Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giải đáp thắc mắc: Co thắt phế quản là gì và co thắt phế quản có nguy hiểm không?

Ngày 12/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Co thắt phế quản tác động trực tiếp đến hoạt động trao đổi khí ở phổi khiến việc hô hấp của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi nhắc đến co thắt phế quản, nhiều người không khỏi lo lắng, co thắt phế quản có nguy hiểm không? Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có được câu trả lời cụ thể và chính xác bạn nhé.

Co thắt phế quản là gì và có nguy hiểm không đang là vấn đề được rất nhiều độc giả quan tâm. Trên thực tế, co thắt phế quản gây ra cho người bệnh không ít những triệu chứng khó chịu. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh giảm thiểu được những phiền toái cũng như những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.

Co thắt phế quản là gì?

Co thắt phế quản là tình trạng các cơ trơn của thành phế quản trong phổi bị co thắt. Khi các cơ tiểu phế quản co quá mức sẽ khiến cho đường thở bị thu hẹp lại gây cản trở không khí đi vào hoặc đi ra khỏi phổi đồng thời tăng sản xuất chất nhầy ở phế quản.

Khi bị co thắt phế quản, triệu chứng đầu tiên người bệnh có thể thấy đó là đau tức ngực và khó thở do đường thở bị thu hẹp. Ngoài ra, một số triệu chứng co thắt phế quản khác mà người bệnh có thể gặp phải như:

  • Thở khò khè;
  • Đau thắt ngực;
  • Ho nhiều;
  • Cơ thể mệt mỏi.

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà phế quản có thể tiết dịch nhầy nhiều hơn và các cơn ho của người bệnh cũng vì thế mà trở nên trầm trọng.

Co thắt phế quản có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến:

  • Các bệnh về phổi như: Viêm phế quản, Viêm đường hô hấp, hen suyễn, viêm phế quản co thắt, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh khí phế thũng…
  • Nhiễm trùng phổi gây ra bởi các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, nấm.
  • Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói, bụi, phấn khoa, lông thú…
  • Thường xuyên hút thuốc lá.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Phenylephrine, Oxymetazoline, thuốc chẹn beta không chọn lọc…
  • Thay đổi thời tiết.
Giải đáp thắc mắc: Co thắt phế quản là gì và co thắt phế quản có nguy hiểm không? 1
Khó thở là một trong những dấu hiệu của hội chứng co thắt phế quản

Co thắt phế quản có nguy hiểm không?

Như các bạn đã biết, co thắt phế quản tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp cũng như hiệu quả trao đổi khí tại phổi. Theo thời gian, tình trạng co thắt phế quản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực cũng như sức khỏe toàn thân của người bệnh.

Theo sinh lý, các cơ quan quan trọng của cơ thể chỉ hoạt động thốt khi mức độ cung cấp oxy tốt. Đối với người mắc bệnh co thắt phế quản thì lại có sự hạn chế lượng không khí giàu oxy khi người bệnh hít vào bởi đường thở lúc này đang bị thu hẹp. Điều này khiến lượng oxy hít vào bị thiếu hụt và các cơ quan khác của cơ thể có thể sẽ ít nhiều bị tổn thương.

Trong trường hợp tình trạng co thắt phế quản của người bệnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì khả năng cao là do các bệnh lý gây ra và người bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị hiện tại. Lúc này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân đồng thời dưới sự hướng dẫn của bác sĩ tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Giải đáp thắc mắc: Co thắt phế quản là gì và co thắt phế quản có nguy hiểm không? 2
Co thắt phế quản có nguy hiểm không?

Phương pháp chẩn đoán và điều trị co thắt phế quản

Việc chẩn đoán co thắt phế quản sớm và điều trị kịp thời có thể giúp cho người bệnh cải thiện được các triệu chứng khó chịu đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra nhanh chóng.

Chẩn đoán co thắt phế quản

Để chẩn đoán bệnh chính xác, khi đi thăm khám, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ thông tin về triệu chứng của bệnh cũng như tiền sử bệnh đã mắc trước đó như hen suyễn, dị ứng…

Cùng với các triệu chứng co thắt phế quản trên lâm sàng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để có thể khẳng định chẩn đoán có phải người bệnh bị co thắt phế quản hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh hiện tại. Một số xét nghiệm thường được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán hội chứng co thắt phế quản bao gồm:

  • Kiểm tra đo khí dung, thể tích phổi và độ khuếch tán phổi: Người bệnh hít vào và thở ra liên tục với lực tối đa và lực vừa phải thông qua một ống kết nối với máy tính.
  • Xét nghiệm đo oxy trong máu: Sử dụng một thiết bị chuyên dụng để đo lượng oxy trong máu gắn vào ngón tay hoặc tai của người bệnh.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch: Xét nghiệm này giúp xác định mức độ oxy và carbon hiện có trong máu.
  • Chụp X - quang ngực: Chụp ảnh phổi nhằm phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phổi…
  • Chụp CT - scanner: Chụp ảnh phổi cắt lát nhằm tìm ra các vấn đề bất thường như cục máu đông. Để thu được hình ảnh rõ hơn, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhuộm trước khi thực hiện thử nghiệm này. Đối với trường hợp người bệnh có phản ứng dị ứng với thuốc phản quang thì lúc này cần thông báo với bác sĩ điều trị.
  • Đo chức năng thông khí của phổi: Nhằm đánh giá chức năng của phổi như dung tích sống (FVC), dung tích khí cặn,... đồng thời đo sức mạnh của hơi thở khi người bệnh thở ra.
Giải đáp thắc mắc: Co thắt phế quản là gì và co thắt phế quản có nguy hiểm không? 3
Chụp X-quang phổi là phương pháp giúp hỗ trợ chẩn đoán co thắt phế quản

Điều trị co thắt phế quản

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, tiền sử bệnh cũng như kết quả một số triệu chứng cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cũng như tìm ra nguyên nhân gây co thắt phế quản. Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, việc chẩn đoán bệnh chính xác là vô cùng quan trọng.

Bệnh co thắt phế quản có thể được điều trị thành công bằng cách kết hợp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Một số phương pháp điều trị co thắt phế quản bao gồm:

Sử dụng thuốc

Khi điều trị co thắt phế quản, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc giãn phế quản như thuốc chủ vận beta-2, thuốc kháng cholinergic… có tác dụng mở rộng đường thở, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn đồng thời ngăn ngừa các đợt co thắt phế quản trong tương lai. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định dùng thuốc steroid dạng hít để giảm sưng tấy đường thở đồng thời làm dịu quá trình thở của người bệnh.

Giải đáp thắc mắc: Co thắt phế quản là gì và co thắt phế quản có nguy hiểm không? 4
Thuốc giãn phế quản có thể được chỉ định trong điều trị co thắt phế quản

Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học bằng cách: Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế tối đa việc thở bằng miệng, không ngủ ở tư thế nằm ngửa… Ngoài ra, kỹ thuật Buteyko cũng là một trong những chương trình lối sống tốt nhất hiện nay mà người bệnh có thể tham khảo và áp dụng.

Thường xuyên tập thể dục kết hợp với các bài tập thở

Điều trị co thắt phế quản còn bao gồm các bài tập thể dục kết hợp với bài tập thở bằng mũi nhằm luyện tập lại nhịp thở đồng thời tăng dần lượng oxy dự trữ trong cơ thể. Khi tập thể dục, người bệnh hít thở bằng mũi sẽ giúp ngăn chặn hội chứng co thắt phế quản do tập thể dục và hen suyễn.

Ngoài ra, các triệu chứng co thắt phế quản cũng có thể được cải thiện thông qua việc người bệnh thực hiện các bài tập thở có liên quan đến thiết bị thở nhằm tăng nồng độ oxy trong máu từ đó giảm co thắt phế quản.

Có thể thấy rằng, bệnh co thắt phế quản sẽ được cải thiện nếu người bệnh được điều trị sớm theo đúng nguyên nhân đồng thời kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, nếu chủ quan, những cơn co thắt phế quản có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng. Do vậy, khi thấy các triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm nếu cần thiết bạn nhé.

Xem thêm: Co thắt phế quản dùng thuốc gì? Có điều trị dứt điểm được không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm