Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rạn xương là một tình trạng phổ biến, thường gặp ở các vận động viên và người luyện tập thể thao. Rạn xương có thể diễn tiến đến gãy xương nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đối tượng có nguy cơ cao bị rạn xương cần có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh xuất hiện các tổn thương xương.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rạn xương là gì?

Rạn xương (hay còn gọi là nứt xương, gãy xương do mỏi, gãy xương do căng thẳng) là tình trạng cấu trúc xương có vết nứt nhỏ hoặc bè xương mất liên tục. Rạn xương là một dạng gãy xương không hoàn toàn, chủ yếu là rãnh nứt trên vỏ xương nên đây cũng là đặc điểm giúp phân biệt với gãy xương thông thường.

Rạn xương thường xuất hiện tại các vị trí xương chịu trọng lượng của cơ thể. Đây là những xương hỗ trợ quá trình đứng và di chuyển như xương cẳng chân và xương bàn chân. Tuy nhiên, rạn xương cũng có thể xảy ra tại các vị trí như xương cột sống thắt lưng, xương vùng hông, bàn tay và cổ tay do một số bệnh lý gây ra.

Rạn xương là một chấn thương thường gặp ở các vận động viên, người luyện tập thể thao và người lao động tay chân. Các nhà khoa học ước tính rạn xương chiếm khoảng 20% trên tổng số các chấn thương trong thể thao.

Triệu chứng

Triệu chứng của rạn xương

Triệu chứng thường gặp nhất của rạn xương bao gồm:

  • Đau: Đau tại vị trí xương bị nứt, đau liên tục và tăng khi vận động vị trí đó, giảm đau ít thậm chí không giảm khi nghỉ ngơi, đau khi chạm hoặc ấn vào vùng đau và các vùng lân cận.
  • Sưng: Mô mềm quanh vị trí rạn xương có thể bị sưng nề, bầm tím.
  • Nóng và đỏ: Tại vị trí rạn xương kích hoạt quá trình viêm có thể xuất hiện thêm tình trạng nóng và đỏ vùng da nơi rạn xương.
Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 2
Sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí rạn xương

Một số vị trí rạn xương thường gặp

Hầu hết các trường hợp rạn xương thường xảy ra tại các xương vùng dưới thân mình gồm cột sống thắt lưng, xương vùng chậu hông và xương chi dưới. Tuy nhiên, đối với một số vận động viên thể thao tập luyện các môn đặc thù sẽ có vị trí gãy xương khác, ví dụ như vận động viên đấm bốc dễ rạn xương tại cổ xương đốt bàn ngón tay số V. Các vị trí rạn xương có thể được phân chia thành các xương có nguy cơ cao và xương có nguy cơ thấp như sau:

  • Nguy cơ rạn xương cao: Xương bàn ngón tay từ ngón II đến ngón IV, cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, xương bánh chè, bờ trước xương chày, cổ xương sên, xương bàn ngón chân từ ngón 1 đến ngón V. Các vị trí rạn xương này thường chậm liền xương, kéo dài thời gian điều trị và có thể dẫn đến biến chứng lệch trục.
  • Nguy cơ rạn xương thấp: Xương đùi, bờ sau xương chày, đầu dưới xương mác, xương gót. Các vị trí rạn xương này nếu được điều trị cố định và phục hồi chức năng tốt thì nhanh hồi phục.

Biến chứng của rạn xương

Nếu có các triệu chứng của rạn xương, bạn cần điều trị kịp thời để tổn thương không diễn tiến trầm trọng hơn. Rạn xương có thể dẫn đến gãy xương, nếu xương gãy không được chỉnh hình hồi phục đúng cách sẽ dẫn đến lệch trục xương khớp, viêm khớp, thậm chí có thể hạn chế vận động và tàn tật. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rạn xương

Rạn xương phần lớn xảy ra sau chấn thương do vận động quá mức về thời gian, tần số và cường độ, khiến cho quá nhiều áp lực dồn nén lên xương và xương không có đủ thời gian để phục hồi sau khi hoạt động thể chất. Rạn xương thường phát triển chậm theo thời gian khi bạn thực hiện một chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như luyện tập thể thao hoặc thực hiện cùng một loại chuyển động cả ngày tại nơi làm việc.

Rạn xương bắt đầu hình thành do tình trạng viêm trên bề mặt xương (các chuyên gia sức khỏe gọi đây là một dạng phản ứng căng thẳng). Những phản ứng này tạo nên các tổn thương tại một vị trí trong xương. Nếu có áp lực tiếp tục lên vị trí đó trước khi phản ứng này đi vào hồi phục thì xương của bạn có thể bị nứt và tạo ra rạn xương. Tổn thương có thể diễn tiến xấu đi nếu bạn không phát hiện và điều trị sớm, dẫn đến gãy xương hoàn toàn.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra rạn xương bao gồm:

  • Tập luyện thể thao thường xuyên mà không nghỉ ngơi đầy đủ, không khởi động cơ xương khớp trước khi tập.
  • Bắt đầu tham gia một môn thể thao hoặc hoạt động thể chất mới mà không được đào tạo, hướng dẫn hoặc trang bị phù hợp.
  • Tăng nhanh mức độ hoạt động của bạn, ví dụ như đột ngột tăng cường độ tập luyện, tăng thời gian tập luyện.
  • Thay đổi bề mặt vận động, ví dụ như chuyển từ chạy trên máy chạy bộ trong nhà sang chạy trên đường phố hoặc bắt đầu những công việc đòi hỏi bạn phải đứng trên sàn cứng như bê tông.
  • Sử dụng các loại giày không phù hợp với kích thước chân, với địa hình, giày quá cứng, giày đế mỏng,...
  • Hoạt động lặp đi lặp lại một môn thể thao với các động tác tác động nhiều lên xương như chạy đường dài, tennis, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, đấm bốc, múa ba lê,...
  • Người mắc các bệnh lý về xương như loãng xương, ung thư xương,...
  • Người thiếu calci và vitamin D.
Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 3
Tập luyện thể thao cường độ cao

Nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ rạn xương

Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ rạn xương:

  • Chơi các môn thể thao tăng áp lực lên xương: Rạn xương phổ biến hơn ở những người tham gia các môn thể thao có áp lực mạnh, chẳng hạn như điền kinh, bóng rổ, quần vợt, thể dục dụng cụ,...
  • Tăng cường độ và tần suất hoạt động: Rạn xương thường xảy ra ở những người đột ngột chuyển từ lối sống ít vận động sang chế độ tập luyện tích cực hoặc những người tăng nhanh cường độ, thời gian hoặc tần suất các buổi tập luyện.
  • Giới tính: Phụ nữ, đặc biệt là những người có rối loạn kinh nguyệt, vô kinh hoặc mãn kinh, có nguy cơ cao bị rạn xương.
  • Các vấn đề ở bàn chân: Những người có bàn chân bẹt hoặc vòm bàn chân cao có nhiều khả năng bị rạn hơn. Giày dép mòn, chật hoặc cứng cũng góp phần gây ra vấn đề ở bàn chân.
  • Bệnh lý về xương: Loãng xương có thể làm suy yếu xương và khiến rạn xương dễ xảy ra hơn.
  • Tiền sử từng rạn xương: Đã từng bị một hoặc nhiều lần rạn xương sẽ khiến bạn có nguy cơ bị rạn xương và gãy xương nhiều hơn.
  • Thiếu chất dinh dưỡng: Thiếu vitamin D và calci có thể khiến xương dễ bị rạn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ, tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình người bệnh, kết hợp thăm khám lâm sàng để tìm vị trí tổn thương, đánh giá cấu trúc xương và mô mềm và khả năng vận động. Hãy đảm bảo bạn cung cấp đầy đủ các thông tin sức khỏe của bạn về chế độ ăn uống, các bệnh lý kèm theo, những loại thuốc đang sử dụng, các nguy cơ có thể dẫn đến rạn xương.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ sẽ đề nghị một số chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán xác định vị trí rạn xương của bạn. Các cận lâm sàng hình ảnh được chỉ định có thể là:

  • Cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp tốt nhất để xác định rạn xương. Cộng hưởng từ cho kết quả chi tiết về tổn thương xương và mô mềm xung quanh. Phương pháp này hạn chế tác động của tia bức xạ, xác định tốt loại gãy xương và phát hiện những vết rạn xương nhỏ tốt hơn so với X-quang.
  • X-quang: Phương pháp này được chỉ định phổ biến khi có các tổn thương về xương. Tuy nhiên, X-quang khó phát hiện các vết rạn xương nhỏ nên thường bị bỏ sót. Tuy nhiên, khi hiện tượng liền xương xảy ra thì trên phim X-quang sẽ phát hiện vị trí vết nứt có sự tái hợp xương.
  • Xạ hình xương: Xạ hình xương được thực hiện khi tiêm chất phóng xạ vào máu người bệnh. Các chất này tích tụ trong xương và lắng đọng tại các vị trí xương đang trong quá trình sửa chữa. 
Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 4
Hình ảnh rạn xương trên X-quang

Phương pháp điều trị rạn xương hiệu quả

Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ đưa ra các phương pháp điều trị dựa trên vị trí rạn xương và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất cho rạn xương bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Tạm ngừng các hoạt động thể chất - đặc biệt là các môn thể thao hoặc hoạt động tạo áp lực, là nguyên nhân gây ra rạn xương.
  • Chườm lạnh: Chườm đá hoặc túi lạnh lên vùng da bị sưng nề. Lưu ý, hãy quấn túi đá vào một chiếc khăn mỏng để tránh chườm trực tiếp lên da, có thể gây bỏng lạnh. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết tần suất và thời gian mỗi lần bạn chườm đá lên vết thương.
  • Thuốc giảm đau: Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không cần kê đơn (OTC) và acetaminophen có thể giảm đau và giảm sưng viêm. Bác sĩ có thể khuyên dùng miếng dán lidocain (đây là dạng chế phẩm không kê đơn) để làm tê vùng xung quanh vị trí rạn xương. Đừng dùng thuốc giảm đau trong hơn 10 ngày liên tục mà không có sự tham vấn của bác sĩ.
  • Nâng cao vị trí tổn thương: Cố gắng giữ vị trí xương bị tổn thương ở độ cao trên mức tim thường xuyên nhất có thể. Ví dụ: Nếu rạn xương xảy ra ở chân hoặc bàn chân, bạn có thể kê chân lên bằng gối hoặc đệm khi nằm, để máu có thể lưu thông tốt.
  • Băng ép: Băng ép giúp cố định vị trí xương bị thương và giảm sưng. Dùng băng nén hoặc băng quấn quanh chỗ rạn xương. Tuy nhiên, không băng ép quá lâu tránh sự ứ tắc của mạch máu.
  • Cố định: Bạn có thể cần phải bó bột hoặc sử dụng các loại giày đặc biệt để hỗ trợ vết thương và giảm áp lực đặt lên vết thương.
  • Nạng: Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng nạng để giảm áp lực cho xương bị thương.
  • Phẫu thuật gãy xương căng thẳng: Hầu hết mọi người không cần phẫu thuật để điều trị rạn xương. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu vị trí xương tổn thương không lành như bình thường hoặc nếu người bệnh đang gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn, rạn xương diễn tiến tới biến chứng (ví dụ như rạn xương ở khớp hông). Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện cố định bên trong với các thiết bị như đặt ghim, ốc vít hoặc tấm kim loại vào xương để giúp cố định 2 mảnh xương với nhau. Các bác sĩ trong ê kíp phẫu thuật của bạn sẽ giải thích về các can thiệp cần thực hiện và thời gian hồi phục sau phẫu thuật.
Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 5
Băng ép cố định vị trí tổn thương

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rạn xương

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, lành mạnh.
  • Liên hệ bác sĩ điều trị ngay khi cơ thể có bất thường trong thời gian điều trị.
  • Thăm khám định kì để theo dõi bệnh và định hướng việc điều trị.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau xanh, sử dụng nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D.
  • Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia.
  • Uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa rạn xương hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa rạn xương với các biện pháp đơn giản như sau:

  • Khi bắt đầu tập luyện bất kỳ môn thể thao mới nào, bạn cần thực hiện với cường độ và tần suất chậm rãi và tăng dần, tốt hơn hết là thực hiện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn. Tránh tăng số lượng bài tập hơn 10% mỗi tuần.
  • Sử dụng giày dép phù hợp, vừa vặn với đôi chân và hoạt động mà bạn sẽ tham gia. Nếu bạn có bàn chân bẹt hoặc bàn chân vòm cao, hãy hỏi bác sĩ chỉnh hình để được tư vấn thiết kế giày hỗ trợ cho bàn chân của bạn.
  • Đối với các vận động viên thường xuyên tập luyện ở cường độ cao, cần khởi động kĩ trước mỗi buổi tập, sử dụng các dụng cụ cố định và hỗ trợ cho xương khớp, sử dụng giày và các thiết bị chuyên dụng. Thực hiện xen kẽ các bài tập luyện tại nhiều vị trí cơ thể và các bài tập tăng thể lực khác nhau để tránh gây sức ép lặp đi lặp lại lên một bộ phận cơ thể nào.
  • Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, chế độ dinh dưỡng đa dạng nhóm chất đặc biệt là calci và vitamin D để giữ xương luôn chắc khỏe.
Rạn xương: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 6
Bổ sung thực phẩm chứa calci giúp xương chắc khỏe
Nguồn tham khảo
  1. Saunier J, Chapurlat R. Stress fracture in athletes. Joint Bone Spine. 2018;85(3):307-310. doi: 10.1016/j.jbspin.2017.04.013.
  2. Da Rocha Lemos Costa TM, Borba VZC, Correa RGP, Moreira CA. Stress fractures. Arch Endocrinol Metab. 2022;66(5):765-773. doi: 10.20945/2359-3997000000562.
  3. Matcuk GR Jr, Mahanty SR, Skalski MR, Patel DB, White EA, Gottsegen CJ. Stress fractures: pathophysiology, clinical presentation, imaging features, and treatment options. Emerg Radiol. 2016;23(4):365-75. doi: 10.1007/s10140-016-1390-5.
  4. Stress Fracture: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15841-stress-fractures
  5. Overview of stress fractures: https://www.uptodate.com/contents/overview-of-stress-fractures

Các bệnh liên quan

  1. Hẹp khe khớp gối

  2. Viêm khớp chậu

  3. Viêm đa rễ dây thần kinh

  4. Viêm khớp vảy nến

  5. Trật khớp gối

  6. Viêm khớp ngón chân

  7. Són phân

  8. Đau đầu Arnold

  9. Đau bắp chân

  10. Thoái hóa cột sống