Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau cổ tay bên trụ: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị người bệnh nên biết

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ

Đau cổ tay bên trụ là một tình trạng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, gây bất tiện trong sinh hoạt. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh nhé!

Với người thường xuyên phải vận động cổ tay có thể gặp phải tình trạng đau cổ tay bên trụ. Triệu chứng này có thể ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ sẽ chỉ định những phương tiện cận lâm sàng hiện đại để chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây đau cổ tay. Điều này sẽ giúp chuyên gia định hướng điều trị, đồng thời quản lý cơn đau hiệu quả.

Nguyên nhân gây đau cổ tay bên trụ

Đau cổ tay bên trụ hay đau bên ngón út (vị trí xương trụ) là một vấn đề phổ biến, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp, bao gồm:

  • Gãy xương cổ tay thường xảy ra trong các hoạt động thể thao như bóng đá, bowling, golf, tennis… khiến trật khớp cổ tay. Đau nhức, sưng tấy vùng cổ tay xương trụ là những triệu chứng đầu tiên, trường hợp nặng có thể dẫn đến gãy xương cổ tay.
  • Viêm khớp cổ tay bao gồm hội chứng de Quervain, là tình trạng gân ở ngón tay cái bị viêm và sưng. Nguyên nhân chưa được xác định cụ thể nhưng thường liên quan đến chấn thương hoặc do người bệnh thực hiện động tác lặp đi lặp lại. Viêm gân cổ tay có thể gây đau rát, hạn chế cử động của ngón tay hoặc cả bàn tay.
  • Hội chứng xung đột bên trụ xảy ra khi xương trụ dài hơn xương xoay, làm cho nó va vào các xương ở cổ tay có kích thước nhỏ hơn. Sự xung đột này có thể gây đau cũng như tăng nguy cơ chấn thương.
  • Chấn thương dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay xuất hiện khi các dây chằng kết nối giữa xương trụ và các xương khác trong cổ tay bị rách do chấn thương hoặc cọ mòn theo thời gian. Đây là một nguyên nhân khác gây đau cổ tay bên trụ.
  • Tổn thương thần kinh hoặc hội chứng ống cổ tay có thể làm chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay, gây ra cảm giác tê bì, dị cảm, đồng thời giảm vận động, teo cơ, đau nhức thường xuyên ở ngón áp út.
  • Khối u lành tính trong cổ tay cũng có thể gây đau, sưng.

Những nguyên nhân trên đều cần được xử trí, chăm sóc và điều trị phù hợp. Việc xác định nguyên nhân chính xác của triệu chứng đau cổ tay bên trụ giúp bác sĩ xây dựng kế hoạch điều trị hiệu quả, đảm bảo khả năng hồi phục của bệnh nhân.

Hơn nữa, việc quản lý các yếu tố gây ra chấn thương có thể giúp ngăn chặn triệu chứng tái phát, giảm thiểu rủi ro chấn thương trong tương lai.

Đau cổ tay bên trụ: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị người bệnh nên biết 1
Hội chứng ống cổ tay có thể là nguyên nhân gây đau cổ tay bên trụ

Biểu hiện khi đau nhức cổ tay phía trụ

Đau nhức cổ tay phía trụ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày mà thường kèm theo những biểu hiện khác gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh.

Đau cổ tay bên trụ thường làm cho bệnh nhân cảm thấy đau, khó tham gia vào bất kỳ hoạt động nào yêu cầu độ linh hoạt của cổ tay, thậm chí cơn đau có thể kéo dài ngay cả khi nghỉ ngơi.

Cảm giác đau có thể tăng lên khi thực hiện các cử động nhất định hoặc khi đang làm việc. Đặc biệt, đau cổ tay bên trụ thường xuất hiện khi thực hiện các động tác liên quan đến ngón út, cầm nắm hoặc xoay cổ tay. Hành động chống tay đứng lên sau khi ngồi gây cơn đau đột ngột là một biểu hiện rõ ràng của tình trạng đau cổ tay bên trụ.

Đồng thời, khi thực hiện các động tác xoay cổ tay, làm sấp ngửa cẳng tay, người bệnh có thể xuất hiện các tiếng lách cách hoặc bốp, đặc biệt là khi cổ tay chịu áp lực.

Việc nhận biết những biểu hiện này sẽ giúp người bệnh sớm thực hiện các biện pháp điều trị, từ đó giúp giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như ngăn chặn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đau cổ tay bên trụ: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị người bệnh nên biết 2
Hiện tượng đau cổ tay khiến bệnh nhân hạn chế vận động hàng ngày

Phương pháp chẩn đoán bệnh đau cổ tay bên trụ

Đối với bệnh nhân đau cổ tay bên trụ, quá trình chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp. Có một số phương pháp chẩn đoán hiện đại được áp dụng để giúp bác sĩ đưa ra quyết định chính xác nhất, cụ thể:

  • Chụp X-quang: Phương pháp truyền thống này cung cấp hình ảnh 2D về xương khớp, giúp bác sĩ nhận biết các vấn đề như gãy xương, biến dạng xương hay bất thường về kích thước của xương, khớp.
  • CT Scan và MRI: Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết 3D về cấu trúc xương, sụn, gân và dây chằng, giúp chẩn đoán chính xác về các tổn thương, bệnh lý.
  • Nội soi khớp: Bác sĩ sử dụng máy nội soi thông qua một vết mổ nhỏ trên cổ tay để thăm dò và quan sát trực tiếp tình trạng của khớp. Hình ảnh được truyền trực tiếp lên màn hình, giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng tổn thương.
  • Siêu âm đầu dò: Sử dụng đầu dò siêu âm để nhận diện tăng kích thước của dây thần kinh, sự tồn tại của u nang hoặc viêm bao hoạt dịch.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu: Đối với các tình trạng nhiễm trùng, xét nghiệm máu và nước tiểu có thể cung cấp thông tin quan trọng giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng quan của người bệnh.
  • Kiểm tra dịch khớp: Phân tích chất lượng và thành phần của dịch khớp để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, tổn thương nếu có.
Đau cổ tay bên trụ: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị người bệnh nên biết 3
Phương pháp thăm dò hình ảnh hiện đại giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh

Trong trường hợp phức tạp, việc kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện và chính xác nhất về tình trạng cụ thể của cổ tay. Phương pháp chẩn đoán được chỉ định sẽ tùy thuộc vào triệu chứng cùng tiền sử bệnh lý của mỗi bệnh nhân.

Bằng cách áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân của biểu hiện đau cổ tay bên trụ, từ đó xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.

Hướng điều trị triệu chứng đau cổ tay bên trụ

Việc chọn lựa phương pháp điều trị cho đau cổ tay bên trụ cần dựa trên chẩn đoán cụ thể của từng bệnh nhân. Dưới đây là những biện pháp chữa trị thường được áp dụng, bao gồm:

  • Nẹp ống tay: Khi sử dụng đặc biệt vào ban đêm, nẹp giúp giữ cố định cổ tay, giảm sưng đau. Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng nẹp, giúp hỗ trợ hiệu quả trong quá trình hồi phục.
  • Can thiệp nội khoa: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen, Naproxen hoặc Paracetamol có thể giúp giảm viêm, chống đau. Tuy nhiên, việc sử dụng cần được theo dõi và chỉ định dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
  • Chương trình vật lý trị liệu: Bài tập được thiết kế đặc biệt để củng cố cơ bàn tay và cổ tay, cùng với việc cải thiện sự linh hoạt, giảm căng cứng cơ xung quanh.
Đau cổ tay bên trụ: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị người bệnh nên biết 4
Người bệnh có thể cần sử dụng thuốc để quản lý cơn đau

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về tình trạng đau cổ tay bên trụ. Mong bạn đọc đã có được kiến thức hữu ích về triệu chứng này bao gồm cách nhận biết triệu chứng, các phương pháp cận lâm sàng cần thực hiện và hướng điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

Đau khớp gối và cổ tay cảnh báo bệnh gì?

Hiện tượng bong gân cổ tay: Dấu hiệu và cách xử lý

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin