Cách xử trí ngay khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trong thời buổi hiện nay, ngộ độc thực phẩm là tình trạng thường xuyên xuất hiện. Tuy nhiên, rất ít người dân nắm rõ cách xử trí khi bắt đầu có triệu chứng ngộ độc thực phẩm tại nhà. Khi chúng ta biết cách xử lý ngay thì sẽ có thể giảm hẳn triệu chứng ngộ độc và tránh đưa đến các tình trạng tệ hơn cho người bệnh.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có thể cảm cảm nhận được sau vài phút, vài giờ hay vài ngày sau khi sử dụng thực phẩm. Việc nắm được cách sơ cứu khi ngộ độc thực phẩm là cực kỳ quan trọng để tránh để lại hậu quả quá nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm hay trúng thực là tình trạng người bệnh ăn uống những loại thức ăn, đồ uống đã nhiễm độc, hay nhiễm khuẩn. Thường là những thực phẩm đã bị ôi thiu, biến chất hay có chứa lượng chất bảo quản vượt quá lượng an toàn, chứa quá nhiều chất phụ gia,...
Đối với ngộ độc thực phẩm mức độ nhẹ thì người bệnh có thể tự khỏe lại trong vòng vài ngày sau khi có triệu chứng, nhưng đối với trường hợp nặng thì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân dẫn tới ngộ độc thực phẩm
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhưng cơ chế chung đó là người mắc ăn phải thực phẩm không sạch sẽ, có chứa vi khuẩn hoặc hóa chất có thể gây ngộ độc:
Do nhiễm trùng: Rất nhiều vi khuẩn, virus, kí sinh trùng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm có chứa một trong những yếu tố có thể gây ra ngộ độc như: Vi khuẩn Salmonella, độc tố tụ cầu Staphylococcus, nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum, độc tố vi nấm Aflatoxin hay các loại virus viêm gan A, sán lá gan nhỏ.
Do nhiễm độc hóa chất: Thực phẩm chứa lượng dư thuốc bảo vệ thực vật hay các chất phụ gia, chất bảo quản không được phép có mặt trong các loại thực phẩm.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài phút, vài giờ hay từ 1-2 ngày sau khi sử dụng thực phẩm. Một số triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm mà người bệnh gặp phải như:
Đối với trường hợp ngộ độc do vi sinh vật: Các biểu hiện thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, người bệnh thường khát nước, có khô môi, đôi khi có sốt, toát mồ hôi liên tục.
Đối với trường hợp ngộ độc do hóa chất: Triệu chứng xuất hiện phức tạp hơn so với ngộ độc do vi sinh vật, thường không chỉ đơn giản xuất hiện ở hệ tiêu hóa mà còn có thêm đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh,...
Biến chứng có thể xảy ra của ngộ độc thực phẩm
Nhiều người cho rằng ngộ độc thực phẩm sẽ không gây ra quá nhiều nguy hiểm, chỉ cần nôn, đi ngoài ra hết thực phẩm gây ngộ độc thì sẽ khỏi. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như:
Rối loạn thần kinh: Người bệnh có thể sẽ gặp những vấn đề như: Nhìn mờ, không rõ, nhìn 1 vật thành 2 vật, khó nói, ngọng. Có thể gặp phải tình trạng nặng hơn như chóng mặt, đau đầu, co giật.
Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim là những trường hợp thường xảy ra khi người bệnh gặp biến chứng của ngộ độc thực phẩm.
Hệ tiêu hóa bất thường: Khi đi tiêu có xuất hiện máu, chất nhầy kèm đau bụng dữ dội.
Giảm sức đề kháng: Đề kháng của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm giảm sút nặng nề đặc biệt đối với các đối tượng đang có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch.
Cách xử trí đầu tay khi ngộ độc thực phẩm
Khi bản thân người bệnh hay những người xung quanh đang có tình trạng ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh và tiến hành các biện pháp sơ cứu sau:
Khi bệnh nhân có triệu chứng nôn, thì hỗ trợ người bệnh nôn hết những thực phẩm có trong dạ dày bằng các dùng ngón trỏ ép vào góc lưỡi người bệnh. Pha nước muối ấm cho người bệnh nôn ra hết các thực phẩm, hạn chế trường hợp cản trở bệnh nhân nôn, khi đó độc tố ngấm vào cơ thể sẽ khó xử lý hơn. Lưu ý: Khi nôn để người bệnh nằm nghiêng, đầu kê cao. Nếu có thể, nên lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để xác định nguyên nhân.
Khi người bệnh nôn và tiêu chảy nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng mất nước cần cho bệnh nhân uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Nếu được hãy bổ sung dung dịch điện giải oresol cho người bệnh. Lưu ý cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng oresol trước khi sử dụng cho người bệnh.
Liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Lưu ý: Khi liên lạc với cơ sở y tế cần kể rõ những triệu chứng, nguyên nhân nghi ngờ và hỏi thêm về các bước sơ cứu cho người bệnh trong thời gian đợi hay di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện nay xảy ra khá phổ biến, một phần là do các nguồn cung cấp thực phẩm không rõ ràng, ăn uống ngoài hàng vì không có thời gian tự nấu,... Chính vì thế, chúng ta cần nắm được những cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm không quá phức tạp, người sử dụng cần đề cao cảnh giác với từng loại thực phẩm mình sẽ sử dụng. Cần lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, an toàn và biết cách bảo quản thực phẩm cũng như chế biến thực phẩm hợp vệ sinh. Dưới đây là những lưu ý mà người dùng nào cũng cần nắm rõ:
Lựa chọn thực phẩm: Nên sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn tươi sống, không ôi thiu, đối với việc sử dụng các sản phẩm đóng gói cần đảm bảo còn hạn sử dụng.
Bảo quản thực phẩm: Nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp, không bảo quản thực phẩm quá thời gian cho phép và hạn chế trường hợp lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.
Chế biến thực phẩm: Rửa tay trước và sau khi chế biến món ăn để hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Làm sạch nguyên liệu, dụng cụ trước khi chế biến.
Tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi”: Luôn tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, lựa chọn địa điểm ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Hiện nay, việc xác định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian. Nhiều trường hợp sẽ cần móc họng người bệnh để lấy mẫu xét nghiệm. Vậy nên luôn luôn cần phòng tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm và nắm rõ các cách sơ cứu khi gặp phải tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm