Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Để khai thác tốt hiệu quả của diet break thì trước hết bạn cần phải hiểu rõ bản chất của khái niệm này. Tiếp theo là nhận diện chính xác những dấu hiệu của cơ thể cho thấy việc diet break ở ngay thời điểm đó là điều thực sự cần thiết.

Diet break là gì và cách làm trên chỉ mang tính chất xả hơi hay hướng đến mục đích lâu dài và hàm chứa ý nghĩa tích cực hơn? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp chi tiết cho câu hỏi này.

Diet break là gì?

“Diet” có nghĩa là ăn kiêng, “break” được hiểu là sự dừng lại, phá vỡ,... Khi ghép đôi, diet break là từ ngữ dùng để chỉ việc dừng ăn kiêng một cách có chủ đích, tính toán.

Trong giai đoạn đặc biệt này, bạn có thể ăn mọi thứ mình thích, không còn bị bó buộc bởi những quy định khắt khe. Tùy vào nhu cầu thực tế cũng như mục tiêu của từng người mà thời gian dừng ăn kiêng có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc nhiều hơn con số này.

Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng 2
Diet break là tạm dừng ăn kiêng một cách có chủ đích

Việc tạm dừng ăn kiêng thường được thực hiện sau khoảng thời gian diet 4 - 8 tuần, khi cơ thể có nhiều thay đổi về cả thể chất, tâm lý lẫn sinh lý.

Mục đích và ý nghĩa của diet break

Để hiểu mục đích và ý nghĩa của phương pháp này, trước tiên bạn cần nắm bắt được quá trình thay đổi nội tiết cũng như sự thích ứng của cơ thể đối với tiến trình ăn kiêng.

Khi bạn nhịn ăn, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt năng lượng trong thời gian dài. Cùng với điều này thì lượng hormone tuyến giáp và leptin - hormone điều chỉnh trọng lượng cơ thể sẽ bị sụt giảm mạnh. Khi leptin hạ thấp quá mức, cảm giác thèm ăn của chúng ta sẽ tăng lên. Vậy nên người ăn kiêng phải đối diện với những cơn đói cồn cào, thậm chí còn bị ám ảnh bởi đồ ăn và tâm trí chỉ nghĩ đến việc dùng bữa.

Trong một diễn biến khác, sự thay đổi hormone theo chiều hướng này cũng kích hoạt sự thích nghi của cơ thể đối với tình trạng thâm hụt calo. Dần dà, tình huống tưởng như có vấn đề này sẽ không còn là tác nhân kích thích mạnh mẽ khiến bạn giảm cân nhanh chóng nữa. Vậy nên cân nặng sẽ có dấu hiệu chững lại, kể cả khi việc ăn kiêng vẫn được tiếp tục.

Chính vì vậy, “xả hơi” giữa chu kỳ nhịn ăn là điều thực sự cần thiết và phương pháp này sẽ đem đến 3 ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là:

  • Giải tỏa tâm lý cho người thực hiện, giúp họ tạm cách ly chế độ ăn kiêng khắt khe, thoải mái ăn những gì mình thích. Từ đó đem đến tác dụng giảm bớt căng thẳng, có thêm sự quyết tâm để theo đuổi kế hoạch giảm cân trong thời gian dài.
  • Bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể để sẵn sàng cho chu kỳ ăn kiêng tiếp theo.
  • Hỗ trợ quá trình nâng cao nồng độ hormone tuyến giáp và leptin, kích hoạt trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Khi những thành phần này được phục hồi trở lại thì trong chu kỳ ăn kiêng tiếp theo, hiệu quả giảm cân cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.
Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng 3
Dừng ăn kiêng một thời gian sẽ giúp cải thiện tâm trạng, phục hồi sức khỏe và cải thiện hiệu quả giảm cân ở lần ăn kiêng tiếp theo

Khi nào cần thực hiện việc tạm dừng ăn kiêng?

Việc tạm dừng ăn kiêng không thể thực hiện một cách máy móc, rập khuôn mà cần dựa vào những thay đổi, cụ thể là các dấu hiệu tiêu cực phát sinh trong hành trình giảm cân. Cụ thể như sau:

Việc giảm cân bị chững lại hoàn toàn hoặc có xu hướng chậm dần đi

Trong trường hợp cân nặng không giảm thêm hoặc giảm với tốc độ chậm trong khi người thực hiện vẫn giảm cân đúng cách, tuân thủ đúng liệu trình thì chứng tỏ cơ thể đã không còn đáp ứng lại với chế độ ăn kiêng hà khắc. Vào thời điểm đó, bạn cần xem xét, cân nhắc việc dừng ăn kiêng để cơ thể nghỉ ngơi và có thể ăn uống thoải mái trong khoảng 2 tuần.

Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng 6
Nếu bạn nhận thấy tiến trình giảm cân có dấu hiệu chững lại thì nên xem xét việc tạm dừng ăn kiêng

Cơ thể mỏi mệt, hiệu suất tập luyện không đạt yêu cầu

Việc không cung cấp đủ dưỡng chất trong giai đoạn ăn kiêng sẽ khiến cơ thể chúng ta thiếu hụt năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi, nhất là khi tập luyện với cường độ cao. Khi đó, hiệu suất tập luyện chắc chắn sẽ sụt giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả giảm cân cũng như sức khỏe tổng quát. Vậy nên việc dừng ăn kiêng trong trường hợp này là điều hoàn toàn nên làm.

Luôn bị đói và có nhu cầu dung nạp đồ ăn liên tục

Đói không chỉ là cảm giác trống rỗng trong dạ dày, đó còn là tín hiệu cảnh báo cho thấy cơ thể đang bị thiếu chất trầm trọng. Lúc này, việc giảm cân chỉ còn là chuyện nhỏ, thay vào đó bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Cụ thể, cách can thiệp hiệu quả nhất trong trường hợp đang xét chính là dừng nhịn ăn và trở lại với chế độ dinh dưỡng như bình thường.

Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng 8
Nếu bạn ăn kiêng mà lúc nào cũng thấy đói, thèm ăn đến mức bị ám ảnh thì đã đến lúc phải tạm dừng một thời gian

Chức năng tiêu hóa bị rối loạn

Tiêu chảy, táo bón, chướng bụng là những vấn đề rất dễ xảy ra khi ăn kiêng. Nguyên nhân một phần do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu hụt, một phần do căng thẳng thần kinh gây ra. Trong trường hợp các dấu hiệu trên xuất hiện liên tục, không thuyên giảm hoặc có xu hướng nặng dần qua thời gian thì bạn cũng nên dừng ngay việc ăn kiêng của mình.

Căng thẳng thần kinh

Một chế độ ăn kiêng hà khắc không chỉ gây áp lực lên hệ tiêu hóa, quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng của cơ thể mà còn khiến người thực hiện bị stress, căng thẳng thần kinh. Khi đó, chúng ta có thể cáu gắt, buồn bã vô cớ, đầu óc căng như dây đàn và không thể tập trung vào việc gì. Đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho thấy cần phải tạm dừng ăn kiêng ngay lập tức.

Diet break: Khái niệm, ý nghĩa và những trường hợp cần áp dụng 4
Căng thẳng thần kinh cũng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn cần phải nghỉ ăn kiêng trong vài tuần

Những điểm cần lưu ý khi thực hiện diet break

Khi tạm dừng ăn kiêng, để đảm bảo quá trình này không ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu giảm cân thì bạn cần chú ý đến những điều sau:

  • Thời gian dừng ăn kiêng nên duy trì trong khoảng 2 tuần, tối thiểu là 1 tuần. Nếu bạn thực hiện với thời gian quá ngắn thì các hormone chưa kịp phục hồi, việc dừng ăn kiêng sẽ trở nên vô tác dụng. Nếu bạn nghỉ ngơi quá lâu thì cơ thể có thể gia tăng cân trọng trở lại như thời điểm chưa thực hiện ăn kiêng.
  • Tuần suất thực hiện phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Nếu cơ thể có chỉ số khối lượng cơ thể (IBM) ở mức thấp thì bạn nên lặp lại với tần suất thường xuyên. Nếu IBM cao thì nên nới rộng khoảng cách giữa các lần nghỉ ăn kiêng.
  • Trong thời gian nghỉ “xả hơi”, bạn có thể ăn mọi thứ mình thích nhưng nên hướng tới chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng để không gây áp lực cho lần nhịn ăn tiếp theo.
  • Việc thực hiện không nên tùy tiện mà cần có sự tư vấn, định hướng của các chuyên gia.

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về diet break - phương pháp tạm dừng ăn kiêng có chủ đích. Sau cùng, chúc bạn áp dụng thành công cách làm này để việc giảm cân, điều chỉnh vóc dáng diễn ra đúng hướng và mang lại hiệu quả cao. Trân trọng!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.