Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chấn thương mắt là gì? Đặc điểm, phân loại và cách xử lý

Ngày 30/03/2024
Kích thước chữ

Chấn thương mắt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuỳ theo phân loại và độ nặng của chấn thương mà có những cách xử trí khác nhau. Việc xử lý sai cách hoặc không kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu cách xử lý khi bị chấn thương mắt hiệu quả, ngăn chặn tối đa những thương tổn đối với mắt nhé!

Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng mù lòa ở nước ta. Trước khi đưa người bệnh đi cấp cứu thì việc sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng, giúp ngăn chặn được nhiều nguy cơ nặng hơn ảnh hưởng đến thị lực cũng như sức khoẻ của đôi mắt. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý khi bị chấn thương mắt.

Chấn thương mắt là gì?

Chấn thương mắt là tình trạng mắt hoặc vùng da quanh mắt bị thương tổn do những nguyên nhân cơ học, hoá học hoặc vật lý khác nhau. Đa số những chấn thương mắt thường gặp ở những vị trí như mí mắt, lệ bộ, bề mặt nhãn cầu do va đập mạnh hoặc do vết thương hở.

Tổn thương mắt có thể dao động từ mức độ rất nhẹ đến những tình huống nghiêm trọng hơn như mất thị lực vĩnh viễn hoặc hỏng mắt. Các tổn thương trong chấn thương mắt gây ra thường phức tạp, để lại di chứng nặng nề và có tỉ lệ mù lòa cao.

cach-xu-ly-khi-bi-chan-thuong-mat 1.jpg
Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực

Phân loại chấn thương mắt

Tuỳ vào mức độ cũng như vị trí của thương tổn mà chúng ta có thể chia thành các cấp độ từ nhẹ chỉ như bụi bay vào mắt cho đến cấp độ nặng hơn là suy giảm thị lực và nghiêm trọng nhất là mất thị lực vĩnh viễn hoặc hỏng toàn bộ vùng mắt. Thông thường các chấn thương mắt sẽ được chia thành 3 cấp độ phổ biến theo vị trí chấn thương:

  • Chấn thương phần phụ: Đây là những thương tổn trên những phần bảo vệ bên ngoài của mắt như mí mắt trên hoặc dưới, lệ đạo, cơ vận nhãn, mô tổ chức, xương hốc mắt, thần kinh, mạch máu trong hốc mắt… Tuỳ vào vị trí thương tổn mà loại chấn thương này có thể gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc thâm mắt của người bệnh.
  • Chấn thương bên trong nhãn cầu: Chấn thương này nằm ở phần bên trong mắt như giác mạc, kết mạc… Bao gồm cả thương tổn ở lớp vỏ của nhãn cầu cùng với những phần khác bên trong nhãn cầu. Loại chấn thương này là chấn thương nặng bởi nhãn cầu là bộ phận cảm thụ thị giác với những cấu trúc phức tạp, khi gặp chấn thương sẽ để lại những di chứng nặng nề.
  • Chấn thương cả hai: Chấn thương ở cả phần chính phía bên trong mắt và phần phụ của mắt.

Phân loại chấn thương mắt theo cơ chế chấn thương như sau:

Chấn thương đụng dập

Chấn thương mắt do các vật đầu tù tác động lên mắt với lực mạnh gây đụng dập, xuất huyết hoặc rách các tổ chức ở vùng mắt. Chấn thương này thường làm thay đổi áp lực trong mô và các tổ chức của mắt nên vị trí bị rách, nứt thường là các vị trí yếu nhất hoặc đối diện với vị trí bị tác động.

Bỏng mắt

Một trong những thương tổn nặng nề nhất đối đó là hóa chất, nhiệt, keo… vô tình bắn vào mắt gây bỏng mắt. Trong đó, bỏng do hóa chất sẽ để lại những thương tổn nặng nề nhất cho cả phần phụ và phần chính bên trong mắt. Bỏng ở cấp độ nhẹ sẽ gây suy giảm thị lực, còn cấp độ nặng hơn có thể gây mù lòa vĩnh viễn hoặc khoét bỏ toàn bộ mắt để bảo vệ những phần xung quanh.

Vật xuyên thủng gây chấn thương mắt

Khi những vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh vỡ thuỷ tinh, đất, đá… xuyên vào mắt với một lực tác động lớn gây chảy máu, đứt hoặc rách tại vị trí tác động. Tùy vào vị trí bị tác động mà gây ra những chấn thương mắt xuyên thủng như rách da mí mắt, đứt đường dẫn nước mắt, rách giác mạc, rách kết mạc, vỡ thuỷ tinh thể… Trong trường hợp bị xuyên thủng hết các mô trong mắt gọi là tổn thương xuyên thấu.

Xử lý chấn thương mắt ban đầu

Trong chấn thương mắt, bước xử trí ban đầu là hết sức quan trọng. Xử lý chậm trễ hoặc thực hiện sai cách sẽ dễ khiến tổn thương này trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy từng trường hợp mà sẽ có những cách xử lý khác nhau:

Chấn thương phần phụ

Những loại chấn thương phần phụ như mí mắt, tuyến lệ, hốc mắt… Nếu bị đụng dập gây bầm tím, tụ máu ở vùng da quanh mắt hãy dùng băng gạc y tế để che lại và đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên về nhãn khoa để được tiến hành xử trí và điều trị kịp thời. 

Nếu trong trường hợp bị đâm xuyên vào phần phụ gây rách, chảy máu thì trước tiên hãy giúp người bệnh cầm máu bằng một số loại thuốc cầm máu không kê đơn. Sau đó, đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa để được làm sạch và khâu vết thương ở mắt lại.

cach-xu-ly-khi-bi-chan-thuong-mat 2.jpg
Chấn thương phần phụ là những thương tổn bên ngoài mắt như mí mắt, hốc mắt, tuyến lệ…

Chấn thương trong nhãn cầu

Chấn thương trong nhãn cầu bao gồm tổn thương ở lòng đen và lòng trắng của mắt. Nếu vô tình bị dị vật lọt vào mắt, tuyệt đối không được dụi mắt bởi hành động này có thể khiến dị vật đâm sâu hơn vào trong mắt, làm trầy xước giác mạc.

Lấy một cốc nước sạch, ngâm mắt trong nước kết hợp với chớp mắt liên tục để dị vật được đẩy trôi ra ngoài. Nếu tình trạng vẫn không tiến triển tốt hơn, hãy đưa người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa được được kiểm tra và can thiệp lấy dị vật ra ngoài.

Trong trường hợp người bệnh bị dị vật đâm xuyên thủng phần mắt gây đau, chảy máu đi kèm với triệu chứng tiết dịch nhầy, nhớt bất thường hãy nhanh chóng dùng băng gạc y tế để băng mắt lại và cố định vị trí của dị vật, tuyệt đối không cố tác động để lấy dị vật ra ngoài. Nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bỏng mắt

Với các trường hợp bỏng mắt do bất cứ nguyên nhân gì thì cũng cần nhanh chóng rửa mắt với vòi nước sạch, liên tục, vệ sinh càng lâu càng tốt. Đối với trường hợp bỏng mắt do vôi sống thì người bệnh cần loại bỏ hết vôi ra khỏi mắt rồi mới tiến hành rửa nước, bởi khi vôi sống gặp nước sẽ xảy ra phản ứng hoá học có thể khiến tình trạng bỏng càng nặng thêm. Sau khi làm sạch mắt dưới vòi nước, hãy dùng băng gạc y tế băng bó mắt lại và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được tiếp tục xử lý, làm sạch và điều trị đúng cách.

Tất cả các thao tác băng mắt đều phải được tiến hành một cách nhẹ nhàng, cẩn thận và tuyệt đối không ép chặt vào mắt vì điều này có thể gây tổn thương sâu bên trong mắt. Có thể sử dụng gạc hoặc khiên che có lỗ để che chắn cho mắt tốt hơn và hãy nhớ thao tác cần được tiến hành một cách nhẹ nhàng.

cach-xu-ly-khi-bi-chan-thuong-mat 3.jpg
Thao tác băng bó thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không ép chặt vào mắt

Biện pháp phòng ngừa để tránh chấn thương mắt

Cấu trúc vùng mắt vô cùng phức tạp, chính vì thế cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị chấn thương. Đa phần các chấn thương ở mắt thường sẽ gây giảm thị lực, những can thiệp chỉ góp phần bảo tồn phần thị lực còn lại. Vì thế cần có những biện pháp bảo vệ mắt trước những tác động xấu. Một số biện pháp phòng ngừa chấn thương mắt có thể kể đến như:

  • Đeo kính khi ra ngoài: Kính có tác dụng bảo vệ mắt khỏi tác động từ tia cực tím cũng như nhiều tác nhân gây hại khác từ bên ngoài môi trường, ngăn cản nhiều vật lạ bất ngờ bay vào mắt.
  • Bảo hộ cho mắt: Những người thường xuyên làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với hóa chất, mạt kim loại hoặc tia bức xạ… cần có kính bảo hộ và đồ bảo hộ đầy đủ để hạn chế đến mức tối đa những tác động không mong muốn lên mắt cũng như cơ thể.
  • Sử dụng kính áp tròng đúng cách: Khi đeo kính áp tròng cần đảm bảo vệ sinh đúng cách cho mắt và kính, sử dụng đúng thời hạn cho phép, không đeo kính áp tròng qua đêm… để ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến mắt.
cach-xu-ly-khi-bi-chan-thuong-mat 4.jpg
Nên sử dụng kính để bảo vệ cho mắt trước tác động của tia cực tím và nhiều tác nhân khác

Đôi mắt là bộ phận rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chấn thương mắt thường khó điều trị khỏi hoàn toàn, dễ bị suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống. Đồng thời, các phương pháp điều trị chấn thương mắt thường rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian, tuy nhiên kết quả thường không như mong muốn. Do đó cần phòng tránh chấn thương và bảo vệ mắt là biện pháp thiết thực nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin