Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Y học cổ truyền

Đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng thuộc đường kinh bàng quang

Ngày 11/07/2024
Kích thước chữ

Đường kinh bàng quang chắc hẳn vẫn đang là thuật ngữ khá xa lạ với không ít các độc giả. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về thuật ngữ này, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về đường kinh bàng quang và một số huyệt thường dùng nằm trên đường kinh bàng quang.

Vậy đường kinh bàng quang là gì? Đâu là các huyệt thường dùng nằm trên đường kinh bàng quang? Nếu bạn đang muốn hiểu rõ hơn về đường kinh bàng quang thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Đường kinh bàng quang là gì?

Đường kinh bàng quang là một trong số 12 đường kinh chính trong hệ thống kinh lạc. Đường kinh này đi từ đầu đến chân, thuộc bàng quang, đường lạc sang thận và còn có thêm quan hệ trực tiếp với não và tim.

Về cấu trúc, đường kinh bàng quang bao gồm 134 huyệt chia thành 2 bên mỗi bên 67 huyệt.

Về chức năng, đường kinh bàng quang điều khiển quá trình khí hoá, bài tiết mồ hôi và nước tiểu dưới sự hỗ trợ của kinh khí phổi, kinh khí bàng quang phân tán khắp cơ thể. Chính vì thế, kinh khí này có tác dụng bảo vệ và ngăn chặn khí độc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Về chủ trị, kinh bàng quang chủ trị chứng đau đầu, đau lưng, đau mỏi cột sống, đau chân, đau đùi, co rút bắp chân, sốt rét, đau mắt, ra gió chảy nước mắt, tiểu tiện không thông, đái dầm và những căn bệnh ở những vị trí đường kinh này đi qua ở chi dưới.

Đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng thuộc đường kinh bàng quang 1
Đường kinh bàng quang là gì

Hướng đi của đường kinh bàng quang

Đường kinh bàng quang tuần hành bắt đầu từ huyệt Tinh minh ở khoé mắt trong lên thẳng trước trán, vòng qua đầu, xuống phía sau cổ, đến lưng, chia thành 2 nhánh bao gồm:

  • Nhánh thứ nhất: Đi dọc theo cạnh trong bắp thịt bả vai dựa theo gần sát cột sống, cách đều cột sống là 1.5 thốn đi thẳng xuống đến thắt lưng, theo cạnh cột sống thắt lưng liên lạc vào tạng thận và vào bàng quang. Từ lưng bụng đi ven theo cột sống 1,5 thốn qua mông, tiến xuống lõm khoeo sau đầu gối.
  • Nhánh thứ 2: Bắt đầu từ phía sau gáy ven theo cột sống cách đều 3 thốn đi xuống qua mông, ven theo phía sau cạnh ngoài đùi, đi thẳng xuống giao hội với nhánh thứ nhất trong hố lõm khoeo sau đó lại dọc theo mặt sau của chân, qua phía sau mắt cá ngoài chân, đến chỗ lồi xương bàn số 5, đến mé ngoài của bàn chân và kết thúc tại huyệt chí âm, gần góc ngoài móng chân út.

Các huyệt thường dùng trên đường kinh bàng quang

Như đã trình bày phía trên, đường kinh bàng quang bao gồm 134 huyệt. Trong khuôn khổ của bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí một số huyệt thường dùng trên đường kinh bàng quang và cách trị liệu tương ứng.

Huyệt Tinh minh

Huyệt Tinh minh được xác định nằm ở vị trí cách khoé mắt dịch lên một phân. Huyệt này chủ trị các bệnh lý về mắt chẳng hạn như đau mắt đỏ, ngứa mắt, mắt có màng ở mộng, mờ mắt, quáng gà, teo thần kinh thị…

Đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng thuộc đường kinh bàng quang 2
Vị trí huyệt Tinh minh

Kỹ thuật trị liệu: Sử dụng ngón cái và ngón trỏ day và ấn huyệt hai bên cùng lúc. Thực hiện trong vòng 2 - 5 phút. Thường xuyên day và ấn huyệt Tinh minh sẽ giúp cải thiện tình trạng mỏi mắt, khô mắt, giúp mắt sáng.

Huyệt Phế du

Vị trí huyệt Phế du được xác định như sau: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương thứ 3, ngang ra 1.5 thốn. Lấy điểm gặp nhau của đường ngang qua mỏm gai đốt sống lưng thứ 3 và đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 1.5 thốn.

Huyệt Phế du là nơi dẫn khí của kinh mạch phổi, có chức năng điều hoà và bổ sung khí phổi, chuyên trị các chứng nóng lạnh của Phế kinh như cảm cúm, ho, sốt, trúng gió, hen suyễn.

Kỹ thuật trị liệu: Tác động lên huyệt bằng cách day, bấm, cạo gió, nhổ véo hoặc chích nặn máu…

Đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng thuộc đường kinh bàng quang 3
Huyệt Phế du là một trong 67 huyệt trên đường kinh bàng quang

Huyệt Tâm du

Về vị trí, huyệt Tâm du được xác định như sau: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 5 ngang ra 1.5 thốn. Lấy điểm gặp nhau của đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 1.5 thốn và đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng 5.

Huyệt Tâm du có chức năng thúc đẩy khí huyết, trấn tĩnh an thần, chuyên trị các vấn đề về tim mạch như hồi hộp, sợ hãi, thở gấp, đau thắt cơ tim. Ngoài ra, huyệt còn giúp điều trị chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ.

Kỹ thuật trị liệu: Tác động bằng cách sử dụng ngón cái day tròn huyệt Tâm du, mỗi lần thực hiện từ 2 - 5 phút, tác động đồng thời cả 2 bên 1 lúc.

Huyệt Can du

Huyệt Can du được xác định như sau: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 9 ngang ra 1.5 thốn. Huyệt là điểm giao giữa đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng 9 và đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 1.5 thốn.

Huyệt Can du có tác dụng giải trừ can hoả, bồi dưỡng can âm, chủ trị các bệnh về mắt như quáng gà, xuất huyết võng mạc, sưng đau mắt… Do can chứa máu nên huyệt Can du còn trị được các chứng bệnh liên quan đến máu và an thần.

Kỹ thuật trị liệu: Dùng tay day ấn huyệt trong vòng 2 - 5 phút mỗi lần, thực hiện đồng thời cả 2 bên cùng một lúc.

Huyệt Tỳ du

Huyệt Tỳ du được xác định: Từ huyệt Tích trung dưới mỏm đốt sống ngực thứ 11 ngang ra 1.5 thốn. Huyệt là điểm giao nhau giữa đường thẳng đứng ngoài mạch đốc 1.5 thốn và đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng 11.

Huyệt Tỳ du có tác dụng hỗ trợ tăng cường tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng từ đó trị được chứng biếng ăn, phù thũng, chướng bụng, tiêu chảy…

Kỹ thuật trị liệu: Dùng ngón cái day tròn huyệt Tỳ du trong vòng 2 - 5 phút mỗi lần. Ngày thực hiện từ 1 - 2 lần.

Huyệt Vị du

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới mỏm đốt sống ngực thứ 12 ngang ra 1.5 thốn. Huyệt là điểm giao giữa đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 1.5 thốn và đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng thứ 12.

Huyệt Vị du chủ trị các chứng bệnh đau dạ dày, sa dạ dày, tiêu hoá kém, đầy bụng, lạnh bụng đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển hóa thức ăn.

Kỹ thuật trị liệu: Day tròn huyệt Vị du bằng ngón cái từ 2 - 5 phút/lần, ngày thực hiện từ 1 - 2 lần. Bạn có thể sử dụng gốc bàn tay chà xát 2 huyệt Tỳ du và Vị du cùng một lúc để nâng cao hiệu quả. Mỗi lần thực hiện từ 50 - 100 cái.

Huyệt Thận du

Huyệt Thận du được xác định như sau: Ở 2 bên xương sống, dưới đốt sống thứ 14 ngang ra 1.5 thốn. Huyệt là điểm giao của đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 và đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 1.5 thốn.

Huyệt có chức năng dẫn khí thận, chủ trị các bệnh về sinh sản, tiết niệu đồng thời bồi bổ khí thận và tăng cường sức khỏe.

Kỹ thuật trị liệu: Chà xát huyệt Thận du hai bên bằng lòng bàn tay, chà nhiều lần cho đến khi vùng huyệt trở nên nóng, mỗi lần thực hiện khoảng 50 - 100 cái. Ngoài ra, dùng tay day ấn vùng huyệt Thận du cũng mang lại hiệu quả.

Đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng thuộc đường kinh bàng quang 4
Vị trí của huyệt Thận du

Huyệt Đại trường du

Huyệt Đại trường du được xác định từ huyệt Yêu dương quan dưới mỏm đốt sống lưng thứ 4 ngang ra 1.5 thốn. Huyệt Đại trường du có tác dụng chủ trị các chứng đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, đau lưng, đi lại khó khăn…

Kỹ thuật trị liệu: Dùng phương pháp cứu huyệt 2 - 5 phút hoặc lâu hơn mỗi lần. Ngoài ra, hàng ngày bạn có thể tự chà xát hoặc day bấm lên huyệt, chườm nóng huyệt đều sẽ rất tốt trong việc bài trừ phong thấp, cải thiện tình trạng đau mỏi lưng, hỗ trợ bài tiết chất thải theo đường đại tiện.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh đường kinh bàng quang và các huyệt thường dùng trên đường kinh bàng quang mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Mong rằng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về thuật ngữ đường kinh bàng quang. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong suốt thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin