Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị thận đa nang tự phát như thế nào?

Ngày 07/04/2024
Kích thước chữ

Thận đa nang tự phát xảy ra khi các nang trong thận chứa dịch lỏng phát triển. Các phương pháp điều trị không thể chữa trị hoàn toàn, nhưng có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh.

Bệnh thận đa nang tự phát là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến việc hình thành nang thận dẫn đến sự tăng kích thước dần dần của cả hai thận, có thể đi kèm với sự tiến triển đến suy thận. Hầu hết các trường hợp đều xuất phát từ đột biến gen di truyền trong gia đình. Điều trị thường tập trung vào giảm nhẹ các triệu chứng trước khi tiến triển đến suy thận và có thể bao gồm việc sử dụng các loại thuốc. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, lọc máu hoặc ghép thận có thể là cần thiết.

Sử dụng thuốc Tolvaptan trong điều trị thận đa nang tự phát

Tolvaptan, một chất đối kháng thụ thể vasopressin V2 chọn lọc, làm chậm sự tăng thể tích thận (một dấu hiệu thay thế cho sự tiến triển của bệnh), làm chậm sự suy giảm chức năng thận và giảm đau ở bệnh nhân ADPKD có chức năng thận tương đối được bảo tồn. Tuy nhiên, tác dụng phụ phụ thuộc vào liều bao gồm tăng nhanh nồng độ natri huyết thanh và tổn thương gan, đồng thời giá thành đắt cũng đã hạn chế việc sử dụng Tolvaptan lâu dài. Trong quá trình sử dụng thuốc, chức năng gan của bạn sẽ được theo dõi thông qua các xét nghiệm máu. Ban đầu, bạn cần thực hiện các xét nghiệm thường xuyên, sau đó sẽ thực hiện mỗi 3 tháng một lần.

Điều trị tăng huyết áp ở bệnh thận đa nang tự phát

Huyết áp cao thường là một triệu chứng phổ biến xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh thận đa nang tự phát. Tình trạng này có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và làm cho các khối u nang trong thận phát triển nhanh hơn. Do đó, điều trị huyết áp sớm là rất quan trọng cho người mắc thận đa nang tự phát.

Thuốc ức chế men chuyển enzyme chuyển hóa Angiotensin (ACE) và thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB) là hai loại thuốc điều trị huyết áp được sử dụng rộng rãi cho người bị thận đa nang tự phát.

Ngoài ra người bệnh có thể thay đổi một số lối sống để giúp giảm huyết áp, chẳng hạn như cắt giảm lượng muối ăn vào dưới 6g mỗi ngày (6g muối tương đương khoảng 1 thìa cà phê), hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa caffeine, thường xuyên tập các bài tập thể dục, bỏ ngay thói quen hút thuốc lá.

Điều trị thận đa nang tự phát như thế nào? 1
Thuốc điều trị tăng huyết áp trong bệnh thận đa nang tự phát chủ yếu là ACE và ARB

Sử dụng thuốc giảm đau

Các triệu chứng phổ biến nhất ở người mắc bệnh thận đa nang tự phát thường bao gồm đau đớn và huyết áp cao. Tùy thuộc vào nguyên nhân và vị trí của cơn đau, các loại thuốc sau có thể được sử dụng:

  • Acetaminophen: Thuốc này thường được sử dụng để giảm đau ngắn hạn và được coi là lựa chọn đầu tiên.
  • Nếu cơn đau trở nên dữ dỗi và không hiệu quả khi dùng Acetaminophen, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như Tramadol hoặc Oxycodone.
  • Thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống co giật, thường được sử dụng để điều trị bệnh động kinh, tuy nhiên nó có thể được chỉ định để điều trị cơn đau kéo dài (mãn tính). Những loại thuốc này cũng có thể được sử dụng để giảm đau kéo dài trong bệnh thận đa nang tự phát.
  • Trong trường hợp có các u nang lớn, người bệnh có thể được dẫn lưu để giúp giảm đau do áp lực tăng lên.

Những người mắc các bệnh lý về thận nên tránh sử dụng các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) như Ibuprofen và Naproxen, vì chúng có thể gây tổn thương thận và làm giảm tác dụng của thuốc điều trị huyết áp. Tuy nhiên một đợt dùng NSAID ngắn hạn đôi khi có thể an toàn ở những người có huyết áp được kiểm soát tốt và chức năng thận tương đối bình thường.

Điều trị sỏi thận ở người mắc bệnh thận đa nang tự phát

Khoảng 25% người mắc thận đa nang tự phát (ADPKD) cũng gặp vấn đề về sỏi thận. Một số người có sỏi thận không có triệu chứng, trong khi những người khác có thể gặp đau đớn nghiêm trọng. Để ngăn ngừa tổn thương thận lâu dài, sỏi cần được loại bỏ khỏi cơ thể.

Điều trị thận đa nang tự phát như thế nào? 2
Bệnh thận đa nang tự phát có thể tăng nguy cơ mắc sỏi thận hơn

Những viên sỏi thận nhỏ nó có thể được đào thải ra khỏi cơ thể khi người bệnh đi tiểu. Trong trường hợp xuất hiện các cơn đau do sỏi thận có thể dùng thuốc giảm đau mạnh để giảm cảm giác đau.

Người bệnh nên uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu, giúp đẩy sỏi vào bàng quang dễ dàng từ đó loại bỏ sỏi nhanh hơn. Nếu sỏi thận quá lớn để có thể thải ra ngoài một cách tự nhiên, người bệnh có thể được chỉ định một số thủ thuật để loại bỏ nó.

Các phương pháp lựa chọn điều trị có thể được chỉ định bao gồm:

  • Sử dụng sóng năng lượng để phá vỡ đá thành những mảnh nhỏ hơn (tán sỏi bằng sóng xung kích ngoại bào hoặc ESWL).
  • Đưa một dụng cụ ống soi niệu quản lên niệu đạo của người bệnh để loại bỏ hoặc phá vỡ sỏi. 

Thuốc kháng sinh trong nhiễm trùng tiết niệu

Bệnh thận đa nang tự phát (ADPKD) thường đi kèm với một số bệnh nhiễm trùng tiết niệu phổ biến.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường có thể được điều trị bằng liệu trình dùng thuốc kháng sinh kéo dài 7 đến 14 ngày.

Trong quá trình nhiễm trùng, người bệnh nên uống nhiều nước và có thể sử dụng Paracetamol để giảm đau và hạ nhiệt độ.

Khi có bất kì các triệu chứng của UTI như tiết đau, sốt, đau thắt lưng... thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị vì nó có thể lan đến các u nang trong thận nếu không được điều trị kịp thời.

Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng ở nang thận khó chữa hơn vì thuốc kháng sinh khó xâm nhập vào chúng.

Nếu tình trạng nhiễm trùng vẫn tiếp diễn mặc dù đã điều trị bằng kháng sinh, các u nang bị nhiễm trùng có thể cần phải được dẫn lưu trong quá trình phẫu thuật hoặc dùng kim đâm qua da. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng tiểu nặng, dai dẳng hoặc thường xuyên tái phát, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc cả hai quả thận, trầm trọng hơn có thể chỉ định lọc máu hoặc ghép thận.

Phẫu thuật trong điều trị thận đa nang tự phát

Khi thuốc không có hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau hoặc khi bệnh đã phát triển nặng, bạn và bác sĩ có thể trao đổi về các phương pháp phẫu thuật. Các lựa chọn có thể bao gồm:

  • Chọc hút nang: Đây là phương pháp ít xâm lấn nhất, trong đó sử dụng kim để dẫn lưu nang. Tuy nhiên, phương pháp này không giảm đau lâu dài cho tất cả người mắc ADPKD. Khoảng 1/3 số người thực hiện chọc hút nang không cảm nhận đau trong vòng 18 tháng.
  • Mở thông nang: Phương pháp này cũng nhằm dẫn lưu nang thận và thường giúp giảm đau kéo dài hơn so với chọc hút nang. Tuy nhiên, cũng không phải là giải pháp giảm đau lâu dài.
  • Cắt bỏ thận: Trong các trường hợp thận đa nang tự phát chuyển sang giai đoạn nặng, phẫu thuật cắt bỏ thận có thể được xem xét.
  • Ghép thận: Đây là lựa chọn khi thận bị suy. Quá trình này bao gồm cắt bỏ và ghép thận mới. Để được chấp thuận, bạn cần được đánh giá bởi đội ngũ y tế tại một trung tâm cấy ghép. Nếu được chấp thuận, bạn sẽ được thêm vào danh sách chờ ghép tạng quốc gia.
Điều trị thận đa nang tự phát như thế nào? 3
Các phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định khi các phương nội khoa không có hiệu quả

Lọc máu trong điều trị thận đa nang tự phát

Người bệnh thận đa nang tự phát sẽ được xét nghiệm máu vào những khoảng thời gian khác nhau để theo dõi chức năng thận. Lọc máu là một phương pháp điều trị cho bệnh suy thận, nó được xem như máy tái tạo một số chức năng của thận. Trong quá trình này, bạn sẽ được kết nối với một máy để lọc các chất thải ra khỏi máu. Khi bắt đầu điều trị lọc máu, bạn sẽ cần tiếp tục thực hiện quy trình này trong suốt cuộc đời, trừ khi bạn được ghép thận. Lọc máu được xem là phương pháp điều trị hỗ trợ giúp kiểm soát các triệu chứng, đỡ mệt mỏi hơn so với các phương pháp khác.

Điều trị thận đa nang tự phát như thế nào? 5
Lọc máu là phương pháp được xem xét chỉ định ở bệnh nhân suy thận

Khi bạn phát hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến thận hoặc tiết niệu, hãy nhanh chóng đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trên đây là những phương pháp điều trị trong bệnh thận đa nang tự phát mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp bạn có thể chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.