Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Củ khoai mì có lợi ích gì đối với sức khỏe? Tại sao khoai mì có thể gây hại?

Ngọc Minh

18/12/2024
Kích thước chữ

Củ khoai mì nhiều nơi có tên gọi khác là củ sắn là một trong những loại củ quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Từ xưa đến nay, khoai mì luôn là món ăn bình dân được nhiều người ưa thích và mang lại năng lượng cho cơ thể một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, loại củ này cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là khi ăn sống hoặc tiêu thụ với số lượng lớn.

Củ khoai mì có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nơi nó được trồng từ hàng ngàn năm trước đây. Hiện nay, khoai mì được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Có nhiều loại khoai mì khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm hình thái và hương vị.

Củ khoai mì là gì?

Cây khoai mì, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được biết đến với rễ là bộ phận chính mang lại nhiều giá trị sử dụng. Rễ cây tích lũy tinh bột, phát triển lớn dần và tạo thành củ khoai mì. Loại cây này được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới nhờ khả năng chịu hạn vượt trội, ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 1
Củ khoai mì là nguồn lương thực quan trọng ở nhiều quốc gia đang phát triển

Củ khoai mì là một nguồn cung cấp calo và carbohydrate phong phú, đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của nhiều cộng đồng thuộc các quốc gia đang phát triển. Nó có thể được chế biến thành nhiều món ăn như: Luộc, hấp, nấu chè, nấu xôi hoặc xay thành bột để làm bánh. Đặc biệt, bột khoai mì còn là nguyên liệu chính để sản xuất bột năng, một thành phần quen thuộc trong ẩm thực.

Ngoài ra, khoai mì còn mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt với những người có cơ địa dễ bị dị ứng với ngũ cốc và các loại hạt.

Thành phần dinh dưỡng trong củ khoai mì

Củ khoai mì là nguồn thực phẩm giàu carbohydrate, cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Khoai mì bao nhiêu calo? Trong 100g khoai mì luộc có chứa khoảng 112 calo, trong đó 98% lượng calo đến từ carbohydrate, phần còn lại là từ một lượng nhỏ chất béo và protein.

Ngoài ra, khoai mì còn là nguồn cung cấp chất xơ, khoáng chất và nhiều loại vitamin quan trọng cho sức khỏe. Cụ thể, trong 100g khoai mì luộc chứa các thành phần dinh dưỡng sau:

  • 27g Carbohydrate;
  • 1g Chất xơ;
  • Vitamin B1: Đáp ứng 20% nhu cầu cơ thể mỗi ngày;
  • Phốt pho: Đáp ứng 5% nhu cầu cơ thể mỗi ngày;
  • Canxi: Đáp ứng 2% nhu cầu cơ thể mỗi ngày;
  • Vitamin B2: Đáp ứng 2% nhu cầu cơ thể mỗi ngày;
  • Các vi chất khác như: Sắt, vitamin B3, và vitamin C.
Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 2
Trong củ khoai mì chứa chất xơ, khoáng chất và nhiều loại vitamin quan trọng cho sức khỏe

Củ khoai mì có lợi ích gì đối với sức khỏe?

Ăn khoai mì có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu bạn biết cách sử dụng đúng cách. Khoai mì là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào, tốt cho hệ tiêu hóa và chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra củ khoai mì còn có một số tác dụng nổi bật như:

Dưỡng ẩm và làm đẹp da

Từ lâu, củ khoai mì đã được xem là một bí quyết tự nhiên để chăm sóc làn da trắng sáng và mịn màng. Nhờ hàm lượng nước dồi dào cùng các khoáng chất, củ khoai mì có khả năng cấp ẩm, hỗ trợ làm mờ thâm nám và cải thiện sắc tố da. Đừng ngần ngại thêm củ khoai mì vào thực đơn hàng ngày nếu bạn muốn sở hữu làn da khỏe đẹp tự nhiên.

Hỗ trợ giảm cân và cải thiện vóc dáng

Củ khoai mì không chỉ làm đẹp da mà còn giúp duy trì vóc dáng thon gọn. Với thành phần chính gồm nước, chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu, nhưng lại chứa ít calo, củ khoai mì giúp bạn cảm thấy no lâu và kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả. Đây là một lựa chọn lý tưởng cho những ai đang trong quá trình giảm cân.

Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 3
Bổ sung củ khoai mì có thể giúp kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả

Tăng cường sức khỏe xương khớp

Củ khoai mì chứa hàm lượng cao các khoáng chất như: Kali, phốt pho... rất cần thiết cho sự phát triển và duy trì sức khỏe của xương. Việc bổ sung củ khoai mì thường xuyên sẽ góp phần giúp xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về loãng xương hay đau khớp.

Cải thiện hệ tiêu hóa và chống táo bón

Chất xơ trong củ khoai mì là trợ thủ đắc lực giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm tình trạng táo bón. Hơn nữa, loại thực phẩm này còn có khả năng điều hòa chỉ số đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bảo vệ dạ dày

Củ khoai mì chứa các thành phần có tính kiềm, giúp làm dịu và giảm tiết axit dạ dày. Nhờ đó, củ khoai mì có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý như: Trào ngược axit, viêm loét dạ dày. Nếu muốn sở hữu một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn đừng quên bổ sung củ khoai mì vào chế độ ăn uống của mình nhé!

Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 4
Củ khoai mì còn được đánh giá cao trong việc bảo vệ dạ dày

Tại sao khoai mì có thể gây hại?

Củ khoai mì, mặc dù ngon và giàu dinh dưỡng, nhưng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe đặc biệt là khoai mì sống. Cụ thể:

Nguy cơ ngộ độc Cyanua

Khoai mì sống chứa một lượng đáng kể glycoside cyanogen - một hợp chất có khả năng giải phóng cyanua gây độc cho cơ thể. Cyanide sẽ giảm đáng kể sau khi ngâm và nấu chín kỹ.

Khi tiêu thụ khoai mì sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, nguy cơ ngộ độc cyanua sẽ rất cao. Các triệu chứng của ngộ độc cyanua có thể bao gồm:

  • Tê liệt;
  • Tổn thương nội tạng;
  • Suy giảm chức năng tuyến giáp;
  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh;
  • Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, có thể gây ra tình trạng dẫn đến tử vong.

Đáng chú ý, nhóm người có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc cyanua là những người:

  • Có vấn đề về chuyển hóa;
  • Gặp khó khăn đối với việc hấp thụ protein;
  • Sống ở các quốc gia đang phát triển, nơi protein thường bị thiếu hụt.
Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 5
Khoai mì có thể gây hại do có chứa glycoside cyanogen

Ngộ độc từ hóa chất độc hại

Ở một số khu vực, khoai mì có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ đất trồng, đặc biệt là: Asen, Cadimi... Những kim loại nặng này có thể tích tụ trong khoai mì và gây ra tăng nguy cơ mắc ung thư và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài.

Chất phản dinh dưỡng

Khoai mì cũng chứa nhiều chất phản dinh dưỡng như: Saponin, phytate, và tanin. Những chất này làm cản trở quá trình tiêu hóa và giảm khả năng hấp thụ các vitamin và khoáng chất cần thiết như: Canxi, sắt, kẽm, magiê, và vitamin B1. Cụ thể:

  • Saponin: Làm giảm hấp thụ một số vitamin và khoáng chất.
  • Phytate: Ức chế hấp thu các khoáng chất như: Magiê, canxi và sắt.
  • Tanin: Cản trở chuyển hóa protein và hấp thu sắt, kẽm, đồng.

Tác động của các chất phản dinh dưỡng của tanin và saponin phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Lượng tiêu thụ, loại thực phẩm, và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Trong một số trường hợp, chúng có thể có lợi, nhưng trong các trường hợp khác, chúng lại gây hại.

Ăn nhiều khoai mì gây ra ảnh hưởng gì cho sức khỏe?

Củ khoai mì là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều carbohydrate, protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, việc tiêu thụ khoai mì với số lượng lớn trong thời gian dài có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm:

  • Gây rối loạn chuyển hóa và tăng nguy cơ bệnh lý: Ăn quá nhiều khoai mì có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, rối loạn tim mạch, béo phì và tăng đường huyết do hàm lượng carbohydrate cao.
  • Tích tụ chất béo dư thừa: Do chứa nhiều carbohydrate và calo, tiêu thụ khoai mì quá mức có thể dẫn đến tích tụ mỡ thừa và tăng nồng độ cholesterol trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Tăng nguy cơ axit uric cao: Khoai mì chứa hàm lượng axit uric khá lớn. Việc tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng axit uric trong máu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người mắc bệnh gout hoặc có nguy cơ cao.
  • Nguy cơ ngộ độc cyanide: Khoai mì chứa một lượng nhỏ cyanide, một chất độc tự nhiên. Nếu ăn quá nhiều hoặc chế biến không đúng cách, cyanide có thể tích tụ trong cơ thể và gây tình trạng ngộ độc cấp tính.
Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 6
Ăn nhiều khoai mì gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa

Cách chế biến khoai mì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Khoai mì là thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể mang lại nhiều lợi ích nếu được chế biến đúng cách và ăn với lượng vừa phải. Dưới đây là các bước chế biến khoai mì an toàn giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Bóc vỏ: Phần vỏ của củ khoai mì chứa hàm lượng lớn hợp chất cyanide. Vì vậy, bạn nên bóc bỏ vỏ khoai mì thật kỹ trước khi chế biến để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc.
  • Ngâm trong nước: Ngâm khoai mì trong nước từ 12–24 giờ để loại bỏ phần lớn cyanide.hồng Đây là bước quan trọng để giảm độc tố một cách hiệu quả.
  • Nấu chín kỹ: Cyanide thường tồn tại trong khoai mì sống. Do đó, việc nấu chín kỹ khoai mì bằng cách luộc, hấp hoặc nướng sẽ giúp loại bỏ các chất độc, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
  • Ăn kèm thực phẩm giàu protein: Kết hợp khoai mì với các thực phẩm giàu protein như: Trứng, sữa, thịt, hoặc các loại đậu sẽ giúp cơ thể loại bỏ cyanide tốt hơn.
  • Ăn uống cân đối: Để tránh tác dụng phụ, bạn nên lập kế hoạch ăn uống cân đối, kết hợp khoai mì với nhiều loại thực phẩm khác và không nên tiêu thụ khoai mì quá thường xuyên.
Củ khoai mì những lợi ích và ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng - 7
Nấu chín kỹ khoai mì trước khi sử dụng để đảm bảo sức khỏe

Ngoài ra, các sản phẩm làm từ củ khoai mì như bột năng hay bột khoai mì đã được xử lý nên chứa rất ít hợp chất cyanide và an toàn hơn khi sử dụng. Việc lựa chọn các sản phẩm này cũng là một giải pháp thay thế tốt để đảm bảo sức khỏe.

Các biện pháp phòng tránh ngộ độc từ khoai mì

  • Không ăn các loại khoai mì có vị đắng: Tránh ăn các giống khoai mì cao sản, khoai mì lâu năm hoặc khoai mì có vị đắng, vì chúng thường chứa hàm lượng cyanide cao, dễ gây ngộ độc.
  • Luộc lá khoai mì lâu và đúng cách: Nếu sử dụng lá khoai mì, bạn nên luộc lá trong thời gian dài với nắp nồi mở. Tuyệt đối không ăn lá khoai mì xào hoặc hấp, vì cách chế biến này không loại bỏ được độc tố còn sót lại trong lá.
  • Hạn chế cho trẻ nhỏ ăn khoai mì: Trẻ em nên ăn khoai mì với số lượng hạn chế để tránh nguy cơ ngộ độc.
  • Không ăn khoai mì sống hoặc chế biến chưa chín kỹ: Không nên ăn khoai mì sống, nguyên củ nướng hoặc chiên, vì độc tố vẫn còn nguyên và chưa được loại bỏ hoàn toàn.
  • Xử lý khi ngộ độc khoai mì: Nếu phát hiện người có dấu hiệu ngộ độc khoai mì, cần nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây ngộ độc. Có thể gây nôn nếu bệnh nhân được phát hiện sớm (trong vòng 30 phút sau ăn) và còn tỉnh táo. Đồng thời, cho bệnh nhân uống dung dịch đường (tốt nhất là Glucose 30–50%) và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Khoai mì, như nhiều loại thực phẩm khác, mang trong mình cả những mặt tích cực và tiêu cực. Việc tiêu thụ khoai mì một cách hợp lý, kết hợp với các loại thực phẩm khác và lối sống lành mạnh sẽ giúp chúng ta duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc bạn lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những hậu quả không mong muốn tác động đến sức khỏe.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin