Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Chấn thương đầu ở trẻ em có thể phát sinh do té ngã, tai nạn giao thông, bạo hành,... Hệ quả gây ra tùy mức độ sang chấn nhưng phần lớn đều để lại những di chứng sau này.

Chấn thương đầu ở trẻ em là tình trạng tổn thương ở da đầu, não bộ, hộp sọ hoặc các mô và mạch máu lân cận. Vấn đề sức khỏe này còn được biết đến với tên gọi quen thuộc hơn là chấn thương sọ não. Tùy từng trường hợp mà có thể phục hồi hoàn toàn, để lại di chứng, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong ở trẻ em.

Các dạng chấn thương đầu ở trẻ em

Chấn thương đầu ở trẻ em bao gồm các dạng cơ bản sau đây:

Chấn động não

Là trường hợp não hoạt động bất thường trong thời gian ngắn. Sau khi bị va đập, trẻ có thể bị mất nhận thức hoàn toàn hoặc tỉnh táo trong vài phút, thậm chí vài giờ. Một số ca chấn động não nhẹ còn không biểu hiện ra bên ngoài nên rất khó để nhận biết.

Vỡ xương sọ

Đây là dạng chấn thương nặng, bao gồm 4 loại phổ biến là: Vỡ xương tuyến tính, vỡ sọ dạng khuyết, vỡ sọ áp lực và vỡ sàn sọ.

Vỡ sọ tuyến tính là hiện tượng gãy xương sọ nhưng không bị di lệch, hầu hết các trường hợp đều tự phục hồi mà không cần điều trị.

Vỡ sọ dạng khuyết được xác định trong trường hợp một phần hộp sọ bị lún sâu vào khi trẻ bị va đập với cường độ mạnh. Nếu mảnh vỡ chèn ép lên não thì trẻ cần được can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.

Vỡ sọ áp lực là trường hợp vết nứt chạy dọc theo đường khớp của hộp sọ, thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh - đối tượng có thóp chưa đóng kín và các khớp xương chưa khép sát vào nhau.

Vỡ sàn sọ là hiện tượng gãy xương ở đáy của hộp sọ. Trẻ bị chấn thương dạng này thường xuất hiện vết bầm sau tai và quanh mắt, thậm chí chảy dịch từ mũi và tai. Đây là trường hợp nặng nên cần được theo dõi chặt chẽ.

Tụ máu

Hiện tượng tụ máu não thường được phát hiện khi chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ. Trong trường hợp này, vùng bị sang chấn bị phù nề, xung huyết và chảy máu. Ở một số ca, trẻ có thể bị co giật do tổn thương nói trên.

Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa 1
Chấn thương đầu ở trẻ em thường được chia làm 3 dạng cơ bản là chấn động não, vỡ xương và tụ máu

Những nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân gây ra chấn thương đầu ở trẻ em bao gồm:

Té ngã

Đây là nguyên nhân hàng đâu gây ra tình trạng này ở trẻ nhỏ. Những cú ngã có thể xảy ra khi trẻ đang vui chơi hoặc tò mò trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh.

Chấn thương do vận động thể dục thể thao

Khi tham gia các hoạt động thể chất, do vận động với cường độ mạnh nên trẻ có thể va chạm với đối phương hoặc những vật cứng và làm xuất hiện chấn thương vùng đầu.

Tai nạn giao thông

Mặc dù không phải là trường hợp quá phổ biến nhưng tai nạn giao thông cũng là căn nguyên gây chấn thương sọ não ở mức độ nặng. Sự cố phát sinh có thể do nguyên nhân chủ quan hoặc nguyên nhân khách quan như qua đường sai cách, không chú ý quan sát khi tham gia giao thông, va chạm giữa các phương tiện cơ giới do người lớn điều khiển,...

Bạo hành

Khi trẻ bị bạo hành, chấn thương vùng đầu cũng có thể xảy ra. Điều đáng ngại là đối tượng bạo hành thường là những người thân quen như cha mẹ, thầy cô, hàng xóm, bạn bè,...

Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa 2
Té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất gây chấn thương vùng đầu ở trẻ

Dấu hiệu chấn thương đầu ở trẻ em

Các dấu hiệu cảnh báo chấn thương vùng đầu ở trẻ thường rất đa dạng, khác nhau chủ yếu do mức độ nghiêm trọng và vị trí bị tổn thương.

Cụ thể, những trẻ bị chấn thương nhẹ ở đầu thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Sưng tấy hoặc bầm tím vùng da bị va chạm;
  • Đau đầu do sang chấn cơ học;
  • Rách da đầu ở mức độ nông;
  • Chóng mặt, mất thăng bằng tạm thời;
  • Thay đổi khả năng ghi nhớ và tập trung;
  • Xuất hiện tật song thị hoặc thị giác suy giảm;
  • Ù tai, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh lớn;
  • Xuất hiện một vài hành vi bất thường.

Khi bị chấn thương ở mức độ nặng hoặc trung bình thì ngoài dấu hiệu trên, trẻ có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng đáng ngại như:

  • Ngất xỉu, hôn mê;
  • Đau đầu với cường độ mạnh;
  • Nôn ói hoặc buồn nôn liên tục;
  • Mất khả năng ghi nhớ ngắn hạn;
  • Đi lại khó khăn, yếu một phần cơ thể;
  • Nói lắp, đổ mồ hôi bất thường;
  • Co giật;
  • Nền da nhợt nhạt;
  • Chảy dịch trong suốt từ mũi, tai;
  • Giãn đồng tử;
  • Xuất hiện vết rách sâu trên da.
Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa 3
Tùy mức độ chấn thương và vị trí bị ảnh hưởng mà ở trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau

Cách sơ cứu

Khi trẻ bị chấn thương vùng đầu, điều đầu tiên bạn cần làm là sơ cứu đúng cách cho bé. Dưới đây là một số điểm cần chú ý khi sơ cứu mà ba mẹ cần “nằm lòng”:

  • Giữ nguyên trạng thái, sau đó dùng vải sạch và gạc để băng bó, cầm máu tạm thời cho bé.
  • Nếu nghi ngờ có tổn thương vùng đốt sống cổ thì cần nẹp cố định khu vực này, dịch chuyển từ từ, nhẹ nhàng để bé nằm trên mặt phẳng cứng.
  • Không cho trẻ ăn uống trong trường hợp này nếu không thực sự cần thiết.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán

Khi trẻ được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, khai thác tiền sử và quan sát triệu chứng, đánh giá các dấu hiệu sinh tồn ở trẻ. Sau đó bé sẽ được làm các xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao như:

  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp X-quang để đánh giá tổng quát hiện trạng hộp sọ;
  • Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ não giúp phân tích chuyên sâu cấu trúc bên trong hộp sọ và những tổn thương phát sinh ở khu vực này.

Điều trị

Tùy từng trường hợp mà việc điều trị chấn thương đầu ở trẻ em có thể được thực hiện theo những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên nguyên tắc chung sẽ được định hướng như sau:

  • Theo dõi sức khỏe một cách đơn thuần;
  • Khâu da đầu, cầm máu và băng bó nếu xuất hiện vết thương hở;
  • Giảm kích động não bằng cách cho trẻ dùng thuốc an thần;
  • Phẫu thuật trong các trường hợp nghiêm trọng.
Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa 4
Khi trẻ bị chấn thương vùng đầu, bạn cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời

Phòng ngừa chấn thương đầu ở trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa chấn thương vùng đầu ở trẻ em, bạn cần chú ý đến những điều sau:

  • Sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và các hoạt động thể thao;
  • Dạy trẻ cách tham gia giao thông và chơi thể thao đúng cách để giảm thiểu nguy cơ tai nạn;
  • Giáo dục trẻ về mối nguy hại của chấn thương đầu để trẻ có ý thức phòng tránh.
  • Lắp đặt khóa an toàn, cửa chắn, xây tường rào ở những khu vực tiềm ẩn rủi ro cao;
  • Không sử dụng các đồ dùng nội thất gây mất an toàn cho trẻ;
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm trường hợp chấn thương đầu nhưng không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài;
  • Trò chuyện cùng trẻ để thấu hiểu bé và những điều đã xảy đến với bé, từ đó phòng ngừa rủi ro chấn thương đầu do bạo hành gây ra.
Chấn thương đầu ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử trí và phòng ngừa 5
Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một trong những cách hay giúp hạn chế chấn thương vùng đầu ở trẻ

Trên đây là “tất tần tật” những nội dung quan trọng xoay quanh chủ đề chấn thương đầu ở trẻ em. Mong rằng bạn đã tìm thấy những thông tin đắt giá trong bài viết này và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo những dòng chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin