Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ

Da chân bị đốm nâu xuất hiện do đâu và điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay không? Nếu đây là những điều bạn quan tâm thì có thể tham khảo lời giải đáp tích hợp trong bài viết này.

Da chân bị đốm nâu phát sinh do rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan cho tới khách quan. Khi làm rõ căn nguyên của vấn đề, bạn sẽ biết hiện tượng trên có nguy hiểm hay không và làm thế nào để can thiệp hiệu quả.

Da chân bị đốm nâu là như thế nào?

Da chân bị đốm nâu là hiện tượng tăng sắc tố ở một hoặc nhiều điểm trên bề măt da và có liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất melanin của tế bào melanocyte (hay còn gọi là tế bào sắc tố).

Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa 3
Hiện tượng da chân bị đốm nâu

Đốm nâu có thể bắt gặp ở bất cứ vị trí nào nhưng tập trung nhiều ở vùng da hở, tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Hiện tượng tăng sắc tố nói trên xuất hiện ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính hay độ tuổi.

Dấu hiệu nhận diện đốm nâu trên da bao gồm:

  • Trên bề mặt da hình thành những đốm có màu nâu vàng, nâu nhạt cho tới nâu đậm, nâu đen.
  • Kích thước các đốm tăng sắc tố có xu hướng tăng dần, mở rộng phạm vi qua thời gian.
  • Mật độ đốm nâu ngày càng dày hơn.
  • Màu sắc của đốm nâu thường không đồng nhất, nốt đậm, nốt nhạt.

Nguyên nhân phát sinh

Hiện tượng da chân bị đốm nâu có thể phát sinh do những nguyên nhân sau:

Thay đổi nội tiết

Trong giai đoạn nhạy cảm như mang thai, sinh nở, tiền mãn kinh, mãn kinh, phụ nữ thường có nội tiết thay đổi thất thường hoặc suy giảm mạnh. Vấn đề trên tác động tiêu cực đến chức năng của tế bào sắc tố, khiến chúng hoạt động với cường độ mạnh hơn và làm xuất hiện những đốm sậm màu kích thước bé, sau đó là những đám sắc tố lớn trên da.

Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa 2
Sự thay đổi nội tiết có thể làm xuất hiện đốm nâu trên da

Ảnh hưởng của thuốc

Thực tế cho thấy một số loại thuốc có thể làm tăng sắc tố da khi dùng quá liều hoặc trong thời gian dài. Nổi bật nhất trong số đó là thuốc chống loạn thần và thuốc chống viêm không chứa thành phần steroid. Những tác nhân nói trên không chỉ khiến da chân bị đốm nâu mà các vùng khác trên cơ thể cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Tiếp xúc nắng

Melanin được tạo ra với mục đích làm thành lớp che chắn cho da. Nhờ vậy mà hạn chế tác động gây hại của tia UV. Do đó nếu bạn tiếp xúc nắng càng nhiều thì tế bào melanocyte càng “gồng mình” sản xuất melanin để bảo vệ da. Chính vì thế trên bề mặt da sẽ xuất hiện nhiều đốm nâu lớn nhỏ.

Viêm hoặc dị ứng da

Khi da bị viêm nhiễm, mẩn ngứa do bệnh lý tự miễn (vảy nến, chàm cơ địa,...) hoặc các tác nhân bên ngoài (khói bụi, độc tố, phấn hoa, mỹ phẩm chất lượng kém,...) thì hiện tượng tăng sắc tố cũng rất dễ xảy ra. Tổn thương trên da càng lớn, càng sâu thì sau này đốm nâu sẽ càng sậm màu và khó mờ.

Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa 4
Viêm nhiễm, kích ứng cũng là "thủ phạm" gây ra những nốt sẫm màu trên da

Tiểu đường

Bạn có biết tiểu đường (đái tháo đường) cũng là một trong những nguyên nhân ít gặp khiến da chân hình thành những đốm nâu sẫm màu? Bên cạnh đó, người bị tiểu đường thường rất khó se lành vết thương. Tình trạng nhiễm trùng kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần cũng khiến cho vấn đề tăng sắc tố sau khi lành sẹo càng trở nên đáng ngại hơn.

Chăm sóc, làm đẹp sai cách

Nếu bạn sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, chứa nhiều độc tố hoặc chất lột tẩy thì da sẽ bị nhiễm độc và bào mòn nhanh chóng. Khi đó lớp bảo vệ tự nhiên không còn, nền da cực yếu nên tế bào sắc tố sẽ nhạy cảm hơn, sản xuất ra nhiều melanin để giảm tác động gây hại từ môi trường ngoài. Hệ quả là làm xuất hiện nhiều đốm nâu trên da.

Lão hóa do gốc tự do

Khi cơ thể tích tụ càng nhiều gốc tự do thì quá trình lão hóa sẽ càng được kích hoạt mạnh mẽ. Khi đó, việc kiểm soát hoạt động của tế bào melanocyte sẽ gặp nhiều cản trở. Sắc tố được tạo ra ngày một nhiều hơn, đốm nâu xuất hiện ngày càng dày đặc. Cùng với điều này thì da sẽ bị chùng nhão, nhăn nheo do mất đàn hồi và thiếu hụt collagen.

Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa 5
Đốm nâu trên da chân cũng có thể là "sản phẩm" của quá trình lão hóa

Cách can thiệp

Hầu hết các trường hợp xuất hiện đốm nâu trên da chân đều không tiềm ẩn yếu tố rủi ro, nguy hiểm. Tuy nhiên bạn cần làm rõ nguyên nhân để có biện pháp can thiệp tích cực, hiệu quả.

Khi chẩn đoán, bác sĩ da liễu sẽ quan sát màu sắc, kích thước, phạm vi đốm nâu. Sau đó thăm hỏi tiền sử bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chính xác căn nguyên của vấn đề. Khi người thăm khám có nhu cầu xử lý triệt để đốm nâu thì họ sẽ được tư vấn sử dụng một trong các biện pháp sau:

  • Dùng sản phẩm bôi thoa để làm mờ đốm nâu và ức chế sự hình thành hắc sắc tố. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc có chứa thành phần hydroquinone với nồng độ 2%. Đây là liều phù hợp cho nhiều cơ địa khác nhau. Nếu muốn dùng liều cao hơn thì bạn cần hỏi qua ý kiến bác sĩ. Không được tùy tiện sử dụng kẻo gây bào mòn, hủy hoại da.
  • Bổ sung vitamin cũng là cách hay giúp bạn làm mờ những đốm nâu trên da chân. Vitamin C và E đều có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa cực tốt. Đặc biệt, vitamin C còn làm trắng da siêu hiệu quả còn vitamin E lại tạo ra lớp màng ẩm mịn nuôi dưỡng da căng mọng, khỏe khoắn. Bên cạnh đó, sự hiện diện của những thành phần này cũng giúp da tái tạo nhanh hơn và củng cố hàng rào bảo vệ tự nhiên trên bề mặt da.
  • Loại bỏ đốm nâu bằng cách peel da hóa học là một trong những phương thức can thiệp mang lại hiệu quả cao, được nhiều người áp dụng thành công. Phương pháp này giúp đẩy nhanh tiến trình thay da. Lớp da tối màu, sần bì bên ngoài sẽ bong ra, nhường chỗ cho lớp tế bào non tươi sáng. Nhờ vậy mà đốm nâu trên da cũng được làm mờ triệt để.
  • Sử dụng tia laser để làm mờ đốm nâu là công nghệ làm đẹp được nhiều người tin dùng. Các tia sáng sẽ xâm nhập vào lớp biểu bì, phá vỡ hắc sắc tố, giúp da sáng lên trông thấy chỉ sau vài lần can thiệp. Phương pháp này không chỉ xử lý tốt đốm nâu mà còn phát huy tác dụng đối với các ca nám, tàn nhang, đồi mồi, bớt hori,...
Da chân bị đốm nâu: Nguyên nhân, cách can thiệp và phòng ngừa 6
Trước khi can thiệp, người bệnh cần phải thăm khám kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân phát sinh đốm nâu trên da

Ngăn ngừa đốm nâu trên da chân bằng cách nào?

Để “rào trước” nguy cơ hình thành đốm nâu trên da chân, bạn hãy chú ý đến những điểm quan trọng sau:

  • Tránh nắng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt khi hoạt động ngoài trời nên mặc quần dài, đi tất để bảo vệ da trước tác động gây hại của UVA, UVB.
  • Không nên làm trắng da theo kiểu lột tẩy khiến da dần yếu đi và dễ bị tăng sắc tố. Ưu tiên các dòng dược mỹ phẩm an toàn, thân thiện với nền da hiện có.
  • Ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể.
  • Ngủ nghỉ điều độ, dành nhiều thời gian để thư giãn, giải tỏa căng thẳng để nội tiết cân bằng. Khi đó, nguy cơ xuất hiện đốm nâu sẽ được giảm thiểu.

Trên đây là những thông tin xoay quanh chủ đề da chân bị đốm nâu. Mong rằng bạn đã tìm thấy những nội dung hữu ích trong bài viết này để ứng dụng vào việc chăm sóc da hằng ngày. Trân trọng!

Xem thêm: 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin