Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đau dạ dày có uống được vitamin C không?

Ngày 04/05/2023
Kích thước chữ

Vitamin C là một vitamin thiết yếu đối với sức khỏe của con người. Vitamin C đóng vai trò trong hầu hết các hoạt động của xương, mạch máu, cơ bắp và các mô liên kết. Ngoài ra, khi nhắc đến các công dụng như nâng cao sức đề kháng, chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng… thì mọi người hẳn ai cũng nghĩ ngay đến việc bổ sung vitamin C.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu sử dụng vitamin C quá mức cần thiết hoặc không đúng cách sẽ dẫn đến làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh, điển hình là các bệnh nhân đang gặp vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, khó chịu vùng thượng vị,...

Vitamin C sử dụng nhiều có tốt không? Khi bị đau dạ dày thì có được sử dụng vitamin C hay không? Mời bạn đọc theo dõi để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này nhé. 

Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là một bệnh lý phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh chung của nhiều người. Thông thường, tình trạng đau dạ dày sẽ làm cho người bệnh khó chịu thông qua một số triệu chứng tiêu biểu như: Cảm giác nóng rát, đau âm ỉ thượng vị, chướng bụng, đầy hơi, suy nhược, chán ăn. Đau dạ dày là tình trạng tổn thương thành dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn vận động cơ trơn tại dạ dày hoặc có sự tăng tiết axit dịch vị. 

Có 3 vị trí thường gặp mà người mắc chứng đau dạ dày cần chú ý:

  • Đau vùng thượng vị: Là vùng nằm trên rốn và dưới xương ức, cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài, có thể lan sang vùng ngực hoặc ra sau lưng.
  • Đau vùng bụng giữa: Đây là vùng bụng quanh rốn, những cơn đau tại đây có thể rất khó để phân biệt với các bệnh lý khác do chứa nhiều cơ quan nội tạng tại vùng này. Xuất hiện những cơn đau thắt hoặc âm ỉ và có thể lan sang vùng bụng phải.
  • Đau vùng bụng dưới bên trái: Thường đau khi đói, ăn vào đỡ đau nhưng tức bụng, nóng bụng, khó tiêu, đầy hơi,…

Một số triệu chứng hay gặp của đau dạ dày

Một số triệu chứng thường gặp như buồn nôn, ợ chua, chán ăn… sau đó các triệu chứng này thuyên giảm sau một thời gian làm cho người bệnh chủ quan. Không biết rằng các triệu chứng này báo hiệu cho một căn bệnh tiềm ẩn đau dạ dày vô cùng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. 

  • Đau bụng vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất, tuy nhiên triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Đau vùng bụng giữa hoặc đau vùng bụng dưới bên trái cũng là những dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân gặp tình trạng đau dạ dày. 
  • Buồn nôn: Khi dạ dày bị tổn thương, niêm mạc sẽ tiết ra các chất làm kích thích gây rối loạn hệ tiêu hóa, khiến cho người bệnh bị đau bụng âm ỉ kèm theo cảm giác buồn nôn, khó chịu vùng thượng vị.  
  • Ợ chua: Niêm mạc dạ dày tổn thương làm rối loạn chức năng tiết dịch vị dẫn đến mất cân bằng pH dạ dày, gây nên chứng trào ngược dạy dày thực quản làm cho bệnh nhân ợ chua kèm theo cảm giác nóng rát, khó chịu cho bệnh nhân.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Các trường hợp đau dạ dày nặng dẫn đến viêm loét gây xuất huyết với các biểu hiện nôn ra máu, phân đen,... Đây là dấu hiệu cảnh báo sự trầm trọng của bệnh đau dạ dày mà bạn không nên xem nhẹ. Khi gặp triệu chứng này, nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời. 
Dau da day co uong duoc vitamin C khong 2.png
Đau rát vùng thượng vị là triệu chứng thường gặp của bệnh đau dạ dày

Nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày 

Theo nghiên cứu, tình trạng đau dạ dày do nhiều nguyên nhân gây nên và các hành động để dẫn đến bệnh đau dạ dày là một quá trình tích lũy, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Các nguyên nhân đó là:  

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Bỏ bữa, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn quá nhiều đồ cay nóng, vừa làm việc vừa ăn uống, ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày.
  • Yếu tố tâm lý: Theo một nghiên cứu, tâm lý áp lực và căng thẳng trong một thời gian dài có liên quan đến tình trạng đau dạ dày và những người này có nguy cơ đau dạ dày cao hơn những người có chế độ sinh hoạt lành mạnh. Lý giải cho việc này là do căng thẳng, áp lực trong công việc dẫn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, thường xuyên bỏ bữa, thức khuya dẫn đến dạ dày phải co bóp và tiết dịch làm mất cân bằng hệ tiêu hóa gây nên tình trạng bào mòn niêm mạc, lâu ngày sẽ gây viêm loét dạ dày. 
  • Dùng thuốc: Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm dài ngày hay kháng sinh liều cao gây mất cân bằng hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột dẫn đến viêm loét, xuất huyết tại dạ dày. 
  • Nhiễm khuẩn: Tỉ lệ người Việt Nam nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori – HP)  và xuất hiện trong dạ dày là rất cao nhưng chỉ một vài người phát triển thành bệnh viêm dạ dày. Các bác sĩ cho rằng yếu tố di truyền hoặc lối sống thiếu lành mạnh (như hút thuốc lá, rượu bia và chế độ ăn uống thiếu khoa học) tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP phát triển và gây bệnh viêm dạ dày. 
Dau da day co uong duoc vitamin C khong 3.png
Căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày

Lợi ích của vitamin C đối với sức khỏe  

Vitamin C hay còn gọi là acid ascorbic là một chất dinh dưỡng thiết yếu dễ tan trong nước, tương đối bền với nhiệt và dễ bị oxy hóa khi để trong không khí. Hiện nay, vitamin C tồn tại ở rất nhiều dạng như tinh thể, bột, viên nang, viên nén,... 

Vitamin C được biết đến với vai trò là một chất tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa với khả năng trung hòa gốc tự do độc hại. Vitamin C thường có nhiều trong các loại trái cây, thực phẩm như cam, bưởi, ổi, cà chua, khoai tây hay các loại rau củ quả như bông cải xanh,... Ngoài khả năng hỗ trợ tăng cường đề kháng cho cơ thể, giảm mệt mỏi thì vitamin C còn có những tác dụng như: 

  • Phòng và điều trị bệnh Scorbut.
  • Cải thiện thể trạng do cảm cúm hoặc sau khi bị ốm nặng. 
  • Hỗ trợ tạo collagen, trị thâm, làm trắng da.  
  • Giải độc trong một số trường hợp.
  • Phòng ngừa bệnh tim mạch 
Dau da day co uong duoc vitamin C khong 4.png
Bổ sung vitamin C qua các loại thực phẩm, rau củ quả và trái cây

Khi đau dạ dày có uống vitamin C được không? 

Bạn đang tìm hiểu về vitamin C và hiểu được công dụng tuyệt vời của chúng đối với cơ thể. Tuy nhiên, bạn lại lo lắng bởi căn bệnh dạ dày mình đang mang liệu có ảnh hưởng gì hay không. Để cải thiện tình trạng của bệnh này bạn đã phải kiêng cử rất nhiều, đặc biệt là những loại thực phẩm có vị chua. Bạn đang lo lắng rằng liệu tính axit của vitamin C có thể sẽ làm bệnh thêm trầm trọng? 

Theo các chuyên gia, đau dạ dày là biểu hiện đặc trưng của các bệnh lý ở đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày). 

Mặc dù vậy, người bệnh đau dạ dày hoàn toàn có thể bổ sung vitamin C hằng ngày để cải thiện sức khỏe. Vitamin C với tác dụng cải thiện sức đề kháng hỗ trợ quá trình tiêu diệt và đào thải vi khuẩn Helicobacter pylori ra khỏi cơ thể. Đồng thời, vitamin C với khả năng hỗ trợ tạo collagen, thúc đẩy quá trình làm lành, tái tạo niêm mạc dạ dày, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ quan tiêu hóa. 

Thực tế, việc điều trị viêm loét dạ dày dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori bằng kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton đi kèm với bổ sung thêm vitamin C còn cho tác dụng làm giảm kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa và hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ không mong muốn.

Dau da day co uong duoc vitamin C khong 5.png
Người đau dạ dày cần sử dụng vitamin C theo hướng dẫn của bác sĩ

Những điều cần lưu ý khi uống vitamin C nếu bị đau dạ dày

Vitamin C là dưỡng chất thiết yếu cho quá trình chuyển hóa, trao đổi chất cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, nếu lượng vitamin C được bổ sung quá nhiều hoặc quá ít cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cơ thể. Cụ thể, nếu thiếu vitamin C sẽ làm rối loạn hệ trao đổi chất, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và các vấn đề về chảy máu nướu răng, da thâm sạm đi,... Ngược lại, nếu bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, loét dạ dày tá tràng và nguy cơ mắc các bệnh gút, sỏi thận,... 

Do đó, khi bổ sung vitamin C, người đang bị tình trạng đau dạ dày cần lưu ý: 

  • Dùng vitamin C ở dạng viên uống, dạng bột hoặc hỗn dịch. Không dùng vitamin C dạng viên sủi, hàm lượng vitamin C trong viên sủi cao hơn viên nén, do đó làm tăng độ axit gây ăn mòn niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. 
  • Nên uống vitamin C vào buổi sáng trước hoặc sau khi ăn, để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận vào ban đêm. 
  • Vitamin C có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận nên người bệnh cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và không nhịn đi tiểu quá lâu khi có cảm giác mắc tiểu. 
  • Không sử dụng vitamin C liều cao cho những có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD). 
  • Một số tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung quá nhiều vitamin C: buồn nôn, tiêu chảy, ợ nóng hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây chóng mặt, ngất xỉu,...
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng vitamin C với liều lượng phù hợp. Cần dừng việc sử dụng vitamin C nếu gặp những triệu chứng nêu trên và đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Dau da day co uong duoc vitamin C khong 1.png
Vitamin C là một vitamin quan trọng đối với sức khỏe của con người 

Những thông tin cụ thể trên đây đã giải đáp giúp bạn thắc mắc "đau dạ dày uống vitamin C được không?", hi vọng bạn đã có cách bổ sung dưỡng chất này cho cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây hại mà không làm ảnh hưởng ngược lại đến sức khỏe của mình.

Xem thêm: Đau dạ dày có nên ăn xôi không?

Trung Chánh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin