phát hiện các bất thường như trisomy 21 (hội chứng Down), trisomy 18, và trisomy 13. Các xét nghiệm di truyền khác có thể được chỉ định như Chromosomal Microarray (CMA), để xem xét kỹ hơn cấu trúc di truyền của thai nhi.
  • DNA tế bào tự do thai nhi (Cell-free fetal DNA): Đây là xét nghiệm sử dụng các tế bào của thai nhi có trong máu của người mẹ. Xét nghiệm này rất hiệu quả trong việc sàng lọc các bất thường nhiễm sắc thể phổ biến như hội chứng Down, hội chứng Edwards (trisomy 18), và hội chứng Patau (trisomy 13). Tuy nhiên, đây chỉ là xét nghiệm sàng lọc và không thay thế được chọc ối để chẩn đoán xác định.
  • Xét nghiệm nhiễm trùng máu mẹ (cytomegalovirus hoặc toxoplasmosis): Có thể giúp xác định liệu người mẹ có nhiễm trùng gần đây hoặc từ trước hay không. Nếu phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, có thể cần thêm các xét nghiệm khác để xác định liệu thai nhi có bị nhiễm bệnh hay không, chẳng hạn như PCR trên mẫu nước ối.
  • Xét nghiệm máu mẹ tìm bệnh xơ nang: Chỉ cần xét nghiệm một lần để xác định liệu người mẹ có mang gen xơ nang bất thường hay không. Xét nghiệm này có thể được thực hiện như một phần của những xét nghiệm thai bình thường.
Nguyên nhân ruột echo dày và những điều cần lưu ý 3
Bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm bổ sung

Các xét nghiệm bổ sung này đều nhằm mục đích cung cấp thông tin chi tiết hơn về tình trạng sức khỏe của thai nhi và giúp các bác sĩ đưa ra những quyết định quản lý thai kỳ thích hợp.

Trên đây là những thông tin mà Long Châu đã chia sẻ đến bạn đọc về nguyên nhân ruột echo dày và các xét nghiệm cần bổ sung. Các xét nghiệm bổ sung đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân cụ thể và đánh giá sức khỏe của thai nhi. Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng ruột tăng âm và các bước tiếp theo cần thực hiện để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho em bé của bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:RuộtDạ dày