Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm phế quản co thắt: Nguyên nhân, nguyên tắc điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phế quản co thắt hay thường được gọi là viêm phế quản thể hen, là tình trạng lòng phế quản thu hẹp tạm thời do co thắt các cơ phế quản bị viêm, gây phù nề, tăng bài tiết chất nhầy dẫn đến cản trở luồng không khí lưu thông trong phổi. Triệu chứng và phương pháp điều trị viêm phế quản co thắt nhìn chung là khá giống với hen suyễn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phế quản co thắt là gì? 

Viêm phế quản co thắt hay còn gọi là viêm phế quản thể hen là tình trạng đường dẫn khí đi sâu vào phổi bị thu nhỏ dần do viêm nhiễm. Căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phế quản co thắt

Ho (ho khan hay ho đờm, có cơn hay ho từng tiếng...): Đây là triệu chứng không đặc hiệu, chỉ thể hiện có tình trạng viêm trên đường hô hấp (từ mũi họng đến phổi). Một số bác sĩ kinh nghiệm có thể phán đoán được khu vực bị viêm dựa vào tiếng ho. 

Sốt: Bệnh nhân có thể không sốt, sốt nhẹ hoặc cao, cơn sốt ngắt quãng hoặc kéo dài.

Sổ mũi, nghẹt mũi.

Tiết đờm (dịch tiết đường hô hấp): Đây là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu trắng, xanh hoặc vàng và không giúp phân biệt nguyên nhân gây viêm nhiễm này là do virus hay vi khuẩn.

Khò khè: Do phù nề thành phế quản, co thắt cơ trơn phế quản và tăng tiết dịch gây thu hẹp lòng phế quản... Triệu chứng khò khè này không hoặc đáp ứng kém với thuốc giãn phế dạng khí dung như salbutamol (khác với hen suyễn).

Các triệu chứng khác: Khó thở hoặc thở nhanh, ít gặp trong viêm phế quản thông thường. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm phế quản co thắt

Tình trạng viêm phế quản co thắt sẽ tiến triển nặng hơn sau khi xuất hiện các triệu chứng khoảng từ 2 - 3 ngày nếu không được điều trị kịp thời. 

Các biến chứng nguy hiểm có nguy cơ gặp phải do viêm phế quản co thắt như viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp, xẹp phổi...

Viêm phế quản co thắt không phải hen suyễn có thể biến chứng thành hen suyễn nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và dự phòng sớm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản co thắt

Tiền sử gia đình hoặc tiền sử bản thân mắc bệnh hen suyễn hoặc cơ địa mẫn cảm.

Các dị nguyên bên ngoài như khói bụi, lông động vật, khói thuốc lá, phấn hoa, nấm mốc...

Thay đổi nhiệt độ đột ngột nhất là ở thời điểm giao mùa.

Virus, vi khuẩn ký sinh ở vùng mũi họng như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, virus hợp bào đường hô hấp (RSV) phát triển khi bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng, dẫn đến làm tăng độc tính và khởi phát co thắt phế quản.

Một số nguyên nhân khác như: Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, aspirin hoặc NSAID...; rối loạn tiêu hóa; căng thẳng tâm lý; nhiễm phải chất độc hóa học...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phế quản co thắt?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc Viêm phế quản co thắt. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em thường cao hơn so với người lớn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phế quản co thắt

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm phế quản co thắt, bao gồm:

  • Bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm do bệnh lý khác.

  • Sinh hoạt và làm việc thường xuyên trong môi trường nhiều khói bụi, không khí bị ô nhiễm.

  • Thừa cân, béo phì.

  • Hút thuốc lá.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phế quản co thắt

Hô hấp ký: Đo chức năng phổi, đánh giá khả năng hoạt động của phổi bằng cách đo lượng không khí hít vào và thở ra bằng phế dung kế.

Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF): Đo lưu lượng khí tối đa có thể thở ra, để chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen suyễn của bệnh nhân.

Chụp X quang phổi: Để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng hoặc các bệnh lý khác ở phổi. 

Phương pháp điều trị viêm phế quản co thắt hiệu quả

Các phương pháp điều trị viêm phế quản co thắt về cơ bản giống như các phương pháp điều trị hen suyễn và viêm phế quản, bao gồm:

Thuốc giãn phế quản giúp làm giãn các cơ trơn phế quản, mở rộng đường thở để giảm co thắt, bao gồm:

Thuốc chủ vận thụ thể beta adrenergic

Dạng tác dụng ngắn (SABA): Salbutamol (albuterol), terbutaline… chủ yếu dùng để cắt cơn khó thở.

Dạng tác dụng kéo dài (LABA): Bambuterol, formoterol, indacaterol, salmeterol.

Thuốc kháng cholinergic 

Khởi phát nhanh nhưng thời gian tác dụng ngắn (SAMA) như oxitropium bromide và ipratropium bromide.

Khởi phát tác dụng chậm nhưng kéo dài (LAMA) là thuốc aclidinium bromide và tiotropium bromide.

Corticoid dạng hít

Giảm tình trạng viêm gây phù nề. Thường được chỉ định kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.

Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene

Cromolyn hoặc theophylline.

Dùng máy tạo độ ẩm hoặc hơi nước.

Nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn: Chỉ định kháng sinh phù hợp.

Sốt: Dùng paracetamol nếu bệnh nhân bị sốt trên 38,3°C. Bù nước và điện giải khi nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ mất nước.

Ho: Nếu cơn ho gây ảnh hưởng nhiều, có thể dùng thuốc giảm ho. Chỉ định acetylcystein để làm long đờm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phế quản co thắt

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, đọc sách hoặc làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát và ấm về mùa lạnh. Hạn chế nuôi thú cưng trong nhà.

  • Thường xuyên vệ sinh họng và mũi bằng nước muối sinh lý, mang khẩu trang khi đi ra đường, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Chế độ dinh dưỡng

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.

  • Có chế độ ăn phù hợp với mỗi cá nhân, hạn chế thực phẩm chua cay, chứa nhiều chất béo bão hoà, hoặc có khả năng gây dị ứng và giữ cân nặng ở mức hợp lý.

Phương pháp phòng ngừa viêm phế quản co thắt hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên đeo khẩu trang, che chắn mũi cẩn thận khi tiếp xúc với môi trường khói bụi hoặc khi đi ra đường.

  • Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng khí. Giặt chăn ga, gối đệm và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

  • Hạn chế tiếp xúc với thú cưng như chó, mèo,… nếu bị dị ứng với lông của chúng hoặc đang có vấn đề về đường hô hấp.

  • Không hút thuốc lá và tránh xa nơi có khói thuốc lá để hạn chế ảnh hưởng đến phổi.

  • Vệ sinh tay, chân bằng xà phòng diệt khuẩn để ngăn ngừa sự nhiễm trùng lây lan.

  • Tiêm vaccine ngừa cúm hằng năm. 

Nguồn tham khảo
  1. https://suckhoedoisong.vn/viem-phe-quan-co-that-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-169182975.htm
  2. https://www.webmd.com/asthma/asthmatic-bronchitis-symptoms-treatment
  3. https://laodong.vn/suc-khoe/viem-phe-quan-co-that-la-gi-cach-chua-tri-dung-dau-do-day-643765.ldo

Các bệnh liên quan