Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đại tiện mất kiểm soát: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 10/10/2023
Kích thước chữ

Đại tiện mất kiểm soát gây nhiều phiền toái trong cuộc sống, làm người bệnh tự ti, mặc cảm. Để điều trị bệnh lý này một cách hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh.

Đại tiện mất kiểm soát hay đại tiện không tự chủ là một tình trạng sức khỏe có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Tình trạng này được biểu hiện bởi hiện tượng hơi hoặc phân bị són ra ngoài một cách không tự chủ dù người bệnh đang trong trạng thái gắng sức hay nghỉ ngơi.

Tuy đại tiện mất kiểm soát không quá nguy hiểm hay có thể gây tử vong nhưng bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe cảm xúc và tinh thần của bệnh nhân. Có lẽ vì lý do đó mà người bệnh thường có xu hướng che giấu tình trạng của mình và không dám mở lời nhận sự giúp đỡ từ ai.

Nguyên nhân gây tình trạng đại tiện mất kiểm soát

Những nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng đại tiện không tự chủ, bao gồm:

Táo bón

Người mắc chứng táo bón trong thời gian dài khiến phân khô cứng và tích lũy nhiều ở ruột già, trực tràng nhưng không được đẩy ra ngoài là nguyên nhân phổ biến gây đại tiện mất kiểm soát. Kích thước phân càng lớn và cứng thì càng làm giãn cơ thắt hậu môn, khiến trương lực giữ yếu đi gây tình trạng đại tiện không kiểm soát

Táo bón kéo dài khiến các cơ ở hậu môn và trực tràng bị suy yếu. Kết quả là khả năng kiểm soát phân cũng bị suy giảm, làm giảm độ nhạy cảm của dây thần kinh trực tràng - hậu môn khiến người bệnh kém nhận biết hơn với những cơn buồn đại tiện hay kiểm soát việc đi đại tiện.

dai-tien-mat-kiem-soat-nguyen-nhan-va-phuong-phap-dieu-tri-1.jpg
Lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng khả năng đại tiện

Tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là nguyên nhân phổ biến gây đại tiện mất kiểm soát do phân lỏng chứa nhiều nước khiến cơ thắt hậu môn khó giữ lại trong trực tràng hơn là phân rắn. Tiêu chảy kéo dài cũng dẫn đến sự thiếu hụt kali, khiến trương lực cơ trực tràng và hậu môn giảm, chức năng giữ phân kém đi. Kết quả là người bệnh bị són phân ra ngoài không kiểm soát.

Tổn thương cơ

Nguyên nhân này làm cho các cơ vòng quanh vùng hậu môn bị giãn ra quá mức hoặc bị suy yếu. Đây chủ yếu là kết quả từ quá trình sinh nở. Ngoài ra, tổn thương này cũng thường gặp ở những bệnh nhân có chấn thương hoặc có tiền sử thực hiện những phẫu thuật như cắt bỏ búi trĩ, cắt bỏ khối u,...

Tổn thương các dây thần kinh

Hệ thống các dây thần kinh liên quan đến sự điều tiết phân và điều hòa hoạt động co thắt của hậu môn - trực tràng một khi bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng đại tiện mất kiểm soát.

Bệnh trĩ

Ở bệnh nhân mắc bệnh trĩ đặc trưng bởi tình trạng các búi trĩ chèn ép khiến cho các cơ vòng ở quanh hậu môn bị giãn và khó có thể đóng kín hoàn toàn, từ đó tạo điều kiện cho sự rò rỉ phân.

Nguyên nhân khác

Một số nguyên khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát phân như: Sa trực tràng, khiếm khuyết bẩm sinh, lạm dụng các loại thuốc giúp nhuận tràng, phẫu thuật hay xạ trị vùng chậu, ít vận động thể chất,...

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đại tiện mất kiểm soát

Bên cạnh các nguyên nhân gây đại tiện mất kiểm soát, một số yếu tố nguy cơ sau cũng làm tăng khả năng mắc phải tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Nữ giới (đặc biệt là những đối tượng sinh thường hoặc sinh nhiều);
  • Người trên 65 tuổi;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Bệnh tiểu đường lâu năm;
  • Sa sút trí tuệ;
  • Giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer.

Cách nhận biết đại tiện mất kiểm soát

Có thể nhận biết tình trạng đại tiện mất kiểm soát thông qua một số biểu hiện sau:

  • Khó chịu hoặc kích ứng vùng da quanh hậu môn.
  • Có cảm giác cần đi đại tiện nhưng không kiểm soát được việc phân tống ra ngoài trước khi đến nhà vệ sinh.
  • Phân bị rò rỉ ra ngoài nhưng người bệnh không có cảm giác.
  • Rò rỉ phân do các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày hoặc ngay cả khi xì hơi.
  • Phân bị dính ở đồ lót sau khi đi đại tiện bình thường.
  • Són phân kèm một số triệu chứng đường ruột khác gồm: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, đầy bụng, chướng bụng,...

Quy trình chẩn đoán đại tiện mất kiểm soát như thế nào?

Bước đầu để chẩn đoán tình trạng đại tiện kiểm soát, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng mà bệnh nhân đang mắc phải. Lúc này những thông tin mà bạn cung cấp càng chi tiết sẽ càng giúp cho bác sĩ trong việc xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

dai-tien-mat-kiem-soat-nguyen-nhan-va-phuong-phap-dieu-tri-2.jpg
Nội soi là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán tình trạng bệnh

Tiếp theo, để kiểm tra sức mạnh của cơ vòng hậu môn bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám trực tiếp bằng cách dùng ngón tay hoặc dụng cụ cho thẳng vào trong trực tràng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thêm một số xét nghiệm bổ sung là:

  • Đo áp lực hậu môn - trực tràng.
  • Điện cơ hậu môn (EMG).
  • Nội soi siêu âm hậu môn.
  • Nội soi trực tràng, đại tràng.
  • Các xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và xét nghiệm nước tiểu.
  • Chẩn đoán hình ảnh bao gồm: chụp x-quang khi đại tiện, chụp cộng hưởng từ,...

Phương pháp điều trị đại tiện mất kiểm soát

Điều trị không can thiệp phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp đại tiện mất kiểm soát không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Một số mẹo điều trị đơn giản có thể áp dụng tại nhà như sau: Thay đổi chế độ ăn uống khoa học với mục tiêu là tránh các loại đồ ăn gây phân lỏng, tạo thói quen đi đại tiện vào cùng một khung giờ mỗi ngày, bảo vệ da khỏi kích ứng bằng cách vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn và bôi kem dưỡng ẩm,...

Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn với liều sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý phải dùng thuốc đúng với chỉ định và không tự ý đổi, ngừng hay thêm thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Dai-tien-mat-kiem-soat-can-benh-kho-noi (4).png
Đại tiện khoa học là một trong những phương pháp giúp kiểm soát phân hiệu quả

Điều trị có can thiệp phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc bị chấn thương nghiêm trọng thì phẫu thuật sẽ là phương pháp điều trị được lựa chọn cuối cùng. Có thể kể đến một số phương pháp phẫu thuật như: Phẫu thuật tạo hình cơ vòng, phẫu thuật mở thông ruột kết, phẫu thuật cấy ghép cơ thắt hậu môn nhân tạo,...

Tuy đại tiện mất kiểm soát là một căn bệnh khó nói, nhưng hãy nhớ rằng đây chỉ đơn giản là một vấn đề liên quan đến sức khỏe và cần được bạn điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại trong việc đến gặp bác sĩ, cũng đừng cảm thấy xấu hổ hay tự ti vì có thể bác sĩ sẽ đưa ra một vài mẹo giúp bạn vượt qua tình trạng phiền phức này và cải thiện được chất lượng cuộc sống đấy!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin