Chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch là bao nhiêu? Cần chuẩn bị gì trước khi mổ?
Ngày 24/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tại Việt Nam, số trẻ em bị hở hàm ếch bẩm sinh ngày càng gia tăng. Khiếm khuyết này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, tự ti trong giao tiếp. Ba mẹ cần tìm hiểu và bổ sung thêm kiến thức về bệnh hở hàm ếch ở trẻ em để thuận tiện trong việc chăm sóc. Hiện nay hở hàm ếch hoàn toàn chữa trị được. Vậy khi nào trẻ có thể phẫu thuật và chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch bao nhiêu?
Hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh ở môi hoặc miệng của bé khi không hình thành đúng cách. Khi nào có thể phát hiện được hở hàm ếch? Có thể được điều trị không? Chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch là bao nhiêu? Các thắc mắc này sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp qua bài viết dưới đây. Mời bạn cùng theo dõi nhé!
Một số thông tin về sứt môi hở hàm ếch
Bệnh hở hàm ếch là gì?
Môi được hình thành từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ nhờ sự kết hợp mô cơ thể cùng các tế bào chuyên biệt. Khi các mô cấu tạo nên môi không tham gia quá trình hình thành môi thì sẽ xuất hiện khe hở môi. Khe hở môi có thể là một khe hở nhỏ hoặc lớn chạy qua môi về phía mũi, có thể xuất hiện chính giữa môi hoặc ở một hoặc cả hai bên môi.
Tình trạng các mô tạo nên vòm miệng không hợp nhất hoàn toàn vào vòm miệng trong tuần thứ 7 và thứ 9 của thai kỳ dẫn đến hở hàm ếch. Trẻ bị hở hàm ếch có thể bị hở hàm ếch một phần hoặc hở hàm ếch trước và sau.
Siêu âm trước sinh có thể chẩn đoán thai nhi có bị hở hàm ếch hay không. Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi đều được phát hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 24, bao gồm sứt môi và hở hàm ếch và các cơ quan nội tạng,...
Nguyên nhân sứt môi hở hàm ếch
Một số trẻ sinh ra đã bị hở hàm ếch do biến đổi gen hoặc sự kết hợp giữa gen và các yếu tố khác như người mẹ tiếp xúc trong môi trường. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Hoa Kỳ, những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ sinh con bị sứt môi và hở hàm ếch:
Phụ nữ mang thai hút thuốc lá.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường trong hoặc trước khi mang thai.
Phụ nữ mang thai dùng một số loại thuốc điều trị động kinh trong những tháng đầu của thai kỳ.
Do yếu tố di truyền.
Sứt môi hở hàm ếch có chữa được không?
Trẻ bị hở hàm ếch có thể điều trị thông qua phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị sứt môi thường được thực hiện trong vài tháng đầu đời và được khuyến nghị trong vòng 12 tháng sau khi sinh.
Nhiều trẻ em trải qua các thủ tục phẫu thuật bổ sung khi lớn hơn để điều chỉnh diện mạo gương mặt. Đồng thời, cải thiện khả năng nói vì bị ảnh hưởng bởi hở hàm ếch.
Ngoài ra, trẻ bị hở hàm ếch có thể phải điều trị chỉnh nha bổ sung, vì dị tật bẩm sinh này có thể gây ra tình trạng răng mọc lệch lạc.
Chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch
Chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Có thể phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Tùy vào tình trạng bệnh, kích thước vết nứt mà thời gian điều trị ở mỗi trường hợp là khác nhau.
Thực tế đã chứng minh, nhờ những công nghệ y học tiên tiến, bệnh hở hàm ếch có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Chi phí cho một ca phẫu thuật hở hàm ếch dao động từ 6.000.000 - 10.000.000 VND tùy bệnh viện và các phương pháp hỗ trợ trước khi phẫu thuật như chỉnh hình hàm, chỉnh răng, tạo hình mũi,...
Phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch có được bảo hiểm y tế chi trả không?
Đối với khám chữa bệnh tất cả các bệnh trong đó có hở hàm ếch, tại Điều 22 luật Bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định quyền lợi bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi như sau:
100% chi phí khám, chữa bệnh nếu đúng tuyến.
40% chi phí điều trị nội trú trái tuyến.
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ?
Hiện nay, nhờ vào công nghệ y tế hiện đại, tiên tiến, phẫu thuật hở hàm ếch có thể được thực hiện an toàn cho trẻ nhỏ, nhưng ba mẹ nên chuẩn bị những điều sau:
Trước khi mổ hàm ếch, trẻ cần được thăm khám kỹ lưỡng tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình,… Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi có thể bắt đầu mổ lần đầu tiên, tuy nhiên trong một số trường hợp, thời điểm mổ sẽ khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ.
Để quá trình điều trị thành công và phục hồi tốt nhất sau phẫu thuật, ba mẹ nên lưu ý một số điểm sau:
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Đảm bảo chế độ ăn uống:
Đối với trẻ sơ sinh: Hầu hết trẻ bị hở hàm ếch đều không thể bú mẹ nên các mẹ phải chuẩn bị và chăm sóc đặc biệt để trẻ nhận được những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trước khi mổ.
Cho bé ăn dặm: Ba mẹ luôn trì hoãn việc cho con ăn dặm vì nghĩ rằng bé không nhai được hoặc khó nhai. Điều này có thể khiến bé không nhận đủ chất dinh dưỡng. Việc làm quen với thức ăn đặc, sau khi mổ bé sẽ dễ nhai hơn. Đây cũng là điều ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ nên ba mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Chỉnh hình cho trẻ
Các trường hợp cần chỉnh hình trước khi phẫu thuật bao gồm:
Trẻ hở vòm miệng lớn hoàn toàn.
Trẻ gặp các vấn đề như sặc sữa, nôn trớ, biếng ăn.
Mũi của bé bị biến dạng nặng, một bên đầu mũi tẹt, không có sống mũi.
Thói quen thè lưỡi trong kẽ nứt.
Coi chừng trào ngược khi ăn qua mũi
Trẻ bị hở hàm ếch thường ăn uống khó khăn và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Biểu hiện ở những trường hợp này là khi ăn trẻ thường bị sặc, nôn trớ dẫn đến quấy khóc kéo dài. Vì vậy, trước khi mổ, ba mẹ cần động viên, an ủi để trẻ có tâm trạng tốt nhất.
Bài viết trên đã giải đáp chi phí phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch là bao nhiêu. Cải thiện hở hàm ếch là quá trình lâu dài, áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau để đạt kết quả tốt nhất. Do đó ba mẹ cần lựa chọn bệnh viện uy tín với bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong thực hiện hở hàm ếch để có được hiệu quả thẩm mỹ cao.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.