Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp cổ tay: Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp cổ tay là tình trạng mất sụn giữa các xương cổ tay. Viêm khớp cổ tay gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt, làm việc ở người mắc bệnh. Mặc dù cổ tay không phải là khớp chịu trọng lượng, nhưng nó có chức năng quan trọng trong các hoạt động hàng ngày, khiến nó dễ bị chấn thương và viêm khớp. Viêm khớp cổ tay có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cuộc sống hàng ngày và do đó cần chẩn đoán chính xác, tìm kiếm nguyên nhân và tìm ra phương pháp điều trị lâu dài hiệu quả để tránh tàn tật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp cổ tay là gì?

Viêm khớp cổ tay là bệnh lý viêm xảy ra do tổn thương ở các bộ phận cấu tạo thành khớp như đầu xương, mô sụn, màng bao hoạt dịch, dây thần kinh, dây chằng,... gây ra các triệu chứng như tê cứng, ê mỏi, đau nhức, sưng ở cổ tay. Viêm khớp cổ tay có thể xảy ra ở cả người lớn tuổi và trẻ tuổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp cổ tay

Các dấu hiệu cần nghĩ đến viêm khớp cổ tay là:

Đau nhói: Triệu chứng trên xuất hiện thường trực cả ngày lẫn đêm, không giảm khi nghỉ ngơi hay khi ngừng hoạt động.

Cứng khớp: Cứng khớp buổi sáng và giảm cứng khớp khi bệnh nhân tập cử động từ từ.

Sưng, nóng, đỏ: Sưng tấy đỏ là triệu chứng khá phổ biến chỉ điểm một tình trạng viêm ở cổ tay.

Tiếng lục khục khi cử động: Khi vận động khớp cổ tay có tiếng lục khục và cảm giác vận động không trơn tru.

Triệu chứng toàn thân: Một số dấu hiệu toàn thân gợi ý có tình trạng viêm trong cơ thể như sốt, mệt mỏi, chán ăn,...

Mặc dù mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan đến viêm khớp có thể khác nhau, nhưng hầu hết các bệnh liên quan đến viêm khớp đều là mãn tính. Điều này có nghĩa là chúng tồn tại lâu dài - thậm chí là vĩnh viễn - và cuối cùng có thể gây tổn thương khớp nghiêm trọng.

Viêm khớp cổ tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp cổ tay 4
Đau cổ tay là dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm khớp cổ tay

Tác động của viêm khớp cổ tay đối với sức khỏe

Viêm khớp cổ tay thường gây đau, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vận động, giấc ngủ cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc. Bệnh hay tái đi tái lại, hay kéo dài dẫn đến các biến chứng như biến dạng khớp, teo cơ, tổn thương dây chằng và bao hoạt dịch.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp cổ tay

Có thể kể đến một vài biến chứng của bệnh viêm khớp cổ tay như sau:

Biến dạng khớp và teo cơ: Tổn thương xương và các cấu trúc lân cận làm biến dạng trục tự nhiên gây biến dạng khớp. Bên cạnh đó, do sự giảm vận động các cơ trong thời gian dài, hay tổn thương các mạch máu xung quanh làm giảm nuôi dưỡng cơ gây teo cơ.

Mất khả năng vận động khớp cổ tay: Nếu bệnh tình trở nên nghiêm trọng và không thể khắc phục được nữa, người bệnh phải đối diện với nguy cơ khớp cổ tay mất khả năng vận động suốt đời do dính khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào tại khớp cổ tay, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị nhằm duy trì chức năng vận động khớp cổ tay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cổ tay

Mặc dù có nhiều loại viêm khớp, nhưng ba loại thường ảnh hưởng đến cổ tay nhất là:

Viêm khớp sau chấn thương

Những chấn thương khi lao động, chơi thể thao như: Bong gân, trật khớp, gãy xương… thường xảy ra ở người trẻ, hay tuổi trung niên dẫn đến viêm khớp cổ tay. Viêm khớp sau chấn thương có thể phát triển trong nhiều năm kể từ chấn thương ban đầu. Ngay cả khi được điều trị thích hợp, khớp bị thương vẫn có nhiều khả năng bị viêm khớp theo thời gian.

Viêm khớp toàn thân khác

Các bệnh lý viêm khớp toàn như viêm khớp vẩy nến, viêm khớp dạng thấp,… cũng có nguy cơ dẫn đến viêm khớp cổ tay. Đây là bệnh lý sinh ra do hệ miễn dịch của cơ thể tự chống lại cơ thể mình.

Viêm khớp do thoái hóa khớp

Quá trình lão hóa xương khớp diễn ra khiến cho phần sụn khớp, đặc biệt là sụn khớp ở cổ tay dần bị thoái hóa. Lúc này các xương cọ xát vào nhau gây ra tình trạng đau nhức, vận động khó khăn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp cổ tay?

Các đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp cổ tay bao gồm:

Phụ nữ mang thai: Phụ nữ khi mang thai hoặc sau sinh do có sự suy giảm, rối loạn tiết các hormone sinh dục và ảnh hưởng đến sức khỏe hệ xương khớp.

Người sử dụng khớp cổ tay thường xuyên: Những vận động viên sử dụng cổ tay thường xuyên với mức độ cao như cầu lông, bóng rổ, tennis, bóng bàn, hoặc nhân viên văn phòng, thợ cắt tóc… thường có nguy cơ tổn thương khớp cổ tay cao, do đó dễ bị viêm hơn.

Viêm khớp cổ tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp cổ tay 5
Vận động viên là đối tượng dễ viêm khớp cổ tay

Người cao tuổi: Do quá trình lão hóa, người lớn tuổi thường có nguy cơ mắc các bệnh lý cơ xương khớp nói chung và bệnh viêm khớp cổ tay nói riêng do sự đáp ứng kém các các tổ chức tại khớp với các hoạt động của khớp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp cổ tay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp cổ tay, bao gồm:

Tuổi tác: Những người lớn tuổi có hệ thống bôi trơn suy giảm, cấu trúc xương không còn vững chắc nên khả năng bị tổn thương tăng trong khi khả năng phục hồi sau tổn thương giảm.

Chấn thương: Những chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương… làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cổ tay vì sau khi bị tổn thương các cấu trúc kể trên yếu hơn, mất vững nên dễ tổn thương dễ tái phát.

Bệnh lý cơ xương khớp: Bệnh nhân mắc các bệnh viêm khớp vẩy nến, viêm khớp tự miễn,... thường kèm viêm khớp cổ tay.

Các nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân hiếm gặp như di truyền, dị dạng khớp bẩm sinh, suy giảm chức năng hệ miễn dịch,... cũng là những nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cổ tay.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp cổ tay

Để chẩn đoán tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định thực hiện các kỹ thuật như X-quang, chụp MRI, siêu âm,… khớp cổ tay.

Các xét nghiệm toàn thân giúp tìm các dấu chứng viêm cũng thường được chỉ định như công thức máu, yếu tố gợi ý bệnh lý tự miễn,...

Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân được chọc dò dịch khớp sinh thiết tổn thương để xác định nguyên nhân viêm khớp do vẩy nến, viêm khớp dạng thấp,...

Phương pháp điều trị viêm khớp cổ tay hiệu quả

Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm khớp cổ tay, tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh. Nguyên tắc chung trong điều trị là giảm đau và phục hồi vận động khớp cổ tay. Các phương pháp điều trị nên được kết hợp với nhau để đạt điều trị tối ưu. Cụ thể như sau:

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị an toàn, dễ thực hiện lại mang đến hiệu quả nên được chỉ định trong hầu hết các trường hợp viêm khớp cổ tay để giảm đau và phục hồi chức năng vận động khớp.

Viêm khớp cổ tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp cổ tay 6
Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng vận động khớp cổ tay

Những bài tập phổ biến là các bài tập về vận động khớp cổ tay với các động tác bình thường của cổ tay như nắm xòe bàn tay, gập lòng hay gập mu bàn tay,... Tùy theo mức độ tổn thương mà người bệnh được chỉ định các bài tập với mức độ phù hợp.

Xem thêm: Mẹo chữa đau khớp cổ tay tại nhà đơn giản, hiệu quả

Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền

Các phương pháp y học cổ truyền thường được sử dụng bao gồm:

Châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt: Là các phương pháp thường dùng giúp giảm đau, giãn cơ rất tốt.

Chườm lạnh: Chườm lạnh giúp co mạch, giảm tính thấm thành mạch từ đó giúp giảm sưng, viêm khớp giai đoạn cấp.

Các bài thuốc y học cổ truyền: Các bài thuốc với các pháp trị tương ứng với thể bệnh giúp giảm các triệu chứng đau như Đào hồng tứ vật, Hoàng liên giải độc,...

Người bệnh nên đến các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Viêm khớp cổ tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp cổ tay 7
Châm cứu giúp giảm đau ở bệnh nhân viêm khớp cổ tay

Sử dụng thuốc Tây

Các loại thuốc Tây y có khả năng kháng viêm, giảm đau được sử dụng nhằm giảm triệu chứng đau tại khớp cổ tay bị viêm. Cụ thể bao gồm:

Thuốc bôi ngoài da: Bạn có thể sử dụng một loại kem bôi có chứa các thành phần như Capsaicin, tinh dầu bạc hà, long não hoặc CBD.

Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất. Ngoài dạng bào chế viên nén đơn thuần, Paracetamol còn được bào chế dạng viên sủi giúp giảm đau nhanh chóng hơn, hay dạng bào chế kết hợp với Ibuprofen hoặc Tramadol giúp tăng hiệu quả giảm đau.

Thuốc chống viêm NSAIDs: NSAIDs là những thuốc kháng viêm giảm đau không chứa Steroid như: Aspirin, Meloxicam, Etodolac,.... được sử dụng kết hợp với Paracetamol khi bệnh nhân quá đau hoặc không giảm đau khi dùng Paracetamol và các chế phẩm của nó.

Thuốc giãn cơ: Giúp giãn các cơ co như Cyclobenzaprine, Baclofen,... giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn.

Thuốc kèm theo: Các loại thuốc có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp xương khớp khỏe hơn như Glucosamine, Vitamin C, D, E,...

Thuốc Tây thường cho hiệu quả điều trị nhanh chóng nhưng nếu người bệnh lạm dụng nhiều lại dễ gây ra tác dụng phụ, phổ biến nhất là trên đường tiêu hóa. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý tăng/giảm liều, hay tự ý dùng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm: Đau khớp cổ tay nên uống thuốc gì?

Phẫu thuật khớp cổ tay

Phương pháp này chỉ sử dụng khi tình trạng bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu đi và không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa. Phẫu thuật được chỉ định giúp hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh và khác nhau tùy nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Cắt bỏ gai xương.
  • Bó bột khớp cố định cổ tay khi bị đứt dây chằng hoặc nứt, gãy xương.
  • Phẫu thuật giải áp khi mắc hội chứng ống cổ tay, viêm gân dạng dài - duỗi ngắn ngón cái.
  • Phẫu thuật loại bỏ hạt Tophi trong trong bệnh gout.
  • Trong trường hợp khớp bị tổn thương nặng, có thể là thay thế khớp cổ tay bằng các vật liệu nhân tạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp cổ tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế các hoạt động cổ tay như bóng bàn, bóng chuyền, đánh máy, xách vật nặng,... để tránh những hoạt động gây tổn thương nhiều nhất.
  • Tập luyện các môn thể thao cường độ nhẹ như bơi lội, yoga,... hay các bài tập vật lý trị liệu cổ tay.
  • Mang nẹp băng giữ cố định cổ tay khi có hiện bệnh lý làm mất vững hay sai lệch khớp,...
Viêm khớp cổ tay là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp cổ tay 8
Đeo băng cổ tay giúp hạn chế tổn thương khớp cổ tay khi vận động

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng sức đề kháng,... giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp cổ tay hiệu quả

Để hạn chế viêm khớp cổ tay xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người có thể thực hiện các cách sau đây:

  • Nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và điều trị ngay khi có các triệu chứng báo hiệu bệnh viêm khớp cổ tay.
  • Hạn chế vận động ở giai đoạn cấp và tập vận động ngay khi có thể, tăng từ từ mức độ tập luyện đến khi hoạt động lại bình thường.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao và xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao sức đề kháng, sự dẻo dai của các khớp.
  • Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát được bệnh, sớm phát hiện để điều trị.

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa khớp cổ chân

  2. Thoái hóa cột sống

  3. Viêm bao hoạt dịch

  4. Đau cổ tay sau sinh

  5. Co rút Dupuytren

  6. Phong tê thấp

  7. Đau vùng thắt lưng

  8. Đau bả vai

  9. Cong vẹo cột sống

  10. Thoái hoá khớp cổ tay