Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chỗ gãy xương bị sưng phải làm sao?

Ngày 01/11/2022
Kích thước chữ

Chỗ gãy xương bị sưng là tình trạng diễn ra trong hầu hết trường hợp bị gãy xương, có thể do tổn thương bên trong hoặc bên ngoài các mô mềm. Nhìn chung, khi chỗ gãy xương bị tấy, sưng khiến một số người không khỏi lo lắng.

Gãy xương vô cùng phổ biến trong các trường hợp chấn thương. Biểu hiện khi bị gãy xương có rất nhiều, trong đó, thường gặp nhất phải kể đến chỗ gãy xương bị sưng. Vậy nguyên nhân bị sưng chỗ gãy xương và cách xử lý như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây. 

Gãy xương là gì? 

Gãy xương là tình trạng khi chịu tác động mạnh hoặc va chạm bất ngờ, xương bị biến dạng, nứt, vỡ, gãy gập hoặc dập nát. Gãy xương có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi vùng trên cơ thể, đặc biệt là vùng xương chịu tác động trực tiếp khi gặp chấn thương

Gãy xương được chia thành nhiều mức độ khác nhau và cách điều trị, nguyên nhân cũng có điểm khác biệt. Tuy nhiên, triệu chứng chung là chỗ gãy xương bị sưng

Chỗ gãy xương bị sưng phải làm sao 1

Gãy xương có nhiều dạng và xảy ra ở nhiều vùng trên cơ thể

Phân loại các dạng gãy xương thường gặp 

Gãy xương nói chung có rất nhiều dạng, phổ biến nhất là những trường hợp gãy xương sau: 

  • Gãy xương kín: Là hiện tượng xương gãy nhưng không để lộ ra bên ngoài, xương gãy bên trong, khi chạm hoặc nắn, ấn vào có nghe tiếng lạo xạo của xương gãy. Trường hợp gãy xương kín thường không gây nhiều nguy hiểm, với biểu hiện chung là chỗ gãy xương bị sưng. 
  • Gãy xương hở: Ngược lại với gãy xương kín, gãy xương hở là đầu xương gãy nhọn, sắc đâm ra ngoài da dẫn đến chảy máu, tổn thương nghiêm trọng hơn, có thể có nhiều mảnh xương vụn bên trong. 
  • Gãy xương hoàn toàn: Đây là tình trạng gãy xương vô cùng nghiêm trọng và phức tạp, khi xương bị gãy nát hoàn toàn tạo thành nhiều mảnh nhỏ ghim vào mô mềm, thông thường cần phẫu thuật để loại bỏ vụn xương và cố định xương bằng các thanh nẹp kim loại chuyên dụng. 
  • Gãy rạn xương: Nứt, rạn xương cũng là một dạng gãy xương phổ biến. Đây là trường hợp gãy xương có thể nói là nhẹ nhất khi không để lại mảnh vụn xương trong cơ thể, không làm chảy máu mà thường gặp nhất là chỗ gãy xương bị sưng. Với trường hợp gãy xương này, nếu bệnh nhân không nhanh chóng điều trị, lâu dần sẽ dẫn đến gãy gập xương. 

Ở đâu dễ bị gãy xương nhất? 

Tuy gãy xương có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi vị trí trên cơ thể nhưng có những vùng xương được ghi nhận là dễ bị va chạm, té ngã ảnh hưởng nhiều nhất, gây ra hiện tượng gãy xương. Nói về bộ phận dễ bị gãy xương, phổ biến nhất là: 

  • Gãy xương đòn: Xương đòn nằm ở vị trí giữa cổ và vai, dễ chịu tác động khi té ngã hoặc rơi từ trên cao xuống. Đặc biệt là khi bị té ngã, bệnh nhân dùng tay chống xuống nền cứng để đỡ cơ thể là nguyên nhân phổ biến gây gãy xương đòn vai
  • Xương sườn bị gãy: Xương sườn có cấu trúc cong lên tạp ra khoang ngực để phổi dễ dàng hít thở hơn. Cũng vì cấu trúc nhô ra và có độ cong như vậy nên xương sườn luôn có mặt trong top những xương dễ gãy nhất. 
  • Gãy xương cẳng tay: Gãy xương cẳng tay cũng là một trong những trường hợp gãy xương vô cùng phổ biến, thường có nguyên nhân do bị tác động vật lý, đánh đập hoặc té ngã mạnh,...
  • Gãy xương cẳng chân: Gãy xương cẳng chân được chia thành nhiều dạng, trong đó thường gặp nhất là gãy xương mácgãy xương chày

Chỗ gãy xương bị sưng phải làm sao 2

Gãy xương đòn có biểu hiện phổ biến là chỗ gãy xương bị sưng

Vì sao chỗ gãy xương bị sưng? 

Ngoài quan tâm đến nguyên nhân, triệu chứng gãy xương thì lý do chỗ gãy xương bị sưng cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Như bạn đã biết, gãy xương luôn có nguyên nhân là va đập, tai nạn hoặc té ngã. Mà những tác nhân này trước khi tác động đến xương bên trong, bộ phận chịu lực đầu tiên chính là mô mềm bên ngoài, cụ thể hơn là thịt, cơ bắp và da. 

Khi chịu lực mạnh như va đập, các mạch máu dưới da sẽ bị vỡ ra, dẫn đến sưng tấy và dần hình thành các vết bầm tím. Đây là nguyên nhân khiến chỗ gãy xương bị sưng. Bên cạnh đó, việc xương gãy, những đầu xương nhọn hoặc mảnh vỡ xương khi đâm vào mô mềm cũng gây chảy máu trong, dẫn đến chỗ gãy xương bị sưng tấy, đau nhức hơn bình thường. 

Tình trạng chỗ gãy xương bị sưng phổ biến với mọi trường hợp bị gãy xương nên bạn không cần quá lo lắng, khi nhận thấy đau nhức, sưng tấy ở chỗ bị chấn thương, cần đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn nhé. 

Chỗ gãy xương bị sưng xử lý như thế nào? 

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến chỗ gãy xương bị sưng thì làm cách nào để xử lý tình trạng này cũng là vấn đề được nhiều người đặt ra. Chỗ gãy xương bị sưng không những gây cảm giác đau nhức khó chịu mà còn ảnh hưởng đến vận động, chịu lực và đi lại của bệnh nhân. Khi này, tìm cách xử lý vết thương bị sưng là điều cần thiết. 

Trong nhiều cách sơ cấp cứu trường hợp gãy xương, nạn nhân được khuyến cáo sử dụng phương pháp chườm lạnh để giảm sưng, làm dịu lại vết thương trong quá trình đưa đến bệnh viện. Đây cũng là cách hữu hiệu để xử lý chỗ gãy xương bị sưng, giảm đau nhanh chóng cho nạn nhân. 

Tuy nhiên, cách làm này chỉ nên áp dụng cho trường hợp gãy xương kín, không kèm theo nhiều vết thương hở ngoài da vì khả năng có thể gây nhiễm trùng không mong muốn. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng trực tiếp đá lạnh để chườm lên vết thương, thay vào đó hãy cho đá vào túi chườm hoặc khăn sạch, tránh bỏng lạnh, gây đau rát da. 

Chỗ gãy xương bị sưng phải làm sao 3

Chườm lạnh giúp giảm sưng, giảm đau hiệu quả

Nếu bệnh nhân đã bó bột hoặc phẫu thuật mà vẫn thấy chỗ gãy xương bị sưng cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi. Theo chuyên gia chia sẻ, sau 3 - 5 ngày điều trị, dấu hiệu sưng sẽ giảm và tình trạng phù nề, tê nhức cũng được làm dịu lại. Nhưng nếu sau thời gian này, bạn vẫn thấy chỗ gãy xương bị sưng, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc ngày một nặng hơn thì hãy thông báo ngay cho y tá, điều dưỡng hoặc bác sĩ nhé.

>> Tham khảo sản phẩm: Alpha Choay - Điều trị phù nề sau chấn thương

Tình trạng chỗ gãy xương bị sưng không đáng lo ngại và có thể xử lý được nên người bệnh hãy luôn giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn, kê chân bị thương lên cao, tạo cảm giác dễ chịu hơn. Khi thấy chỗ gãy xương bị sưng, hãy dùng túi chườm nhẹ nhàng chườm vào vết thương hoặc thông báo cho bác sĩ khi cảm thấy quá khó chịu. 

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin