Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc tóc

Để tóc ướt đi ngủ có sao không? Thông tin bất ngờ dành cho bạn

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ

Nhiều người vì bận bịu nên thường xuyên đi ngủ với mái tóc ướt. Vậy để tóc ướt đi ngủ có sao không hay thói quen trên hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe, tóc và da đầu?

Để tóc ướt khi đi ngủ có sao không là mối quan tâm của nhiều người, nhất là với chị em phụ nữ. Để tìm ra lời giải đáp của câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá điểm lợi và mặt hại của việc làm trên.

Đôi điều về tóc ướt

Tóc ướt là hiện tượng phần chân tóc, thân tóc và da đầu có độ ẩm cao, còn bết dính vào nhau, chưa tách rời thành những sợi riêng biệt.

Để tóc ướt đi ngủ có sao không? Thông tin bất ngờ dành cho bạn 1
Tóc ướt có độ ẩm cao nên đây là điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, nảy nở của vi sinh vật

Tóc bị ướt thường liên quan đến các trường hợp sau:

  • Mới gội đầu, chưa hong khô tóc;
  • Vận động với cường độ cao dẫn đến bết dính mồ hôi;
  • Tắm, xông hơi nên bị nhiễm ẩm và gây ướt tóc;
  • Nền nhiệt quá cao gây tăng tiết mồ hôi, dầu nhờn;
  • Vô tình bị nước bắn vào.

Tóc ướt thường rất yếu và nhạy cảm. Nếu tiếp xúc với các tác nhân gây hại như ánh nắng, khói bụi, ma sát tăng,... thì chúng rất dễ bị xơ rối, chẻ ngọn và gãy rụng. Bên cạnh đó, ở trạng thái này tóc cũng có độ đàn hồi cực kém nên nếu cọ xát liên tục với bề mặt thô ráp, tóc ướt sẽ bị hư tổn nặng nề.

Để tóc ướt đi ngủ có sao không? Thông tin bất ngờ dành cho bạn 4
Tóc ướt rất nhạy cảm, đàn hồi kém và yếu hơn hẳn so với tóc ở trạng thái khô

Để tóc ướt đi ngủ có sao không?

Ngay khi bạn đặt ra câu hỏi: “Để tóc ướt đi ngủ có sao không?” thì cũng chứng tỏ bên trong bạn đang hoài nghi về những tác động tiêu cực của thói quen này. Để biết rõ hơn, chúng ta hãy cùng phân tích điểm lợi và mặt hại của việc đi ngủ với tóc ướt nhé!

Để tóc ướt đi ngủ có sao không? Thông tin bất ngờ dành cho bạn 2
Để tóc ướt đi ngủ có sao không là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là với chị em phụ nữ

Có thể nói lợi ích duy nhất của việc để tóc ướt đi ngủ là đỡ mất thời gian, buồn ngủ là có thể lên giường ngay, không cần phải chờ đợi hoặc sấy khô tóc. Tuy nhiên nếu bạn “kết thân” với thói quen này thì phải đối diện với rất nhiều hệ lụy đi kèm. Cụ thể như sau:

Khiến tóc dễ bị hư tổn

Như đã nhắc qua ở trên, tóc ướt thường rất yếu và nhạy cảm. Nếu bạn đi ngủ khi tóc còn chưa khô thì sự cọ xát sẽ khiến chúng trở nên xơ xác, dễ bị gãy rụng. Trong một diễn biến khác, tóc khô có độ đàn hồi cực tốt, chắc khỏe hơn nên khi tiếp xúc với chăn gối, chúng không gây ra những tác động tiêu cực nói trên.

Dễ nhiễm nấm

Độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, vi nấm xâm nhập và gây hại. Theo đó, nếu bạn để tóc ướt khi đi ngủ thì bạn có thể bị viêm da đầu do nấm Tinea capitis, Aspergillus fumigatus, nấm men Malassezia,... Các tác nhân này không chỉ gây mẩn ngứa, bong tróc da đầu mà còn khiến tóc suy yếu, dễ gãy rụng và biến đổi kết cấu. Thậm chí nấm Aspergillus fumigatus còn có thể gây viêm đường hô hấp khi phát triển hoành hành trên da đầu của bạn.

Sinh mụn trứng cá

Mụn trứng cá sẽ xuất hiện khi lỗ chân lông bít tắc do bụi bẩn, bã nhờn, tế bào chết và dư thừa ẩm. Vậy nên nếu đi ngủ với mái tóc ướt, da đầu có thể bị nổi mụn bất thường. Đặc biệt nước còn thấm vào gối, tăng độ nhờn và cọ xát với da mặt, từ đó làm phát sinh mụn trứng cá ở khu vực này.

Dễ bị nhiễm lạnh

Việc để da đầu tiếp xúc ẩm trong thời gian dài có thể khiến bạn bị nhiễm lạnh. Chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, uể oải sau khi thức dậy. Trong một số trường hợp còn đi kèm hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, viêm họng. Vậy nên nếu không muốn đối diện với những vấn đề trên thì hãy hong khô tóc trước khi đi ngủ bạn nhé!

Qua phân tích trên, hẳn bây giờ bạn đã có được lời giải đáp cho câu hỏi: “Để tóc ướt đi ngủ có sao không?” rồi chứ?

Nếu bắt buộc phải đi ngủ với tóc ướt, bạn cần làm gì để giảm thiểu tác hại?

Dẫu biết đi ngủ với tóc ướt là thói quen không tốt nhưng trong một số trường hợp, do lịch trình công việc hoặc vì  lý do bất khả kháng nào đó, bạn bắt buộc phải đi ngủ trong tình trạng này. Vậy khi đó chúng ta cần làm gì để giảm thiểu những tác động gây hại lên tóc và da đầu?

Sử dụng dầu dừa để làm thành lớp mặt nạ cho tóc

Dầu dừa có khả năng làm giảm ma sát nên khi thoa dầu dừa lên tóc, chúng sẽ tạo ra lớp bảo vệ trên bề mặt tóc ướt, giúp hạn chế tối đa nguy cơ gãy rụng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy lớp biểu bì tóc có kết cấu gồm nhiều tiểu đơn vị có tạo hình như ván lợp. Khi bị ướt chúng sẽ dựng đứng lên nên khiến tóc tăng diện tích tiếp xúc với môi trường ngoài và dễ bị hư tổn. Trong một diễn biến khác, dầu dừa sẽ làm giảm đáng kể lượng nước hấp thụ trên bề mặt tóc, từ đó giúp tóc ướt được bảo vệ tốt hơn.

Lưu ý, biện pháp này chỉ dùng cho tóc khô và tóc thường, nếu tóc thường xuyên đổ dầu do viêm da tiết bã thì dùng dầu dừa sẽ gây phản tác dụng.

Làm khô và gỡ rối tóc hết mức có thể

Hãy tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi mà bạn có để làm khô tóc hết mức có thể. Tóc càng khô thì càng giảm thiểu được những hệ lụy đi kèm. Đặc biệt nếu được, hãy điều chỉnh lại lịch trình sinh hoạt và làm việc để đảm bảo bạn có thể đi ngủ với một mái tóc khô ráo, sạch sẽ.

Dùng gối lụa

Khả năng giảm thiểu lực ma sát của gối lụa là rất ấn tượng. Không những vậy, chúng còn rất thân thiện với tóc và da đầu do có nguồn gốc hữu cơ, không tiềm ẩn các tác nhân gây hại. Ngoài dùng gối lụa, bạn có thể dùng dụng cụ trùm đầu làm bằng chất liệu này để tối ưu lợi ích nhận về.

Sử dụng dầu xả tóc

Dầu xả chăm sóc tóc cũng có khả năng bảo vệ tóc thông qua việc làm hạn chế lực ma sát giữa tóc với môi trường xung quanh. Thêm nữa, loại dầu này còn chứa nhiều dưỡng chất nuôi dưỡng tóc từ sâu bên trong nên nếu dùng thường xuyên sẽ giúp tóc luôn bóng mượt, chắc khỏe.

Để tóc ướt đi ngủ có sao không? Thông tin bất ngờ dành cho bạn 3
Nếu bắt buộc phải đi ngủ với mái tóc ướt, bạn nên thoa dầu dừa để giảm thiểu tối đa nguy cơ hư tổn tóc

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về việc để tóc ướt đi ngủ có sao không. Qua bài viết, mong rằng bạn đã nhìn thấy những mặt trái của thói quen này và hạn chế hết mức có thể để bảo vệ da đầu cũng như mái tóc yêu quý của mình. Sau cùng, chúc bạn luôn khỏe đẹp và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo thông tin được cung cấp bởi chúng tôi! Trân trọng!

Xem thêm: Uốn phồng chân tóc có hại không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin