Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không? Các biện pháp giục sinh

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Việc áp dụng phương pháp giục sinh không chỉ được chỉ định trong các trường hợp khó sinh, thai quá ngày dự sinh mà nhiều quan điểm cho rằng việc giục sinh ở tuần 39 có thể giúp mẹ bầu giảm nguy cơ sinh mổ. Vậy có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không?

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không vẫn luôn là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm. Để làm sáng tỏ chủ đề này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thế nào là giục sinh trước bạn nhé.

Giục sinh là gì?

Thực tế cho thấy, nếu có thể chuyển dạ tự nhiên thì sinh đẻ tự nhiên vẫn luôn được khuyến cáo bởi điều này sẽ tốt cho sức khỏe của mẹ, sự phát triển của bé và quá trình phục hồi sau sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mẹ bầu không thể chuyển dạ tự nhiên hoặc cần đẩy nhanh thời gian chuyển dạ thì các phương pháp giục sinh sẽ được chỉ định. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ mang thai sẽ có 1 trường hợp phải sử dụng đến phương pháp giục sinh, có thể do nguyên nhân y khoa hoặc mong muốn của mẹ bầu cũng như gia đình. Vậy giục sinh là gì?

Giục sinh là quá trình khởi phát chuyển dạ thông qua các phương pháp cơ học hoặc thuốc để tạo ra các cơn co, làm mềm mở cổ tử cung thay vì chờ đợi cơn chuyển dạ tự nhiên. Điều này nhằm khởi phát quá trình chuyển dạ diễn ra để kết thúc thai kỳ bằng việc sinh con qua ngả âm đạo.

Phần lớn thai kỳ của người phụ nữ sẽ kéo dài 40 tuần và việc mẹ bầu chuyển dạ sinh con ở bất cứ thời điểm nào trong khoảng từ tuần thứ 37 - 42 của thai kỳ là bình thường. Trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị mẹ bầu cân nhắc thực hiện hình thức dục sinh, chẳng hạn như giục sinh ở tuần 39 khi mẹ bầu chưa có dấu hiệu chuyển dạ sinh con tự nhiên hay giục sinh ở tuần 41 khi thai đã quá ngày dự sinh hay già tháng.

Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ mang thai sẽ có 1 trường hợp phải sử dụng đến phương pháp giục sinh, có thể do nguyên nhân y khoa hoặc mong muốn của mẹ bầu cũng như gia đình.

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không? Các biện pháp giục sinh 1
Thế nào là giục sinh là thắc mắc của nhiều mẹ bầu

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không?

Nếu mẹ đang thắc mắc có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không thì hãy tham khảo những thông tin sau đây để có được câu trả lời, trước khi đưa ra quyết định mẹ nhé.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc giục sinh chủ động ở tuần 39 của thai kỳ không gây ảnh hưởng sức khỏe của thai nhi so với đợi chuyển dạ tự nhiên mà lại có thể giảm nguy cơ sinh mổ song không phải tất cả các mẹ bầu chưa có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai thứ 39 đều nên giục sinh chủ động bởi dù sao thì khởi phát chuyển dạ bằng các biện pháp giục sinh sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu và gia đình nên đợi, thậm chí đợi cho đến tuần thứ 41 của thai kỳ mà không chỉ định giục sinh nếu không có vấn đề bất thường hay lý do cụ thể. Do vậy, nếu mẹ đang cảm thấy lo lắng về việc mang thai 39 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám cũng như tư vấn có nên lựa chọn áp dụng các phương pháp giục sinh để đẩy nhanh quá trình chuyển dạ và sinh con không từ đó cân nhắc về các nguy cơ, lợi ích và đưa ra quyết định về lựa chọn của mình mẹ nhé.

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không? Các biện pháp giục sinh 2
Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không?

Các biện pháp giục sinh được áp dụng phổ biến hiện nay

Như đã trình bày phía trên, không phải mẹ bầu nào cũng nên thực hiện phương pháp giục sinh. Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và thai nhi từ đó hạn chế được rủi ro tối đa khi giục sinh. Cùng với đó, dựa trên tình trạng sức khỏe của thai phụ cũng như mong muốn của cả thai phụ và gia đình mà bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp giục sinh phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp giục sinh phổ biến, bạn đọc có thể tham khảo:

Biện pháp tách ối

Tách ối là phương pháp can thiệp trực tiếp được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sản. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đi găng sau đó dùng ngón tay tách màng ối ra khỏi tử cung nhằm mục đích giải phóng hormone, kích thích các cơn co thắt tử cung và khởi phát quá trình chuyển dạ.

Với phương pháp tách ối, có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu song ít gây đau đớn nghiêm trọng. Sau khi tách ối, bạn có thể về nhà và đợi sự xuất hiện của các cơn co thắt. Khi xuất hiện các cơn co thắt, bạn cần đến bệnh viện để theo dõi đảm bảo quá trình sinh an toàn.

Với phương pháp này, bạn cần lưu ý có có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế bạn cần hiểu về ưu nhược điểm của biện pháp giục sinh này trước khi đưa ra quyết định bạn nhé.

Kích thích nội tiết

Kích thích nội tiết cũng là một trong những biện pháp giục sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định bạn giục sinh bằng biện pháp này.

Ở biện pháp kích thích nội tiết, bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể mẹ bầu kích thích tố prostaglandin để làm mềm và giãn nở cổ tử cung đồng thời kích thích các cơn co thắt. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng sinh mổ trước đây thì biện pháp này không được áp dụng bởi nó có thể làm tăng nguy cơ vỡ tử cung.

Biện pháp chèn bóng

Để làm mở và mềm cổ tử cung, kích thích quá trình chuyển dạ, bác sĩ có thể chỉ định biện pháp chèn bóng. Với biện pháp này, bác sĩ sẽ can thiệp bằng một ống thông gắn bóng nhỏ, đặt ở cuối cổ tử cung. Nước sẽ được bơm vào quả bóng để tạo áp lực cho cổ tử cung từ đó kích thích quá trình chuyển dạ.

Sử dụng thuốc giục sinh

Sử dụng thuốc giục sinh cũng là một trong những biện pháp giục sinh giúp khởi phát quá trình chuyển dạ. Oxytocin là thuốc thường được sử dụng phổ biến nhất. Oxytocin có tác dụng kích thích các cơn co thắt tử cung.

Mỗi mẹ bầu sẽ đáp ứng với những liều lượng thuốc khác nhau do đó mà bác sĩ thường bắt đầu với những liều nhỏ sau đó tăng dần kiều cho đến khi xuất hiện những cơn co thắt liên tục và đủ mạnh để em bé có thể chào đời khỏe mạnh. Thời gian đáp ứng sau khi tiêm có thể khác nhau, có người chỉ sau một vài giờ tiêm song cũng có người muộn hơn, sinh sau 1 - 2 ngày.

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không? Các biện pháp giục sinh 3
Oxytocin là thuốc thường được sử dụng để khởi phát chuyển dạ

Những rủi ro có thể gặp phải khi áp dụng biện pháp giục sinh

Như đã trình bày phía trên, giục sinh mặc dù khá an toàn xong vẫn có thể gây ra một số rủi ro nhất định. Một số rủi ro có thể gặp phải khi áp dụng biện pháp giục sinh bao gồm:

  • Nguy cơ sinh mổ cao: Bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ nếu các phương pháp giục sinh không mang lại hiệu quả.
  • Nằm viện lâu hơn: Hầu hết các ca áp dụng giục sinh đều sẽ phải lưu lại viện lâu hơn khi chuyển dạ và sinh nở, đặc biệt là các ca sinh mổ khi giục sinh.
  • Sử dụng nhiều thuốc giảm đau: Giục sinh có thể khiến các cơn co thắt mạnh và liên tục hơn so với đợi chuyển dạ tự nhiên. Do đó, nhiều khả năng bạn sẽ phải gây tê ngoài màng cứng hoặc một số loại thuốc khác để kiểm soát các cơn đau.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Nếu giục sinh nhưng mẹ không sinh trong vòng 1 - 2 ngày thì nguy cơ vỡ túi ối rất cao. Vỡ túi ối có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm.
  • Các vấn đề về sức khỏe của em bé: Các biện pháp giục sinh được thực hiện sớm khi ở tuần thai thứ 37 - 39 của thai kỳ thì nguy cơ cao trẻ sinh ra có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp hoặc các vấn đề khác.
Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không? Các biện pháp giục sinh 4
Mẹ bầu thực hiện giục sinh cần nằm lại bệnh viện lâu hơn

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về các biện pháp giục sinh, các rủi ro có thể xảy đến khi áp dụng các biện pháp giục sinh. Cảm ơn bạn đã luôn yêu thương và dõi theo trang sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin