Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khoai mì hay củ sắn là một loại lương thực quen thuộc với hầu hết người dân Việt Nam. Khoai mì giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng lại nhiều tinh bột. Vậy người tiểu đường ăn khoai mì được không?
Khoai mì cũng được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày giống như khoai tây, khoai lang, khoai môn. Khoai mì dùng để luộc, hấp, nướng, nấu canh, làm bánh,... Loại khoai này có giá trị dinh dưỡng cao, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nó cũng chứa nhiều tinh bột khiến người bị bệnh tiểu đường e dè. Vậy tiểu đường ăn khoai mì được không?
Khoai mì hay củ sắn là loài thực vật thuộc họ thầu dầu. Khoai mì cung cấp năng lượng, tinh bột, chất xơ, sắt, vitamin B3, vitamin C, vitamin A, vitamin D,... Có thể kể đến những lợi ích khi ăn khoai mì như:
Vừa có thể chế biến thành nhiều món, vừa ngon miệng lại vừa tốt cho sức khỏe chính là lý do khiến nhiều người muốn ăn khoai mì. Nhưng để biết tiểu đường ăn khoai mì được không, chúng ta cần tìm hiểu về chỉ số đường huyết GI của loại khoai này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoai mì là thực phẩm có chỉ số đường huyết 46 - nằm ở mức thấp. Chỉ số này thấp hơn cả khoai tây, khoai lang và khoai sọ.
Như trên đã nói, khoai mì có chỉ số đường huyết thực phẩm ở mức thấp nên bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng mà không lo đường huyết tăng cao. Người tiểu đường không cần kiêng khoai mì tuyệt đối. Cách sử dụng tốt nhất là dùng khoai mì thay thế một phần thực phẩm giàu tinh bột khác. Nhiều bằng chứng khoa học còn cho thấy khoai mì giúp giảm nguy cơ tiểu đường.
Trong củ khoai mì cũng có hàm lượng đáng kể chất xơ. Chất xơ sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến đường huyết không bị tăng đột ngột nếu người bệnh ăn khoai mì với lượng vừa phải. Chất xơ cũng tạo cảm giác no lâu, hạn chế người bệnh nạp thêm các đồ ăn vặt có chỉ số đường huyết cao.
Một số liệu thống kê cho thấy trong hơn 1300 người ăn khoai mì thường xuyên không có người mắc bệnh tiểu đường trong khi lượng khoai mì họ ăn hàng ngày chiếm hơn 80% lượng thực phẩm. Một nghiên cứu tương tự trên người Tanzania cũng cho thấy họ sử dụng khoai mì thường xuyên nhưng lại có rất ít người mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, tinh bột là thành phần chính trong khoai mì. Nếu tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng đường huyết. Vì vậy, khi sử dụng thực phẩm này, bệnh nhân cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên. Quan trọng nhất là họ cần biết cách ăn khoai mì thế nào cho hợp lý.
Với cùng một lượng tiêu thụ, hàm lượng tinh bột trong khoai mì ít hơn cơm trắng. Do vậy, người bệnh tiểu đường có thể ăn khoai mì thay thế hoàn toàn hoặc thay thế một phần cơm trắng. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai mì trong một bữa để tránh làm tăng đường huyết đột ngột.
Một số nghiên cứu cho thấy, trong khoai mì có chứa độc tố Xyanua có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và có thể khiến bệnh tiểu đường nghiêm trọng. Để giảm hàm lượng chất độc này, trước khi chế biến chúng ta cần ngâm rửa thật kỹ. Sau khi rửa nhiều lần với nước sạch, bạn có thể ngâm với nước muối trước khi chế biến. Khi chế biến, bạn có thể luộc củ sắn qua 2 - 3 nước và khi luộc nên mở vung để độc tố bay bớt.
Bạn có thể chế biến nhiều món khác nhau từ khoai mì. Nhưng cách tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường là luộc hoặc hấp mà không cho thêm các loại gia vị tạo ngọt hay chất béo như đường hay cốt dừa. Bạn cũng có thể dùng khoai mì nấu canh xương. Nhưng bạn nên hạn chế dùng khoai mì làm bánh ngọt hay nấu chè để tránh làm tăng chỉ số đường huyết của món ăn.
Bị bệnh tiểu đường ăn khoai mì được không, đến đây có lẽ bạn đã có câu trả lời. Khi ăn khoai mì, ngoài việc kiểm soát lượng tiêu thụ, bệnh nhân tiểu đường cũng cần lưu ý:
Trong củ khoai mì cao sản có hàm lượng lớn chất độc HCN. Loại khoai mì này thường được dùng chủ yếu để làm thức ăn gia súc và sản xuất bột ngọt. Nếu ăn nhầm loại sắn này rất dễ bị ngộ độc. Ngộ độc sắn có những biểu hiện như: Khó thở, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bị nặng có thể dẫn đến giảm huyết áp, suy hô hấp, co giật,... Trong trường hợp ngộ độc, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ không nên ăn khoai mì. Hệ tiêu hóa nói riêng và cơ thể của bà bầu nói chung đều rất nhạy cảm. Ăn khoai mì dễ dẫn đến khó tiêu và tăng nguy cơ ngộ độc. Trẻ em cũng là nhóm đối tượng nên hạn chế ăn khoai mì.
Không nên ăn củ khoai mì có những đốm xanh. Đây là củ khoai bị nấm mốc tấn công, khi ăn phải nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao. Tốt nhất bạn nên ăn khoai mì mới thu hoạch. Khi đó khoai bở ngon, không đắng lại không lo bị nấm mốc hay vi khuẩn tấn công.
Hy vọng với bài viết trên đây, bạn đã có lời giải cho câu hỏi tiểu đường ăn khoai mì được không. Theo chuyên gia dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể ăn khoai mì. Tuy nhiên, khi ăn bạn cần lựa chọn kỹ càng, chế biến đúng cách để phòng ngừa ngộ độc sắn (khoai mì). Quan trọng hơn cả, bệnh nhân tiểu đường cần ăn với lượng phù hợp để duy trì mức đường huyết ổn định.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.