Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Có nên lấy cao răng không? Một số lợi ích khi lấy cao răng

Ngày 27/04/2024
Kích thước chữ

Cao răng bám lâu ngày không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm suy yếu chức năng răng mà còn là nguyên nhân gây nên các bệnh lý nguy hiểm khác về răng. Vậy có nên lấy cao răng không?

Cao răng là những mảng bám cứng, bị vôi hóa, tích tụ nhiều vi khuẩn bám chặt vào mặt thân răng và ở vùng dưới nướu. Do đó, các phương pháp vệ sinh răng miệng thông thường không thể làm sạch được toàn bộ cao răng, người bệnh chỉ có thể làm sạch cao răng bằng cách lấy cao răng. Vậy có nên lấy cao răng không?

Lấy cao răng là gì?

Cao răng còn được gọi là vôi răng, là những mảng bám cứng bao phủ chủ yếu ở bề mặt thân răng và ở vùng dưới nướu. Cao răng được hình thành do các vi khuẩn trong cơ thể tác động lên các thức ăn còn sót lại tạo thành một màng dính được gọi là mảng bám trên răng.

Có nên lấy cao răng không? Một số lợi ích khi lấy cao răng 1
Cao răng là những mảng bám cứng tích tụ tại răng 

Khi mảng bám tồn tại trong thời gian dài mà không được loại bỏ, dưới tác động của các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và các yếu tố khác, khiến cho mảng bám cứng lại và đổi màu. Lúc này, mảng bám đã tiến triển thành cao răng vào bề mặt răng hoặc dưới nướu.

Lấy cao răng là quy trình làm sạch sâu trong nha khoa sử dụng máy cạo vôi siêu âm để loại bỏ các mảng bám, cao răng trên bề mặt của răng và viền nướu. Quá trình này được thực hiện chủ yếu bởi nha sĩ hoặc bác sĩ răng hàm mặt.

Có nên lấy cao răng không?

Có nên lấy cao răng không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Cao răng khi bám lâu ngày trên bề mặt răng không chỉ gây mất thẩm mỹ, hôi miệng mà còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng thậm chí là rụng răng.

Có nên lấy cao răng không? Một số lợi ích khi lấy cao răng 4
Có nên lấy cao răng không là thắc mắc chưng của nhiều người 

Ở mức độ nhẹ, cao răng có thể gây ra tình trạng viêm nướu với các biểu hiện như nướu sưng, đỏ, chảy máu,... Nguy hiểm hơn nếu viêm nướu không được điều trị sẽ hình thành các túi giữa nướu và răng, tiến triển thành bệnh nha chu.

Lúc này hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ tiết ra các hoạt chất nhằm chống lại vi khuẩn và các chất mà vi khuẩn sản sinh ra. Điều này làm cho cho các mô nha chu có tác dụng nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm trở nên suy yếu, không thể giữ được răng, khiến răng lung lay thậm chí là dẫn đến mất răng.

Ngoài ra, các vi khuẩn trong cao răng còn là nguyên nhân của các bệnh nguy hiểm như viêm tủy ngược dòng, các bệnh lý tại niêm mạc miệng như viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm amidan, viêm họng,…

Do đó, việc lấy cao răng là điều vô cùng cần thiết. Việc lấy cao răng sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như:

  • Ngăn ngừa hôi miệng: Cao răng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn gây ra tình trạng hôi miệng, hơi thở có mùi. Việc loại bỏ cao răng sẽ giúp cho răng miệng được vệ sinh sạch sẽ nhờ đó mà vi khuẩn gây mùi cũng sẽ được loại bỏ.
  • Ngăn ngừa bệnh nha chu: Lấy cao răng sẽ giúp ngăn ngừa các tác động của vi khuẩn từ đó làm giảm nguy cơ mắc nha chu.
  • Ngăn ngừa sâu răng: Việc lấy cao răng thường xuyên giúp loại bỏ hiệu quả vi khuẩn gây sâu răng, bên cạnh đó loại bỏ các nguyên nhân gây ra các vấn đề về răng miệng khác.
  • Giảm chi phí điều trị nha khoa: So với chi phí điều trị các bệnh về răng lợi nghiêm trọng như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy… do cao răng tiến triển gây ra thì chi phí lấy cao răng thấp hơn nhiều.
  • Bảo vệ chân răng: Cao răng tồn tại trong khoảng thời gian dài có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm nhiễm viền nướu, thoái hóa viền nướu. Điều này sẽ làm suy giảm độ bám của mô bao quanh chân răng, gây ra hậu quả nghiêm trọng như rụng răng. Lấy cao răng là biện pháp hiệu quả trong việc duy trì sức khỏe nướu, bảo vệ cấu trúc xương hàm và sự vững chắc của chân răng.
  • Cải thiện sức khỏe tổng thể: Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với sức khỏe răng miệng, lấy cao răng còn hạn chế nhiều bệnh lý khác như viêm amidan, viêm xoang và viêm họng. Quá trình này còn có khả năng ngăn ngừa tình trạng viêm nội tâm mạc do vi khuẩn gây ra.

Cao răng bám rất chắc vào bề mặt răng do đó không thể làm sạch bằng bàn chải hay các dụng cụ vệ sinh răng miệng thông thường. Người bệnh cần phải đến các cơ sở nha khoa uy tín để tiến hành lấy cao răng với các dụng cụ vệ sinh chuyên dụng.

Có nên lấy cao răng thường xuyên không?

Mặc dù lấy cao răng là phương pháp có thể đem lại nhiều lợi ích cho răng miệng. Tuy nhiên, việc lạm dụng lấy cao răng thường xuyên có thể gây ra các tổn thương tại răng và nướu. Khi lấy cao răng quá thường xuyên, răng sẽ không được nghỉ ngơi, từ đó gây ra các vấn đề về răng như đau răng, nhức răng, buốt răng, răng nhạy cảm, lung lay răng,...

Có nên lấy cao răng không? Một số lợi ích khi lấy cao răng 2
Lạm dụng lấy cao răng có thể gây ra nhiều vấn đề răng miệng khác 

Do đó, theo chuyên gia khuyến cáo, thời gian trung bình nên lấy cao răng là 6 tháng/lần. Đây là khoảng thích hợp để lấy cao răng khi mảng bám cao răng hình thành chưa gây ra quá nhiều vấn đề cho răng miệng cũng như là để răng được phục hồi hoàn toàn từ lần lấy cao răng trước.

Mặc dù, khoảng thời gian lấy cao răng 6 tháng/lần được khuyến cáo chung với tất cả mọi người. Tuy nhiên tùy theo sức khỏe răng miệng, mức độ hình thành vôi răng nhiều hay ít mà bác sĩ sẽ chỉ định thời gian nên lấy cao răng thích hợp. Trong một vài trường hợp, nha sĩ sẽ thăm khám trực tiếp để xác định có cần thiết phải lấy cao răng hay không và điều trị bệnh răng miệng kèm theo nếu có.

Đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm nha chu nặng, người bệnh có thể tiến hành lấy cao răng định kỳ 3 tháng/lần, tùy theo chỉ định của nha sĩ. Nếu đảm bảo quá trình vệ sinh răng miệng đầy đủ, đúng cách, đều đặn, hạn chế khả năng hình thành vôi răng thì có thể chỉ cần cạo vôi răng một lần/năm.

Một số câu hỏi thường gặp khi lấy cao răng

Bà bầu có nên đi lấy cao răng không?

Đối với phụ nữ có thai, cao răng không chỉ gây ra các vấn đề về răng miệng mà còn có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của nhiều thai phụ cũng như là sự phát triển của thai nhi.

Cao răng hình thành lâu ngày nếu không được loại bỏ sẽ gây ra sâu răng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ mang thai bị sâu răng sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đứa trẻ sinh ra sẽ có hệ miễn dịch kém, bộ máy tiêu hoá hoạt động không tốt và có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan đến răng miệng.

Có nên lấy cao răng không? Một số lợi ích khi lấy cao răng 3
Cao răng lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi 

Bên cạnh đó, khi cao răng hình thành quá nhiều, các vi khuẩn tại cao răng sẽ xâm nhập vào bên trong máu, gây ra nhiễm trùng và làm tăng hàm lượng hormone prostaglandin. Prostaglandin là một hormone sinh lý của cơ thể, có tác dụng làm mềm cổ tử cung, kích thích cơn co tử cung, khởi phát sự chuyển dạ tự nhiên và cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh non, khiến trẻ được sinh ra sẽ yếu hơn bình thường.

Đó đó, việc lấy cao răng cho phụ nữ có thai là điều cần thiết. Lấy cao răng là một kỹ thuật nha khoa đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng, không tiểu phẫu, không cần sử dụng các loại thuốc gây tê, gây mê và thuốc giảm đau nên không gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, các mẹ không nên lấy cao răng. bởi đây là các giai đoạn nhạy cảm, việc lấy cao răng rất dễ có thể gây tác động đến sức khỏe của mẹ và bé. 3 tháng giữa thai kỳ là thời điểm thích hợp nhất để mẹ bầu thực hiện lấy cao răng do lúc này thai nhi đã phát triển ổn định.

Chi phí một lần lấy cao răng là bao nhiêu?

Thông thường, chi phí cho mỗi lần lấy cao răng tại nha khoa uy tín hiện nay sẽ dao động nằm trong khoảng từ 200.000 – 700.000 đồng/lần. Mức giá lấy cao răng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng cao răng hiện tại, gói dịch vụ hay phương pháp lấy cao răng mà bạn lựa chọn. Tùy từng trường hợp, khi cao răng mức độ nặng, người bệnh có thể phải chia làm nhiều lần điều trị, mức giá có thể lên đến 900.000 – 1.000.000 đồng.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn thắc mắc: Có nên lấy cao răng không? Lấy cao răng là phương pháp đơn giản giúp làm sạch răng, tăng tính thầm mỹ và ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm về răng miệng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin