Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Căng thẳng thần kinh là gì? Cách cải thiện như thế nào?

Ngày 11/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Công việc và cuộc sống đã tạo nên nhiều áp lực khiến nhiều người gặp phải tình trạng căng thẳng thần kinh. Tình trạng này hiện đang rất phổ biến, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Căng thẳng, áp lực từ cuộc sống đã khiến các bệnh về tâm lý ngày càng gia tăng, trong đó có tình trạng căng thẳng thần kinh. Đây là tình trạng rối loạn thần kinh, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh là tình trạng cơ thể phản ứng khi đối mặt với những áp lực hoặc cố gắng thích nghi với các thay đổi từ môi trường. Cụ thể, cơ thể sẽ tự động sản sinh một loại hormone giữ vai trò cung cấp năng lượng làm tăng nhịp tim và nhịp thở cũng nhanh hơn.

Thật ra trạng thái căng thẳng có thể có lợi cho việc tập trung, giúp giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Con người trong lúc căng thẳng mới nhận thức và suy nghĩ, tìm tòi ra những điều mới mẻ. 

Tuy nhiên, căng thẳng thần kinh trong thời gian dài có thể làm hệ miễn dịch suy yếu, gây đau đầu, mất ngủ, ảnh hưởng đến việc điều trị của các bệnh lý khác.

Căng thẳng thần kinh là gì? Cách cải thiện như thế nào? 1
Căng thẳng thần kinh là sự phản ứng của cơ thể khi đối mặt với những áp lực

Những chuyện đau buồn, lo lắng, cú sốc, thất bại, điều kiện sống bất lợi.. có thể dẫn tới căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, còn có những căng thẳng do chính bản thân gây ra như có cái nhìn quá tiêu cực vào bản thân, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê...

Hậu quả của căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Cụ thể:

Hậu quả về sức khỏe thể chất

Khi bạn bị căng dây thần kinh não thì sức khỏe thể chất cũng bị ảnh hưởng. Hậu quả của tình trạng căng thẳng đối với sức khỏe thể chất gồm:

  • Gây bệnh tim: Căng thẳng thần kinh có liên quan trực tiếp tới tình trạng tăng nhịp tim và lưu lượng máu, giải phóng chất béo triglyceride và cholesterol vào máu, gây béo phì hoặc kích thích người bệnh hút thuốc lá nhiều hơn, gây nhiều vấn đề nghiêm trọng ở tim, bao gồm cơn đau tim.
  • Tiểu đường: Căng thẳng thần kinh có thể khiến bệnh tiểu đường tiến triển nặng hơn do căng thẳng khiến người bệnh ăn uống không lành mạnh và mất kiểm soát, đồng thời có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu ở người bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Hen suyễn: Bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn khi bị căng thẳng thần kinh. Bố mẹ bị căng thẳng mãn tính sẽ làm tăng nguy cơ phát triển hen suyễn ở con cái.
  • Béo phì: Căng thẳng khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol hơn bình thường, gây tích trữ mỡ thừa ở vùng bụng, dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.
  • Đau đầu: Căng thẳng thần kinh gây đau đầu có thể đau đầu liên tục, đau nửa đầu.
  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Tình trạng căng thẳng khiến tình trạng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Đây cũng là yếu tố phổ biến gây hội chứng ruột kích thích và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Lão hóa sớm: Căng thẳng thần kinh có thể làm tăng nhanh tốc độ lão hóa thêm 9 - 17 năm so với bình thường.
  • Các bệnh lý khác: Bệnh tâm thần, bệnh tình dục, bệnh phụ khoa, bệnh cơ khớp, mệt mỏi toàn thân, mắc bệnh truyền nhiễm, dễ bị dị ứng...
  • Làm giảm tuổi thọ: Những người bị căng thẳng khi thường xuyên chăm sóc người bệnh sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với người ở cùng độ tuổi nhưng không chăm sóc ai.
Căng thẳng thần kinh là gì? Cách cải thiện như thế nào? 2
Căng thẳng thần kinh gây đau đầu, đau nửa đầu

Hậu quả về sức khỏe tinh thần

Bên cạnh những tổn hại về mặt thể chất, tình trạng căng thẳng thần kinh có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần như:

  • Rối loạn tâm thần: Căng thẳng mạn tính có liên quan tới tình trạng lo âu và trầm cảm cùng các triệu chứng nhạy cảm, sợ hãi, hoảng loạn vô cớ...
  • Run rẩy, mất ngủ: Bộ não sẽ tiết ra nhiều loại hormone khi bị áp lực hoặc căng thẳng, khiến chúng ta khó ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể cản trở quá trình sửa chữa và phục hồi các tổn thương trong cơ thể, dẫn tới hiện tượng tụt canxi, co quắp, run rẩy...
  • Bệnh Alzheimer: Căng thẳng thần kinh có thể làm trầm trọng hơn bệnh Alzheimer. Đối mặt với áp lực, căng thẳng quá thường xuyên khiến người bệnh có thể bị suy giảm miễn dịch, co rút não, mất trí nhớ... Việc giảm thiểu căng thẳng có thể làm bệnh Alzheimer chậm tiến triển.

Các loại thuốc trị căng thẳng thần kinh 

Người bệnh sử dụng thuốc điều trị cần tuân thủ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là các thuốc thường được sử dụng khi bị căng thẳng thần kinh:

Thuốc an thần

Thuốc an thần giúp điều hòa và làm dịu thần kinh. Để làm giảm triệu chứng căng thẳng thần kinh, người bệnh có thể dùng các thuốc an thần sau:

  • Nhóm thuốc Benzodiazepin bao gồm: Alprazolam (Xanax), Diazepam (Valium), Lorazepam (Ativan), clonazepam (Klonopin), Temazepam (Restoril), Triazolam (Halcion) và Chlordiazepoxide (Librium). 
  • Nhóm thuốc Barbiturat. 
  • Thuốc khác: Thuốc ngủ gồm Glutethimide, Methyprylon và Ethchlorvynol, thuốc kháng Histamin để giảm dị ứng như Atarax hoặc Vistaril.
Căng thẳng thần kinh là gì? Cách cải thiện như thế nào? 3
Việc sử dụng thuốc điều trị cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ

Thuốc chống trầm cảm

Đây là nhóm thuốc trị căng thẳng thần kinh dành cho bệnh nhân có các triệu chứng stress, phổ biến là nhóm thuốc SSRIs (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin), gồm Paxil, Prozac và Lexapro.

Thuốc chẹn beta

Đây là nhóm thuốc để kiểm soát cao huyết áp và điều trị bệnh về tim mạch, phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng căng thẳng, lo âu như Inderal (Propranolol) và Tenormin (Atenolol).

Thuốc giảm đau

Khi bạn gặp tình trạng đau căng đầu cùng với căng thẳng thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định dùng các thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Naproxen, Ibuprofen hoặc Aspirin. Để ngăn chặn các cơn đau đầu tái phát, bệnh nhân có thể dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptyline.

Vitamin và khoáng chất

Bổ sung đầy đủ một số loại vitamin có tác dụng cải thiện tình trạng stress. Người bệnh có thể dùng các thực phẩm giàu vitamin nhóm B, vitamin C, D, E, sắt, mangan, kẽm, photpho, kali, selen, protein, Omega-3, chất béo... Nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về các chất này cho cơ thể, bạn có thể sử dụng các loại thuốc bổ sung.

Cải thiện căng thẳng thần kinh hiệu quả

Những thói quen lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh. Bạn cần lưu ý những thói quen sau:

  • Ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày, tập thói quen ngủ vào một khung giờ nhất định, ngủ trưa chỉ trong khoảng 15 - 30 phút.
  • Sắp xếp công việc hợp lý.
  • Trước khi ngủ, hạn chế dùng các thiết bị điện tử.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.
  • Thư giãn, giải tỏa stress trước khi đi ngủ như đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền...
  • Không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái giúp ngủ tốt hơn.
  • Chế độ dinh dưỡng khoa học.
Căng thẳng thần kinh là gì? Cách cải thiện như thế nào? 4
Ngủ đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày giúp cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh

Để cải thiện sức khỏe tinh thần, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Thường xuyên ăn các loại trái cây chứa nhiều vitamin như dâu, cam, quýt...
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ ăn khó tiêu hóa... 
  • Dùng các loại trà giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ như trà gừng, trà mật ong, trà tâm sen.

Tóm lại, người bị căng thẳng thần kinh não nên gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định được nguyên nhân gây bệnh, từ đó tìm ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp cải thiện bệnh hiệu quả, hạn chế các tác hại không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm