Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Điện xung trị liệu và tác dụng của nó đối với cơ thể

Ngày 12/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Điện xung trị liệu là một trong những biện pháp vật lý trị liệu được sử dụng nhiều trong việc cải thiện tình trạng bệnh và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện chức năng của hệ cơ, thần kinh và mạch máu. Để hiểu rõ hơn về điện xung trị liệu cũng như tác dụng của nó đối với cơ thể, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Trong vật lý trị liệu bao gồm nhiều phương pháp điều trị khác nhau, giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ, phục hồi nhanh chóng những thương tổn bên trong cơ thể. Trong đó, phương pháp trị liệu sử dụng dòng điện xung mang lại nhiều hiệu quả trên hệ thần kinh, cơ và mạch máu. Vậy điện xung trị liệu là gì? Tác dụng của nó đối với cơ thể ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Điện xung trị liệu là gì?

Xung điện là dòng điện có tính chất riêng biệt, khác hoàn toàn so với những dòng điện dùng để thắp sáng thông thường. Xung điện dùng trong vật lý trị liệu được biết đến là dòng điện xung được đặt theo hình dạng của xung và tên của người phát minh ra chúng. Cường độ của dòng điện xung được tính bằng biên độ trung bình của xung điện phát ra trong một khoảng thời gian nhất định.

dien-xung-tri-lieu-va-tac-dung-cua-no-doi-voi-co-the 1.jpg
Điện xung trị liệu là phương pháp vật lý trị liệu an toàn, mang lại hiệu quả cao

Điện xung trị liệu là một trong những phương pháp điều trị vật lý trị liệu sử dụng các xung điện có tần số thấp hoặc trung bình, tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn để kích thích các thần kinh thông qua bề mặt da. Nhiều xung điện liên tiếp được tạo ra sẽ tạo thành dòng xung điện. Việc sử dụng các xung điện trị liệu giúp giảm đau, giảm các kích thích thần kinh cơ tạo sự co cơ, điện di, điện phân thuốc.

Phân loại dòng điện xung trong trị liệu

Hiện nay người ta phân loại xung điện theo các căn cứ sau:

  • Căn cứ theo loại dòng điện: Bao gồm dòng điện xung xoay chiều và dòng điện xung một chiều.
  • Căn cứ vào tần số của dòng điện xung: Bao gồm dòng điện xung có tần số thấp và dòng điện xung có tần số trung bình.
  • Căn cứ vào chế độ phát xung: Bao gồm dòng điện xung ngắt quãng, dòng điện xung liên tục, dòng điện xung biến đổi biên độ, dòng điện xung biến đổi tần số, dòng điện xung biến đổi cả tần số và biên độ.
dien-xung-tri-lieu-va-tac-dung-cua-no-doi-voi-co-the 2.jpg
Dòng điện xung trong trị liệu được phân loại thành nhiều dạng khác nhau

Tác dụng của điện xung trị liệu

Điện xung trị liệu ra đời khá trễ so với các phương pháp khác nhưng lại được ứng dụng rộng rãi trong nhiều liệu trình điều trị. Những tác dụng mà dòng điện xung trị liệu mang đến bao gồm:

Tác dụng ức chế

Những xung điện có cường độ tăng từ từ và tần số cao có tác dụng trong việc giảm đau, giảm trương lực cơ và thư giãn cơ hiệu quả. Có nhiều thuyết được sử dụng để giải thích tác dụng này:

  • Thuyết “cổng kiểm soát”: Khi các kích thích điện xung (có cường độ thấp, tần số khoảng 80 - 200 Hz, thời gian xung ngắn) được dẫn truyền theo các sợi thần kinh làm đóng cổng kiểm soát, không cho xung động đau tiếp tục truyền cảm giác đau, từ đó giúp người bệnh giảm đau.
  • Thuyết về sự giải phóng endorphin: Dưới tác dụng của các xung điện có tần số thấp, cường độ cao, thời gian kéo dài hoặc xung điện ngắt quãng trong điện châm sẽ kích thích hệ thần kinh giải phóng endorphin, một chất giảm đau nội sinh có tác dụng giảm đau mạnh và kéo dài.
  • Thuyết về sự ngưng trệ sau kích thích của hệ thần kinh giao cảm: Hoạt động của thần kinh giao cảm sẽ bị hạn chế dưới sự kích thích của các sợi thần kinh nhóm II và III.

Tác dụng kích thích thần kinh cơ

Các dòng điện xung trị liệu có tác dụng kích thích hệ thần kinh cơ, làm tăng dẫn truyền thần kinh, tăng trương lực cơ và tăng khối lượng cơ của cơ thể.

dien-xung-tri-lieu-va-tac-dung-cua-no-doi-voi-co-the 3.jpg
Điện xung trị liệu đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện hoạt động của hệ thần kinh cơ và mạch máu

Tác dụng điện phân

Tác dụng này được ứng dụng trong điện di thuốc, giúp thuốc đi vào những mô ở sâu trong cơ thể nhanh hơn so với phương pháp bôi ngoài da. Các thuốc thường được ứng dụng là thuốc gây tê tại chỗ để giảm đau hoặc các chất kháng viêm để giảm viêm.

Ngoài những tác dụng kể trên, điện xung trị liệu còn giúp hỗ trợ tăng tuần hoàn máu thông qua sự kích thích trực tiếp lên mạch máu; giải phóng sự chèn ép và tăng thải các chất chuyển hoá tại chỗ; kích thích cơ trơn, điều trị chứng đại tiện mất kiểm soát

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Thường được chỉ định cho các trường hợp chấn thương hoặc bệnh lý như:

  • Đau lưng, đau cổ vai gáy, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, viêm khớp dạng thấp…
  • Người bệnh tai biến mạch máu não.
  • Người bị chấn thương tủy sống, đứt tuỷ hoặc liệt tuỷ sống.
  • Người bị yếu cơ tứ chi, cơ vòng hoặc cơ sàn chậu.
  • Rối loạn tuần hoàn ngoại vi…

Chống chỉ định

Những trường hợp chống chỉ định điện xung trị liệu bao gồm:

  • Người mắc bệnh lý tim mạch, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn cảm giác.
  • Người bị u ác tính.
  • Có vùng da đang bị chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt không sử dụng xung điện cho vùng bụng và thắt lưng.
dien-xung-tri-lieu-va-tac-dung-cua-no-doi-voi-co-the 4.jpg
Việc áp dụng điện xung trong trị liệu phải có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa

Một số sự cố có thể xảy ra

Phương pháp vật lý trị liệu này cần được thực hiện bởi những bác sĩ có tay nghề cao, chuyên môn tốt và cơ sở uy tín để tránh gặp những sự cố không mong muốn. Một số tình huống không mong muốn có thể gặp phải trong quá trình điều trị bằng điện xung bao gồm:

  • Điện giật: Vì là thiết bị điện nên có thể sẽ gặp các vấn đề về hỏng hóc, rò rỉ điện có thể gây giật điện cho người bệnh. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như những người xung quanh, bác sĩ cần kiểm tra máy móc kỹ lượng và tuân thủ những quy định trong điều trị.
  • Cảm giác bị điện giật: Nguyên nhân có thể do chiết áp bị lỏng hoặc quy trình điều trị gặp vấn đề. Lúc này người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được xử lý, tuyệt đối không tự ý chạm tay vào những vật dẫn điện trong quá trình trị liệu.
  • Dị ứng với dòng điện: Người bệnh sẽ xuất hiện những nốt mẩn đỏ tại vị trí điện cực, có thể do sự không đảm bảo vệ sinh từ điện cực vải hay cơ địa dị ứng của người bệnh.
  • Bỏng: Tình trạng này khá hiếm gặp, chỉ xảy ra khi điện cực kim loại tiếp xúc trực tiếp với da của người bệnh.

Trị liệu với dòng xung điện trong vật lý trị liệu là một trong những phương pháp an toàn, hiệu quả cao. Việc nắm được những thông tin cơ bản về điện xung trị liệu và tác dụng của nó đối với cơ thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp, cơ sở uy tín đảm bảo an toàn và chất lượng điều trị. Hy vọng những thông tin trong bài viết vừa rồi sẽ giúp ích trong việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm