Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý

Ngày 08/03/2024
Kích thước chữ

Đau bụng bên trái bao gồm tất cả các trường hợp cơn đau xuất hiện ở phần bụng trái của cơ thể, từ vị trí liền sát với xương sườn cho tới khu vực áp bẹn. Vậy bạn có biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì không?

Đau bụng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau: Bên trái, bên phải, phía trên hoặc phía dưới. Mỗi vị trí sẽ tương ứng vớ một vấn đề sức khỏe ở những cơ quan khác nhau. Vậy đau bụng bên trái phát sinh do đâu và bao gồm những dạng bệnh lý nào?

Đau bụng bên trái là gì?

Đau bụng bên trái là hiện tượng phần bụng phía bên trái có hiện tượng đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn. Mức độ đau rất khác nhau, có thể từ nhẹ, vừa cho đến nặng. Bệnh này cũng có thể khiến người bệnh vật vã, đứng ngồi không yên và cần được can thiệp ngay lập tức.

Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 1
Đau bụng bên trái là vấn đề khá thường gặp, chúng có thể nguy hiểm hoặc không

Dựa vào điểm đau, người ta chia đau vùng bụng trái thành 2 loại:

  • Đau bụng trên bên trái: Cơn đau xuất hiện ở ngay dưới xương sườn, thường có liên quan đến dạ dày, lá lách, tụy, phổi và đại tràng. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu của cơn đau tim và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
  • Đau bụng dưới bên trái: Cơn đau này thường phát sinh từ đại tràng, bàng quang hoặc tử cung, buồng trứng trái ở người phụ nữ. Bên cạnh đó thì viêm túi thừa, sỏi thận, thoát vị bẹn, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, kinh nguyệt,... cũng là những nguyên nhân có liên quan mật thiết đến vấn đề nói trên.

Những nguyên nhân thường gặp

Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đau bụng trái bao gồm:

Viêm túi thừa

Túi thừa là một kết cấu dạng túi phát triển trong đại tràng. Khi bị nhiễm khuẩn, bộ phận này sẽ xuất hiện tình trạng viêm, phù nề và gây đau đớn. Bệnh thường bắt gặp ở những người trên 40 tuổi với các dấu hiệu đặc trưng sau:

  • Đau vùng bụng trái, có thể đi kèm sưng, chướng bụng;
  • Sốt;
  • Dạ dày co thắt mạnh;
  • Đau đớn, khó chịu khi đại tiện;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Ăn không ngon miệng;
  • Thói quen đại tiện thay đổi.
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 2
Viêm túi thừa đại tràng thường dễ gây đau bụng trái

Táo bón

Táo bón là một trong những nguyên nhân lành tính gây đau bụng trái. Khi bạn uống quá ít nước hoặc ăn quá nhiều đạm, chất đường bột nhưng lại thiếu chất xơ thì tình trạng này rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, thói quen lười vận động cũng là lý do khiến hiện tượng táo bón ngày một trở nên nặng nề.

Các triệu chứng điển hình của táo bón bao gồm:

  • Đi ngoài phân khô và cứng;
  • Đau bụng dọc theo khung đại tràng, bao gồm cả vùng bụng trái;
  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi;
  • Không thể đại tiện được;
  • Chướng bụng đi kèm cảm giác ì ạch, khó chịu.

Sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu về bản chất là các tinh thể rắn được hình thành từ sự lắng đọng axit uric hoặc cặn canxi. Và chúng xuất hiện ở bể thận, ống dẫn nước tiểu, bàng quang, cọ xát lên phần niêm mạc, cơ của đường tiết niệu thì hiện tượng đau bụng trái sẽ rất dễ xảy ra.

Các dấu hiệu thường gặp của sỏi tiết niệu bao gồm:

  • Đau bụng trái, đau lưng hoặc đau háng;
  • Tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu không nhiều;
  • Nước tiểu có lẫn máu;
  • Buồn nôn hoặc nôn ói;
  • Sốt, thân nhiệt ở mức từ 38,3 độ C trở lên.
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 5
Khi bị sỏi tiết niệu phía bên trái, người bệnh thường bị đau bụng, đau thắt lưng hoặc vùng bẹn cùng bên

Viêm loét bao tử

Hiện tượng viêm loét bao tử (dạ dày) thường phát sinh do nhiễm vi khuẩn HP, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid hoặc thói quen ăn uống không đúng cách. Ngoài triệu chứng đau bụng trái, viêm loét bao tử còn có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Chán ăn, ăn không tiêu;
  • Nóng rát vùng bụng tương ứng với vị trí của dạ dày;
  • Buồn nôn đi kèm ói mửa;
  • Sụt cân nhanh.
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 7
Viêm loét bao tử cũng là nguyên nhân gây đau bụng trái

Viêm ruột

Hiện tượng viêm ruột có thể xuất hiện ở ruột non hoặc ruột già (đại tràng). Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra ăn uống không lành mạnh cũng là lý do làm phát sinh tình trạng trên. Khi bị viêm ruột, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau vùng bụng bên trái;
  • Tiêu chảy mất kiểm soát và có thể đi kèm máu;
  • Nôn mửa hoặc buồn nôn;
  • Ăn không ngon miệng và tiêu hóa kém;
  • Cơ thể mệt mỏi, đau nhức các bắp cơ.
  • Giảm cân nhanh chóng.
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 6
Viêm đại tràng Sigma là nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng bên trái

Ngoài những nguyên nhân thường gặp nói trên thì còn có một số bệnh lý khác gây đau bụng trái và có mối liên quan mật thiết với giới tính. Cụ thể như sau:

Ở nữ giới, hiện tượng đau bụng trái có thể phát sinh do:

  • Đến kỳ kinh nguyệt: Trước và trong chu kỳ kinh, phụ nữ thường bị đau hạ sườn trái do niêm mạc tử cung xung huyết và co thắt dạ con. Các triệu chứng đi kèm bao gồm: Đau lưng, tiêu chảy, đau đầu, đầy hơi,...
  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là hiện tượng các tế bào niêm mạc từ bên trong phát triển ra bên ngoài tử cung và gây đau đớn cho người bệnh. Ngoài đau bụng trái, bệnh nhân còn bị chảy máu âm đạo bất thường giữa chu kỳ, đau rát khi vào “cuộc yêu”, đau khi đi tiêu, khô hạn, tiêu chảy, táo bón,...
  • U nang buồng trứng: Là trường hợp trong buồng trứng xuất hiện những túi chứa đầy dịch lỏng. Các triệu chứng thường gặp của u nang buồng trứng là: Đau vùng bụng trái, đau khi quan hệ, đau vùng chậu, tiểu khó, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, rong kinh, buồn nôn, đau khi đại tiện,...
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 3
Hình ảnh u nang buồng trứng bên trái

Ở nam giới, hiện tượng đau bụng trái có thể xuất phát từ những lý do sau:

  • Thoát vị bẹn: Là tình trạng một bộ phận nào đó trong ổ bụng như mô mềm, ruột,... chui qua điểm yếu trên thành bụng tại khu vực bẹn và không còn định vị ở vị trí thông thường như trong giải phẫu. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh bao gồm đau bụng trái, vùng bẹn bị phình to, gặp khó khăn trong việc tiểu và đại tiện, cơn đau tăng khi ho, buồn nôn, ói mửa,...
  • Xoắn tinh hoàn: Là hiện tượng thừng tinh bị xoắn chặt và điều này làm cản trở con đường vận chuyển máu đến bìu. Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: Sưng bìu, nôn mửa, sốt đi kèm cảm giác ớn lạnh.
Đau bụng bên trái: Những nguyên nhân thường gặp và cách xử lý 4
Thoát vị bẹn ở nam giới

Cách xử lý

Vì đau bụng bên trái phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau nên khi đứng trước tình huống này, đầu tiên chúng ta cần dựa vào mức độ nặng nhẹ, bản chất của cơn đau là cấp tính hay mạn tính. Sau đó là làm rõ căn nguyên để tìm ra phương pháp can thiệp phù hợp.

Đối với các cơn đau nhẹ, mang tính chất thoáng qua hoặc đau vì các nguyên nhân lành tính như đến “kỳ đèn đỏ”, táo bón,... thì chỉ cần chăm sóc tại nhà, nghỉ dưỡng, can thiệp nhẹ nhàng bằng cách thay đổi lối sinh hoạt.

Với các cơn đau do viêm mạn tính thì cần được điều trị bằng thuốc với sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên trong trường hợp cấp tính như thoát vị bẹn, xoắn tinh hoàn hay viêm loét ruột và chảy máu ở mức độ nặng thì phẫu thuật mới là phương pháp can thiệp cần được ưu tiên hàng đầu.

Đặc biệt, người bệnh hãy thăm khám ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau đây:

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội và tăng dần theo thời gian;
  • Sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng;
  • Phân lẫn máu như màu máu cá kèm nhầy;
  • Nôn mửa quá mức dẫn đến tình trạng mất nước;
  • Vàng da;
  • Sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân;
  • Các triệu chứng không có dấu hiệu thoái lui sau 2 ngày.

Trên đây là những thông tin quan trọng về chủ đề đau bụng bên tráiNhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ tới bạn đọc. Mong rằng qua bài viết, bạn đã học được cách nhận diện nhanh các cơn đau bụng trái và đưa ra đánh giá ban đầu về nguyên nhân phát sinh để có biện pháp đối phó kịp thời.

Xem thêm: 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin